Saturday, June 25, 2022

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH BRICS : ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Đồng sàng dị mộng

Hiếu Chân/Người Việt

June 24, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hoi-nghi-thuong-dinh-brics-dong-sang-di-mong/

 

Trong cuộc cạnh tranh ngôi vị bá chủ hoàn cầu, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều ra sức mở rộng mạng lưới đồng minh và đối tác. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 14 nhóm BRICS trong hai ngày Thứ Tư và Thứ Năm, 22 và 23 Tháng Sáu, là một trong những nỗ lực của Trung Quốc và Nga thoát ra khỏi vòng vây của Hoa Kỳ và Châu Âu, hình thành một cực quyền lực mới, cả về kinh tế lẫn chính trị.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/06/A1-BRICS-dong-sang-di-mong-1068x753.jpg

BRICS là tập hợp năm quốc gia, gồm B (Brazil), R (Russia – Nga), I (India – Ấn Độ), C (China – Trung Quốc) và S (South Africa – Nam Phi), ra đời từ năm 2001, mở rộng vào năm 2006 để làm đối trọng với Hoa Kỳ và Tây phương. (Hình minh họa: Alexey Nikolsky/Sputnik/AFP via Getty Images)

 

Tuy nhiên, do các nước BRICS có thể chế chính trị khác nhau và theo đuổi những chiến lược phát triển khác nhau nên tham vọng của khối này trong việc đối lập với Hoa Kỳ và Tây phương vẫn là một ước vọng viển vông.

 

BRICS là tập hợp năm quốc gia, gồm B (Brazil – Ba Tây), R (Russia – Nga), I (India – Ấn Độ), C (China – Trung Quốc) và S (South Africa – Nam Phi); trong đó có bốn nước đông dân nhất, và có bốn trong 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Khối BRICS ra đời từ năm 2001, mở rộng vào năm 2006 để làm đối trọng với Hoa Kỳ và Tây phương trong các cuộc đàm phán về thương mại và khí hậu, phân chia quyền lực trong các tổ chức tài chính quốc tế và làm hạt nhân cốt lõi trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất hành tinh (G20).

 

Chiếm 40% dân số thế giới và 25% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, BRICS là một thế lực quan trọng và cho dù lập trường có lúc khác nhau, năm nước BRICS đã cùng hành động để ngăn các nước phát triển chia rẽ họ và sự đoàn kết đó đã mang lại những thắng lợi đáng kể.

 

Một ví dụ là sự phối hợp lập trường của các nước BRICS tại các hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu đã ngăn cản Hoa Kỳ và Châu Âu (EU) áp đặt các mục tiêu cao về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho các nền kinh tế gây ô nhiễm nhiều nhất. Tuy vậy, những bất đồng trong nội bộ các nước BRICS đã và đang khiến cho sự hợp tác của các nước thành viên lúc trồi lúc sụt, chủ yếu chỉ phục vụ cho lợi ích của từng nước mà chưa hình thành một lập trường chung mạnh mẽ trong các vấn đề toàn cầu.

 

BRICS và chiến tranh Ukraine

 

Hội nghị BRICS năm nay, do Trung Quốc tổ chức theo hình thức trực tuyến, bị cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và các biện pháp cấm vận kinh tế của Tây phương chống lại Nga – thành viên cốt cán của BRICS – phủ bóng.

 

Trong năm nước BRICS chỉ có Brazil phản đối cuộc xâm lược của Nga trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi đầu Tháng Ba, ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi bỏ phiếu trắng và không có nước BRICS nào tham gia cấm vận kinh tế Nga theo lời kêu gọi của Hoa Kỳ.

 

Sự tham dự – và được chào đón – của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, tại hội nghị lần này cho thấy không phải ai cũng xa lánh ông Putin như quan điểm phổ biến ở Tây phương, các nỗ lực của Tây phương nhằm cô lập Nga có nhiều giới hạn khó có thể vượt qua và Nga là nước có tầm quan trọng chiến lược trong các vấn đề toàn cầu.

 

Trong các tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh, không một nhà lãnh đạo BRICS nào công khai lên án Tổng Thống Putin, quy trách nhiệm cho Moscow gây ra cuộc xung đột hoặc coi đây là một cuộc chiến tranh, mặc dù một số người than phiền tác động của nó đối với lạm phát và gián đoạn nguồn cung cấp lương thực toàn cầu. Bản tuyên bố cuối cùng của BRICS cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về “tình hình ở Ukraine” và bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev.

