Monday, March 28, 2022

AI ĐÃ PHỔ CẬP DÒNG NHẠC MỸ VÀO ĐỜI SỐNG VIỆT? (Tuấn Khanh - Saigon Nhỏ)

 



Ai đã phổ cập dòng nhạc Mỹ vào đời sống Việt?

Tuấn Khanh  -  Saigon Nhỏ
28 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ai-da-pho-cap-dong-nhac-my-vao-doi-song-viet/

 

Kỷ niệm 76 năm sinh của Trường Kỳ, "ông vua" nhạc trẻ Việt Nam

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/CaptureTK_edit.png

 

Nếu nói đến nhạc trẻ Việt Nam, cột mốc quan trọng nhất, là giai đoạn chuyển từ nhạc Pháp sang nhạc Mỹ – vốn được coi là kiểu âm nhạc tình tứ, dịu dàng sang phần kích động nhạc. Trải qua nhiều thăng trầm hơn của nhạc Việt, điều tổng kết có thể nhận thấy rằng, chính nhà báo – nhạc sĩ Trường Kỳ với những người bạn niên thiếu của mình đã mở đầu cho phong trào đưa âm nhạc Mỹ vào đời sống Việt Nam.

 

Học ở trường Tây, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, nên khởi đầu âm nhạc yêu thích của Trường Kỳ là La Cumparsita, La Paloma, Come Back To Sorrrento, Blue Danube… cho đến những ca khúc Việt Nam chịu ảnh hưởng lối sáng tác dìu dặt và mạch lạc của người Pháp.

 

Trong gần suốt hai thập niên 60, 70 Trường Kỳ cùng giới nghệ sĩ bạn bè như Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc, v.v… đã dựng nên các phong trào trình diễn qui mô tại những địa điểm rộng lớn ở Sài Gòn, theo cái cách mà nhạc trẻ Mỹ đang bùng nổ, mà đỉnh cao là các đại nhạc hội Woodstock. Trường Kỳ bắt đầu quy tụ các ban nhạc và ca sĩ của thời đại mới từ năm 1964. Những ai đã là dân nghe nhạc của Sài Gòn một thời ắt hẳn khó quên những Đại Nhạc Hội Nhạc Trẻ Taberd liên tiếp từ năm 64 đến năm 1973 (trừ năm 68).

 

Ngoài ra. Trường Kỳ còn có các chương trình nhạc trẻ hàng tuần “Hippies À Go Go” được tổ chức tại những vũ trường ở Sài Gòn từ năm 67 đến 71 như: Chez Jo Marcel, Queen Bee và Ritz”. Cái tên “nhạc trẻ” của Trường Kỳ đặt ra vào năm 1965, nhằm nhấn mạnh một giai đoạn âm nhạc sôi động và mới mẻ của tuổi trẻ miền Nam Việt Nam.

 

Do các nơi trình diễn xuất hiện nhiều, các nhóm nhạc cũng ra đời liên tục nhưng nhạc Pháp và nhạc Việt lại không phù hợp với không khí hừng hực của sân khấu bấy giờ. Các nhóm nhạc trẻ xuất hiện và nhu cầu chơi nhạc tiết tấu nhanh, có sự tham gia của bộ guitar điện và trống nhịp rock đã khiến Trường Kỳ bứt tóc bứt tai: Ông đã thực hiện loạt chương trình này thì có trách nhiệm phải tìm được nội dung phù hợp để cho các bạn nhạc lựa chọn và chơi.

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/Thanh-Lan-1972-11-540x320.jpg

 

Trường Kỳ phát động phong trào chuyển ngữ nhạc ngoại quốc lời Việt, đặc biệt là dòng nhạc Mỹ cho đời sống âm nhạc Việt Nam. Đó chính là lý do ra đời của bộ Tình Ca Nhạc Trẻ đánh số từ 1 đến 7 trong khoảng thời gian 1972-1973.

 

Lúc đó, các đại nhạc hội ở Sài Gòn có rất nhiều ban nhạc, như Les Fanatiques, Les Vampires, The Teddy Bears, The Daltons, Les Faucons Noirs, Les Tridents, The Rockin’ Stars, The Black Caps, The Hard Stones, Les Penitents, The 46, The Spotlights, Phượng Hoàng, The Strawberry Four, The Apple Three, The CatsE2 Trio, The Hammers, The Dreamers, The Crazy Dogs, The Teen Sound, The Peanuts Company, The Enterprise, The New Flintsones Corporation, The Hard Stones, The Fighters, The Starling Show, The Blue Stars, The Free Ones, v.v.. Nhưng hầu hết là các nhóm chỉ chơi lại các bài nhạc nước ngoài chứ không có sáng tác riêng. Và trong bối cảnh đó, nhóm Phượng Hoàng với hai cái tên là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã nổi bật lên trên sinh hoạt nhạc trẻ Việt Nam như một chuyển động vô cùng đặc biệt, mở đầu cho giai đoạn Việt hóa nhạc Pop.

 

Nhưng ít ai biết rằng khởi đầu, Trường Kỳ định mở rộng nhạc Pháp, thậm chí viết thư cho danh ca Dalida xin mở một hộp đêm trình diễn lấy tên của bà tại Sài Gòn.

