Căng
thẳng Mỹ - Trung : Washington đang tiến dần các quân cờ tại Thái Bình
Dương ?
Minh
Anh - RFI
Đăng
ngày: 09/06/2022 - 14:35
Tại
vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương chiến lược, Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc
chiến tranh giành ảnh hưởng. Bắc Kinh đưa ra một sáng kiến nhằm mở rộng hợp tác
an ninh và tự do mậu dịch với các đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Công du Đông Á,
Joe Biden làm sống lại Bộ Tứ - QUAD, diễn đàn an ninh quy tụ bốn nước Nhật Bản,
Mỹ, Úc và Ấn Độ, đồng thời thông báo hình thành Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái
Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework - IPEF).
Đài Loan : « Chính sách mập mờ »
bị phá vỡ ?
Những ngày
cuối tháng 5/2022 có hai sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Thứ nhất là tuyên bố của tổng thống Biden là Mỹ sẽ hậu thuẫn quân sự trong
trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công. Nhiều nhà quan sát tự hỏi : Phải
chăng Hoa Kỳ đã từ bỏ chiến lược mập mờ đối với hồ sơ Đài Loan được duy trì từ
nửa thế kỷ qua ?
Michael Swaine, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung,
giám đốc chương trình Đông Á, Viện Quincy, cho rằng nếu như Joe Biden nghĩ đúng
như ông tuyên bố, thì điều đó hoàn toàn không phù hợp với luật của Mỹ đối
với Đài Loan:
« Chính
sách của Mỹ quy định rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét với một sự cẩn trọng, một mối bận
tâm nghiêm túc bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Đài Loan và tổng thống sẽ phải
tham khảo ý kiến của Quốc Hội về những gì phải làm về vấn đề này. Luật của
Mỹ còn quy định không có cam kết triển khai các lực lượng quân đội như thể Đài
Loan là một đồng minh an ninh của Mỹ. Nhưng có một cam kết cung cấp các phương
tiện phòng vệ cho Đài Loan – nghĩa là bán vũ khí quân sự - nếu Mỹ đánh giá
rằng tình hình an ninh của Đài Loan mỗi lúc bị đe dọa. » (Trang mạng
Democracy Now ngày 24/05/2022)
Michael
Swaine nhắc thêm, nếu như từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ vẫn bán vũ khí cho hòn
đảo tự trị này, chính sách của Mỹ trong hồ sơ Đài Loan là duy trì sự mập mờ, nhằm
ngăn cản Đài Loan tuyên bố độc lập và chặn mọi ý đồ hợp nhất hòn đảo bằng vũ lực
từ Trung Quốc.
Nhà nghiên
cứu về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz,
Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, đưa ra một giải thích khác, cho rằng bản chất của
chiến lược này nằm ở cách thức Hoa Kỳ đáp trả trong trường hợp Đài Loan bị
Trung Quốc đơn phương tấn công, làm thay đổi nguyên trạng:
« Vấn
đề ở đây chính là thực chất của sự hậu thuẫn : Phải chăng điều đó muốn nói
là chỉ đơn giản cung cấp vũ khí nếu có xung đột ? Hay điều đó có nghĩa là
sẽ can thiệp quân sự vào Đài Loan và củng cố khả năng phòng thủ cho đảo ?
Hoặc cũng hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ đi xa hơn và có khả năng đánh vào các mục
tiêu ở Hoa lục trong trường hợp có chiến tranh ? Chính là dựa trên câu hỏi
về thực chất của sự can thiệp này, mà có một chiến lược mập mờ như thế ».(France
Culture ngày 28/05/2022)
Về phía
Trung Quốc, nhà nghiên cứu người Pháp khẳng định từ lâu Bắc Kinh đã có một
chiến lược rất rõ ràng : « Từ nhiều thập niên qua, giới chức Trung
Quốc, giới chính trị cũng như là Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân PLA, đã chuẩn bị
cho một cuộc can thiệp quân sự Mỹ, nếu chiến tranh xảy ra ở eo biển Đài Loan.
Trên thực tế, đây chính là lý do thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa quân đội nhằm
ngăn chặn một cuộc can thiệp từ Mỹ hay hạn chế tối đa sự phát triển đó. Thậm
chí ngày nay năng lực hạt nhân của Trung Quốc còn nhắm đến việc ngăn chặn Mỹ đe
dọa Trung Quốc trong khuôn khổ một kịch bản có chiến tranh tại eo biển Đài
Loan, nhất là tấn công hạt nhân nhằm kết thúc cuộc xung đột. » (France
Culture ngày 28/05/2022)
Tuy nhiên,
nhiều nhà phân tích khác còn cho rằng tuyên bố này của Joe Biden rất có thể còn
là một lời cảnh cáo Bắc Kinh : Nếu như Trung Quốc dùng vũ lực với Đài
Loan, những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc Vladimir Putin đánh Ukraina sẽ
không ngăn cản Hoa Kỳ có hành động đáp trả bằng quân sự.
Sự trở lại của ngoại giao trong chính sách đối
ngoại của Mỹ
Điểm đáng
chú ý thứ hai là bài phát biểu của lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ, Anthony
Blinken tại đại học George Washington hôm 26/05, nhằm trình bày một chính sách
về Trung Quốc của Mỹ. Theo đó, Trung Quốc vẫn bị xem là mối đe dọa chính cho
« trật tự thế giới », ngày càng « xa rời các giá trị
phổ quát ». Đương nhiên, tuyên bố này của Washington khiến Bắc Kinh nổi
dóa và đã có phản ứng gay gắt, cho rằng mục tiêu của bài diễn văn là nhằm
« ngăn chặn và cản trở sự phát triển của Trung Quốc », đồng thời
tố cáo Mỹ tìm cách « duy trì thế bá quyền và sức mạnh » của
mình.
Trong một
bài viết trên trang mạng Responsible Statecraft, nhà sử học Daniel Larison, cựu
biên tập viên cho tạp chí « Đảng Bảo Thủ Mỹ » đánh giá, chính
sách về Trung Quốc của chính quyền Biden là không có nhiều điều mới mẻ, và được
mô phỏng chặt chẽ dựa trên chính sách của Donald Trump. Đây là một sự liên tục
lớn nhất giữa chính quyền Biden với người tiền nhiệm, khi ông nhắc lại luận
điểm theo đó, Trung Quốc là một cường quốc « hiếu chiến »,
là một thế lực gây bất ổn cần phải kềm hãm…
Dù vậy,
ông cũng nhìn nhận rằng điều đó không có nghĩa là không có một sự khác biệt trong
chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Biden. Vẫn theo Daniel Larison,
điểm đáng chú ý trong bài diễn văn của ngoại trưởng Blinken là đặt ngoại giao
trở lại vào trọng tâm chính sách đối ngoại, vào lúc các hoạt động ngoại giao của
Mỹ tại vùng châu Á – Thái Bình Dương ngày càng tỏ ra mờ nhạt.
Maud
Quessard, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược trường Quân Sự Pháp (IRSEM,) ghi nhận đây
chính là một phần trong chiến lược mới của Mỹ, ở đó vế « ngoại giao –
kinh tế » của chính quyền Biden – Harris sẽ được chú trọng trong nỗ lực
đáp trả thách thức thế bá quyền của Trung Quốc tại vùng châu Á – Thái Bình
Dương. (Tạp chí Diplomatie số tháng 5-6/2022)
Những
tháng gần đây, nhịp độ hoạt động ngoại giao của Mỹ trong khu vực tăng mạnh.
Washington muốn đuổi kịp Bắc Kinh sau một thời gian khởi động chậm chạp :
Chuyến thăm ba nước Đông Nam Á của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloy Austin
(7/2021), Vòng công du châu Á của ngoại trưởng Mỹ (2/2022), Thượng đỉnh Mỹ -
ASEAN tại Washington (trung tuần tháng 5/2022) hay như chuyến công du Đông Bắc
Á của nguyên thủ Mỹ (cuối tháng 5/2022)…
Mục tiêu
là để tái khẳng định cam kết của Mỹ trong khu vực với những thách thức rất rõ
ràng : Duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ với tư cách là cường quốc khu vực Ấn
Độ - Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » vào thời điểm
« giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình » có nhiều nguy cơ thay
thế vị thế của Mỹ, và qua đó tìm cách « sửa chữa chính sách đối ngoại »
sau một nhiệm kỳ Donald Trump tạo thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện tham vọng
của mình trên bình diện khu vực cũng như trên thế giới.
Châu Á : Mặt trận đối đầu chính cho Mỹ
và Trung Quốc
Tham vọng
của Mỹ sẽ phải là tâm điểm của một trật tự thế giới tương thích với những thách
thức mới của thế kỷ XXI, khi dựa vào các đồng minh trong vùng Ấn Độ - Thái Bình
Dương từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Philippines, Thái Lan…
cũng như dựa vào các đồng minh vùng châu Âu – Đại Tây Dương (đặc biệt là Anh và
Liên Hiệp Châu Âu), tùy theo vai trò mà các nước đó có thể nắm giữ (nhất là tại
eo biển Đài Loan).
Đây cũng
là lần đầu tiên Washington nhấn mạnh đến vai trò này của các nước trong chiến
lược mới của Nhà Trắng được công bố hồi tháng 2/2022, mà ví dụ điển hình có thể
thấy rõ nhất là vị thế của Nhật Bản trong khu vực, như giải thích của bà
Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS):
« Nhật
Bản có một vai trò trung gian khá thú vị giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á. Ngoại
trưởng và thủ tướng Nhật Bản thường xuyên có mặt trong vùng, bên cạnh các đối
tác thuộc khối ASEAN. Nhất là họ gây áp lực sao cho những nước đó chấp nhận một
phần nào tham gia vào khuôn khổ kinh tế mới (IPEF) do Mỹ đề xướng. »
(France Culture ngày 28/05/2022)
Vẫn theo
bà Maud Quessard, tham vọng dài hạn này của Washington được thấy rõ qua lập trường
của nhiều cố vấn tổng thống Biden, những thành viên trong Hội Đồng An Ninh
Quốc Gia NSC. Phần đông trong số họ giữ những vị trí hàng đầu tại nhiều nước
châu Á – Thái Bình Dương, hay những người từng tham gia kiến tạo cho chiến lược
« xoay trục của Obama ».
Điển hình
nhất là trường hợp của Kurt Campell, từ lâu tin rằng tái định hướng chiến lược
của Mỹ sang châu Á là điều cần thiết. Chiến lược này cần phải được dựa vào việc
huy động những phương tiện quân sự, kinh tế và công nghệ. Tầm nhìn này đã được
cố vấn cho tổng thống về Trung Quốc, Rush Doshi, đồng chia sẻ. Ông là tác giả tập
sách The Long Game : China’s Grand Strategy to Displace American Order
(NXB Oxford University Press USA, 2021).
Theo
Doshi, việc Donald Trump đắc cử tổng thống năm 2016 dường như đã làm thay đổi cảm
nhận của Trung Quốc về sức mạnh của Mỹ, khi nuôi dưỡng hy vọng về « những
thay đổi lớn chưa từng có từ một thế kỷ nay ». Cũng theo vị cố vấn quyền
lực này, Bắc Kinh có lẽ ngay từ năm 2008 đã theo đuổi chính sách bành trướng,
nhất là thiết lập những nền tảng cơ bản trật tự bá quyền của mình mang tư tưởng
xét lại trong lòng các định chế quốc tế hay khu vực.
Mục tiêu
là nhằm chứng tỏ ưu thế của mô hình Trung Quốc trước một « Hoa Kỳ
đang thoái trào» và mở rộng ảnh hưởng trên bình diện kinh tế và chính
trị, khi tự cho rằng các định chế của Bắc Kinh được thiết kế tốt hơn để có thể
huy động Nhà nước, xã hội và thị trường thực hiện các chính sách công nghiệp,
phục vụ cho những tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Cuối cùng,
trên bình diện quân sự, Trung Quốc tự trang bị cho mình các phương tiện nhằm ra
sức phát triển một quân đội mang cấp độ thế giới, có khả năng hậu thuẫn, bảo vệ
những lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài và nhất là vùng châu Á – Thái Bình
Dương.
Kinh tế : Con chốt mới của Mỹ đã bị
Trung Quốc qua mặt ?
Trong bối
cảnh này, ngoài việc phải tăng cường hệ thống phòng thủ và bảo vệ các căn cứ
cũng như đồng minh quân sự tại khu vực, chính quyền Biden cho rằng cần phải mở
rộng hợp tác đối tác trên bình diện kinh tế và chính trị, để có thể « kềm
hãm đà ảnh hưởng của Trung Quốc » tại các định chế quốc tế, cũng
như ở vùng châu Á.
Washington
đánh giá phải hoàn thiện cân bằng chiến lược và thành công ở những điểm mà
các đời tổng thống tiền nhiệm Obama hay Donald Trump đã thất bại khi không
đề xuất được những thỏa thuận tốt nhất cho nhiều nước cường quốc hạng trung như
Singapore, Đài Loan, Việt Nam, hay các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.
Từ những
quan sát này, nhằm bổ sung cho chiến lược mới, chính quyền Biden – Harris vạch
ra một khuôn khổ hợp tác đối tác kinh tế mới IPEF – Indo-Pacific Economic
Framework, ước tính chiếm giữ đến 40% kinh tế toàn cầu và sơ khởi đã tập hợp được
12 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Singapore, Brunei, Việt
Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan). Việc 6/12 nước tham gia ban đầu đều là
các thành viên của khối ASEAN, cho thấy một lần nữa chính quyền Biden chú
trọng đến đặc tính « trung tâm » của ASEAN trong vùng Ấn Độ -
Thái Bình Dương.
Những nỗ lực
này, đương nhiên, cho thấy chính quyền Biden tìm cách vượt qua khuôn khổ một Ấn
Độ - Thái Bình Dương quá chú trọng vào những thách thức an ninh khi bổ sung
thêm lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, chiến lược này của
Mỹ chẳng khác gì « ăn miếng trả miếng », nhằm đáp trả lại sáng
kiến Vành Đai và Con Đường của Bắc Kinh, nhưng lại trong sự muộn màng.
Barthélémy
Courmont, chuyên gia về Đông Á và chính sách đối ngoại Mỹ, Viện Quan Hệ Quốc Tế
và Chiến Lược IRIS, lấy làm tiếc rằng từ hơn hai thập niên qua, chính sách Belt
and Road Initiatives đã giúp Trung Quốc cắm rễ sâu với các khoản đầu tư trên
toàn châu lục. Châu Á không còn nhiều chỗ dành cho Washington trong khi khả
năng đầu tư của Mỹ lại hạn hẹp do phải cấp bách đầu tư vào cơ sở hạ
tầng ở trong nước. Trong cuộc đua khốc liệt này, rõ ràng quân chốt của Mỹ đã bị
Trung Quốc bỏ xa !
--------------------------------
CÁC
NỘI DUNG LIÊN QUAN
TRUNG
QUỐC - NAM THÁI BÌNH DƯƠNG
Thái
Bình Dương: Các đảo quốc tí hon cản đà thống trị của gã khổng lồ Trung Quốc
Mỹ
kêu gọi châu Âu hỗ trợ chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc
ĐÀI
LOAN - NGUY CƠ CHIẾN TRANH
Chuyên
gia Cabestan: ''Không rõ Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan’’ chống Trung Quốc bằng cách nào
No comments:
Post a Comment