 

Thực tế, cuộc đối đầu giữa Nga và Tây phương tại Ukraine đã mang lại lợi ích lớn cho các nước BRICS. Trong phát biểu video chiếu tại hội nghị hôm Thứ Tư, 22 Tháng Sáu, ông Putin nói rằng do bị Tây phương cấm vận, nước Nga phải chuyển việc xuất cảng dầu mỏ, phân bón hóa học và các hoạt động thương mại khác sang các nước BRICS, mở cửa thị trường cho xe hơi Trung Quốc và đầu tư hệ thống siêu thị bán lẻ của Nga ở Ấn Độ.

 

Sau khi nổ ra chiến tranh Ukraine, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều gia tăng nhập cảng dầu mỏ và khí đốt của Nga, với mức giá thấp hơn 30% so với giá thế giới, đó là lý do tại sao trong hoàn cảnh chiến tranh và cấm vận, mất khách hàng lớn nhất là EU mà doanh thu ngành dầu khí của Nga vẫn tăng mạnh, đạt $97 tỷ trong 100 ngày chiến tranh đầu tiên.

 

Có thể nói BRICS đã và đang cứu Nga thoát ra khỏi cuộc bao vây kinh tế và chính trị của Tây phương và củng cố vị thế quốc tế của ông Putin.

 

BRICS và trật tự thế giới mới

 

Với Trung Quốc, BRICS không chỉ là một nhóm hợp tác kinh tế mà còn là một công cụ hữu ích để đối kháng với Tây phương và chứng minh rằng hoàn toàn có thể xây dựng một trật tự thế giới mới thay thế cho trật tự hiện hành mà không cần đến sự hiện diện hay sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hoặc Châu Âu. Hội nghị BRICS thứ 14, do ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, chủ trì, được Bắc Kinh coi là cơ hội để thúc đẩy mô hình quản trị và phát triển “kiểu Trung Quốc,” mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển toàn cầu.

 

Nên để ý rằng, từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc năm 1945, thế giới đã có một trật tự ổn định do Hoa Kỳ dẫn dắt, một “Pax Americana” hoặc “Washington Consensus,” xoay quanh các định chế như Liên Hiệp Quốc, kinh tế thị trường tự do và nhà nước pháp quyền. Hơn 75 năm qua, cái trật tự này đã góp phần gìn giữ hòa bình thế giới, tạo môi trường hòa bình và ổn định để các quốc gia phát triển và thịnh vượng, trong đó Trung Quốc là một trong những nước được lợi nhất.

 

Nhưng khi Trung Quốc đã giàu và mạnh, Bắc Kinh lại muốn tạo ra một trật tự thế giới mới, trong đó Trung Quốc là trung tâm, một thứ “Pax Sinica,” theo thể chế chuyên chế và kinh tế tư bản nhà nước. Trung Quốc coi mô hình quản trị của họ là ưu việt hơn thể chế dân chủ tự do của Tây phương trong việc hiện đại hóa đất nước, giải quyết những vấn đề toàn cầu và muốn đặt một tấm gương cho các nước khác noi theo.

 

Mô hình đó bị Tây phương lên án là độc tài, vi phạm tự do và nhân quyền, nhưng lại có sức hấp dẫn các nước nhỏ, kém phát triển, e ngại tình trạng lộn xộn và trì trệ của các thể chế dân chủ. Đã có không ít nhà nghiên cứu chính trị lên tiếng cảnh báo về sự cáo chung của trật tự thế giới hiện hành để thay bằng một thứ trật tự mới trong đó chân lý thuộc về kẻ mạnh như hành động của Nga và Trung Quốc chứng tỏ.

 

Trước khi hội nghị BRICS bắt đầu, báo chí nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi khối BRICS “đã thúc đẩy hợp tác đa phương với các phong cách, hình thức và nguyên tắc không phải của Tây phương;” và nhấn mạnh tầm quan trọng của khối vào thời điểm“Mỹ (đang) lôi kéo các đồng minh Tây phương nổi dậy chống toàn cầu hóa.”

 

Tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao đầu Tháng Năm để chuẩn bị nội dung cho hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga, Ấn, Brazil và Nam Phi hãy “từ chối tâm lý Chiến Tranh Lạnh và sự đối đầu giữa các khối, làm việc cùng nhau để xây dựng một cộng đồng toàn cầu.”

 

Ông Hoàng Ngạn Trung (Huang Yanzhong), một nhà nghiên cứu tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (CFR) ở Washington, nhận định: “BRICS là một hình thức phản công ngoại giao của Trung Quốc đối với sự hồi sinh của NATO và sự gia tăng các cơ chế Ấn Độ-Thái Bình Dương được thiết kế để kiềm chế quyền lực của Trung Quốc,” ông Hoàng nói với đài Al Jazeera.

