Hội nghị những người viết văn trẻ: “Vì sao
chúng ta viết”. Một câu hỏi hay, và súc tích. Nhưng khiến tôi sợ hãi.
Hai chữ “chúng ta” là nỗi sợ hãi. Tại sao
không phải là “Vì sao TÔI viết”, mà lại là “chúng ta”?
Có những điều tưởng như đã chết cách nay một
thế kỷ, nhưng không, nó đội mồ sống dậy. Hay là nó chưa bao giờ chết?
Năm 1941, Hoài Thanh hân hoan trong “Thi nhân
Việt Nam”, rằng “Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi”. Và ông gọi
cái chữ “tôi” ấy là “Một cuộc cách mạng trong thi ca”.
81 năm sau, hậu duệ của những Tản Đà, Xuân Diệu,
Huy Cận, hậu duệ của những Hàn mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bích Khê…, họp
nhau lại và hỏi “vì sao chúng ta viết”, họp nhau lại để tìm câu trả lời cho tất
cả “chúng ta”.
Sau hội nghị ấy, người ta sẽ ghi vào nghị quyết
một câu trả lời, một câu chung cho tất cả. Nó sẽ được photo, mỗi người giữ một
bản, là bản sao của một “linh hồn tập thể”.
Với nghệ thuật, tập thể là cái chết, nhưng là
cái chết không nằm im. Nó là bóng ma, là "chủ nghĩa thực dân mới" –
đe dọa, ám ảnh, nhập đồng, giam nhốt, bức tử…
Bóng ma của quá khứ đổ dài, đổ dài như vô tận
- khi mặt trời nằm ngang. Mặt trời nằm ngang là chiều tà. Một hoàng hôn đỏ rực.
“Chúng ta”, nó đã được tự động viết ra. Và
treo lừng lững trước mắt hàng trăm “nhà văn trẻ”. Không ai giật mình, không ai
thảng thốt, không ai ngộp thở? Bóng ma vô hình của thời đại dính chặt trên trần
nhà, và thả mái tóc âm u ma quái xuống, phủ khắp căn phòng - trên đầu mỗi nhà
văn.
Trong cơn mộng mị vang ra những lời giọt sành
“chúng ta”, “chúng ta”, chúng ta”…
Rồi đây, những tác phẩm sẽ được ký tên Chúng
Ta.
Nhớ Nguyễn Huy Thiệp: “Chỉ có một anh thôi,
còn lại là chúng nó”.
Lại nhớ Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc
1949. Nguyễn Đình Thi không những bị "quần chúng" đánh, mà còn bị
chính "thơ mới" (32 - 45) đánh. Thế là, ngay cả cái cuộc cách mạng được
Hoài Thanh hát lên ngày nào, nay cũng đã trở thành một "thế lực thù địch"
của thi ca. Đến lượt thơ mới trở thành một bóng ma.
"Chúng ta" 2022, một cuộc chạy bổ
nhào vào quá khứ mù tăm, sau khi giẫm lên những Nhân văn, giẫm lên cả Thơ mới,
và nhảy phóc qua cái gạch nối Tản Đà.
“Tôi”, cái ý thức ấy không thể bật ra, hồn
nhiên như hạt thông bay ra từ quả thông. Bởi vì quả thông đã trống không, chỉ
có những con gió hoang vu trú ngụ và phát ra những tiếng u u như huyệt sâu vọng
về. Những âm thanh đùng đục ấy vừa là lời vẫy gọi của cái chết, vừa tiếng hăm dọa
phóng xuống những bóng người. Vua chúa vẫn thường xây lăng trong những rừng
thông cô tịch.
Những thằng bới lông tìm vết, hay là kẻ bới vết
tìm lông? Trên vết thương sâu, dù đã lành, không bao giờ mọc lông. Trên những tổn
thương của tâm hồn, trên những vết chém của lịch sử, những bóng ma sẽ không bao
giờ trú ngụ được nữa. Hai chữ “chúng ta” sẽ không bao giờ có thể mọc ra từ miệng
những Trần Dần, Phùng Cung sau khi đã nhận án tù ngồi, ngồi lõm một vùng đêm thế
kỷ.
Trên thân xác phương phi lành lặn béo tốt,
trên sự rửng mỡ của thời đại sắp hàng hô vang, thì lông lá mọc đầy.
Ta ngậm ngùi xếp lại chữ của người ca sĩ Hoài
Thanh: “Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ cũng là thời chữ ta”.
Thái Hạo
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=420186793321679&set=a.234608251879535
.
No comments:
Post a Comment