Monday, September 21, 2020

THẨM PHÁN RUTH BADER GINSBURG : "KHÔNG CHỈ SỐNG CHO BẢN THÂN MÀ CHO CẢ CỘNG ĐỒNG" (Nhã Duy)

 


Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg: “Không chỉ sống cho bản thân mà cho cả cộng đồng”

Nhã Duy

21/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/21/tham-phan-ruth-bader-ginsburg-khong-chi-song-cho-ban-than-ma-cho-ca-cong-dong/

 

Tin nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ vừa qua đời cuối tuần qua, đã gây xúc động cho nhiều người dân Mỹ. Để hiểu hơn về di sản và đóng góp của bà cho đất nước và người dân Mỹ ra sao, có lẽ cần nhìn lại quá trình của phong trào nữ quyền ở Hoa Kỳ cùng những điều bà đã góp phần tranh đấu và bảo vệ trong vài chục năm qua ra sao.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-128-1024x803.jpeg

Cố thẩm phán Tối cao Pháp viện Ruth Bader Ginsburg. Nguồn: WSJ

 

Làn sóng nữ quyền đầu tiên ở Hoa Kỳ được xem là vào đầu thế kỷ 20, với kết quả là Tu Chính Án 19 ra đời vào năm 1920, cho phép phụ nữ được tham gia bầu cử. Dù vậy, một số tiểu bang đã không chuẩn thuận cho đến tận đầu thập niên 70, trong đó Mississippi trở thành tiểu bang cuối cùng chính thức phê chuẩn Tu Chính Án này vào năm 1984. Từ vài thập niên qua, phụ nữ là nhóm cử tri đông đảo hơn nam giới và là tiếng nói quyết định trong các cuộc bầu cử tổng thống.

 

Phong trào nữ quyền lần thứ hai xảy ra vào thập niên 1960-1970, dẫn đến một số đạo luật quan trọng về nữ quyền ra đời. Có những điều thông thường hiện nay mà nhiều người không tưởng tượng rằng nó từng xảy ra chỉ vài chục năm trước đây.

 

Ví dụ cho đến khi đạo luật về dân quyền ra đời vào năm 1964 (Civil Rights Act of 1964) thì việc các hãng xưởng từ chối thuê mướn hay cất nhắc phụ nữ vào chức vụ cao hơn là hoàn toàn hợp pháp. Hay phụ nữ độc thân không được phép mở thẻ tín dụng cùng tài khoản ngân hàng, nếu đã lập gia đình thì phải có sự đồng ý và chữ ký của chồng cho đến khi đạo luật về cơ hội bình đẳng tín dụng ra đời năm 1974 (Equal Credit Opportunity Act of 1974).

 

Nhắc lại dăm điều thông thường như vậy để thấy rằng, nữ quyền và dân quyền tại một quốc gia được xem là dân chủ hàng đầu thế giới cũng trải qua những quá trình thử thách và nhiều tranh đấu mới có được như hôm nay. Dù vậy, nó vẫn còn những bước dài để hoàn thiện cho các thế hệ tương lai, khi theo bản tường trình về khoảng cách giới tính giữa phụ nữ so với nam giới (Global Gender Gap Report 2020) của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF), thì Hoa Kỳ xếp hạng 53 trong năm 2020 này, thua nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới.

 

Riêng thẩm phán Ginsburg đã góp phần và để lại di sản gì trong nửa thế kỷ tham gia vào nền tư pháp Hoa Kỳ?

 

Sinh năm 1933, tốt nghiệp luật sư từ các trường đại học Harvard và Columbia rồi trở thành giáo sư luật khoa, từ thập niên 70 thẩm phán Ginsburg đã chính thức tham gia vào lãnh vực pháp lý và tư pháp, dành cả sự nghiệp của mình cho việc cổ vũ sự bình đẳng giới tính và nữ quyền này.

 

Năm 1972, thẩm phán Ginsburg đồng sáng lập Dự Án Nữ Quyền (Women Rights Project) và trở thành Chánh Luật Sư của American Civil Liberties Union (ACLU) – một tổ chức dân sự phi lợi nhuận được thành lập tròn một thế kỷ qua, mang tôn chỉ “bảo vệ và gìn giữ các quyền và sự tự do cá nhân được Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ bảo đảm cho mọi người trên đất nước này“.

 

Hàng trăm vụ kiện về nữ quyền và phân biệt giới tính liên quan các vấn đề gia cư, việc làm, y tế, giáo dục… đã được bà dẫn dắt, trong đó có năm vụ do bà trực tiếp tranh luận và thắng kiện tại Tối Cao Pháp Viện, tạo ra tiền lệ cho các vấn đề bình đẳng giới tính về sau. Bà được giới học thuật và sử gia đánh giá và ghi nhận là người đã góp phần bảo vệ nữ quyền đáng kể trong thời gian này, cho đến khi bà được tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm thành thẩm phán liên bang tòa Phúc thẩm Columbia District vào năm 1980.

 

Đây là giai đoạn chứng tỏ tư cách cùng trách nhiệm của thẩm phán Ginsburg, trong vai trò của một người cầm cân nảy mực ngành tư pháp Hoa Kỳ về sau: Sự công bằng và phi đảng phái cần thiết, đặt Hiến pháp và luật pháp lên hàng đầu. Cho dù diễn dịch Hiến pháp theo khuynh hướng cùng các giá trị bảo thủ hay cấp tiến, các thẩm phán liên bang khi tuyên thệ nhậm chức đã đặt quyền lợi quốc gia và người dân lên hàng đầu.

 

Được xem là một thẩm phán ôn hòa, mực thước và đầy cân nhắc, bà đồng thuận với nhiều phán quyết của các thẩm phán bảo thủ do các tổng thống đảng Cộng Hòa bổ nhiệm và ngược lại. Mối thâm giao đặc biệt của bà với thẩm phán rất bảo thủ Antonin Scalia đã được người ta nhắc đến rất nhiều và là một bài học lớn để suy nghĩ. Cho dù hai người từng tranh cãi quyết liệt dựa trên các quan điểm pháp lý đầy trái ngược trong các vụ kiện tại tòa phúc thẩm lẫn Tối Cao Pháp Viện sau này, cả hai vẫn là những người bạn rất thân thiết ngoài đời.

 

Chính vì những phẩm hạnh này mà năm 1993, thẩm phán Ginsburg được Tổng Thống Bill Clinton bổ nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện và được Thượng Viện đồng thuận với tỉ lệ gần như tuyệt đối là 96-3. Đó là một tỉ lệ cho thấy sự xứng đáng và đáng kính của những người được bổ nhiệm vào hệ thống tư pháp quốc gia từng xảy ra như thế nào. Không phải như việc một số thẩm phán bị xem là thiếu khả năng và tư cách, chỉ đạt được phân nửa đồng thuận trong việc bổ nhiệm vội vàng và mang tính đảng phái trong bốn năm qua. Nó tạo cho người dân lòng nghi ngờ về sự công tâm của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đang xảy ra.

 

Trong 27 năm qua, tại Tối Cao Pháp Viện, thẩm phán Ginsburg là một tiếng nói cấp tiến ôn hòa, tiếp tục đưa ra các phán quyết bảo vệ cho sự bình đẳng giới tính và nữ quyền, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, cùng các quyền dân sự nói chung.

 

Một số dư luận chỉ trích cho rằng, bà ủng hộ việc phá thai thì có thể nhắc lại rằng, quyền phá thai đã được Tối Cao Pháp Viện thông qua vào năm 1973 qua vụ kiện Roe v. Wade, hai chục năm trước khi bà tham gia. Tuy nhiên quan điểm của bà về quyền này khi trả lời trên báo New York Times sau này là, “điều căn bản là, không phải chuyện của chính phủ để đưa ra chọn lựa cho một người phụ nữ“. Quả là vậy. Có thể nó gây tranh cãi nào đó ở góc nhìn tôn giáo nhưng không phải vấn đề đại cuộc quốc gia hay chính phủ để chính trị hóa và vũ khí hóa cùng tiêu chuẩn chọn lựa ứng viên trước mỗi cuộc bầu cử.

 

Một số người ủng hộ Donald Trump trong cộng đồng Việt tại Hoa Kỳ đã lấy cái chết của bà để chỉ trích, dè bỉu hay xem nhẹ đóng góp của một cuộc đời đáng kính như bà. Có thể vì họ không biết về những điều bà đã đóng góp. Hoặc không chỉ là một thái độ nhẫn tâm mà còn là sự vô ơn. Bởi cộng đồng Việt được xem là may mắn so với cộng đồng người da đen hay các cộng đồng Á châu khác từng chịu nhiều sự phân biệt và kỳ thị, đến được nước Mỹ ngay thời điểm mà các đạo luật về nhân quyền và dân quyền đã có được sau nhiều tranh đấu hay đóng góp từ bao người, trong đó có cả thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Nó không đến từ Donald Trump trong bốn năm qua.

 

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg từng nói rằng, “Làm cho cuộc sống của những người kém may mắn hơn mình được tốt đẹp hơn một ít là điều tôi nghĩ về một cuộc đời có ý nghĩa là thế nào. Một người không chỉ sống cho bản thân mình mà còn cho cả cộng đồng“. Đó là phương châm sống và phụng vụ của bà cho người dân cùng đất nước này, đã được bà thể hiện trong gần nửa thế kỷ qua.

 

Xin tiễn niệm và cảm ơn những đóng góp to lớn và chính trực của thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, một nhân cách lớn của nước Mỹ.

 

____

 

Một số hình ảnh người dân Mỹ tưởng nhớ tới bà Ruth Bader Ginsburg từ đài ABC:

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-126.jpeg

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-46.jpg

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/2-12.jpg

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-127-1024x768.jpeg

 

-  https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-47-1068x1424.jpg

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/3-10-1024x768.jpg

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/4-7.jpg

 

- https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/5-8.jpg

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments: