Lê Tây Sơn
11 tháng 3, 2022
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/khong-co-hoa-hong-cho-putin/
Biểu
tình phản đối cuộc chiến của Putin tại Washington DC, ngày 27 Tháng Hai 2022 (ảnh:
Mạnh Kim)
Không có
hoa hồng cho Putin
Sau hơn
hai tuần Nga phát động cuộc chiến tranh chống Ukraine đã hé lộ những vết nứt
trong kế hoạch xâm lược của Putin, khi “cái gọi là” những đòn “tấn công chính
xác” đã kém chính xác hơn rất nhiều. Lực lượng bộ binh gần như mất hương hướng
và không có chiến thuật rõ ràng trong nỗ lực “giải phóng” các thành phố và chờ
“hoa hồng đón chào” của người dân Ukraine.
Còn nhớ là
vào đêm trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, ngay cả một số quan chức Mỹ cũng dự
đoán Kyiv sẽ thất thủ trong vòng 48 đến 72 giờ. Có lẽ họ dựa vào sức mạnh
“trình diễn” của lực lượng Nga và xem nhẹ tinh thần chiến đấu của chính phủ,
quân đội và người dân Ukraine căn cứ vào những “phân tích” cũ. Suy nghĩ này
không sai nếu nhìn vào chiến dịch chiếm bán đảo Crimea của Nga và quá trình
thành lập hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên,
ở lần xâm lược này, sau 15 ngày, lá cờ xanh vàng của đất nước Ukraine vẫn tiếp
tục bay trên các tòa nhà tại những thành phố bị bao vây nhiều ngày. Đã có những
lời bàn tán xôn xao về việc nhà nước Ukraine bị sẽ bị xóa sổ, nhưng Tổng thống
Ukraine Volodymyr Zelensky không chỉ vững vàng mà còn có những tuyên bố thách
thức. Đến lúc này nhiều người mới phát hiện: Người Ukraine không hề yêu nước…
Nga, có tâm lý “thần tượng” Putin hay muốn trở thành một phần của nước Nga “vĩ
đại”. Họ cũng không phản bội chính phủ do chính họ bầu lên.
Nếu đúng
như Putin khẳng định, “Ukraine không phải là một quốc gia thực sự mà luôn đau
đáu hướng về “Đất mẹ Nga” thì chắc chắn Ukraine đã sụp đổ. Nhưng những gì “Sa
hoàng mới” nghĩ chỉ là ảo tưởng. Ukraine là một quốc gia với tinh thần dân tộc
thực sự mà ngay cả đạo quân Nga hùng hậu 160,000 người tràn qua biên giới vẫn
chỉ kiểm soát được không quá 10% lãnh thổ. Còn việc “thu phục nhân tâm” và đưa
“những đứa con đi lạc trở về nhà” chỉ là chuyện hoang đường! Không có quốc gia
có chủ quyền nào và một dân tộc có lịch sử, có lòng kiêu hãnh và tự trọng nào lại
cho phép Nga làm như thế. Cho nên phải gọi đúng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của
Putin là “cuộc xâm lược đặc biệt” khi quốc gia này xâm chiếm quốc gia khác thì
mới hiểu đúng vấn đề và hiểu đúng tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine.
Biểu
tình phản đối cuộc chiến của Putin tại Washington DC, ngày 27 Tháng Hai 2022 (ảnh:
Mạnh Kim)
Trong ba
tuần trước cuộc xâm lược, nhiều người dân Ukraine không tin là sẽ có chiến
tranh với những người gọi họ là “anh em”. “Chúng tôi chắc chắn sẽ không có chiến
tranh” là điệp khúc thường nghe ở các thành phố Mariupol, Zaporizhzia, Kharkiv
và Kyiv. Chính phủ Ukraine cũng giảm nhẹ nguy cơ của việc lực lượng Nga tập
trung đông bất thường ở biên giới. Nhiều thị trưởng thành phố cũng thế. Có lẽ
không ai tin người Nga sẽ đưa quân khi không có nguyên nhân khiêu khích trực tiếp
nào cả. Rồi cả những quan hệ đan chéo giữa hai nước khiến “máu đổ thịt rơi” là
điều không thế.
