Viết
trong những ngày đại dịch tháng 9/2020
Phan
Thành Đạt
20/09/2020
https://baotiengdan.com/2020/09/20/viet-trong-nhung-ngay-dai-dich-thang-9-2020/
Thế giới đang trải qua những
ngày gian khó: Đại dịch Covid-19 đã khiến gần một triệu người chết. Con số này
khiến tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà độc tài Joseph Staline: “Cái chết
của một người là một bi kịch, cái chết của triệu người là một bản thống kê”.
Khi những người đầu tiên
chết về coronavirus, người ta nhắc đến họ trên các mặt báo, sau này quá nhiều
người chết, báo chí không còn nhắc đến nữa và chỉ đưa ra con số thống kê mỗi
ngày. Danh sách cứ dài thêm và cuộc sống của con người ngày càng mỏi mệt vì đại
dịch này.
Tôi thử đi tìm những
nguyên nhân gây ra thảm cảnh này cho con người. Thế giới sẽ rút ra được bài học
gì sau thảm họa này hay mọi chuyện sẽ vẫn như cũ. Môi trường sẽ tiếp tục bị tàn
phá, chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật sẽ tiếp diễn, cuộc sống của con người tiếp
tục bị hủy hoại.
I. Con người hủy
diệt thiên nhiên
Trong suy nghĩ sai lầm của
con người, thiên nhiên luôn là một kho báu vô tận được tạo hoá ban tặng. Con
người coi đó là tài sản của mình. Họ khai thác, tàn phá, làm cho thiên nhiên kiệt
quệ và không thể tái tạo lại được. Ở đâu có bàn tay của con người chạm đến, ở
đó thiên nhiên bị hủy diệt.
Khi những người châu Âu đầu
tiên đến châu Mỹ, sau khi Christophe Colomb tìm ra châu lục này năm 1492, họ
nhìn thấy phong cảnh kỳ vĩ của tự nhiên mà hôm nay con người không thấy được:
Những cánh đồng hoa tuyệt đẹp trải dài hàng trăm km, phong cảnh thật kỳ diệu và
hùng vĩ khi hoàng hôn xuống, cảnh đàn bò rừng hàng chục ngàn con đang gặm cỏ
trên cánh đồng mênh mông, những cánh rừng với cây cao khổng lồ che khuất mặt trời…
Trước khi Christophe
Colomb tìm ra châu Mỹ, khoảng một trăm triệu thổ dân da đỏ sống rải rác ở đây.
Chỉ sau mấy thập niên, thổ dân da đỏ chỉ còn lại vài triệu người vì họ không có
sức đề kháng với những dịch bệnh lạ đến từ châu Âu như sốt vàng da, kiết lị,
lao… hậu quả là có những bộ tộc không còn ai sống sót.
Sau này, nước Mỹ thực hiện
chính sách dồn người da đỏ vào các khu quy hoạch để chiếm những vùng đất của họ.
Nhiều bộ tộc chống lại chính sách này. Geronimo của bộ tộc Apache trở thành người
anh hùng trong cuộc chiến giữ đất. Để hủy diệt cuộc sống của người da đỏ, người
Mỹ tìm cách triệt tiêu nguồn sống của họ bằng cách tiêu diệt bò rừng, vì đây là
nguồn thức ăn chính của các bộ tộc da đỏ.
Từ năm 1870 đến 1875,
theo thống kê, đã có khoảng 12,5 triệu còn bò rừng bị giết, hệ sinh thái ở nhiều
vùng bị đảo lộn, môi trường ô nhiễm. Những người da đỏ buộc phải rời đến ở tại
các khu vực mà chính quyền dành riêng cho mình do thiếu thức ăn và bị dồn ép đến
đường cùng. Geronimo đã nhận xét: “Khi cái cây cuối cùng bị chặt, dòng sông
cuối cùng bị nhiễm độc, con cá cuối cùng bị đánh bắt, khi ấy người ta sẽ hiểu rằng,
tiền không ăn được”. Nhận xét này càng đúng với hoàn cảnh hôm nay.
Con người ngày nay xây dựng
các thành phố hiện đại, tuy nhiên các thành phố này hầu hết đều bị ô nhiễm, môi
trường bị đầu độc khiến cuộc sống của mọi người bị ảnh hưởng. Những căn bệnh về
đường hô hấp, về da, ngày càng phổ biến.
Môi trường trong lành,
nguồn nước sạch, thức ăn sạch, trở thành mơ ước chung của tất cả mọi người.
Chúng ta đang tàn phá trái đất. Có người đã so sánh theo cách cực đoan khi đánh
giá con người cũng như một loại virus tàn phá thiên nhiên và thiên nhiên đang nổi
giận chống lại họ.
Thiên nhiên giống như một
thùng rác lớn, thủ phạm gây ra chính là con người với lòng tham và sức tiêu thụ
quá độ của mình. Hình ảnh con cá nhà táng bị chết và trôi dạt vào bờ biển Tây
Ban Nha năm 2018, khi khám nghiệm, người ta phát hiện trong dạ dày của nó có 26
kg nhựa vì không tiêu hoá được, nó đã chết. Người ta cũng thấy những trường hợp
tương tự ở các bờ biển của Thái Lan, Philippin…
Những ngày tháng này, con
người đang đối mặt với đại dịch covid-19 đến từ loài dơi, coronavirus lây truyền
từ dơi qua con vật trung gian là tê tê. Vây tê tê được người Trung Quốc sử dụng
trong đông y. Tê tê là thú rừng bị con người tận diệt vì nó là nguồn thức ăn ưa
thích của người dân ở nhiều nước châu Á.
Khi con người mở rộng các
khu đô thị, các vùng trồng trọt, chăn nuôi, con người phá rừng, hủy hoại nơi
sinh sống của nhiều loài động vật. Khi nơi trú ẩn của chúng không còn, con người
sẽ không có cuộc sống an toàn như trước vì virus gây bệnh từ động vật có thể
lây lan sang người dễ dàng hơn. Đây chính là bi kịch mà con người đang phải hứng
chịu khi môi trường bị tàn phá.
Dịch Covid-19 có nguồn gốc
từ chợ hải sản Vũ Hán. Hiện nay, dịch lan rộng ra khắp thế giới, 30 triệu người
nhiễm bệnh, gần một triệu người chết, chưa biết khi nào dịch mới kết thúc.
Covid-19 làm kiệt quệ kinh tế ở nhiều nước, tăng khoảng cách giàu nghèo giữa
các nhóm người trong xã hội. Dịch bệnh có thể làm sụp đổ chế độ độc tài và tác
động tiêu cực đến thể chế dân chủ.
II. Những khuyết
điểm của chế độ dân chủ và độc tài khi phải đối mặt với Covid-19
Dân chủ và độc tài là hai
kiểu chế độ phổ biến mà chúng ta thường thấy. Cả hai thể chế chính trị này đều
bộc lộ những khiếm khuyết khi phải đối mặt với Covid-19.
Độc tài che giấu thông
tin bằng cách hạn chế và kiểm soát tối đa báo chí, tự do ngôn luận không được
tôn trọng. Bóp nghẹt tự do ngôn luận là bản chất của chế độ độc tài, do che giấu
thông tin nên dịch bệnh lây lan rất nhanh. Chế độ độc tài luôn là mối đe dọa
cho con người do cách xử lý kém văn minh và thiếu trách nhiệm của mình.
Việc Trung Quốc che giấu
thông tin về dịch bệnh bằng cách dập tắt tiếng nói đối lập, bịt miệng báo chí,
biến WHO trở thành con rối, đã khiến thế giới mất một khoảng thời gian quan trọng
để chuẩn bị tốt hơn khi phải đối mặt với dịch bệnh. Hành động này của Trung Quốc
đã bị báo chí phương tây chỉ trích. Việc tung ra các thông tin sai lệch về nguồn
gốc của coronavirus, hay sử dụng ngoại giao như một công cụ tuyên truyền để biện
hộ cho các biện pháp phòng dịch của mình, là những hành động thiếu văn minh của
Trung Quốc.
Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron khi trả lời báo chí đã nhận xét: “Có những khoảng tối mà chúng ta
không biết“.
Một câu hỏi đặt ra là nếu
dịch bệnh xuất hiện đầu tiên ở các nước dân chủ như Anh, Pháp, Mỹ… thì điều gì
sẽ diễn ra?
Báo chí phương Tây sẽ đưa
tin rất nhanh để cảnh báo con người. Các nhà khoa học sẽ vào cuộc. Người dân
hoang mang lo lắng khi biết những thông tin về dịch bệnh và sẽ cảnh giác hơn.
Chính phủ sẽ thảo luận, hỏi ý kiến các chuyên gia…
Nhờ thông tin nhanh và
chính xác, các biện pháp phù hợp sẽ được áp dụng, rất có thể dịch bệnh sẽ được
kiểm soát sớm hơn nhờ tự do ngôn luận. Nếu Nhà nước phản ứng chậm khi dịch bùng
phát, các tổ chức dân sự sẽ gây sức ép buộc chính phủ phải có những biện pháp kịp
thời để đối phó với dịch bệnh. Tự do ngôn luận trở thành vũ khí lợi hại của chế
độ dân chủ.
Mặc dù chế độ độc tài
không có tự do ngôn luận nhưng lại có những biện pháp hiệu quả khác để kiểm
soát dịch bệnh.
Chế độ độc tài có đặc điểm
của Nhà nước cảnh sát, nên các nhà lãnh đạo sẵn sàng đưa ra các biện pháp cứng
rắn để phòng dịch tốt hơn. Nhà nước cảnh sát có thể truy bắt, cưỡng ép, cánh ly
người nhiễm bệnh. Hình ảnh những nhân viên cảnh sát Trung Quốc truy đuổi những
người đến từ Vũ Hán như bắt trộm là một ví dụ. Nhà nước độc tài sẵn sàng vi phạm
nhân quyền, vi phạm những nguyên tắc của chính mình để đạt được mục đích.
Chế độ dân chủ hoạt động
trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp, tôn trọng nhân quyền, nên các biện pháp mạnh
vi phạm các quyền tự do sẽ không thể áp dụng, trừ phi tình hình thực sự nguy cấp.
Đây chính là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Mỹ và châu Âu.
Chế độ dân chủ luôn ở trong tình trạng bị động, đưa ra các biện pháp đối phó từng
bước một cho phù hợp với tình hình mới, kết quả là chế độ dân chủ dễ thất bại
khi đối mặt với đại dịch Covid-19, ngược lại chế độ độc tài chủ động và thành
công hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh này.
III. Sự chủ quan của
chính quyền và của người dân khi dịch bệnh xuất hiện
Cuối tháng Giêng, nước
Pháp đã ghi nhận 3 bệnh nhân đầu tiên nhiễm viruscorona trong đó có hai khách
du lịch đến từ Vũ Hán. Báo chí đã đặt câu hỏi về nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở
Pháp. Bộ trưởng y tế lúc đó là bà Agnès Buzyn đã khẳng định, dịch bệnh khó bùng
phát trên diện rộng ở Pháp. Mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát. Cuối tháng Giêng,
Pháp và nhiều nước đã tổ chức các chuyến bay đặc biệt để đưa công dân của mình
rời khỏi Vũ Hán về nước. Những người trở về bị cách ly 14 ngày.
Khi được hỏi về các biện
pháp đối phó với dịch bệnh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định, Pháp
có hệ thống y tế hàng đầu thế giới nên kiểm soát dịch bệnh sẽ hiệu quả. Thủ tướng
Đức Angela Merkel, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tự tin cho rằng, nước mình
có hệ thống y tế tốt nhất thế giới.
Thực tế không phải như vậy,
vì Covid-19 có khả năng lây lan khủng khiếp, hệ thống y tế bị quá tải, các bệnh
viện thiếu máy thở, nhân viên y tế từ bác sĩ đến y tá thiếu các phương tiện làm
việc, thiếu khẩu trang, quá nhiều người nhiễm bệnh nhập viện cùng lúc khiến
ngành y tế vỡ trận. Đợt dịch này giống như một “cơn sóng thần” khiến toàn xã hội
choáng váng. Những lời khẳng định hệ thống y tế hàng đầu thế giới chỉ là lí
thuyết suông.
Tuy nhiên, có thể khẳng định,
trong số các nước phát triển, Đức đối phó với dịch bệnh tốt hơn. Nhờ ngành công
nghiệp sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới, Đức đã chuẩn bị khá tốt trước
khi Covid-19 lan rộng. Thời điểm nguy khốn nhất, Đức đã có hơn 30 ngàn máy thở,
kết quả là số người chết ở Đức thấp hơn nhiều so với Anh, Pháp, Mỹ, mặc dù Đức
là nước đông dân và dân số già hơn so với các nước khác.
Trong các
nước phương Tây, Mỹ là nước đối phó với dịch bệnh kém nhất. Chính quyền của
Donald Trump có một khoảng thời gian quý để quan sát châu Âu, rút ra bài học,
tránh vết xe đổ của các nước này, rất tiếc là Donald Trump và các cố vấn của
ông ta không đưa ra những quyết sách đúng đắn để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.
Khi nghe
các bài phát biểu của Donald Trump, ta nhận thấy ông không hiểu được tình hình
thực tế. Để làm yên lòng người Mỹ, Donald Trump xem nhẹ dịch bệnh khi và hậu quả
của những tuyên bố không đúng sự thật, đã làm nhiều người chết. Các cố vấn của
Donald Trump mắc rất nhiều sai lầm khi suy đoán thời điểm kết thúc dịch bệnh,
nguy cơ dịch bệnh, cũng như những ảnh hưởng lâu dài của nó…
Ví dụ vào
thời điểm bắt đầu bùng phát dịch bệnh, Donald Trump khẳng định, virus sẽ biến mất
vào tháng 4 khi thời tiết ấm lên và đến tháng 7, cuộc sống sẽ trở lại bình thường.
Hay khi dự đoán về số lượng người chết, Donald Trump nói khoảng 120 ngàn người,
nhưng hiện tại số người chết vì coronavirus ở Mỹ đã vượt qua con số 200 ngàn người và đó chưa phải là
con số cuối cùng.
Nước Mỹ bị
động trong việc đối phó với dịch bệnh. Lẽ ra với khả năng của mình, nước Mỹ có
thể làm tốt hơn để giảm bớt những thiệt hại về người và của trong đại dịch này.
Tuy nhiên, nếu thất bại này chỉ gán cho tổng thống và toàn bộ các cố vấn của
ông ta cũng không đúng. Thất bại còn bắt nguồn từ sự chủ quan của người dân Mỹ
và nhất là những người tin ở ông Trump, thay vì tin theo các nhà khoa học. Thất
bại cũng có một phần trách nhiệm phòng dịch của các tiểu bang, khả năng hạn chế
của ngành y khi phải đối mặt với Covid-19…
Không những
giới lãnh đạo chủ quan về sự nguy hại của Covid-19, rất nhiều người dân xem nhẹ
tình hình vì không biết thực tế. Và đây là một trong những nguyên nhân chính
khiến dịch bệnh tràn lan.
Giữa tháng
hai, Pháp đã có một số trường hợp tử vong vì Covid-19. Tổng thống Pháp đã đến
thăm bệnh viện nơi người Pháp đầu tiên chết vì dịch. Sau đó ông đi thăm một viện
dưỡng lão và phát biểu: ”Chúng ta cần
bảo vệ những người già”. Đến thời điểm hiện nay, nước Pháp đã có hơn 31
ngàn người chết vì dịch Covid-19.
Trong tháng
hai, khi dịch Covid-19 chưa phải là mối lo thường trực như bây giờ, nhiều người
dân vẫn coi đó như một dịch cúm thông thường. Trong tàu điện ngầm, hay ở những
nơi công cộng gần như không có ai đeo khẩu trang. WHO cũng khẳng định đeo khẩu
trang là việc không cần thiết, nguy hiểm hơn, tổ chức này còn viết trên trang
web của mình là, coronavirus không lây lan từ người sang người.
***
Tháng hai,
khi đưa con đi tiêm vaccine chống cúm, tôi có đặt một câu hỏi cho bác sĩ gia
đình, bà là một bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm: ”Thưa bà, coronavirus đang tàn phá đất nước của chúng ta, tôi sợ rằng
trong thời gian tới tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Bà nghĩ thế nào về dịch bệnh
này”.
Bà bác sĩ
đã trả lời như sau: “Coronavirus gây chết
người ít hơn bệnh cúm, dịch bệnh này làm lung lay thể chế dân chủ của chúng ta,
việc nó kéo dài bao lâu thì tôi không thể biết”. Trong suy nghĩ của nhiều
người, dịch bệnh này giống như dịch cúm, vì cứ đến mùa đông, khí hậu lạnh, dịch
cúm lại bùng phát khiến nhiều người chết.
Nhiều gia
đình chủ quan coi dịch bệnh không liên quan gì đến mình, họ vẫn lập kế hoạch
cho các chuyến du lịch nước ngoài vào dịp mùa hè. Đa số đều không biết
coronavirus đã xuất hiện từ lâu, lây lan nhanh chóng, khiến cuộc sống của nhiều
người bị đe dọa.
No comments:
Post a Comment