 

Trong hồi ký của mình, Trường Kỳ kể rằng “Vào năm 58, người nữ ca sĩ sinh trưởng ở Ai Cập này (Dalida) sang Sài Gòn trình diễn ở Hotel Caravelle. Biết được tin này, tôi đã mạnh dạn viết thư qua Club Dalida ở Paris xin được mở một Club Dalida tại Sài Gòn. Không gì vui mừng hơn khi nhận được thư trả lời (dĩ nhiên do thư ký riêng của Dalida đánh máy) kèm theo một tấm hình của Dalida ký tặng với hàng chữ viết tay ở cuối “Dalidamicalemenr Voire”. Theo thư viết, Club Dalida đồng ý để tôi mở một chi nhánh ở Việt Nam. Lúc đó mới phát rét, chả biết cách tổ chức ra làm sao nên phe lờ luôn”.

 

Trường Kỳ ghi nhận rằng vào thời đó, các quốc gia chung quanh đã nhập rất nhanh dòng nhạc Huê Kỳ, trong khi Việt Nam vẫn còn mê đắm nhạc Pháp. Chính vì vậy mà nhạc Mỹ với các ấn bản vào được Việt Nam rất hiếm hoi, nhưng cơ duyên đến với Trường Kỳ khi ông có nhiều nguồn đến với mình, mở đầu cho ý tưởng chuyển ngữ nhạc ngoại lời Việt.

 

“Những năm 61, 62 tìm được lời ca của những bài hát Pháp hay Mỹ không phải là một việc dễ dàng. Nhạc Pháp tương đối dễ hơn, vì theo học chương trình Pháp nên chúng tôi có thể chép lời từ đĩa hát ra không mấy khó khăn. Tạp chí “Salut Les  Copains” lúc đó vẫn  chưa xuất hiện và phong trào “ yéyés” chưa có chỗ đứng, ngay trong giới trẻ tại Pháp.

 

Nguồn cung cấp nhạc Mỹ là những quyển sách nhạc khổ nhỏ in ở Hong Kong có tên “Hit Parade” và “O,K&.Hit Songs”. Có được những quyển sách nhạc này cũng phải trần ai, vì số bán ở Việt Nam rất hạn chế, phải nhanh tay nhanh chân lắm mới chớp được một quyển. Mỗi quyển sách như vậy có đến cả trăm bài hát thịnh hành với cả nhạc và lời, in chữ nhỏ li ti như kiến, được chụp lại từ những sách nhạc khổ lớn của Mỹ.

 

Nhờ tính thích sưu tầm, tôi có gần như đủ bộ những sách nhạc này, do đó được các bạn chiếu cố kịch liệt. Ngoài ra còn được một anh bạn quen lớn tuổi tên Nguyễn Phụng Hòa (hiện ở Baltimore, Maryland) làm việc tại Thái Lan thường xuyên gửi cho những sách nhạc có in lời các bài hát Mỹ của Thái, thêm vào đó còn được sự tăng cường của một cô bạn tên Kim ở Vientianne (Lào) thỉnh thoảng gửi cho một số sách nhạc nên bộ sưu tầm của tôi trở thành phong phú. Trong những năm đầu của thập niên 60. Phải công nhận là phong trào thích nhạc Mỹ nơi giới trẻ tại Hong Kong, Thái Lan và ngay cả Lào đã phát triển nhiều hơn ở Việt Nam, khi đó – vì bị ảnh hưởng nặng của nền văn hóa Pháp – còn đang say sưa với tiếng hát của Charles Aznavour, Yves Montand, Juliette Greco, và nhất là Dalida”, Trường Kỳ viết.

 

Từ đó, phong trào nhạc ngoại lời Việt bùng phát. Có rất nhiều bài hát được chuyển ngữ và trở thành quen thuộc đến mức người Việt đôi khi cứ tưởng là những bài hát Việt Nam, chẳng hạn như bài Tình yêu trong đời (Sealed With A Kiss), Yêu nhau đi (Besame Mucho)… Sau này, với sự tham gia hùng hậu của các nhạc sĩ khác, mà ông ghi lại trong phần “Việt hóa Nhạc trẻ” (trang 362) là “Các ông Nam Lộc, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, Tiến Chỉnh, Quốc Trí, v.v. lui tới thường xuyên để viết lời Việt, nhiều khi còn “xí phần” một bài ngoại quốc nổi tiếng nào đó để chuyển thành lời Việt Nam. Trong khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng rất hưởng ứng phong trào Việt Hóa nhạc trẻ này để tung ra những nhạc phẩm nổi tiếng như Khi Xưa Ta Bé (Bang Bang), Tình Cho Không Biếu Không (L’Amour c’es Pour Rien), Hỡi Người Tình Lara (Dr. Zhivago), Chuyện Tình (Love Story), Người Yêu Nếu Ra Đi (If You Go Away), Cuộc Tình Tàn (Je Sais), Himalaya, Ngày Tân Hôn (The Wedding) v.v…

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, âm nhạc thịnh hành của thế giới, chủ yếu là nhạc Mỹ, đã xuất hiện trên các sân khấu và băng đĩa Việt Nam, tạo niềm cảm hứng cho phong trào người Việt sáng tác nhạc Việt tân thời ra đời.





No comments: