Thursday, June 2, 2022

KẾ LIÊN HOÀNH CỦA VƯƠNG NGHỊ THẤT BẠI ( Ngô Nhân Dụng)

 



NỘI DUNG :

Kế Liên Hoành của Vương Nghị thất bại

Ngô Nhân Dụng

.

Trung Quốc không đạt thỏa thuận an ninh với các đảo Thái Bình Dương    

VnExpress   (Theo CNN)

.

Trung Quốc đang vươn vòi trên nam Thái Bình Dương

Bình luận của Trần Văn Bảy

.

===============================================================

.

.

Kế Liên Hoành của Vương Nghị thất bại

Ngô Nhân Dụng

01/06/2022

https://www.voatiengviet.com/a/k%E1%BA%BF-li%C3%AAn-ho%C3%A0nh-c%E1%BB%A7a-v%C6%B0%C6%A1ng-ngh%E1%BB%8B-th%E1%BA%A5t-b%E1%BA%A1i-/6598082.html

 

https://gdb.voanews.com/03190000-0aff-0242-ef24-08da40c31976_w650_r1_s.jpg

Vương Nghị (giữa), đáp xuống Honiara, Solomon, 26 tháng Năm.

 

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi một thông điệp, hứa hẹn Trung Quốc sẽ là một “hảo huynh đệ” với các đảo quốc. Thế là Tập Cận Bình cũng cũng mang tiếng chịu thất bại cay đắng.

 

Thời Chiến Quốc, Tô Tần bày ra kế hoạch liên kết các nước Hàn, Ngụy, Triệu, cùng chống nước Tần. Liên minh này, vào thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch, gọi là “Hợp Tung;” vì gồm sáu nước chạy theo chiều dọc từ Bắc xuống Nam. Trương Nghi, khi làm tể tướng nước Tần đã thuyết phục các nước khác hợp tác phá Hợp Tung, từ nước Tần qua nước Tề chạy theo chiều ngang, hướng Tây Đông, nên gọi là kế “Liên Hoành”.

 

Ngày nay Mỹ cùng mấy nước Thái Bình Dương đã lập một liên minh gồm 4 nước nên gọi là Quad, do Nhật khởi xướng năm 2007, được phục hoạt năm 2017; với Mỹ, Ấn Độ, Australia. Mục tiêu của Quad là ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Năm nay, Mỹ và Anh quốc lại ký hiệp ước AUKUS giúp Australia làm tàu ngầm nguyên tử.

 

Từ Nhật xuống Ấn Độ và Australia theo hướng Bắc Nam, có thể coi Quad là thế “Hợp Tung” của thế kỷ 21. Tất nhiên, Trung Cộng phải lập kế đương đầu. Nhưng đi theo hướng Đông Tây thì không có những cường quốc quân sự. Lôi kéo các nước châu Mỹ La Tinh kết quả sẽ rất chậm và không chắc chắn. Cho nên Trung Cộng đã cố thiết lập một thế “Liên Hoành” với những quần đảo rất nhỏ chạy ngang Thái Bình Dương.

 

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đi một vòng tám “đảo quốc” trong vùng phía Nam Thái Bình Dương, trong 10 ngày. Ông đã ký một hiệp ước thương mại với nước Samoa. Ngày Thứ Hai vừa rồi, ông đến Suva, thủ đô nước Fiji với hy vọng kết thúc bằng một hiệp ước “Viễn tượng Phát triển Chung” với 10 nước trong vùng (trừ quần đảo Palau, vẫn công nhận Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan). Hầu hết các hòn đảo này địa thế rất thấp, có thể bị nước biển tràn ngập nếu bầu khí quyển của địa cầu nóng hơn. Ông Vương Nghị đưa ra dự án viện trợ hàng triệu mỹ kim, hứa ký các hiệp ước cho phép các nước tự do bán hàng cho 1.4 tỷ dân Trung Quốc.

 

Nhưng cuối cùng kế hoạch “Liên Hoành” này không thành hình. Nhiều nước không tin vào thiện chí của Bắc Kinh. Ông Tiền Ba (Qian Bo), đại sứ Trung Quốc ở Fiji nói rằng 10 nước trong vùng đều muốn hợp tác với Trung Quốc trên nguyên tắc, nhưng ông biết vẫn có nhiều nước còn ngần ngại.

 

Kế hoạch “Liên Hoành” mới của Cộng sản Trung Quốc bị tiết lộ vào cuối Tháng Ba, 2022. Hãng thông tấn AFP cho biết Trung Cộng sắp ký một hiệp ước quân sự với quần đảo Solomons; mà hai bên đồng ý giữ bí mật. Theo tin AFP trên mạng, Solomons có thể mời cảnh sát và quân đội Trung Quốc đến giúp bảo vệ trật tự, cứu trợ thường dân và các “nhiệm vụ khác.” Trung Cộng có thể cho tàu thủy ghé bến.

 

Bản tin về hiệp ước bí mật gây chấn động. Năm 1942, quân đội Mỹ đã đánh chiếm đảo Guadalcanal, lớn nhất trong nhóm Solomons. Trận đánh thay đổi cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Mỹ đã đẩy quân đội Nhật ra khỏi quần đảo, mở đường tiếp tế cho Australia và New Zealand, rồi từ đó tiến quân đánh Nhật trong vùng Nam Thái Bình Dương.

 

Điều gây chấn động nhất là bản thỏa ước bí mật mở đường cho Trung Cộng can thiệp vào nội bộ một quốc gia khác, theo thể chế dân chủ. Tháng 11 năm ngoái, dân quần đảo đã biểu tình bạo động, tấn công 3,000 kiều dân Trung Hoa ở đó. Trung Cộng đã giúp huấn luyện công an cảnh sát xứ này. Thủ tướng Manasseh Sogavare xứ Solomons đang lo ngại dân sẽ lật đổ trong cuộc bầu cử sang năm, vì ông chống Australia. Một cuộc nghiên cứu dư luận năm 2021 cho thấy 91% dân chúng muốn liên kết với một nước tự do dân chủ hơn là với Trung Quốc.

 

Bản thỏa ước bí mật cho Trung Cộng đứng ra huấn luyện công an cảnh sát Solomons, tham dự bảo vệ an ninh trên mạng, nghiên cứu vẽ bản đồ đáy biển, và quyền khai thác các tài nguyên trên mặt đất cũng như dưới biển.

 

Các nước Mỹ và Australia đã phản ứng mạnh. Chính phủ Úc gửi hai người lãnh đạo ngành tình báo đến khuyên ông Sogavare đừng ký kết với Trung Cộng. Úc đã từng ký một hiệp ước với Solomons, được công bố minh bạch. Chính phủ Mỹ đã mở cửa lại tòa đại sứ ở Solomons, bị đóng cửa từ năm 1993, và gửi ông Kurt Campbell, đặc trách vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tới thăm các đảo quốc. Ông Campbell cảnh cáo nếu Trung Cộng gửi quân đến Solomons và thiết lập căn cứ hải quân thì Mỹ sẽ “phản ứng thích đáng.” Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng nói thẳng rằng hành động đó sẽ bị coi là vượt qua “giới hạn đỏ.” Trung Cộng phải vội vã cải chính rằng họ không dự định lập căn cứ quân sự ở Solomons.

 

Để lôi cuốn các đảo quốc về phía mình, Ngoại trưởng Australia, Penny Wong, đã bay qua Fiji trong tuần trước, hứa hẹn sẽ hỗ trợ bảo vệ an ninh các đảo quốc mà không đòi hỏi một đáp ứng nào. Chính phủ Mỹ cũng mời các nước này tham dự một thỏa hiệp Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương.

 

Cuối cùng ông Sogavare vẫn ký thỏa ước; nhưng không nói gì đến căn cứ quân sự. Hiện nay Trung Cộng chỉ có một căn cứ hải quân nước ngoài, tại Djibouti, vùng Trung Đông, từ năm 2017. Tình báo Tây phương cho biết Bắc Kinh đã xin năm nước khác cho đặc quyền này, từ năm 2018, nhưng không được. Hiện các công ty Trung Quốc đang điều hành một phần hay toàn thể 90 hải cảng trên thế giới nhưng chỉ dùng cho hàng hải dân sự. Trong ba năm qua Bắc Kinh đã điều đình bí mật với các nước Cambodia, Equatorial Guinea và United Arab Emirates (UAE), để được xây dựng căn cứ hải quân. Chưa ai thấy hải quân Trung Cộng ở Canbodia, và UAE đã ra lệnh ngưng việc thiết lập căn cứ ở bờ biển nước họ.

 

Sau cuộc vận động của Mỹ và Australia, lãnh tụ các đảo quốc lên tiếng. Tổng thống Liên bang Micronesia, ông David Panuelo, nói thẳng rằng ông nghi ngờ dự án ông Vương Nghị đưa ra có thể giúp Trung Cộng ảnh hưởng trên chính trị các nước trong vùng, kiểm soát các công nghiệp và cả nền kinh tế. Ngoại trưởng Soroi Eoe, nước Papua New Guinea, nói với AFP, “Chúng tôi muốn sẽ lo vấn đề an ninh của chính mình hơn.” Thủ tướng Frank Bainimarama xứ Fiji giải thích, “Ưu tiên của chúng tôi là tất cả các nước đều đồng ý.” Samoa, Papua New Guinea và Micronesia đều không đồng ý. Cuối cùng ông Vương Nghị đến Fiji họp rồi trở về tay không.

 

Ông Vương Nghị nói vớt vát rằng các nước đã ký một “bản ghi nhớ” về sáng kiến xây dựng hạ tầng cơ sở trong chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ.” Nhưng một “memorandums of understanding” thì không có giá trị ràng buộc nào như một hiệp ước.

 

Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gửi một thông điệp, hứa hẹn Trung Quốc sẽ là một “hảo huynh đệ” với các đảo quốc. Thế là Tập Cận Bình cũng cũng mang tiếng chịu thất bại cay đắng.

.

===========================================================

.

.

Trung Quốc không đạt thỏa thuận an ninh với các đảo Thái Bình Dương    

VnExpress   (Theo CNN)

Thứ ba, 31/5/2022, 17:26 (GMT+7)

https://vnexpress.net/trung-quoc-khong-dat-thoa-thuan-an-ninh-voi-cac-dao-thai-binh-duong-4470237.html

 

Trung Quốc và 10 quốc đảo Thái Bình Dương chưa thể ra thông cáo chung về hợp tác thương mại, an ninh sau hội nghị các bên tại Fiji.

 

"Như mọi khi, chúng tôi đặt sự đồng thuận lên hàng đầu", Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama tuyên bố sau khi hội nghị giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đại diện 10 quốc đảo Thái Bình Dương hôm 30/5 không đạt được thỏa thuận về "Tầm nhìn Phát triển Chung" do Bắc Kinh đề xuất.

 

Trước hội nghị, Trung Quốc đã gửi cho 10 quốc đảo Thái Bình Dương bản dự thảo thông cáo hợp tác chung cùng kế hoạch hành động 5 năm, cho thấy Bắc Kinh đang tìm kiếm thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực. Tuy nhiên, với lý do thiếu sự đồng thuận, 10 quốc đảo đã từ chối thông qua thỏa thuận về tăng hợp tác thương mại và an ninh sâu rộng với Bắc Kinh.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó kêu gọi các nước Thái Bình Dương "không quá lo lắng" về mục tiêu của Bắc Kinh tại khu vực.

 

https://vcdn-vnexpress.vnecdn.net/2022/05/31/afp-com-20220530-partners-051-1288-4087-1653990458.jpg

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Tổng thống Fiji Ratu Wiliame Katonivere tại Suva, Fiji, hôm 30/5. Ảnh: AFP.

 

Bản dự thảo từ Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ ít nhất một nước được mời tham gia hội nghị là Liên bang Micronesia. Sau cuộc họp, ông Vương cho biết các nước gồm Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu, đã nhất trí về 5 lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc, nhưng "cần thêm thảo luận để tiến tới đồng thuận".

 

5 lĩnh vực Ngoại trưởng Trung Quốc liệt kê gồm hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 cùng các vấn đề về nông nghiệp và ứng phó thảm họa, không có lĩnh vực an ninh.

 

"Trung Quốc sẽ ra văn bản thể hiện lập trường của mình về các lĩnh vực cũng như đề xuất hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận và tham vấn sâu, liên tục để đạt được đồng thuận hơn trong hợp tác", ông Vương Nghị chia sẻ.

 

Theo ông Vương, một số người đã đặt câu hỏi về mục đích của Trung Quốc khi thể hiện vai trò tích cực ở Thái Bình Dương và câu trả lời của ông là Bắc Kinh chỉ hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và cùng Caribe.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó phát biểu rằng nước này sẽ luôn là "người bạn tốt" của các quốc đảo Thái Bình Dương, dù tình hình quốc tế thay đổi ra sao. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng khẳng định các quốc đảo ở Thái Bình Dương đều là những quốc gia có chủ quyền và độc lập, không phải là sân sau của bất cứ ai.

 

 

Trung Quốc nói quốc đảo Thái Bình Dương không phải sân sau

Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định các quốc đảo Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất cứ ai khi công du khu vực này.

.

Trung Quốc có thể ký thỏa thuận an ninh với 10 quốc đảo

Trung Quốc được cho là sẽ tìm kiếm thỏa thuận về đào tạo cảnh sát, hợp tác an ninh và thông tin với 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương.

 

Ngọc Ánh (Theo CNN)

.

====================================

.

.

Trung Quốc đang vươn vòi trên nam Thái Bình Dương

Bình luận của Trần Văn Bảy
2022.05.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-reach-in-south-pacific-05312022130159.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/china-reach-in-south-pacific-05312022130159.html/@@images/4efb257d-41ea-4c1c-80af-cd686165ab68.jpeg

Hình minh hoạ: Ngoại trưởng TQ Vương Nghị và Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele nhân thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước ở Bắc Kinh hôm 21/9/2019 .  Reuters

 

Chiến địa mới trên Nam Thái Bình Dương

 

Nam Thái Bình Dương (thường gọi là châu Đại Dương), điểm nút giao thông kết nối châu Á với Bắc và Nam Mỹ, tổng cộng có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, mặc dù có ít quốc gia và dân số không đông, nhưng khu vực này không chỉ là nơi xung yếu trong cuộc chiến ngoại giao giữa hai bờ eo biển Đài Loan, mà còn là tuyến đầu trong cuộc đọ sức chiến lược Mỹ-Trung.

 

Trung Quốc đang cố ve vãn các nước Nam Thái Bình Dương qua việc đề nghị một hiệp định mở rộng hợp tác an ninh và thương mại tự do với khu vực này (1). Theo dự thảo đề xuất được gửi tới các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một thỏa thuận an ninh bao gồm quần đảo khu vực với nền tảng hiệp ước song phương đã ký với Quần đảo Solomon hồi tháng 4/2022.

 

Hơn 10 năm qua, Trung Quốc sử dụng phương thức viện trợ tài chính để thao túng các nước Nam Thái Bình Dương, thúc đẩy thực hiện rộng rãi Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở khu vực này. Theo thống kê của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy của Australia, từ năm 2006 đến tháng 6/2016, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 1,781 tỷ USD viện trợ cho các đảo quốc Thái Bình Dương, đầu tư vào 218 chương trình viện trợ. Mặc dù tổng kinh phí viện trợ của Trung Quốc trong giai đoạn này vẫn không bằng Australia (7,703 tỷ USD), nhưng đã gần bằng mức viện trợ của Mỹ (1,89 tỷ USD) (2).