 

Tại hội nghị BRICS, ông Tập Cận Bình khẳng định chính chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn của Hoa Kỳ là nguyên nhân cốt lõi gây bất ổn toàn cầu. Về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine ông Tập lặp lại quan điểm của Moscow rằng việc NATO mở rộng thành viên đe dọa an ninh quốc gia của nước này và khiến Nga phải hành động.

 

Như vậy hội nghị BRICS là diễn đàn để nhà lãnh đạo Trung Quốc trình bày căn cứ của đường lối đối ngoại của nước này: chống lại đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, củng cố quan hệ đồng minh và tìm kiếm một trật tự mới.

 

BRICS đồng sàng dị mộng

 

Nhưng tham vọng không che giấu của Trung Quốc, cộng với sự gắn bó giữa Bắc Kinh và Moscow và thái độ thù địch gay gắt với Hoa Kỳ làm cho ba nhà lãnh đạo còn lại trong nhóm BRICS không cảm thấy thoải mái.

 

Tuyên bố chung dài dòng của hội nghị BRICS phát hành hôm Thứ Năm, 23 Tháng Sáu, không có những lời lẽ hùng biện chống Mỹ, lên án chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ như trong các bài diễn văn của ông Putin và ông Tập.

 

Các nguyên thủ quốc gia Ấn Độ, Brazil và Nam Phi dường như đang rất thận trọng, chưa muốn tham gia mặt trận chống Tây phương mà ông Tập và ông Putin khởi xướng, một phần vì quan hệ chính trị kinh tế gần gũi của họ với Hoa Kỳ, một phần vì họ nghi ngờ thiện chí và ý định thật sự của ông Tập và ông Putin, nhất là sau khi Nga tấn công Ukraine và Trung Quốc hăm he chiếm đảo Đài Loan bằng vũ lực.

 

Ấn Độ chẳng hạn, không lên án cuộc xâm lược của Nga, không cấm vận Nga mà còn gia tăng mua hàng hóa của Nga, nhưng vẫn duy trì quan hệ ngày càng mật thiết với Hoa Kỳ trong khuôn khổ Đối Thoại An Ninh Bộ Tứ (QUAD) và sáng kiến Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF) mà chính quyền Biden đề ra gần đây.

 

Với Trung Quốc, Ấn Độ luôn giữ một khoảng cách, thậm chí coi Bắc Kinh là đối thủ chính của họ ở Châu Á. Năm 2017, ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, cho đến khi Bắc Kinh rút quân khỏi một điểm tranh chấp ở khu vực Doklam của Ấn Độ; năm nay Ấn Độ bác bỏ đề nghị của Trung Quốc tổ chức hội nghị trực tiếp giữa các nguyên thủ quốc gia do bế tắc biên giới chưa được giải quyết, buộc Bắc Kinh phải tổ chức hội nghị qua mạng, theo thông tin từ báo The Wall Street Journal.

 

Brazil và Nam Phi là những câu chuyện khác. Thương mại giữa Trung Quốc và hai nước này ngày càng mất cân bằng nghiêm trọng. Hàng hóa được chính phủ trợ giá của Trung Quốc tràn ngập thị trường Nam Mỹ và Châu Phi, làm triệt tiêu ngành giày dép của Brazil và ngành dệt may của Nam Phi, khiến hàng chục triệu người lao động mất việc làm, buộc các nước này phải ban hành các biện pháp chống bán phá giá để bảo hộ thị trường trong nước.

 

Ngay cả nước Nga, dù phải liên minh chặt chẽ với Trung Quốc do hậu quả của cuộc chiến Ukraine, nhưng ông Putin nhận thức sâu sắc về thế yếu của mình so với ông Tập và ông coi trọng BRICS vì nó giúp Nga đa dạng hóa quan hệ đối tác thay vì chỉ dựa vào Trung Quốc.

 

Nhìn chung BRICS là một khối hợp tác lỏng lẻo, cả năm thành viên đều ưu tiên cho lợi ích riêng của đất nước mình hơn là chia sẻ một tầm nhìn chung, một chiến lược chung. Bắc Kinh muốn dùng BRICS để xác lập vai trò thống trị thế giới của họ, tạo ra một cực quyền lực ngang vai phải lứa với Hoa Kỳ và Châu Âu song bản chất “đồng sàng dị mộng” của BRICS làm cho tham vọng của Trung Quốc khó mà đạt được. [qd]





No comments: