Tuyên bố của EU về vụ xử
Đồng Tâm nói lên điều gì?
Quốc
Phương
BBC News Tiếng Việt
21/09/2020
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54238069
Công luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan tâm vụ án Đồng
Tâm, hậu phiên xử sơ thẩm với hai bản án tử hình và một án chung thân cùng nhiều
mức án được cho là nặng được tuyên tại một phiên tòa gần đây ở Hà Nội.
Hôm 18/9/2020, một tuyên
bố chính thức từ Brussels của Liên minh Châu Âu (EU) nêu quan điểm của khối quốc
gia này:
"Ngày 14 tháng 9 năm 2020, Tòa án Nhân dân
Thành phố Hà Nội tuyên án tử hình đối với các bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức
vì liên quan đến cuộc đối đầu bi thảm giữa người dân và lực lượng an ninh tại
xã Đồng Tâm ngày 9 tháng 1 năm 2020.
“Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng hình phạt tử
hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi
xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo,
và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người.
Ngày càng có sự đồng thuận cao trên thế giới phản đối việc sử dụng hình phạt tử
hình. EU hối thúc Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây
là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ.
“Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của
phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của
phiên tòa này. EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền
và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.”
.
Cảm nhận nhanh, tổng
thể về động thái EU
Một số nhà quan sát thời
sự và chính trị từ châu Âu và Việt Nam hôm 21/9 chia sẻ với BBC News Tiếng Việt
cảm nhận nhanh, tổng quan của mình về phản ứng nói trên của Liên minh châu Âu:
Nhà báo tự do Tường An (từ Paris, Pháp): Theo tôi, từ lâu, các
nước tại Âu Châu đã bãi bỏ án tử hình. Qua Hiệp định thương mại EVFTA, Việt Nam
muốn có một quan hệ bình đẳng với Liên minh châu Âu (EU) thì cần tôn trọng những
tôn chỉ của EU, trong trường hợp này là không áp dụng án tử hình.
Nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng (từ Berlin, CHLB Đức): Nước Đức, trong khối
EU, theo tôi quan sát, trong thời gian chừng độ 20 năm gần đây rất chú trọng bảo
vệ những giá trị truyền thống của châu Âu, Tây Âu và những sự kiện nếu chúng ta
thấy có sự lơ là hay không chú trọng từ phía Mỹ, thì ngược lại, lại được bên
phía EU, bên châu Âu nhấn mạnh.
Có lẽ EU cũng muốn nhân dịp
này xác định lại vai trò của mình trong chính trị thế giới nói chung và đặc biệt
là với các vấn đề nổi cộm mà thế giới quan tâm, do vậy theo tôi phản ứng của EU
với vụ Đồng Tâm và phiên tòa sơ thẩm cũng là một điểm nhấn đáng chú ý và theo
tôi là một động thái có chủ đích mà cũng đáng trân trọng.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (Cựu tù nhân chính trị từ Sài Gòn, cựu
du học sinh tại Rennes, Pháp): Tôi thấy rằng Liên minh châu Âu đã rất khôn khéo
khi nêu ra một vấn đề lớn hơn ở Việt Nam, đó là bãi bỏ hoàn toàn án tử hình.
Yêu cầu lớn đó được đặt
trong hoàn cảnh cụ thể ở vụ án Đồng Tâm chính là án tử hình cho hai ông Lê Đình
Công và Lê Đình Chức.
Thực sự do phiên tòa đã
vi phạm rất nhiều điểm trong Bộ luật Tố tụng Hình sự nên bản án tử hình dành
cho hai ông Công và Chức hoàn toàn không thuyết phục được nhiều người dân Việt
Nam.
Liên minh châu Âu cũng đã
chỉ ra những sai phạm trong phiên tòa để cho thấy là rất cần thiết phải hoãn
thi hành án tử hình và hàm ý cần tổ chức lại một phiên toà khác để đảm bảo nhà
cầm quyền Việt Nam tuân thủ đúng Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính
trị mà họ đã kí kết.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, Viện
Iseas, Singapore): Liên minh châu Âu là khối cộng đồng quốc tế đầu tiên lên tiếng
phản đối án tử hình mà tòa án ở Việt Nam tuyên án đối với hai người Việt Nam
hôm 14 tháng 9 năm 2020 trong vụ án Đồng Tâm, ông Lê Đình Chức và ông Lê Đình
Công. Liên minh Châu Âu thúc đẩy Việt Nam hãy tạm hoãn việc thị hành tất cả các
án tử hình, coi đó là bước đầu tiên dẫn tới việc bãi bỏ hoàn toàn án tử hình.
Thông cáo của phát ngôn
viên Liên minh châu Âu, theo tôi, đã nêu rằng các thông tin về phiên tòa và thủ
tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên các quan ngại sâu sắc về tính minh bạch
và công bằng của phiên tòa này.
Thông cáo cũng lưu ý rằng
cần phải ủng hộ mạnh mẽ việc thượng tôn pháp quyền và quyền được xét xử công bằng,
như đã được quy định tại Điều 14 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính
trị mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn và thực thi bấy lâu nay.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3731/production/_114392141_chuccong2.png
Ông Lê Đình Chức
(trái) và Lê Đình Công (con trai ông Lê Đình Kình), bị tuyên tử hình trong
phiên tòa sơ thẩm ngày 14/9/2020
.
Thái độ và thông
điệp cụ thể?
Khi được hỏi EU qua phản ứng
này thực sự muốn bày tỏ thái độ gì và gửi thông điệp cụ thể nào cho chính quyền
Việt Nam, các ý kiến nói:
Bà Tường An: Trong mối tương quan hiện thời giữa Việt Nam và EU, tôi cho rằng sự
lên tiếng của EU về Đồng Tâm là khá chừng mực, tôi hoan nghênh phản ứng của EU
qua bản Tuyên bố của Phát Ngôn nhân Liên Âu, mặc dù tôi vẫn hy vọng EU sẽ có những
biện pháp cụ thể hơn đối với Việt Nam, nhất là áp dụng những biện pháp chế tài
- nếu chính quyền Việt Nam vẫn bỏ qua tuyên bố và lời kêu gọi này.
Ông Lê Mạnh Hùng: Trong xu thế toàn cầu hiện nay, thì việc cộng tác chung với nhau để
cùng phát triển đòi hỏi các bên phải hòa điệu về nhiều mặt.
Vậy thì việc cư xử với
chính công dân của nước mình, hay là vấn đề có chú trọng đến nhân quyền, đến
quyền lợi của nông dân, của giới lao động hay không cũng ràng buộc và có tác dụng
không nhỏ đến quá trình làm ăn kinh tế với nhau.
Thành ra ngoài chuyện bảo
vệ giá trị truyền thống ra, những điều đó cũng giúp cho việc hợp tác, làm ăn với
nhau được hiệu quả.
Điều này được chứng minh
trong thực tế là nếu như vấn đề luật pháp không được tôn trọng, quyền con người
không được tôn trọng thì sự phát triển của kinh tế cũng sẽ không bền vững.
Do đó, EU cũng muốn đưa ra
lời kêu gọi rằng những ai muốn hợp tác, làm ăn chung với khối này cũng phải tôn
trọng và phải hòa đồng với EU về những giá trị truyền thống đó. Và chỉ có như
thế, sự phát triển và cùng chung nhau phát triển mới bền vững và có tính lâu
dài.
Ông Nguyễn Tiến Trung: Theo tôi, qua tuyên bố này, EU muốn bày tỏ
thái độ không chấp nhận án tử hình và hệ thống tư pháp, tòa án kém cỏi ở Việt
Nam.
Với một hệ thống toà án
tuỳ tiện như cho thấy ở phiên toà Đồng Tâm thì khả năng có những án tử hình oan
sai là rất lớn, và đối với án tử hình thì một khi đã thi hành án thì không còn
có thể cứu vãn được sai lầm nữa.
Thông điệp của EU rất rõ
ràng, đó là nhà cầm quyền Việt Nam phải cải cách chế độ tư pháp để có thể hoà
nhập với thế giới văn minh.
Ông Hà Hoàng Hợp: Thực chất, Liên minh châu Âu phản đối phiên tòa và tuyên án ngày 14
tháng 9 vụ Đồng Tâm, phản đối án tử hình, thúc đẩy Việt Nam hoãn thi hành án tử
hình, tiến tới bỏ hoàn toàn án tử hình.
Đồng thời Liên minh châu
Âu lưu ý và thúc đẩy Việt Nam thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và
Chính trị, đặc biệt nhấn mạnh Điều 14 về pháp quyền, minh bạch và quyền được
xét xử công bằng, sau khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì xảy ra ở phiên
tòa này.
.
Thấy gì qua thái độ,
phản ứng quốc tế, khu vực?
Quan sát thái độ, phản ứng
quốc tế, kể cả truyền thông quốc tế, khu vực sau vụ xét xử sơ thẩm Đồng Tâm về
vụ này, các ý kiến nêu nhận xét với BBC:
Bà Tường An: Ngoài một số tổ chức phi chính phủ (NGO) và tổ chức nhân quyền quốc tế
lên tiếng về vụ Đồng Tâm, tôi thấy nhiều quốc gia vẫn khá thờ ơ với vụ án được
cho là nhẫn tâm và bất công này.
Lý do khách quan, theo
tôi nghĩ là do Mỹ đang lo vụ bầu cử tổng thống sắp tới, thế giới thì vẫn còn phải
đối phó với dịch cúm Covid-19, còn lý do chủ quan là người Việt Nam ở trong nước
vẫn không có sự đồng tâm hiệp nhất, quan điểm chung để cùng lên tiếng cho Đồng
Tâm.
Từ trước đến giờ vẫn là
"chuyện ai nấy lo, không bận tậm, không dây vào để an thân cho mình"
như các vụ Cấn Thị Thêu ở Dương Nội hay vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng
chẳng hạn.
Và nếu bản thân người dân
Việt Nam không lên tiếng thì cũng không thể trách thế giới ít quan tâm.
Ông Lê Mạnh Hùng: Cá nhân tôi thấy rằng tuy phản ứng đến giờ chưa thực mạnh mẽ như mong
mỏi của nhiều người, trong đó có tôi.
Nhân đây tôi xin nói là
điều mà tôi e ngại là động cơ đằng sau vụ Đồng Tâm này có điều gì đó không tốt
cho Việt Nam.
Trong mọi trường hợp tôi
thấy việc làm này, nhất là trong thời điểm này không có lợi và không phục vụ gì
cho lợi ích quốc gia, mà Việt Nam đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề lớn
hơn mà đang rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và của toàn bộ đất nước,
thành ra việc dồn tâm, dồn sức của chính quyền như thế để làm vụ Đồng Tâm mà dẫn
tới chỗ gây ra những phản ứng trong lòng người, những hiệu ứng xã hội và dư luận
quốc tế, khu vực như thế, theo tôi là hoàn toàn bất lợi, chứ chẳng có gì có lợi
cho đảng cầm quyền và chính quyền ở Việt Nam trong chuyện này.
Ông Nguyễn Tiến Trung: Qua phản ứng trên báo chí quốc tế thì tôi nhận
xét hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều không bằng lòng với cách thức mà
phiên toà đã diễn ra cũng như bản án dành cho các bị cáo là người dân Đồng Tâm.
Họ cũng đánh giá là nhà cầm
quyền Việt Nam đã xử lý rất tồi sự vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, và ở Việt
Nam còn tiềm ẩn nhiều bất ổn xã hội liên quan đến tranh chấp đất đai nếu như tiếp
tục bộ Luật đất đai bất công như lâu nay, đó là tại sao nhà nước, tức đảng cộng
sản Việt Nam – đảng cầm quyền độc tôn, có quyền tịch thu đất của người này trao
cho người khác, và hầu hết các trường hợp đều là lấy đất của người nghèo với
giá rẻ mạt rồi chia lại cho người giàu.
Bất ổn xã hội sẽ dẫn đến
bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Đó là điều mà nhà cầm quyền
Việt Nam phải hết sức cân nhắc.
Ông Hà Hoàng Hợp: Liên minh châu Âu là khối cộng đồng quốc tế đầu tiên lên tiếng phản đối
phiên tòa và tuyên án ngày 14 tháng 9 của tòa án Hà Nội.
Trước đó, truyền thông quốc
tế đưa tin về phiên tòa và vụ án; phản ánh công luận tập trung phản đối phiên
tòa. Tôi tin rằng các nước, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục lên tiếng về vụ Đồng
Tâm này.
Quan trọng là, ở Việt
Nam, đã có nhận thức đúng về phiên tòa: không minh bạch, thiếu vắng pháp quyền,
không công bằng, không tuân thủ thủ tục tố tụng theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự
năm 2015 của Việt Nam.
.
Có tác động gì
không nếu không đi kèm chế tài?
Trước câu hỏi liệu tuyên
bố của Liên minh châu Âu có tác động gì không với nhà cầm quyền Việt Nam, trong
lúc có ý kiến nói nó dường như không đi kèm một chế tài nào, các ý kiến nói tiếp
với BBC:
Bà Tường An: Như đã nói ở trên, đối với Việt Nam các tuyên bố, thông báo, lên tiếng,
cảnh cáo v.v… của thế giới cần kèm theo những biện pháp chế tài. Nếu không Việt
Nam khó mà thực hiện và vẫn biện bạch theo kiểu "không xen vào chuyện nội
bộ của quốc gia khác".
Việt Nam muốn hội nhập
vào thế giới thì cần đo chung một thước đo với thế giới về các tiêu chuẩn nhân
quyền, luật pháp.v.v... Nếu EVFTA chưa ký thì hy vọng Việt Nam còn có thể nhẹ
tay với những người bất đồng chính kiến để được qua cửa ngỏ EU.
Nay EVFTA đã được cả hai
bên Quốc hội phê chuẩn rồi thì Việt Nam rảnh tay để thực hiện vụ án bất công
này.
Tôi nhớ khi Quốc hội Âu
Châu phê chuẩn EVFTA, họ lấy lý do rằng: dùng EVFTA để thúc đẩy nhân quyền tại
Việt Nam. Nay EVFTA đã phê chuẩn, nhân quyền Việt Nam vẫn không có gì sáng sủa
mà còn có vẻ tồi tệ hơn qua bản án Đồng Tâm này.
Ông Lê Mạnh Hùng: Tôi cho rằng nội bộ nhà cầm quyền Việt Nam cũng có nhiều ý kiến khác
nhau, chứ không thể thống nhất hoàn toàn, vậy thì tuyên bố của EU cũng là cơ sở
để cho những nhóm, những phái ở nội bộ chính quyền có cơ sở để đem ra tranh luận,
đấu tranh với nhau rằng đó: phản ứng quốc tế là như vậy, vậy thì ban lãnh đạo cần
phải làm gì và rằng nếu như cứ để vụ Đồng Tâm diễn ra theo chiều hướng xấu cho
chính quyền, thì liệu có lợi hay không?
Thì tuyên bố này là căn cứ
để các phe, nhóm, cá nhân trong nội bộ đảng cầm quyền đem ra đấu với nhau, và
tôi nghĩ như thế, trong mọi trường hợp, nó có tác động chứ không phải là không.
Ông Nguyễn Tiến Trung: Bản thân tôi đã gặp trực tiếp đại diện ngoại
giao đoàn các nước Mỹ, Đức, Anh từ sau phiên tòa sơ thẩm Đồng Tâm.
Các nhà ngoại giao các nước
đó cũng cho tôi biết rằng do dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo chính trị các nước
không gặp nhau nên hiện tại chưa có cơ hội để họ có thể nêu trực tiếp các vấn đề
vi phạm nhân quyền, nhất là vụ án Đồng Tâm, với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Thật sự là không có những
"đòn bẩy" lớn như viện trợ, hiệp định thương mại v.v… thì rất khó để
chế tài nhà cầm quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoại giao
đoàn các nước sẽ tận dụng mọi cơ hội, thậm chí từ những việc nhỏ nhặt nhất như
cải cách một điều khoản luật, để tác động lớn hơn tới cải cách dân chủ ở Việt
Nam về lâu dài.
Ông Hà Hoàng Hợp: Việt Nam là “thành viên tích cực” của cộng đồng quốc tế, do vậy chính
quyền Việt Nam cần xem xét nghiêm túc tuyên bố này của Liên minh châu Âu. Nên
xem xét cụ thể để phiên phúc thẩm vụ Đồng Tâm này minh bạch hơn, đảm bảo quyền
được xét xử công bằng.
Mặc dù tuyên bố của Liên
minh Châu Âu và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị đều không có
chế tài cụ thể, trong thực tiễn quan hệ quốc tế, các quyền dân sự, chính trị và
nhân quyền luôn được coi là nền tảng của mọi quan hệ quốc tế. Tôi tin rằng ở Việt
Nam, rồi sẽ có cải cách toàn diện, mang lại công bằng, dân chủ và văn minh cho
mọi người, cho đất nước Việt Nam này!
***
Tin liên quan
.
Đồng Tâm: Có hi vọng giảm
án cho ông Công, Chức ở phiên phúc thẩm?
16 tháng 9 năm 2020
.
Vụ Đồng Tâm: “Bị cáo đưa
ánh mắt cầu cứu nhìn luật sư”
15 tháng 9 năm 2020
.
Tác động chính trị, xã hội
của vụ xét xử Đồng Tâm thế nào?
15 tháng 9 năm 2020
.
Phản ứng dư luận trước
án tử hình trong vụ xử Đồng Tâm
15 tháng 9 năm 2020
No comments:
Post a Comment