 

Kể từ sau khi Papua New Guinea đi đầu ký các thỏa thuận hợp tác liên quan với Trung Quốc vào giữa năm 2018, các đảo quốc Nam Thái Bình Dương (trừ bốn nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan) đều bày tỏ sự hoan nghênh, điều này cho thấy “sự đầu tư” của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã giành được "thành quả”. Đến nay đã có tám nước cắt đứt quan hệ với Đài Loan, trong đó có hai nước ở Nam Thái Bình Dương, lần lượt là Quần đảo Solomon và Kiribati.

 

Nhiều quốc gia Phương Tây đã chỉ trích viện trợ của Trung Quốc biến thành “bẫy nợ”. Điển hình là Tonga, có mức nợ công là 2,3 tỷ USD, trong đó 60% là của Trung Quốc. Thủ tướng Tonga Akilisi Pohiva từng yêu cầu Trung Quốc xóa nợ. (3

 

Chuyến đi của Vương Nghị

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Quần đảo Solomon hôm 26/5 trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 10 ngày với các chặng dừng chân ở sáu quốc đảo Thái Bình Dương là Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và và Timor Leste từ ngày 26/5-4/6. Có nguồn tin tiết lộ Trung Quốc sẽ công bố cái gọi là Tầm nhìn Phát triển Chung, bao gồm 10 trong số 14 quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, tại một cuộc họp chung của các ngoại trưởng ở Fiji trong ngày 30/5. (4)

 

Theo dự thảo hiệp ước này, Trung Quốc kêu gọi "hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống" với các quốc đảo Thái Bình Dương. Tài liệu đề cập đến khả năng thành lập một khu vực thương mại tự do chung, cho phép các nước này tiếp cận thị trường khổng lồ 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, cũng như kế hoạch để “Trung Quốc tổ chức đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp cho các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua các biện pháp song phương và đa phương”. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có thể thực hiện các cuộc khảo sát lập bản đồ địa hình đáy biển và tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực.

 

Nếu kế hoạch hợp tác của Trung Quốc được các nước trong khu vực chấp nhận, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng, vì như vậy Bắc Kinh có thể tham gia vào nhiều chiến dịch của cảnh sát và chiến dịch quân sự tại đây. Thêm vào đó, các chuyến bay giữa Trung Quốc với các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ gia tăng. Bắc Kinh cũng sẽ bổ nhiệm một đặc sứ cho khu vực này, đảm nhận việc đào tạo các nhà ngoại giao trẻ của vùng Nam Thái Bình Dương và cấp 2.500 “học bổng” của chính phủ cho các nước này.

 

Tân Thủ tướng Australia Antony Albanese cảnh báo Bắc Kinh “đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại một khu vực mà nước Australia vẫn là đối tác hàng đầu về an ninh từ Chiến tranh Thế giới thứ hai tới nay”. (5)

 

Trong một bức thư gởi đến những người đồng cấp ở Nam Thái Bình Dương, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã cảnh báo về một hiệp định mà theo ông, mới nhìn có vẻ rất hấp dẫn, nhưng trên thực tế có thể giúp Trung Quốc tiếp cận và kiểm soát khu vực này. David Panuelo viết: “Bất chấp những lời cảnh báo liên tục và không thể phủ nhận của chúng ta rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hiện hữu nhất đối với các hòn đảo của chúng ta, Tầm nhìn Phát triển Chung có nguy cơ kéo theo một kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mới và tồi tệ hơn là một cuộc chiến tranh thế giới.” (6)

 

Lợi ích của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương

 

Trung Quốc tìm thấy nhiều lợi ích ở các đảo quốc Thái Bình Dương. Đầu tiên là lợi ích kinh tế. Các đảo trong khu vực này có quy mô thị trường rất nhỏ với sức mua hoặc vốn đầu tư thấp, nhưng lại kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn. Các EEZ của 23 đảo quốc Thái Bình Dương có diện tích lên tới 25,9 triệu km2, chiếm tới 10% diện tích đại dương trên trái đất. Trong khu vực thềm lục địa của các EEZ này là các nguồn tài nguyên quý giá bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và khoáng sản. Nhiều vùng có lượng thủy sản đáng kể, bao gồm cả vùng biển tập trung trữ lượng cá ngừ được ước tính là lớn nhất thế giới.

 

Trong bối cảnh nguồn cá gần bờ biển Trung Quốc hầu hết đã cạn kiệt, đội tàu đánh cá của Trung Quốc, với số lượng đã tăng gấp năm lần trong thập kỷ qua, đang điều động ngày càng nhiều tàu thuyền đến các vùng biển xa xôi, bao gồm cả những khu vực nằm trong EEZ của các đảo Thái Bình Dương. Các tàu Trung Quốc đã mua được giấy phép đánh bắt từ chính quyền một số đảo ở Thái Bình Dương, nhưng phạm vi đánh bắt trên thực tế còn rộng hơn, vì ngư dân Trung Quốc cũng “khét tiếng” về việc khai thác hải sản bất hợp pháp và không báo cáo.

 

Thứ hai, các đảo ở Thái Bình Dương còn có ý nghĩa lớn về chiến lược. Các căn cứ của Trung Quốc trong khu vực sẽ mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN), khi các tàu này có thể được “tiếp tế” ở xa bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Các căn cứ này sẽ giúp Trung Quốc tạo lợi thế, gây sức ép đối với Australia bằng cách đưa sự hiện diện quân sự lâu dài của Trung Quốc tới gần các tuyến đường kết nối Australia với đồng minh Mỹ, cũng như với các thị trường quan trọng ở châu Á.

 

Các cơ sở của Trung Quốc ở Thái Bình Dương cũng sẽ hữu ích cho việc theo dõi hoạt động quân sự của Mỹ. Trung Quốc từng vận hành một trạm theo dõi tàu vũ trụ ở Cộng hòa Kiribati cho đến năm 2003, thời điểm Kiribati thay đổi “công nhận ngoại giao” đối với Đài Loan. Trạm theo dõi này có thể đã theo dõi tầm bắn tên lửa của Mỹ tại đảo san hô Kwajalein thuộc quần đảo Marshall. Vào năm 2017, Trung Quốc đã lắp đặt các cảm biến âm thanh gần đảo Guam, một căn cứ quân sự của Mỹ, có thể là để theo dõi hoạt động của các tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Trung Quốc gần đây đã cố gắng có sự hiện diện tại các cảng ở Vanuatu, đảo Manus của Papua New Guinea và đảo Tulagi thuộc quần đảo Solomon.

 

Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương sẽ chấm dứt nhiều thập niên nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc vượt khỏi khu vực bên trong “Chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm đảo Ðài Loan, Okinawa, Philippines, nơi Trung Quốc vẫn coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Nói cách khác, kế hoạch “mở rộng hợp tác” mà Bắc Kinh đề nghị với các nước Nam Thái Bình Dương chẳng khác nào một phát súng khai hỏa cho “trận chiến” mới giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh ở khu vực.

_____________

 

Tham khảo:

 

1. https://www.aljazeera.com/news/2022/5/30/china-eyes-security-pact-in-talks-with-pacific-islands-in-fiji

 

2. https://www.lowyinstitute.org/publications/risks-china-s-ambitions-south-pacific

 

3. https://www.reuters.com/article/us-pacific-tonga-debt-idUSKCN24O0IF

 

4. https://www.silkroadbriefing.com/news/2022/05/26/the-china-pacific-island-countries-common-development-initiative-content-analysis/

 

5. https://www.skynews.com.au/australia-news/politics/anthony-albanese-speaks-exclusively-to-kieran-gilbert-on-china-in-the-pacific-region-boat-turnbacks-and-kristina-keneally/news-story/a2fd198926744eb53e1ed3d1eaff9633

 

6. https://www.rnz.co.nz/international/pacific-news/467955/fsm-president-warns-pacific-leaders-over-china-documents

 

---------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

 

---------------------

Tin, bài liên quan

 

“Việt Nam nghĩ gì về chiến lược Indo-Pacific của Mỹ?”

 

Can dự cụ thể mới thay đổi được chính sách

 

 

 



No comments: