Thursday, June 16, 2022

CÁC SẾP VIETNAM AIRLINES BỊ CHẤT VẤN VỀ MỨC LƯƠNG CÁCH BIỆT QUÁ LỚN (Như Hồ / Saigon Nhỏ)

 



Các sếp Vietnam Airlines bị chất vấn về mức lương cách biệt quá lớn

Như Hồ
16 tháng 6, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/cac-sep-vietnam-airlines-bi-chat-van-ve-muc-luong-cach-biet-qua-lon/

 

Theo Vietnambiz, vào ngày 1 Tháng Sáu, Sở Giao dịch Chứng khoán ở TP.HCM (HoSE) đã nhắc nhở Vietnam Airlines về việc phải gửi hồ sơ thuyết minh về tiền lương, thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và Ban Kiểm soát trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 163 và Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2020.

 

Tin tiết lộ từ Vietnam Airlines cho biết tổng quỹ tiền lương và thù lao cho Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS) và Ban Tổng Giám đốc trong năm 2021 rất cao, hơn 8 tỷ đồng, tăng 23.5% so với năm 2020, dù trong suốt hai năm đại dịch hãng máy bay này kêu lỗ và dọa sẽ phá sản nhiều lần.

 

Trong đó, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa dẫn đầu với thù lao cao nhất đạt tới 993 triệu đồng trong cả năm, ứng với gần 83 triệu đồng/tháng. Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà nhận về 988 triệu đồng, đứng thứ 2. Các Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT, kế toán trưởng, Trưởng Ban Kiểm soát… đều có mức lương xấp xỉ 800 triệu đồng như ông Trịnh Ngọc Thành, Trịnh Hồng Quang, Tạ Mạnh Hùng, Trần Thanh Hiền, Lê Trường Giang, Nguyễn Thị Thiên Kim…

 

Nhìn vào bảng lương mà Vietnam Airlines công bố, điều gây khó hiểu là trong khi các nhân vật nói trên có mức lương tăng quá cao – ngay trong lúc khó khăn – thì có một số lãnh đạo khác có thù lao và tiền lương năm 2021 rất khiêm tốn, chưa tới 10 triệu đồng, chẳng hạn như thành viên BKS Nguyễn Thị Hồng Loan, các thành viên HĐQT Đinh Việt Tùng và Trương Văn Phước.

 

Hồi Quý I đầu năm 2022, Vietnam Airlines báo tiếp tục lỗ nặng. Khấu trừ các chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 2,621 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày hãng máy bay này lỗ gần 30 tỷ đồng.

 

Khoản lỗ quý đầu năm nâng tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên hơn 24,574 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu lại âm 2,160.8 tỷ đồng tại ngày 31 Tháng Ba 2022. Tình thế này khiến Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

 

Hồi cuối năm 2021, Vietnam Airlines mở đường máu bằng cách chuyển nhượng 35% vốn góp tại Cambodia Angkor Air và thu về $35 triệu. Phần vốn góp còn lại của khoản đầu tư này (14%) sẽ được thanh lý trong năm nay. Đây cũng chính là thương vụ xuất ngoại cho Vietnam Airlines thu về 775 tỷ đồng, giúp lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, thoát án hủy niêm yết bắt buộc.

 

Lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu, Vietnam Airlines tính sẽ cơ cấu tài sản, thoái vốn công ty thành viên, bán bớt máy bay và cải thiện hoạt động kinh doanh để thoát khó khăn trong năm 2022. Nhân viên của hãng máy bay này cũng bị hạ lương, nợ lương do tình cảnh khó khăn chung. Thế nhưng mức lương vẫn tăng cao ngất của các sếp Vietnam Airlines đang trở thành dấu hỏi của nhiều người.





No comments: