Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022
https://thongcao55.blogspot.com/2022/06/hieu-chien-ngon-tu.html
Hôm trước,
nhà cháu đọc được câu (cũng là lời khuyên) của nhà báo chuẩn (nhiều người thường
đùa là đoàn chuẩn), giàu thâm niên và đầy kinh nghiệm, một bậc đàn anh kính mến,
bác Đoàn Khắc Xuyên. Bác ấy nhắc các
bạn phóng viên trẻ (trẻ thì thường non, ít kiến thức, và khá… tùy tiện) rằng đừng
dùng mấy từ “ra quân, chiến dịch” trong những thông tin chả có gì quân với chiến.
Lại nhớ mình từng viết về thứ này, giờ xin nhắc lại.
Trong lời rất nhiều vị quan chức, nhất là khi họ làm long trọng viên buổi lễ lạt,
trong hằng hà sa số bài báo của các nhà báo, kể cả “cây đa cây đề”, “đại nhà
báo”, trong các phong trào đình đám của đoàn thanh niên mà nhân vật chính là mấy
anh bí thư trung ương đoàn… ta thường thấy họ khoái dùng những từ “chiến dịch”,
“ra quân”, “chiến sĩ”, “mặt trận”. Nghe ùng oàng sắt máu như đang thời chiến
tranh chứ không phải hòa bình đã gần nửa thế kỷ.
Cách nói ấy, dùng chữ kiểu ấy thực ra không mới. Năm 1948, trong thư gửi giới họa
sĩ nhân một cuộc triển lãm tranh, cụ Hồ đã từng khơi mào “văn hóa nghệ thuật
cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (thời tôi học cấp
3, học trò phải làm bài luận phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận, bình
giảng câu này ít ra dăm bảy lần). Cụ trùm đã dạy thế thì cứ thế mà thực hiện.
Chỉ hơi lăn tăn, văn nghệ mà cũng là mặt trận, quả thật ghê. Vậy nên cũng dễ hiểu
thời đó và sau sau một tí, anh nào văn nghệ sĩ thuần túy, đòi tách văn nghệ khỏi
chính trị thì chết không kịp ngáp. Vụ “Nhân văn giai phẩm” còn sờ sờ ra đó.
Nhưng có nhẽ cần hiểu cho tường tận. Ông cụ nói vậy, chỉ đạo như thế bởi đương
có chiến tranh. Thời chiến nên ngôn ngữ chiến, tư tưởng chiến, lời nói chiến…
không có gì lạ. Đó là thứ ngôn ngữ thời đại, phải chấp nhận. Chỉ có điều, dùng
xong thì bỏ, đừng có quen mồm quen tay quen thói áp đặt tràn lan.
Không thể tưởng tượng, trong một xã hội hòa bình, cuộc sống bình thường, phi
chiến tranh, mọi người chỉ mải lo làm ăn, lấy tình thương làm cách sống, vui vẻ
yêu đời, thương nhau chia ngọt sẻ bùi, yêu nước yêu người, yêu chiếc lá trên
cành, tiếng chim buổi sáng, câu hò trên đồng… mà cứ động một tí lại “chiến dịch,
ra quân”, bắt người nọ người kia làm chiến sĩ. Có những thứ, những việc rất
nhân đạo, đẹp đẽ, nhẹ nhàng yêu thương, chan chứa tình người, như từ thiện, hiến
máu, giúp trẻ em nghèo, chăm sóc người tàn tật, người cơ nhỡ, quan tâm đến dân
chúng vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, cùng thiếu nhi vui chơi dịp hè,
v.v.. thì chỉ cần tình thương, trái tim nhân hậu và tiền bạc là đủ. Chỉ cần đến
với người mà mình muốn giúp đỡ một cách bình dị, nhẹ nhàng, thậm chí lặng lẽ.
Sao lại cứ phải vống lên ồn ào, dữ tợn, khoe mẽ, trống rong cờ mở, từ ngữ đao
to búa lớn. Nào là chiến dịch vì người nghèo, chiến dịch hiến máu nhân đạo, chiến
dịch mùa hè xanh, chiến dịch ra quân tình nguyện, chiến dịch kỳ nghỉ hồng, chiến
dịch trồng cây ơn bác, chiến dịch hoa phượng đỏ…, thiên hạ không biết cứ tưởng
các ông bà ấy định kéo quân đi đánh nhau, gây chiến tranh, giết ai, sống mái một
phen, mà thực ra chỉ để thực hiện những điều hòa bình, đạo đức. Nghe thứ ngôn
ngữ sắt máu đó chối tỉ không thể tả.
Có nhẽ phải cắt nghĩa cho họ thủng một chút. Chiến là đánh nhau, dịch là việc
quân, chiến dịch có nghĩa việc đánh nhau, sự đánh nhau. Mở rộng hơn, thì chiến
dịch để chỉ toàn bộ những hoạt động quân sự và phục vụ quân sự khi đánh nhau với
kẻ thù, với đối phương trong thời gian nhất định. Chẳng hạn chiến dịch biên giới
1949 - 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Quảng Trị. Cùng lắm là dùng
nó (chiến dịch) để chỉ những hoạt động chống chọi (chả khác gì đánh nhau) như
chiến dịch chống hạn (thiên tai), chiến dịch bài trừ ma túy, bởi hạn hán hoặc
ma túy bị coi như giặc, kẻ thù. Chiến sĩ để chỉ người (sĩ) đi đánh nhau (chiến).
Đi giúp trẻ em nghèo, đi chăm lo cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, trồng cây, hiến
máu thì chiến dịch, chiến sĩ quái gì mà cứ suốt ngày chiến dịch chiến sĩ. Định
đánh giết các mẹ các em các cháu hay sao. Chỉ cần nói “đợt hành động”, “đợt hoạt
động” là giản dị, rõ nghĩa, nhưng hình như các ông bà ấy không thích thế,
bởi sẽ kém sự hoành tráng, cách mạng, vĩ đại.
Lúc nào cũng nhồi nhét chiến dịch, ra quân, chiến sĩ kiểu hung hăng sắt máu vào
óc bọn trẻ, bắt chúng phải chiến thì đừng hy vọng vào chuyện người trẻ biết sống
yêu thương.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc dùng từ ngữ sai: thói quen, sự ẩu tả, tư duy
chiến tranh đã ăn vào máu, tuyên giáo kiểu robot, dốt tiếng Việt, coi thường
dân chúng, thậm chí thích đánh nhau, ham bạo lực, ưa chém giết đổ máu.
Thủ phạm chính của sự dùng ẩu dùng sai này là đám quan chức, nhà báo, cán bộ
đoàn, và có thể kể thêm ra mấy ông bà biên soạn từ điển (từ điển trước kia còn
đỡ chứ càng về sau càng ẩu). Chính họ, những quan-nhà-cán ấy đã làm hỏng, tan
nát tiếng Việt chứ không phải ai khác.
Nguyễn Thông
No comments:
Post a Comment