https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=354058719934487&id=100059910855657
Lạ, lạ vì
chỉ cần có chút lý trí thì sẽ thấy ngay những hành động của ông ta là sai trái
(chưa nói phi nhân và tàn ác); lạ vì chỉ cần nghĩ tới đất nước mình có hoàn cảnh
tương tự như Ucraine thì lập tức sẽ phản đối và lên án ông ta… Thế nhưng, lắm
người vẫn ngụy biện để ủng hộ và tung hô, là vì sao thế?
Tôi cho rằng tệ sùng bái cá nhân là lý
do. Sự sùng bái ấy, mở
rộng ra, là sùng bái nước lớn, và nhiều thứ khác nữa. Người Việt mắc bệnh này rất
nặng, có thể gọi là trầm kha và nan y. Thấy người giàu thì liền xuýt xoa, thấy
kẻ có địa vì thì trầm trồ; ghét cửa quyền, hách dịch, ghét tham ô tham nhũng
nhưng thấy kẻ có quyền thế giàu có về làng thì liền tấm tắc lấy làm tấm gương để
dạy con…
Tâm lý sùng bái cá nhân ấy từ đâu mà
ra? Từ tâm thức nô lệ.
Kẻ nô lệ có những nghịch lý trong tinh thần: vừa khinh vừa sợ, vừa coi thường vừa
ngưỡng mộ, vừa bạo lực vừa hèn nhát, vừa xa lánh vừa muốn tiếp cận, vừa dè bỉu
vừa tôn sùng… Những ẩn ức về sự lệ thuộc, về sự yếu nhược, nghèo hèn đã sinh ra
thứ tâm lý này.
Những người mắc bệnh sùng bái cá nhân
là do khao khát quyền lực, khao khát giàu có, coi những thứ ấy là lý tưởng, là
giá trị, là đích đến, là thành tựu… và hết lòng ngưỡng vọng. Nhưng vì không có khả năng hay điều kiện
để đạt được, thế là sinh ra thứ tâm lý có vẻ mâu thuẫn kia. Mâu thuẫn nhưng kỳ
thực là rất thống nhất, nó chỉ là 2 mặt của một tờ giấy.
Những kẻ ấy,
sẽ “quay xe” rất nhanh khi may mắn được đổi ngôi. Từ yếu hèn bỗng trở nên hung
hăng, từ tự ti bỗng thành rất tự tin, từ nịnh bợ bỗng trở nên hách dịch, từ quê
mùa bỗng trở nên trưởng giả…
Sự sùng
bái cá nhân là biểu hiện của việc đánh mất bản thân, đánh mất con người cá
nhân, không có nhân vị và ý thức về nhân vị, không tự ý thức về giá trị và
không có giá trị riêng để theo đuổi.
Một xã hội
gồm những kẻ mắc bệnh sùng bái cá nhân là một xã hội vô sắc, một xã hội đồng phục
và tuân phục. Xã hội ấy sẽ chuyển từ cực này sang cực kia: cừu thành sói, yên
thành loạn. Mâu thuẫn thường được giải quyết bằng bạo lực. Xã hội ấy không biết
đối thoại mà chủ yếu là “đối thụi”. Nó khó đi con đường khai sáng mà chủ yếu thực
hiện các cuộc “cách mạng” thay thế.
Sùng bái
cá nhân, như những đứa trẻ suốt đời dựa dẫm vào cha mẹ, “cậy” bố, cậy anh, cậy
đại ca trong xóm để an tâm và vênh váo. Đó là biểu hiện của một xã hội chưa trưởng
thành, một xã hội toàn trẻ con.
Chỉ đến
khi nào người ta tự tin vào bản thân và theo đuổi giá trị của riêng mình mà
không cần lệ thuộc và phụ thuộc vào kẻ khác, trong khi vẫn tôn trọng sự khác biệt,
khi ấy con người mới thật sự bắt đầu hành trình trưởng thành. Mà điều ấy ở ta,
cho đến nay, vẫn còn xa vời và xa xỉ lắm…
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment