Tuesday, September 8, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 08/09/2020 (The Economist)

 


Thế giới hôm nay: 08/09/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

08/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/08/the-gioi-hom-nay-08-09-2020/

 

Alexei Navalny, chính trị gia đối lập Nga bị đầu độc trong chuyến đi vận động tranh cử tới Siberia, vừa hết hôn mê. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt Nord Stream 2, một đường ống dẫn khí đốt đang xây dựng dưới Biển Baltic, nếu Nga từ chối hợp tác điều tra về trường hợp của ông Navalny. Ông đã được đưa đến Berlin để điều trị vào tháng trước; Điện Kremlin phủ nhận liên quan.

 

Những người đàn ông đeo mặt nạ đã bắt giữ Maria Kolesnikova, một thủ lĩnh phe đối lập ở Belarus. Bà Kolesnikova là người chỉ trích nặng nề tổng thống Alexander Lukashenko, người đã gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng trước. EU có kế hoạch vào cuối tháng này sẽ áp đặt trừng phạt đối với 31 quan chức Belarus liên quan đến cuộc bỏ phiếu, bao gồm cả bộ trưởng nội vụ, theo Reuters.

 

Các nhà giao dịch đã khiến SoftBank chao đảo vào thứ Hai, loại bỏ 8,9 tỷ đô la (7,2% vốn hóa thị trường) khỏi giá trị của công ty Nhật Bản. Điều này xảy ra sau báo cáo hồi cuối tuần của Financial Times cho thấy công ty  ngày càng thích rủi ro và các khoản đầu tư vào công cụ phái sinh liên quan đến các công ty công nghệ, điều đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

 

Sau khi đổ bộ vào tây nam Nhật Bản với mưa lớn và gió mạnh, khiến 4 người mất tích sau một trận lở đấtbão Haishen đã đổ bộ vào Hàn Quốc. Các thành phố Busan (lớn thứ hai đất nước) và Ulsan bị mất điện; hàng ngàn người đã phải di dời. Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy và hai lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động. Tuần trước, Đông Bắc Á đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Maysak.

 

Tổng thống Phillippines Rodrigo Duterte đã ân xá cho một lính thủy đánh bộ Mỹ vì tội giết một phụ nữ chuyển giới. Joseph Scott Pemberton giết Jennifer Laude sau khi đón cô tại một quán bar giữa lúc đang ở nước này làm nhiệm vụ. Anh ta nói chỉ là tự vệ. Các nhà hoạt động LGBT, những người gọi đây là tội ác vì thù hận, và những người chỉ trích ảnh hưởng của Mỹ ở Philippines, bày tỏ sự phẫn nộ trước lệnh ân xá.

 

Một tòa án Ả Rập Saudi đã lật lại bản án tử hình 5 người bị kết tội giết Jamal Khashoggi, một nhà báo chỉ trích chế độ, hồi năm 2018. Các bản án của họ được giảm xuống còn 20 năm tù, trong khi 3 người khác được xuống mức án nhẹ hơn. Không có quan chức nào vốn có thể đã ra lệnh giết người bị kết tội. Một báo cáo viên của Liên hợp quốc đã đặt nghi vấn về tính độc lập của tòa án.

 

Donald Trump cho biết ông sẽ hỗ trợ cuộc điều tra về các cáo buộc liên quan đến Louis DeJoy, người đứng đầu dịch vụ bưu chính Mỹ và là một đồng minh thân cận của ông. Washington Post cho biết ông DeJoy đã trả thưởng đền bù cho nhân viên tại một doanh nghiệp mà ông điều hành nếu họ quyên góp chính trị theo ý ông. Luật liên bang vốn đặt ra giới hạn đối với các khoản quyên góp cá nhân. Một phát ngôn viên nói ông “tin rằng ông luôn tuân thủ luật gây quỹ tranh cử”.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Thượng viện Mỹ họp trở lại

Sau thời gian nghỉ kéo dài trong tháng 8, Thượng viện Hoa Kỳ họp trở lại vào hôm nay. Thất bại của phiên họp trước — khi các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa không thể gia hạn các luật nhằm xoa dịu tổn thất vì coronavirus — sẽ phủ bóng lên phiên họp này. Hai bên vẫn rất khác biệt nhau. Đảng Cộng hòa coi đề xuất 3,4 nghìn tỷ đô la từ Đảng Dân chủ là quá lớn. Đề xuất “tiết kiệm” được công bố gần đây của họ về trợ cấp thất nghiệp liên bang 300 đô la hàng tuần cho mỗi nhân viên thất nghiệp (so với 600 đô la trước thời hạn hồi tháng 7) đã bị Chuck Schumer, lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện, chê là “teo tóp”.

Những hy vọng về một dự luật cải cách cảnh sát có hệ thống, vốn bị đình trệ từ lâu, có vẻ cũng mờ mịt. Thay vào đó, không nên kỳ vọng quá nhiều. Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã công bố một thỏa thuận chi ngân sách cho chính phủ liên bang đến tháng 12, để tránh tình trạng đóng cửa chính phủ. Thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, nhưng với tình trạng Quốc hội chia rẽ thì đạt được những thoả thuận nhỏ cũng là điều đáng mừng.

 

Đàm phán Anh-EU liên tục bế tắc

Khi các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Vương quốc Anh tiếp tục vào hôm nay, hy vọng tiến triển vốn mong manh còn lung lay hơn nữa vì một sự việc gần đây. Đánh bắt cá và các quy tắc để Anh tiếp cận thị trường EU là những điểm mấu chốt chính. Nhưng giờ đây chính phủ Anh cho biết họ sẽ công bố một dự luật mới vào thứ Tư. Trong trường hợp đến cuối năm vẫn chưa có thỏa thuận nào, luật này sẽ được ưu tiên áp dụng so với  phần  quy định trong thỏa thuận rút lui liên quan đến thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

 

Thỏa thuận rút lui giữ Bắc Ireland tuân theo quy tắc hải quan và quy tắc thị trường chung của EU. Dự luật mới được cho là đang được thủ tướng Boris Johnson xem xét, và có nguy cơ phá bỏ các yếu tố chính của thỏa hiệp trên. Người ta giải thích là ông đang tìm cách tạo áp lực. Nhưng Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã nói rõ trừ khi các thỏa thuận hiện có được tôn trọng đầy đủ, còn không sẽ không có thỏa thuận nào.

 

Tin đồn râm ran về sản phẩm mới của Apple

Một điều có vẻ chắc chắn: hôm nay Apple sẽ không công bố một chiếc iPhone mới, như vẫn làm vào thời điểm này mọi năm. Việc sản xuất mẫu điện thoại mới nhất của họ được cho là bị trì hoãn khoảng một tháng, do tác động của đại dịch lên chuỗi cung ứng của Apple. Nhưng mặt khác, những tin đồn về Apple, vốn bản thân cũng là một ngành công nghiệp và là chủ đề của hàng chục trang web và feed trên Twitter, lại đặc biệt sôi nổi.

Nếu không phải là iPhone 12, công ty có công bố một chiếc đồng hồ, iPad mới hay thậm chí cả hai hay không? Hay họ sẽ chỉ công bố một thông cáo báo chí về ngày diễn ra sự kiện giới thiệu iPhone mới (có thể là vào tháng sau)? Không nên coi trọng những suy đoán này, nhưng nó cho thấy nỗi ám ảnh về các sản phẩm của Apple cũng điên cuồng không kém gì giá cổ phiếu của hãng. Bất chấp biến động gần đây, vốn hóa thị trường của họ vẫn đạt hơn 2 nghìn tỷ đô la, gấp đôi so với hai năm trước.

 

Mexico thắt lưng buộc bụng

Một số chính phủ đã chọn cách chi tiêu mạnh tay để đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Mexico thì không. Chính phủ đang hứa hẹn sẽ có nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng hơn trước cuộc khủng hoảng mà năm 2020 đã gây ra, khi Bộ tài chính công bố ngân sách năm trước Quốc hội vào hôm nay. Tổng thống Andrés Manuel López Obrador thề sẽ không gánh thêm bất kỳ khoản nợ mới nào, cũng như không đánh bất kỳ khoản thuế mới nào trước năm 2021.

 

Các bộ trưởng của ông sẽ cố gắng lấp lỗ hổng ngân sách do giá dầu thấp và thất thu thuế bằng cách rút tiền từ quỹ bình ổn tài khóa. Có thể là chưa đủ: nhiều nhà phân tích dự đoán Mexico sẽ mất xếp hạng tín dụng cấp đầu tư trong một hoặc hai năm tới. Đó là một bức tranh nghiệt ngã. Ông López Obrador muốn chi tiêu mạnh tay trước cuộc bầu cử quốc hội vào năm tới. Nhưng đại dịch đã làm kế hoạch đó — và nhiều thứ khác — đổ vỡ.

 

Hãng hàng không IAG khốn đốn vì đại dịch

Từng là một trong những tập đoàn hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới, năm nay IAG đã phải nhận viện trợ từ chính phủ Anh và Tây Ban Nha để hỗ trợ British Airways và Iberia (mặc dù không có giúp đỡ nào từ Ireland cho hãng hàng không khác của họ, Aer Lingus). Để sống sót, British Airways thậm chí còn bán đấu giá một số tác phẩm nghệ thuật được treo trong phòng nghỉ của ban giám đốc hãng.

 

Tập đoàn sẽ yêu cầu các nhà đầu tư rót thêm 3,3 tỷ đô la vốn tại cuộc họp đại hội đồng thường niên hôm nay, phần lớn trong số đó sẽ đến từ cổ đông lớn nhất, Qatar Airways. Buổi họp cũng sẽ đánh dấu sự ra đi của Willie Walsh, giám đốc lâu năm của IAG, người đã hoãn nghỉ hưu 6 tháng để giúp lèo lái công ty qua đại dịch. Các nhà đầu tư đã áp dụng biện pháp cắt giảm chi phí khét tiếng của ông lên chính ông: họ miễn cưỡng trả khoản tiền thưởng 883.000 bảng Anh (1,2 triệu đô la) cho ông trong năm 2019.

 

 

 

 

 


No comments: