Hiện nay,
không ai có thể chối cãi chính quyền Việt Nam là một chế độ độc tài. Tuy nhiên,
theo tôi, nền độc tài ấy khá “mềm”.
Chữ “mềm” ở
đây tôi mượn từ bài “The New Dictators Rule by Velvet Fist” của Sergei Guriev
và Daniel Treismanmay. Trong bài viết, hai tác giả này nêu lên hai luận điểm
chính: Thứ nhất, trên thế giới hiện nay vẫn còn một số chế độ độc tài khát máu
như ở Syria và Bắc Triều Tiên nhưng số lượng các nền độc tài tàn bạo như vậy
càng lúc càng hiếm. Theo thống kê, vào năm 1982, 27% các quốc gia độc tài có
dính líu đến các vụ giết người hàng loạt; năm 2012, con số ấy chỉ còn 6%. Thứ
hai, hầu hết các nhà độc tài được chú ý lâu nay như Vladimir Putin ở Nga,
Alberto Fujimori ở Peru, Recep Tayyip Erdogan ở Turkey, Mahathir Mohamad ở
Malaysia, Hugo Chávez ở Venezuela, v.v… đều có bàn tay bọc nhung. Guriev và
Treismanmay gọi đó là những nhà độc tài mềm (soft dictators).
Trong bài
“Nhà nước khủng bố” trước đây, tôi nêu lên hiện tượng công an Việt Nam thường
xuyên sử dụng nhục hình trong các cuộc điều tra dẫn đến chết người như một hình
thức khủng bố nhằm làm tê liệt tinh thần phản kháng của dân chúng. Sự kiện ấy
có thật và rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu so với trước đây, với cảnh hàng chục
ngàn người bị giết chết trong các cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào giữa
thập niên 1950 cũng như hình thức trại cải tạo – nơi giam giữ hàng trăm ngàn
người sau năm 1975, những sự khủng bố trong các trại tạm giam và tạm giữ hiện
nay, tuy vẫn tàn bạo nhưng thành thực mà nói, thưa thớt và nhẹ nhàng hơn nhiều.
Biểu hiện và mức độ khác nhau, nhưng bản chất của chế độ thì vẫn là một: Độc
tài. Một thứ độc tài “mềm”.
Cả độc tài “cứng” lẫn độc tài “mềm” đều sử dụng
hai biện pháp chính để duy trì quyền lực: khủng bố và dối trá. Sự khác biệt căn bản giữa độc tài “cứng”
và độc tài “mềm” nằm ở chỗ: với độc tài “cứng”, khủng bố là biện pháp chính; với
độc tài “mềm”, dối trá là biện pháp chính. Xin lưu ý: ở đây chỉ có vấn đề chính
hay phụ chứ không phải có cái này thì không có cái kia.
Tính
chất khủng bố tại Việt Nam hiện nay có ba biểu hiện
chính: Thứ nhất là
tra tấn đến chết trong các đồn công an; thứ hai là dùng côn đồ hoặc công an giả
dạng côn đồ để hành hung những người chống đối, thậm chí, những người chỉ chống
đối… Trung Quốc và thứ ba, mang ra toà kết án tù với những lý do vu vơ kiểu trốn
thuế hay lợi dụng tự do dân chủ.
Tính
chất dối trá của các nhà độc tài “mềm” được thể hiện
bằng hai biện pháp chính:
Thứ
nhất là đánh tráo khái niệm. Tất cả các chế độ độc tài, trong đó có chế độ hiện hành
tại Việt Nam, đều tự xưng là dân chủ. Để chứng minh nền dân chủ giả vờ ấy, người
ta cũng tổ chức bầu cử và cũng đề cao luật pháp. Nhưng bầu cử lại không gắn liền
với quyền tự do ứng cử và vận động tranh cử. Hơn nữa, người dân chỉ được quyền
bầu cử Quốc hội trong khi Quốc hội lại chỉ là bù nhìn, không có quyền lực gì độc
lập cả. Còn cái gọi là “pháp quyền” (rule of law) thực chất chỉ là pháp trị
(rule by law), ở đó, pháp luật được sử dụng như một thứ công cụ để trấn áp dân
chúng và để lừa dối thế giới.
Thứ
hai là độc quyền tuyên truyền. Từ thời đổi mới đến nay, chính quyền Việt Nam ít nhiều
nới lỏng sự kềm kẹp, cho tư nhân hoá trong khá nhiều lãnh vực, nhưng về truyền
thông, họ nhất định không nhượng bộ. Tất cả đều nằm trong tay nhà nước. Để dân
chúng chỉ được tiếp nhận một nguồn tin duy nhất, một cách diễn dịch tin tức duy
nhất. Ngay trong hệ thống truyền thông nằm trong tay họ, họ cũng áp dụng một chế
độ kiểm duyệt rất khắc nghiệt. Những bài vở khác với chủ trương của họ bị cấm
đoán. Những người họ xem là phản kháng hay có tinh thần phản biện mạnh mẽ, cho
dù viết vu vơ, vẫn bị cấm đoán.
Để kết luận,
chúng ta có thể nói độc tài “cứng” hay độc tài ”mềm”, độc tài có nhà độc tài
hay không có nhà độc tài đều là độc tài. Tự bản chất, chúng không có gì khác
nhau cả.
Tất cả đều
là độc tài.
.
============================================================
.
.
Theo tôi, với đất nước, các trí thức, trong
cũng như ngoài nước – trong hoàn cảnh hiện nay, chả làm được gì trừ việc phê
phán chế độ. Phê phán để vạch trần. Phê phán để cảnh tỉnh. Phê phán để thay đổi.
Phê phán để bảo vệ sự thật và những giá trị căn bản của con người. Phê phán để
bảo vệ cả đạo đức trí thức lẫn đạo đức công dân.
Ý ấy đã có
nhiều người nói. Xin trích dẫn vài tên tuổi lớn để, may ra, có thể thuyết phục
một số người còn hoang mang:
Albert Einstein: “Niềm tin mù quáng vào quyền lực là kẻ
thù lớn nhất của chân lý” (Blind belief in authority is the greatest enemy of
truth).
Edward Abbey: “Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn
sàng chống lại chính quyền để bảo vệ đất nước” (A patriot must always be ready
to defend his country against his government).
Desmond Tutu: “Người ta có trách nhiệm đạo đức để
không phục tùng những luật lệ bất chính” (One has a moral responsibility to
disobey unjust law).
James Baldwin: “Tôi yêu nước Mỹ hơn bất cứ một quốc
gia nào khác trên thế giới, tuy nhiên, cũng chính vì vậy, tôi đòi được quyền
thường xuyên phê phán chính phủ” (I love America more than any other country in
the world and, exactly for this reason, I insist on the right to criticize her
perpetually).
Benjamin Franklin: “Trách nhiệm đầu tiên của mỗi công
dân là hãy chất vấn chính quyền” (It is the first responsibility of every
citizen to question authority).
No comments:
Post a Comment