Biden
gửi một thông điệp cho Trung Quốc
David Brown
- Asia Sentinel
Song
Phan, chuyển ngữ
02/06/2022
https://baotiengdan.com/2022/06/02/biden-gui-mot-thong-diep-cho-trung-quoc/
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/06/1-2-696x392.webp
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: Susan Walsch/
AP
Bộ tứ và Đối tượng Tình cảm
Dù tòa Bạch
Ốc vội vã cố gắng ‘sửa chữa’ điều mà ông Joe Biden muốn nói trong phát biểu
ngày 23 tháng 5, nhưng ý nghĩ của ông rất rõ ràng: Nếu Trung Quốc cố tìm cách
xâm lược Đài Loan trong khi ông là Tổng thống Mỹ, thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp.
Bối cảnh
phát biểu cũng không kém nổi bật hơn lời của ông Biden. Phát biểu được đưa
trong một cuộc họp báo ở Tokyo sau khi ông ấy gặp Fumio Kishida, Thủ tướng mới
của Nhật, và vài ngày trước đó với tổng thống mới của Nam Hàn, Yoon Suk-yeol. Tổng
thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Kishida cũng đã gặp nhau trong Hội nghị thượng đỉnh
Bộ Tứ với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và thủ tướng mới của Úc, Anthony
Albanese.
Có phải
ông Biden vừa bị tình bạn thân thiết hớp hồn? Hoặc, với cuộc phiêu lưu của Nga ở
Ukraine trong đầu, Tổng thống Mỹ đã kết luận rằng, đã đến lúc phải xua tan ảo
tưởng của Bắc Kinh, rằng các nước dân chủ có thể đứng sang một bên nếu quân
Trung Quốc được tung ra qua eo biển Đài Loan?
Biden là một
đấu thủ trong bàn cờ tranh luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong nhiều
thập niên. Sau khi lắng nghe nhiều tranh luận không thuyết phục, dường như ông
kết luận rằng, đã đến lúc cần củng cố một sự đồng thuận mới về việc đối phó với
tham vọng của Trung Quốc.
Nhóm
chuyên gia lớn tuổi của Mỹ về Trung Quốc ‒ những người từng là phụ tá Henry
Kissinger thời ông ấy đàm phán với Chu Ân Lai về quan hệ giữa Washington với Bắc
Kinh ‒ đã vội vàng tỏ ra hối tiếc về tuyên bố của Biden. Một người trong số đó nói: “Hầu như tất cả những ai
biết những lãnh đạo Trung Quốc, đều tin rằng, việc kết thúc tình trạng mơ hồ
chiến lược ‒ nghĩa là việc Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan một cách tường minh ‒
là động thái gây chiến (casus belli).
Chuyên gia
này có thể đúng. Những kẻ chuyên quyền như Vladimir Putin và Tập Cận Bình
có xu hướng liều lĩnh hơn, khi mọi thứ không suôn sẻ. Niềm tin rằng Hoa Kỳ, Nhật
Bản và các nước khác quyết tâm tham gia bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công vũ
trang, có thể có tác dụng ngược, thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành tấn công trước khi
Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương tìm cách giảm thiểu khả năng thành công của
cuộc xâm lược đó.
Đài Loan cần
được hiểu là một ví dụ cho tất cả những gì mà các nhà dân chủ tỏ lòng ngưỡng mộ,
một nền dân chủ sôi động và đang lớn mạnh. Giống như Ukraine về nhiều mặt,
Đài Loan thể hiện tinh thần dân tộc cao.
Cho đến
vài năm qua, có thể bỏ ngoài tai những lời Trung Quốc đe dọa sẽ chinh phục đảo
quốc ngoan cố này; Trung Quốc chưa đủ lực để làm việc đó. Hoặc có thể
lập luận rằng, chế độ ở Bắc Kinh cũng không muốn để thành quả của ‘phép màu
kinh tế’ của họ bị nguy hiểm. Tuy nhiên, giờ đây, mối đe dọa đó có thể sờ thấy
và hiện thực.
Chế độ Tập
Cận Bình đã nuốt chửng Hồng Kông, mở rộng quyền thống trị thực tế trên biển
Đông, cưỡng ép người Duy Ngô Nhĩ Hán hoá và khoe khoang rằng, vào năm 2027, họ
sẽ có các nguồn lực quân sự “thông minh hóa” cần có để buộc
Đài Loan phải khuất phục. Họ đã bơm nhân dân tệ vào quá trình hiện đại hóa
quân sự và hải quân, cảnh sát biển và không quân của họ hiện chiếm ưu thế ở vùng biển bên trong ‘chuỗi đảo
đầu tiên’.
Những đe dọa
ngày càng trở nên hiện thực của Bắc Kinh trong việc phá vỡ hiện trạng, việc phô
trương sức mạnh về quân sự và kinh tế của họ, là những điều khiến Hoa Kỳ lo ngại.
Cánh ‘diều hâu’ quốc phòng hiện chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận của
Washington về ‘Trung Quốc trỗi dậy.’ Họ biện luận cho việc đầu tư lớn vào các
khả năng ‘chiến tranh phi đối xứng’ mà Ukraine đã sử dụng để chống lại quân xâm
lược Nga. Việc triển khai sự trợ giúp khiến Đài Loan có khả năng phòng thủ cao
hơn trước một cuộc tấn công từ đại lục có thể có tác dụng ngược: Tức là thúc đẩy
Bắc Kinh hành động, trước khi lợi thế của họ bị xói mòn. Những khoảnh khắc
căng thẳng đang ở phía trước, và rất có thể xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang.
Sự lo lắng
đã lan tràn khắp tầng lớp quản lý thậm chí từ lâu hơn ở Nhật Bản, đối tác và đồng
minh cốt yếu của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tokyo phụ thuộc vào Mỹ trong việc đứng
lên chống lại Trung Quốc và chắc chắn vẫn đứng vững với điều đó. Nhận thức được
sức mạnh kinh tế và khát vọng chiến lược của Trung Quốc, Tokyo đã đem tư thế
“chỉ tự vệ” sau Thế chiến Thứ hai của nước này chôn cất tử tế dưới mồ. Điều vốn
gây tranh cãi vào năm 2015 là việc Quốc hội chấp nhận quyền của Nhật Bản tham
gia vào ‘việc tự vệ tập thể’, bao gồm cả hành động chung với các đối tác trong
khu vực, hiện nhận được sự ủng hộ vững chắc của công chúng.
Một tư thế
phòng thủ ủng hộ Đài Loan rất phổ biến với công chúng Nhật Bản từng một thời có
tiếng thích hoà hoãn: Một cuộc thăm dò của Nikkei vào tháng 4 năm 2021 cho thấy,
74% số người được hỏi, ủng hộ sự can dự tích cực của Nhật Bản đối với ‘sự ổn định
ở eo biển Đài Loan’. Cảm giác đó được đáp lại ở Đài Loan, nơi có 58% số người
được hỏi đến trong một cuộc thăm dò khác cho biết, họ tin rằng lực lượng Nhật Bản
sẽ đến giúp Đài Loan chống Trung Quốc xâm lược.
Nhận thức
của các nhà quan sát Đông Á hiện nay về các lãnh đạo Trung Quốc dường như đã
chuyển mạnh về hướng coi Tập Cận Bình và các cộng sự thân cận là những người thất
thường và sợ rằng họ có thể bỏ lỡ cơ hội tốt nhất của Trung Quốc ‒ là thời điểm
hiện tại ‒ trong việc sửa chữa mọi tổn hại Trung Quốc bị bắt phải chịu trong
quá khứ. Việc duy trì sức mạnh và sự gắn kết của liên minh Hoa Kỳ với Nhật
Bản và, ở mức độ nào đó với Nam Hàn, trong bối cảnh này hết sức phụ thuộc vào
việc trông thấy phản ứng khẩn cấp của chính quyền Biden trước những bằng chứng
cho thấy, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang có ý định chiếm Đài Loan.
Các quốc
gia Đông Nam Á đã do dự trong việc tham gia, mặc dù những gì xảy ra với Đài
Loan chắc chắn sẽ có những tác động trực tiếp, to lớn đến Đông Nam Á và các tuyến
đường vận tải biển quan trọng ở biển Đông. Câu trả lời của Tổng thống Biden cho
một câu hỏi có vẻ ngẫu nhiên, do đó cũng là một lời cảnh tỉnh đối với
Singapore, Manila, Jakarta và Kuala Lumpur: họ đang bị thách thức trong việc lựa
chọn, liệu có thể trở thành chư hầu của Bắc Kinh như Phnom Penh, hoặc thay vào
đó, nên nắm cơ hội để liên kết với Quad. Đe dọa của Trung Quốc đối với hiện trạng
vừa dễ thấy, vừa hiện thực, và phản ứng của Hoa Kỳ và Nhật Bản được cho là phù
hợp, có thể vừa đủ để làm cứng hơn cái xương sống có tiếng mềm dẻo của ASEAN.
Ít nhất,
các quốc gia Đông Nam Á có phần ở biển Đông có thể cùng giải quyết với nhau các
yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ và sau khi làm như vậy, thể hiện
rõ việc họ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi thống trị vùng biển chung này.
Đặc biệt, Hà Nội có rất nhiều lý do để khiếp sợ
‘Giấc mộng Trung Hoa’ của Tập Cận Bình.
Việt Nam nằm gần Trung Quốc một cách khó chịu, trước đây từng là nước triều cống
và gần đây là đối tượng của cả một cuộc chiến tranh biên giới dai dẵng, lẫn sự
xâm phạm của Trung Quốc trên EEZ của họ. Nếu Hà Nội liên kết với Bộ Tứ, họ có
thể mong đợi nhiều trợ giúp trong việc nâng cao khả năng phòng thủ vốn đáng kể
của mình và có lẽ cả trong việc kiểm soát các mỏ dầu khí ngoài khơi. Liên kết
công khai chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc sẽ được công chúng Việt
Nam vô cùng yêu thích.
Cuộc phiêu
lưu ở Ukraine của Putin đã khiến sự phụ thuộc trước đây của Hà Nội vào Nga về hệ
thống vũ khí và huấn luyện trở nên bấp bênh. Vài ngày trước khi Biden tiến vào
Đông Á, nhà phân tích Derek Grossman của RAND lập luận rằng, “Đài Loan không phải là Ukraine của Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương. Hãy thử thay bằng Việt Nam”. Quan điểm của ông là, Việt
Nam không những không có đồng minh chính thức mà còn “thua xa Trung Quốc qua mọi
thước đo [quân sự] có thể hình dung được” và do đó, so với Đài Loan, Việt Nam
là mục tiêu nhẹ nhàng hơn cho tham vọng của Trung Quốc.
Thật vậy,
việc liên kết công khai với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác có khả năng hấp dẫn
hơn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam so với trước đây. Thực tế, chính quyền
Biden đang tha thiết đề nghị Hà Nội tham gia với họ trong một ‘quan hệ đối tác
chiến lược’. Hà Nội có thể có những bước đi nhỏ. Ví dụ, họ có thể liên kết với
Quad trong tư cách một quan sát viên. Tuy nhiên, phe giáo điều chiếm ưu thế
trong Bộ Chính trị không tin chắc vào động cơ của một siêu cường luôn quấy rầy
họ về nhân quyền phổ quát. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang trở nên khó khăn
hơn, việc không đứng về phía nào có vẻ vẫn là chủ trương tốt hơn đối với các
nhà lãnh đạo ở Hà Nội.
______
Tác
giả: David
Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là một cộng tác viên thường
xuyên của Asia Sentinel. Ông có nhiều bài viết về các vấn đề chính sách công ở
Việt Nam. Bản dịch này đã được ông Brown chỉnh sửa, dành cho độc giả người Việt,
có thể có vài chi tiết khác với bản tiếng Anh.
No comments:
Post a Comment