Nam
Thái Bình Dương : Ba bài học cho nền ngoại giao Trung Quốc
Thanh Hà
- RFI
Đăng
ngày: 07/06/2022 - 12:16
Ngoại
giao Trung Quốc đã phạm phải ba sai lầm trong đối thoại với các quốc đảo ở Nam
Thái Bình Dương: « tự tin thái quá » khi muốn áp đặt một
« kế hoạch hành động » về an ninh và kinh tế, « hiểu biết nông
cạn» về khu vực này và giới hạn của chiến thuật « chia để trị »
mà Bắc Kinh luôn áp dụng trong quan hệ quốc tế.
https://s.rfi.fr/media/display/e86fdb28-de7c-11ec-8a8a-005056a9a7b9/w:1024/p:16x9/000_9GK8RW.webp
Thủ
tướng Samoa Fiame Naomi Mata'afa ngày 27/07/2021. Lãnh đạo Samoa Fiame Naomi
Mata'afa đã mạnh mẽ phản đối Trung Quốc áp đặt kế hoạch hành động chung cho 10
đối tác Nam Thái Bình Dương nhân hội nghị Fidji hôm 30/05/2022. AFP -
VAITOGI ASUISUI MATAFEO
Nhà nghiên
cứu Marc Julienne, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, đưa ra những điểm chính như
trên trong bài tham luận mang tựa đề « Un coup d’épée dans
l’océan. La tournée de Wang Yi dans le Pacifique Insulaire – Một nhát kiếm chém
vào đại dương. Vòng công du các đảo quốc Thái Bình Dương của Vương Nghị ».
Chủ nhiệm
chương trình nghiên cứu về Trung Quốc trung tâm Châu Á –IFRI, trong bài viết được
công bố trên trang chủ của Viện hôm 03/06/2022, đã nói đến một « vố
đau » đối với ngành ngoại giao Trung Quốc qua sự kiện 10 quốc đảo trong
vùng Nam Thái Bình Dương từ chối ký kết vào « Kế hoạch hành động 5 năm
Trung Quốc –Thái Bình Dương vì phát triển chung ».
Đó là một
văn bản « đầy tham vọng » liên quan đến an ninh, kinh tế, y tế và khí
hậu. Toàn bộ kế hoạch do Bắc Kinh soạn thảo và đã được chuyển đến các quốc gia
liên quan « vài ngày trước cuộc họp » hôm 30/05/2022 tại Fidji.
Bối cảnh bất lợi cho Trung Quốc
Trước hết
hội nghị Fidji diễn ra trong một bối cảnh không mấy thuận lợi cho Trung Quốc.
Tháng 3/2022 đã rò rỉ tin Bắc Kinh và quần đảo Solomon chuẩn bị ký kết một thỏa
thuận an ninh vỏn vẹn hơn hai năm sau khi đôi bên thiết lập bang giao. Tin này
vài tuần sau đó đã được cả Trung Quốc lẫn Solomon xác nhận. Hai điểm trong văn
bản đã gây nhiều lo ngại. Một là khả năng Hải Quân Trung Quốc cập cảng quốc đảo
ở Nam Thái Bình Dương này và hai là viễn cảnh Bắc Kinh điều động quân đội, công
an hỗ trợ chính quyền Horiana duy trì « trật tự xã hội » trong trường
hợp xảy ra bạo loạn.
Chủ nhiệm
chương trình nghiên cứu của viện IFRI Marc Julienne nhìn nhận : Vế hợp tác
an ninh và sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương
gây lo ngại là điều dễ hiểu. Song, « quyền được cập cảng Solomon không nhất
thiết là viên gạch đầu tiên để Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ». Hơn
nữa « việc điều động quân đội gìn giữ trật tự tại một quốc gia ở hải ngoại »
sẽ khiến Trung Quốc phải « trả giá về mặt chính trị », làm xấu
đi hình ảnh của Bắc Kinh và có thể là gây tổn thất cả về nhân sự. Do vậy theo
chuyên gia Pháp, « ít có khả năng là Trung Quốc sẵn sàng đảm nhận trách
nhiệm đó ».
