Đồng
Tâm, đỉnh điểm của tranh chấp đất đai tại Việt Nam
Thanh
Phương -
RFI
Đăng ngày: 21/09/2020
- 12:03
Phiên tòa sơ thẩm xử vụ Đồng Tâm đã chấm dứt ngày
14/09/2020 với hai bản án tử hình và các bản án khác từ 15 tháng cho đến chung
thân. Như vậy là đã kết thúc một vụ được cho là đỉnh điểm của các tranh chấp đất
đai giữa người dân với chính quyền, một vấn đề vẫn khuấy động thời sự Việt Nam
suốt 40 năm qua. Vụ Đồng Tâm cũng đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế và
các chuyên gia nước ngoài.
https://s.rfi.fr/media/display/d683236e-32c3-11ea-9de3-005056bfd1d9/w:980/p:16x9/000_np281.webp
Ảnh tư liệu : Dân Đồng
Tâm dựng chướng ngại vật trên đường vào làng chống chính quyền cưỡng chế giải tỏa
đất đai hôm 20/04/2017. STR / AFP
Theo nhận định chung của giới
luật gia Việt Nam, vụ án Đồng Tâm là một vụ án tranh chấp đất đai gây chấn động
dư luận, vì đã có đến 4 người chết trong vụ này (một dân làng và 3 công an).
Trong số 29 dân làng Đồng
Tâm bị đưa ra xử, tòa đã tuyên án tử hình Lê Đình Chức và Lê Đình Công, hai người
con trai của ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm khiếu kiện đất đai, đã bị bắn
chết trong cuộc tấn công của hàng ngàn công an vào làng Đồng Tâm rạng sáng ngày
09/04/2020. Cháu nội của ông Lê Đình Kình là Lê Đình Doanh thì bị kết án tù
chung thân. Cả ba đều bị cáo buộc tội « Giết người », vì bị xem là đã
gây ra cái chết bằng bom xăng của ba công an trong vụ tấn công, những cái chết
mà cho tới nay vẫn còn gây nhiều nghi vấn. Cũng với tội danh « Giết người »,
ba bị cáo khác lãnh án tù 16 năm, 13 năm và 12 năm. Một số bị cáo khác thì bị
tuyên án tù về tội « Chống người thi hành công vụ », với bản án từ 5
năm đến 6 năm tù. Trong 17 bị cáo còn lại, 3 người bị phạt mỗi người 3 năm tù,
14 người bị phạt tù treo từ 15 tháng đến 30 tháng, và được trả tự do ngay tại
toà nếu không bị tạm giam trong vụ án khác.
Trả lời RFI Việt ngữ qua
email ngày 18/09/2020, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc,
chuyên gia về Việt Nam, nhận định :
« Qua cách thức độc đoán và mang tính chất răn
đe mà Tòa án Nhân dân Hà Nội tiến hành phiên xử 29 người dân Đồng Tâm, vào lúc
này không thể biết được tòa có xử đúng tội hay không. Trong bản án sơ thẩm có 6
người bị kết tội « Giết người », hai người trong số đó lãnh án tử
hình và bốn người kia lãnh án từ 12 năm tù đến chung thân. Bản án sơ thẩm này
có thể được kháng cáo.
Tôi chưa thấy tòa đưa ra các bằng chứng có tính chất
thuyết phục rằng cái chết của 3 công an là do cố tình gây ra, bởi vì cáo buộc của cơ
quan công tố đã không được các luật sư bào chữa thẩm tra kỹ lưỡng. Thật
vậy, quá trình tố tụng của tòa án dường như là một trường hợp “cai trị bằng
pháp luật” nhằm che đậy sự thất bại có hệ thống của chính quyền địa phương
trong việc giải quyết những khiếu kiện của nông dân một cách hợp pháp, công bằng
và ôn hòa.
Người ta hy vọng rằng Tòa án Nhân dân tối cao sẽ xét
xử các kháng cáo và đảm bảo tính minh bạch về mặt pháp lý trong các thủ tục tại
tòa để đảm bảo rằng “công lý được thực thi».
Trong bài viết đăng trên
trang trích dẫn David Brown, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ và là
người theo dõi sát tình hình Việt Nam, nhận định là các bản án trong phiên xử vụ
Đồng Tâm « không có gì đáng ngạc nhiên ».
Theo ông David Brown, đây là một phiên xử mang tính trình diễn do nhà
nước Việt Nam ra lệnh và điều khiển. Các bị cáo đã thay phiên nhau nhận tội với lời lẽ gần giống
nhau : « Bị cáo xin gởi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ
công an hy sinh ; Bị cáo xin cám ơn các giám thị trại giam đã giúp nhận ra
lỗi lầm ; Bị cáo cám ơn các luật sư nhưng nay không cần đến sự bào chữa của
luật sư nữa ; Và cuối cùng, bị cáo xin được hưởng mức án khoan hồng ».
David Brown nhắc lại theo
chủ thuyết của Đảng và theo luật Việt Nam, đất đai là sở hữu của toàn dân và
Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý đất đai. Nếu nông dân cứ một mực khẳng định
quyền của họ trên mãnh đất mà Đảng/Nhà nước quyết định sử dụng vào mục đích
khác, thậm chí cho dù họ chỉ đòi được đền bù thỏa đáng, họ có thể bị gán ghép
là « kẻ gây bạo loạn, kẻ khủng bố », sẽ bị buộc phải dời đi
nơi khác và trong một số vụ, bị truy tố để làm gương.
"Tín hiệu cứng rắn"
Trong bài viết đăng trên
trang The Diplomat ngày 15/09/2020, Sebastien Strangio, nhà báo
chuyên về Đông Nam Á của trang mạng này, nhận định về kết quả phiên xử vụ Đồng
Tâm : « Sau khi tỏ dấu hiệu khoan dung, chính quyền Việt Nam
đã dùng vụ xử Đồng Tâm để bắn một tín hiệu cứng rắn ».
Tác giả bài viết nhắc lại
là trong suốt 3 năm, dân làng Đồng Tâm đã chống lại ý định của chính quyền xây
một sân bay quân sự, khẳng định rằng 47 hectare đất canh tác của họ đã bị chính
quyền địa phương trưng thu trái phép để giao cho Viettel, một tập đoàn do quân
đội Việt Nam quản lý.
Sebastien Strangio cho rằng
vụ Đồng Tâm phản ánh những căng thẳng ngày càng tăng chung quanh vấn đề đất đai
ở Việt Nam. Tác giả bài viết trích lời giáo sư Carl Thayer nhận định vụ tấn
công vào Đồng Tâm và vụ xử là « đỉnh điểm của 40 năm vấn đề đất
đai ở Việt Nam ».
Sebastien Strangio nhận định
các bản án trong phiên xử vụ Đồng Tâm cũng cho thấy là Đảng Cộng Sản Việt Nam
nhất quyết diệt trừ mọi mầm mống bất ổn ở nông thôn. Trước khi bắt đầu phiên xử,
Ban Tuyên giáo Trung ương đã gởi văn bản chỉ đạo đến toàn bộ báo chí nhà nước,
yêu cầu họ mô tả 29 bị cáo là « những kẻ tấn công đầu tiên » và
tố cáo ông Lê Đình Kình là một « đảng viên thoái hóa ».
Trong một tuyên bố gần đây, chánh văn phòng bộ Công An Tô Ân Xô còn gọi ông Lê
Đình Kình là « địa chủ, cường hào mới ».
Sebastien Strangio kết luận : « Các tranh chấp đất đai
ngày càng tăng là một thách thức đặc biệt gay go đối với đảng Cộng Sản Việt
Nam, vốn đã dựa rất nhiều vào sự yểm trợ của những người nông dân để giành được
chính quyền. Trì hoãn việc cải tổ sâu rộng hệ thống quản lý đất đai phức tạp của
Việt Nam có thể sẽ lại càng gây thêm quan ngại và tuyệt vọng : sự kháng cự
kiên quyết mà trước đây Đảng Cộng Sản dựa vào nay đã quay ra chống lại đảng».
Thất bại của dân
chủ cơ sở
Sebastien Strangio cũng
trích lại một bài viết của ông Lê Toàn, Đại học Monash, Úc, đăng trên
trang EastAsiaForum ngày 10/04/2020, với tựa đề : « Đồng Tâm cho thấy luật đất
đai của Việt Nam là bất công và nền dân chủ cơ sở đã thất bại ».
Trong bài này, ông Lê Toàn viết : « Tuy vụ việc rất phức tạp,
nhưng về căn bản có ba vấn đề. Thứ nhất, đây là một vụ tranh chấp về quyền sử dụng
đất. Chính quyền lập luận rằng dân làng chiếm dụng trái phép đất của nhà nước,
nhưng dân làng khẳng định đó là đất của họ. Thứ hai đó là một sự tranh cãi về
việc chính phủ trưng thư đất có đúng đắn và hợp đạo lý hay không. Chính quyền
khẳng định họ trưng thu đất này vào mục đích công để xây dựng sân bay quân sự,
nhưng dân làng không tin điều đó. Thứ ba, vụ này cho thấy hạn chế của nền dân
chủ cơ sở ở Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp giữa nhà nước với xã
hội».
Tác giả bài viết nhắc lại
rằng Luật Đất Đai năm 1993 trao cho các cá nhân quyền sử dụng đất, nhưng cũng
cho phép nhà nước trưng thu đất nhằm mục đích công ích. Nhưng sau đó quyền
trưng thu này được mở rộng thành những khái niệm mơ hồ « nhằm mục
đích phát triển kinh tế » và « nhằm mục đích phát
triển kinh tế - xã hội ». Hậu quả là có ngày càng nhiều bất đồng về tiền
đền bù dẫn đến các tranh chấp kéo dài.
Ông Lê Toàn ghi nhận nhiều
người dân ở Việt Nam vẫn tin rằng họ có quyền gần như là sở hữu đất và quyền
này phải được bảo vệ khi nhà nước trưng thu đất đai vào mục đích công. Ông viết: « Mặc
dù người dân bình thường không chống việc chính quyền trưng thu đất đai vào mục
đích công, nhưng trong quá khứ, nhiều quan chức chính quyền đã lạm dụng quyền
này, nên người dân không còn tin vào chính quyền». Theo tác giả bài viết,
muốn khôi phục lòng tin đó thì phải xóa bỏ quyền trưng thu đất đai nhằm các mục
đích « kinh tế xã hội » để phản ánh sâu sát hơn nguyện
vọng của người dân về một hệ thống quản lý đất đai công bằng. Điều này đòi hỏi
một môi trường thể chế mà trong đó có một sự thảo luận thật sự, tức là quyền lợi
của người dân được xem xét thấu đáo và được đánh giá bởi những người phân xử độc
lập.
Trong bài nhận định đề
ngày 10/09/2020 đăng trên trang Twitter cá nhân, giáo sư Carl Thayer dự
báo là vụ Đồng Tâm sẽ dẫn đến việc theo dõi và giám sát từ trên xuống chặt chẽ
hơn khi các cuộc biểu tình về đất đai lần đầu tiên nổ ra. Vụ Đồng Tâm cũng sẽ
buộc chính quyền phải xem xét lại các thủ tục tiến hành và chiến thuật sử
dụng vũ lực của công an và nhân viên an ninh. Ngoài ra, Đảng cũng sẽ cần xem
xét lại chiến lược thông tin và truyền thông của họ. Những người biểu tình vì đất
đai đã được mô tả trên các phương tiện truyền thông là “những kẻ bạo loạn
và khủng bố”. Những người Việt Nam thạo tin đều biết rằng các cuộc biểu
tình về đất đai thường là do các chính quyền địa phương gây ra vì lợi ích tài
chính của họ. Theo giáo sư Carl Thayer, trừ khi các quan chức địa phương bị khiển
trách hoặc trừng phạt vì hành động của họ, những người có hiểu biết ở Việt Nam
sẽ ngày càng hoài nghi về tính xác thực của thông tin trên các cơ quan thông tin
và truyền thông chính thức.
No comments:
Post a Comment