RFA
2022.06.06
.
Hội đồng liên tôn Việt Nam trong một buổi phát quà từ
thiện ở miền Trung năm 2020. Facebook Hứa Phi
Hôm 2
tháng 6 vừa qua, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công
bố báo cáo thường niên Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó Việt Nam được
nhắc đến là một quốc gia mà luật pháp cho phép chính phủ siết chặt việc kiểm
soát các hoạt động tôn giáo dù quyền tự do tôn giáo và niềm tin được Hiến pháp
bảo đảm.
Phóng viên
Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn một số chức sắc tôn giáo về báo cáo của Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ trong phần nói về Việt Nam để thông tin cho bạn đọc về vấn
đề thực hành tôn giáo ở mảnh đất hình chữ S.
Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu thế cho biết:
“Đúng
như bản báo cáo đã nhận định: ‘Hiến pháp nước này (Việt Nam) qui định mọi
cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng trong khi đó Luật Tín
ngưỡng-Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với
các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia
và đoàn kết dân tộc.’
Luật
Tín ngưỡng- Tôn giáo 2016 hiện hành kiểm soát đáng kể tôn giáo. Cụ thể khi đăng
ký hay thay đổi nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, chúng tôi gặp rắc rối ở khái
niệm ‘Tổ chức Tôn giáo.’ Trong quy định nó đòi phải có ‘văn
bản chấp thuận của tổ chức tôn giáo’ mà định nghĩa về tổ chức
tôn giáo thì mỗi nơi mỗi kiểu.
Có nơi
thì coi Giáo hội Công giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo. Có nơi xem
giáo xứ là tổ chức tôn giáo hay ít là ‘tổ chức tôn giáo trực
thuộc’ thì họ coi việc đăng ký hay thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập
trung thuộc thẩm quyền của linh mục chánh xứ. Còn nếu họ cứng nhắc, chỉ xem
giáo phận mới là tổ chức tôn giáo, thì họ đòi văn bản của Đức Giám mục,
cho dù vị này ở tận Toà Giám mục chứ không ở tại địa phương.
Riêng đối
với những tổ chức/nhóm tôn giáo không đăng ký hay không được đăng ký thì
còn bị gây khó dễ nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất, Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, Cao Đài Chân truyền hay các nhóm Tin lành
không chấp nhận sự can thiệp của nhà cầm quyền đều bị bách hại trong mọi sinh
hoạt tôn giáo của họ.”
Báo cáo của
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến việc nhà nước Việt Nam từ chối trả lại những bệnh
viện, phòng khám, trường học mà chính quyền địa phương lấy từ Giáo hội Công
giáo nhiều năm trước đây. Khi được hỏi về việc này, linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết:
“Giáo hội
Công giáo và các Dòng tu tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam
trưng thu, chiếm dụng, mượn nhưng không trả hàng trăm cơ sở là các tu viện, trường
học, nhà thương, trại mồ côi … từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm
1975 ở miền Nam.
Các chủ
sở hữu của các cơ sở này liên tục yêu cầu trả lại theo lẽ công bằng và theo luật
pháp văn minh, nhưng con số các cơ sở được trả lại rất ít.
Có một
nghịch lý đang diễn ra hiện nay, đó là nhà cầm quyền tự cho mình cái quyền cấp đất
cho các cơ sở tôn giáo, dù đất đó do chính các tôn giáo bỏ tiền ra mua,
nhưng phải làm thủ tục trả lại quyền sử dụng đất, sau đó nhà nước cấp đất
đó cho tôn giáo.
Nhưng tại
sao nhà nước lại không dùng quyền của họ để lấy lại các cơ sở tôn giáo bị trưng
dụng trả lại cho chủ sở hữu, mà cứ để vấn đề này kéo dài chưa biết lúc nào kết
thúc.”
Theo linh
mục Dòng Chúa Cứu thế này thì báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn thiếu khi
không đề cập đến vấn đề tự do đi lại của nhiều chức sắc tôn giáo. Ông nói:
“… Một
số chức sắc tôn giáo, trong đó có bản thân tôi, bị cấm xuất cảnh trái pháp
luật. Các chức sắc này không hề được pháp luật bảo vệ mà ngang nhiên bị công an
tuỳ tiện ra quyết định cấm xuất cảnh không có thời hạn.
Bản
thân tôi bị cấm xuất cảnh từ năm 2010 tới nay, tức gần 12 năm mà không hề có dấu
hiệu họ trả lại hộ chiếu cùng với quyền tự do đi lại của tôi.”
Ông Hứa Phi, Chánh trị sự Cao Đài Chân truyền, cho
biết ông bị tịch thu hộ chiếu từ năm 2014 và vẫn chưa được cấp lại, khiến ông
không thể ra nước ngoài để tham dự hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á.
Ông nói những
nhóm tôn giáo độc lập đều bị chính phủ Việt Nam hạn chế về quyền thực hành tự
do tôn giáo, và chính phủ yêu cầu phải đăng ký mới được tự do hành đạo. Các
nhóm tôn giáo đều có lịch sử lâu đời, nhưng vẫn bị chính quyền gây khó khăn
trong việc hành đạo.
Ông cho
biết nhiều tổ chức tôn giáo và người theo đạo bị bách hại trong những ngày
lễ của tôn giáo đó, và công an địa phương luôn theo dõi sát sao việc di chuyển
của ông trong những ngày lễ của đạo Cao Đài, khiến ông không thể tự do đi thực
hiện việc hành đạo ở một số địa phương trong nước.
Thêm nữa,
ông Hứa Phi và nhiều chức sắc của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam bị ngăn cản
trong việc tiếp xúc với phái đoàn ngoại giao nước ngoài khi họ đến
tìm hiểu về tự do tôn giáo ở khu vực.
Báo cáo của
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ đại diện của Đại Sứ quán nước này ở Hà Nội
và Tổng Lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên nêu quan ngại về quyền tự
do tôn giáo tại Việt Nam với các quan chức chính phủ Hà Nội vả đảng Cộng sản Việt
Nam.
Linh mục
Đinh Hữu Thoại cũng cho biết, cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia văn
minh cần sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép lên nhà nước Việt Nam để buộc Hà
Nội phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Chúng tôi
gửi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ với đề nghị bình
luận của hai cơ quan này về báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không được trả lời
ngay.
----------------------
Tin, bài liên quan
Chính
quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát tôn giáo với dự thảo nghị định mới
Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ: VN vẫn kiểm soát đáng kể tôn giáo
Tỉnh
uỷ Kon Tum nói cơ bản đã xóa sạch đạo Hà Mòn
Uỷ
ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ: Việt Nam tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo
Bộ
Công an đưa các ấn phẩm tôn giáo, chủ trương của Đảng về tôn giáo đến các trại
giam
No comments:
Post a Comment