Thế rồi,
ngày 24 Tháng Hai chiếc “nút chiến tranh” được bật lên. Qua một đêm, tất cả sự
phủ nhận đều trở thành cú tát! Sáng sớm 24 Tháng Hai, cư dân Kyiv đã kinh hoàng
khi nghe bài Putin thông báo về một “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên truyền
hình Nga. Họ hiểu ngay rằng những quyền tự do dân chủ mà họ được hưởng sắp bị
xe tăng Nga nghiền nát và tương lai tăm tối ở phía trước. Vài phút sau, bầu trời
bừng sáng khi tên lửa đạn đạo lao vào sân bay Boryspil bên ngoài Kyiv. Lực lượng
Nga tràn qua biên giới, từ Crimea, Belarus và từ miền Tây nước Nga. Sau một thời
gian ngắn “bất ngờ và sững sờ”, người dân Ukraine mới hiểu rõ đây là “cuộc xâm
lược chiếm đất và bành trướng lãnh thổ”.
Họ hiểu những
cam kết “không có chiến tranh, chỉ là thao dượt” của Nga là lời nói dối. Bây giờ,
điệp khúc mới của người Ukraine đang gồng mình bảo vệ nền độc lập là: “Tôi sắp
gia nhập quân đội, vì đây là đất nước của tôi!”. Ý chí biến thành hành động.
Trước sự ngạc nhiên của nhiều nhà quan sát, các lực lượng Ukraine đã sáng tạo
ra những chiến thuật phòng thủ hiệu quả và phản công rất nhanh trước quân xâm
lược. Họ cơ động, xuất hiện bất ngờ và bắn trả vào các xe tăng Nga. Những đơn vị
tự vệ Ukraina tiến hành cuộc chiến tranh du kích ở các vùng ngoại vi thành phố
trong các chiến hào. Các khẩu súng chống tăng cá nhân được tận dụng tối đa và
đóng vai trò chủ đạo cùng với drone trên bầu trời.
Tận dụng
am hiểu địa hình và sự lúng túng của phía Nga, người Ukraine đã gây ra những tổn
thất nặng nề cho đối phương. Các đơn vị nhỏ, cơ động đã cắt đoàn xe xâm lược
thành từng đoạn nhỏ để tiêu diệt. Các loại vũ khí chống tăng mua được chủ yếu từ
Mỹ và Anh liên tục diệt xe tăng, xe cơ giới, ụ pháo Nga trên mọi nẻo đường. Máy
bay không người lái tấn công do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được sử dụng thành thạo. Tại
một số khu vực bị chiếm đóng bởi lực lượng Nga, thậm chí cả những khu vực chủ yếu
nói tiếng Nga, hàng trăm người đã tham gia ngăn chặn các lực lượng Nga hoang
mang, trong đó có nhiều lính nghĩa vụ. Họ dựng hàng núi lốp xe để bảo vệ thành
phố, thị trấn của mình và vẽ lại các biển báo đánh lạc hướng kẻ thù trên đường
phố.
Dĩ nhiên,
người Ukraine không hề có ưu thế về khí tài và không thể đánh bại lực lượng Nga
vượt trội hơn hẳn. Nhưng bằng chứng đến nay cho thấy, khi được tăng cường các
loại vũ khí cần thiết và các trợ giúp khác từ biên giới phía Tây, người Ukraine
có thể bẻ gãy kế hoạch xâm lược của Putin và buộc ông ta phải điều chỉnh mục
tiêu. Từ tập trung vào các cơ sở quân sự chuyển sang gieo rắc nỗi sợ. Nhưng trước
nhất, bằng cách cầm chân lực lượng Nga, Ukraine đã chứng minh với Putin là ông
ta đã hiểu sai lịch sử hay bóp méo nó vì tham vọng cá nhân.
Biểu
tình phản đối cuộc chiến của Putin tại Washington DC, ngày 27 Tháng Hai 2022 (ảnh:
Mạnh Kim)
Một Thủ tướng
Anh từng nhận xét “một tuần đã là dài trong chính trị”. Hai tuần của cuộc xâm
lược này có vẻ là… vô tận, xét về cách nó thay đổi thế giới. Điềm báo trước thất
bại xuất hiện từ khi đoàn xe tác chiến của Nga dài 40 dặm đi từ Belarus bị giậm
chân tại chỗ, không thể tiến lên. Làm như nó đứng đó để chờ… ăn đạn! Lực lượng
phòng không thiện chiến của Ukraine đã làm tốt hơn mong đợi khi hạ gục nhiều
tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu Nga. Và quan trọng hơn, những nỗ lực của
Nga nhằm chiếm giữ các đầu cầu ở phía Bắc và phía Nam Kyiv ngay từ khi cuộc chiến
nổ ra đã thất bại.
Khi quyết
định tiến hành canh bạc lớn này, Putin không nhớ những gì đã dẫn dến sự kết
thúc của đế chế Nga. Sa hoàng cuối cùng của Nga, Nicholas II, bị thua trong cuộc
chiến với Nhật Bản vào năm 1905. Sau đó, ông ta trở thành nạn nhân của cuộc
Cách mạng Bolshevik, không chỉ mất vương miện mà còn mất mạng. Bài học: Những kẻ
cai trị chuyên quyền không thể tiếp tục cai trị sau khi thua một cuộc chiến. Bị
ru ngủ bởi phản ứng yếu ớt của phương Tây khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014,
Putin đã đánh giá thấp phản ứng của phương Tây đối với “cuộc xâm lược có lựa chọn”
của mình. NATO cũng hiếm khi quyết liệt và nhanh như vậy trong quá khứ khi các
xe tải chở vũ khí chống tăng ùn ùn kéo đến biên giới Ukraine.
Rồi một loạt
biện pháp trừng phạt nhanh và kiên quyết, bất kể có ảnh hưởng đến chính Mỹ và
các đồng minh. Các ngân hàng Nga bị đe dọa đẩy khỏi mạng lưới ngân hàng quốc tế
SWIFT, săn lùng tài sản của các nhà tài phiệt Nga, chấm dứt hoặc giảm nhập khẩu
dầu khí của Nga. Hết công ty này đến công ty khác, từ McDonald’s, Zara đến
Apple đã ngưng hoạt động tại Nga, không cho người Nga tiếp cận những hàng hóa
tiêu dùng họ yêu thích kể từ khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc. Đồng rúp mất giá
trị hơn một nửa so với giữa Tháng Hai.
Sau 17
ngày Nga xâm lược, Volodymyr Zelensky, diễn viên trở thành tổng thống, vẫn vững
vàng trước thử thách mà ít lãnh đạo thế giới nào gặp phải. Sự kiên cường của Tổng
thống Ukraine và khả năng tự vệ của Ukraine khi đối mặt với một kẻ thù mạnh và
tàn bạo, nham hiểm đã gây ấn tượng mạnh trên toàn thế giới. Các sân vận động
bóng đá khắp châu Âu được trang trí màu cờ Ukraine, tháp Eiffel ở thủ đô Paris
của nước Pháp cũng thế. Những video của Zelensky đã dẫn đến cuộc biểu thị ủng hộ
khắp thế giới. Quốc hội Anh và châu Âu bày tỏ sự ngưỡng mộ. Ngược lại, Putin
đang bị cô lập, nóng nảy quát nạt cấp dưới, ghi âm một bài biện minh lan man với
các tiếp viên hàng không Aeroflot xinh đẹp vây quanh.
Câu hỏi lớn
hiện nay là liệu một lãnh đạo Nga giận dữ và thề tiếp tục “chiến dịch quân sự
đúng lịch trình” cho đến khi đạt được mục đích có thể sử dụng bừa bãi tên lửa
hành trình, đạn đạo, hệ thống pháo đa nòng không chính xác, bom chùm, bom nhiệt
áp, thậm chí vũ khí hóa học và sinh học? Liệu ông ta có dám biến Kyiv thành một
Grozny (thủ đô của Chechnya), nơi bị san thành bình địa trong năm đầu tiên
Putin cầm quyền? Cuộc hội đàm hôm Thứ Năm 10 Tháng Ba tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa ngoại
trưởng Nga và ngoại trưởng Ukraine chẳng có kết quả nào cả.
Kremlin
yêu cầu Ukraine công nhận chủ quyền của Nga ở Crimea, công nhận nền độc lập của
hai nước cộng hòa bù nhìn ở miền Đông Ukraine và Ukraine. Ukraine trả lời là
không (dù Zelensky thừa nhận giấc mơ gia nhập NATO, được ghi trong hiến pháp
Ukraine, ngày càng xa vời). Trong các yêu cầu trên, không có yêu cầu “phi phát
xít hóa và phi quân sự hóa” Ukraine (cụm từ để chỉ việc thay đổi chế độ đương
nhiệm dân bầu). Trong khi đó, những đau khổ hàng ngày của thường dân Ukraine vẫn
tiếp diễn. Hàng ngàn người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng pháo và
tên lửa nhắm vào các tòa nhà chung cư. Hai triệu người di tản khỏi đất nước, đa
số là phụ nữ và trẻ em. Khi được về nhà, họ sẽ thấy các thành phố xinh đẹp và
có bề dày lịch sử như Kharkiv, Sumy, Mariupol và Chernihiv đã biến dạng hoàn
toàn.
No comments:
Post a Comment