Ngược lại,
hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon sẽ cho phép Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng
trong khu vực và « đấy là lý do chính đáng để Úc và Hoa Kỳ cảnh
giác ». Canberra và Washington đã nhanh chóng gửi các quan chức cao cấp nhất
đến Honiara. Mỹ thông báo mở tòa đại sứ tại quần đảo này với mục tiêu rõ ràng
là « tăng cường sự hiện diện và làm đối trọng với Bắc
Kinh ».
« Chia để trị » chiến thuật hết
thiêng ?
Trong sự
hoài nghi đó thì ngành ngoại giao Trung Quốc đã « xem thường » đối
phương. Đành rằng việc 10 quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương từ chối ký kết
« Kế hoạch hành động 5 năm Trung Quốc –Thái Bình Dương vì phát triển
chung » không« vĩnh viễn là một thất bại » trước tham vọng chen
chân vào khu vực này của Trung Quốc, nhưng « chiến lược » của Bắc
Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng đến vùng biển xa xôi này đã bị « chậm lại ».
Chuyên gia
về Trung Quốc Marc Julienne cho rằng sự chậm trễ đó xuất phát từ một số những
sai lầm trong đối thoại với 10 quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Sai lầm thứ
nhất là giới hạn của chiến thuật « chia để trị » như đã từng áp dụng
với châu Âu qua nhóm « 17+1 » quy tụ các nước trung và đông Âu
cùng với Trung Quốc. Đại đa số các nước đó là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Với
khu vực Nam Thái Bình Dương, Bắc Kinh cũng muốn đối thoại riêng với từng quốc
gia một, thay thế cho các diễn đàn đa phương. Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu
của viện IFRI nêu bật : Trong kế hoạch 5 năm vì phát triển chung, Bắc Kinh
đã nói đến chương trình hợp tác « hai bên » thay vì 11, tức là chỉ có
Trung Quốc và cụm quốc đảo 10 đối tác Nam Thái Bình Dương.
Marc
Julienne nhắc lại một chi tiết : « Phát triển hợp tác với các quốc đảo
trong vùng Thái Bình Dương cho phép Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với bốn đồng
minh ngoại giao của Đài Loan trong khu vực (quần đảo Marshall, Cộng Hòa Nauru,
Palaos và Tuvalu).
Sự kém hiểu biết về Nam Thái Bình Dương
Theo chủ
nhiệm chương trình nghiên cứu của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, xem 10 quốc đảo
Nam Thái Bình Dương là một « khối » thể hiện sự hiểu biết nông cạn của
các nhà ngoại giao Trung Quốc. Đây là sai lầm thứ hai của Bắc Kinh: « Các
nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã xem thường, hoặc làm ngơ một nét đặc thù
trong bang giao quốc tế của Thái Bình Dương. Đó là vai trò của diễn đàn Pacific
Island Forum và nguyên tắc đồng thuận trong các quyết định liên quan đến tất cả
các quốc gia trong vùng »
Pacific
Island Forum là một tổ chức chính trị và kinh tế khu vực, hoạt động từ 1971 và
bao gồm 18 thành viên, trong đó có Úc, New Zealand, Quần đảo Polynésie và
Nouvelle Calédonie của Pháp, Solomon, Fidji, Kiribati, Tuvalu …Khối này có một
tầm nhìn chung về an ninh, về hòa bình, về thịnh vượng kinh tế … Vẫn theo chủ
nhiệm chương trình nghiên cứu của viện IFRI, chính là dựa trên nguyên tắc đồng
thuận chung đó mà nữ thủ tướng đảo Samoa, bà Fiame Naomi Mata’afa đã thẳng
thừng tuyên bố: « Được mời đến đây để thảo luận và chờ đợi rằng chúng tôi
sẽ đưa ra một quyết định hay đạt được kết quả là điều chúng tôi không thể
chấp nhận (...) Với tư cách là một khu vực, chúng tôi cần họp lại với nhau
để xem xét mọi đề xuất từ các đối tác của chúng tôi về phát triển ».
Nói cách
khác, Nam Thái Bình Dương không chỉ thu hẹp ở 10 đảo quốc như trong quan niệm của
Bắc Kinh và mọi quyết định liên quan đến khu vực, như kế hoạch hành động 5
năm do Trung Quốc đề xướng, do ảnh hưởng đến vận mệnh chung, cần phải được bàn
thảo và có tiếng nói đồng thuận của tất cả các bên, chứ không thể khoanh vùng
vào 10 phái đoàn hiện diện trong phòng hội nghị ở Fidji hôm 30/05/2022 chung
quanh ông Vương Nghị.
Thái độ ngạo mạn
Sai lầm thứ
ba của các nhà ngoại giao Trung Quốc là đã xem nhẹ đối phương. Cũng Marc
Julienne của viện IFRI trong bài tham luận đăng trên trang nhà của Viện nhắc lại,
kế hoạch hành động 5 năm ngoại trưởng Vương Nghị đem tới Fidji với tham vọng đặt
nền tảng cho phép Trung Quốc cắm rễ vào khu vực này là một « kế hoạch hoàn
toàn do Bắc Kinh soạn thảo và đã được chuyển đến các quốc gia liên quan chỉ vài
ngày trước hội nghị ».
Điều đó thể
hiện chính sách đối thoại « một chiều » và sự « thiếu minh
bạch nghiêm trọng » của Bắc Kinh, bởi các nhà đàm phán Trung Quốc tin
chắc « sẽ đạt được những gì do chính mình soạn ra ». Các chính quyền,
các định chế lập pháp, xã hội dân sự của 10 quốc đảo Nam Thái Bình Dương càng
ít tham gia, càng ít biết về nội dung « kế hoạch hành động 5 năm đó »
chừng nào, thì càng tốt chừng nấy. Nguyên tắc này đã được áp dụng để Bắc Kinh đạt
được hiệp định về an ninh với quần đảo Solomon vài tuần trước hội nghị ở Fidji.
Thêm một bằng
chứng thể hiện thái độ quá tự tin của Bắc Kinh là ngoại giao Trung Quốc đã trực
tiếp can thiệp để cấp giấy các nhà báo địa phương tác nghiệp, đưa tin về hội
nghị giữa Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương. Đa số phóng viên của quần
đảo Solomon, Kiribati hay Samoa và kể cả Fidji bị phía Trung Quốc từ chối. Một
nhà báo Úc đã bị các quan chức trong phái đoàn Trung Quốc ngăn cản khi tác nghiệp,
đưa tin về hội nghị Fidji.
Nói cách
khác, chưa chính thức cộng tác mà Trung Quốc đã để lộ ý đồ lấn lướt. Marc
Julienne trong bài tham luận « Un coup d’épée dans l’océan. La
tournée de Wang Yi dans le Pacifique Insulaire – Một nhát kiếm trong đại dương.
Vòng công du các đảo quốc Thái Bình Dương của Vương Nghị » đưa ra
ba kết luận về vòng công du 10 ngày vừa qua của ngoại trưởng Trung Quốc tại Nam
Thái Bình Dương :
Thứ nhất sự
kiện này làm dấy lên tranh luận giữa các thành viên Diễn Đàn Các Quốc Đảo Thái
Bình Dương về những lợi, hại trong việc đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc vào thời
điểm mà « xung khắc chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh càng lúc càng
rõ nét ».
Thứ hai,
như David Panuela tổng thống quần đảo Micronesia ghi nhận : Tăng cường hợp
tác với Bắc Kinh khiến khu vực này « lệ thuộc vào Trung Quốc, nguy cơ Bắc
Kinh can thiệp (vào Nam Thái Bình Dương) sẽ tăng cao và một cách vô ích sẽ làm
tăng thêm nguy cơ căng thẳng về địa chính trị. Vẫn theo tổng thống Micronesia,
trong trường hợp nổ ra chiến tranh Đài Loan, đó sẽ là « một cuộc chiến giữa
Hoa Kỳ và Trung Quốc, và hậu quả kèm theo là một lần nữa các quốc gia Thái Bình
Dương sẽ lại kẹt giữa hai làn đạn ».
Cuối cùng,
chuyến đi vừa qua của Vương Nghị « dường như làm tổn hại đến chiến lược của
Trung Quốc tại Thái Bình Dương », hơn là phục vụ cho tham vọng mở rộng ảnh
hưởng với khu vực này. Bài toán thêm nan giải khi mà các cường quốc, đứng
đầu là các nước lớn trong khu vực, đặc biệt quan tâm đến các quốc đảo ở
Nam Thái Bình Dương. Đâu đó ngoại trưởng Vương Nghị đã « có công đưa các
quốc gia này vào vị trí trung tâm » bàn cờ địa chính trị thế giới.
No comments:
Post a Comment