Phạm
Xuân Nguyên
Chủ nhật, 06/09/2020
https://nguoidothi.net.vn/lich-su-mot-cau-noi-25168.html
Đó là câu nói: “Truyện Kiều
còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
Câu này ở trong bài diễn
thuyết bằng quốc văn đọc tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà
thi hào (10.8 âm lịch) do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức tại Hà
Nội ngày 8.9.1924. Khách mời có đến 2.000 người.
Tác giả bài diễn thuyết
là học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) khi đó đang là Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến
Đức đồng thời là chủ bút báo Nam Phong. Ông đọc bài diễn thuyết của
mình bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để rất đông người Pháp đến tham dự buổi lễ
có thể hiểu cùng lúc với người Việt.
Bài diễn thuyết đó và câu
nói đó đã khơi mào một cuộc bút chiến tranh luận gay gắt dữ dội mà nội dung
chính là mượn Truyện Kiều để đả kích phê phán Phạm Quỳnh. Cuộc
chiến tư tưởng văn chương này đã nổ ra ngay năm 1924, được khơi lại vào đầu thập
niên 1960, và vẫn còn dây dưa đến tận bây giờ.
Ta hãy lần lại lịch sử
xem vì sao ca ngợi Truyện Kiều, đề cao tiếng Việt của Nguyễn Du
trong Truyện Kiều, mà Phạm Quỳnh lại bị “đánh” nặng nề và dai dẳng
đến vậy.
Văn cảnh của câu nói
Mở đầu bài diễn thuyết Phạm
Quỳnh nói lý do buổi lễ là nhân ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn tiên sinh, Ban Văn
học Hội Khai Trí “đặt một cuộc kỷ niệm để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công
nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng
ta một cái “hương hỏa” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi”. Một
bậc có công với văn hóa nước nhà như thế thì không phải ông tổ riêng của một
nhà một họ nữa mà là ông tổ chung của cả nước; ngày kỷ niệm này cũng không phải
của một nhà một họ nữa mà là ngày kỷ niệm chung của cả nước. Dân Nam ai cũng đọc
Kiều, nên ai cũng được hưởng công nghiệp của Nguyễn Du, vậy ai cũng phải nhớ đến
cái ơn của Cụ tác thành cho tiếng nước nhà.
Ơn ấy thế nào? Phạm Quỳnh
nêu cái địa vị, vai trò của Truyện Kiều đối với vận mệnh nước
nhà: “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ”
với non sông đất nước này.” Phạm Quỳnh ca ngợi Truyện Kiều “vừa
là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một
dân tộc”, là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của
nước ta, để ta có thể “ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện
Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì
mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!..” (in nghiêng trong văn bản của Phạm
Quỳnh).
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/33560700-a181-4393-a505-2e7496b3ab58.jpg
Đại thi hào Nguyễn
Du.
Theo ông, việc cụ Tiên Điền
xuất thế, cụ Tiên Điền viết Kiều, Truyện Kiều lưu
truyền được đến nay - đó là “phúc duyên” cho nước nhà ta. Mà so ra thế giới, cụ
thể với văn chương Tàu và văn chương Pháp, Truyện Kiều cũng lại
không có gì sánh bằng. Truyện Kiều hơn các truyện Tàu ở sự “kết
cấu” thành một toàn bức không thêm bớt được chút nào.
Truyện Kiều hơn các truyện Pháp ở sự “phổ thông”, người ngu kẻ khôn đều thích
chí. Ngẫm ra thế, “Truyện Kiều cũng là một cái kỳ công có một trong
cõi văn thế giới vậy”, mà kỳ công ấy lại do một người làm ra, không dựa trên một
cái nền rộng rãi của nhiều người như ở các nền văn học khác, nên lại càng
"dũ kỳ" (chữ của Phạm Quỳnh).
Kết thúc bài diễn thuyết,
Phạm Quỳnh một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa cuộc kỷ niệm Nguyễn Du là để bày tỏ tấm
lòng biết ơn thành thực của quốc dân đối với vị quốc sĩ của nước nhà. Nhưng hơn
thế, đây cũng là dịp chiêu hồn quốc sĩ về chứng nhận cho lời thề của đồng nhân.
Thề rằng: “Truyện Kiều còn,
tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là
kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà,
cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn
tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên
sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!” (1) (in
nghiêng trong văn bản của Phạm Quỳnh).
Như vậy câu nói “Truyện
Kiều còn…” được Phạm Quỳnh nói đến hai lần trong bài diễn thuyết kỷ niệm.
Bài diễn thuyết này nằm
trong cả một chương trình kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày húy kị của nhà đại văn
hào (10.8 Giáp Tý, 8.9.1924). Cuộc lễ được tổ chức kết hợp cũ mới, có đặt đỉnh
trầm, bày hương án, có diễn thuyết ngâm thơ ca nhạc. Khách mời có cả người Nam
và người Pháp. Mở đầu Phạm Quỳnh đọc bài diễn văn bằng hai thứ tiếng để cho người
Pháp biết được Nguyễn Du là ai và Truyện Kiều là thế nào. Tiếp
đến Trần Trọng Kim diễn thuyết một tiếng (bài nói này về sau được lấy làm lời tựa
cho cuốn Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim soạn).
Tiếp nữa là kép Thịnh và
đào Tuất kể Kiều. Sau cùng, một cô đào đứng hát bài kỷ niệm Nguyễn Du
của Nguyễn Đôn Phục. Không khí buổi lễ được tường thuật lại trong bài viết
đăng Nam Phong số 86: “Công chúng dự tới hai ngàn, chỉ trong mấy
phút đồng hồ là khắp trong sân dưới nhà trên gác đông chật ních. Hội viên Tây
và các bà đầm ước được ba bốn chục người. Có mấy bà giáo mới ở bên Tây sang. Khẩn
khoản lại xem cho biết người An-nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế
nào. Ở Hà Thành ta từ xưa đến nay chỉ có tiệc trà đón quan toàn quyền Sarraut
diễn thuyết ở Văn Miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế” (2)
Mạch nguồn của câu nói
Cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du
và tán dương Truyện Kiều này không phải là ngẫu nhiên. Nó là đỉnh
điểm của cả một phong trào viết về kiệt tác văn chương của dân tộc trên tờ nhật
báo Nam Phong của chủ bút Phạm Quỳnh và nhiều tác giả (3).
Phong trào này lại nằm
trong chủ trương của Phạm Quỳnh muốn thực thi một cái chủ nghĩa quốc gia về
văn hóa và giáo dục để đối lại sự xâm nhập văn hóa từ Pháp quốc.
Ngay tại Paris, trong bài
diễn thuyết đòi một nền giáo dục cho giống nòi nước Nam trước các nhà trí thức
Pháp tại Ban Khoa học, Luân lý và Chính trị, Viện Hàn lâm Pháp (22.7.1922), Phạm
Quỳnh đã thẳng thắn tuyên bố: “Dân nước Nam
không phải là một tờ giấy trắng; đó là một cuốn sách cổ chứa đầy những dòng chữ
được viết bằng một thứ mực không thể tẩy xóa từ bao đời nay; không một chất thử
nào có thể tẩy xóa chúng được hoàn toàn và người ta không thể tự do muốn viết
gì vào đấy thì viết.” (4).
Ông là người học Pháp,
làm việc cho Pháp nên ông biết cái xu thế không thể cưỡng lại là phải du nhập
văn hóa Âu Tây, phải tiến hóa theo Âu châu. Ông nhận đó là một lẽ tất yếu, một
vấn đề sinh tử. Nhưng ông cũng thấy “Tiến hóa không phải là đi từ chỗ không mà
bước lên được. Ở chỗ gốc phải có cái gì đã. Cái gì đó là gồm cả cuộc ký vãng của
dân tộc. Hiện tại và tương lai của dân tộc thế nào cũng là tùy thuộc ở
đó” (5). Ông muốn khơi gợi, truyền bá cái vốn văn hóa dân tộc
này. Đó là lựa chọn làm chính trị của ông trong hoàn cảnh nước nhà đã bị nước
người đô hộ. Câu tuyên bố
của ông “làm văn hóa không làm chính trị” chỉ là một cách nói, thực chất ông
làm chính trị bằng văn hóa.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/a65b6569-1c07-412a-9012-ecc7986dbf4e.jpg
Tượng đài Đại thi
hào Nguyễn Du tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du thuộc xã Tiên Điền,
huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TL
Truyện Kiều là kiệt tác của văn hóa dân tộc, là đỉnh cao của văn chương và tiếng
nói dân tộc, nên lẽ tự nhiên theo chủ trương của mình ông tìm mọi cách đề cao,
lấy đó làm lợi khí cho cuộc vận động văn hóa của mình. Trong bài nói chuyện tại
Hội Đông phương Ái hữu (5.7.1922) trước cử tọa người Pháp về thơ nước Nam, Phạm
Quỳnh đã dành nửa bài để nói về giá trị của Kiều và tác dụng của
nó đối với tiếng nói dân tộc Việt Nam. Ông nói: “Nhà thơ Nguyễn Du của chúng
tôi đã làm được cái điều là phục hồi lại ngôn ngữ nước Nam, và đã nâng nó lên địa
vị một ngôn ngữ văn học đích thực.” (6)
Cả bài nói chuyện này ông
chủ đích đề cao tiếng nói dân tộc, đòi cho nó được quyền sống trước âm mưu của
những thế lực thực dân muốn triệt tiêu tiếng Nam để giành địa vị cho tiếng
Pháp. Ông khẳng định quyết liệt: “Nếu một dân tộc sống bằng ngôn ngữ của mình thì chúng tôi quyết sống, tức
là quyết bảo vệ sự vẹn toàn, quyết làm giàu thêm trong chừng mực có thể cái
ngôn ngữ dân tộc của chúng tôi” (7). Chính từ chủ
trương đó ta mới hiểu cái câu nổi tiếng ông thốt ra trong bài diễn thuyết kỷ niệm
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”.
Cần phải đặt câu nói đó
và cả bài diễn thuyết 1924 vào hệ thống cùng một bài khác Phạm Quỳnh viết về Truyện
Kiều đăng Nam Phong số 30 năm 1919 thì mới hiểu đầy đủ,
chính xác hơn. Trong bài này, ở mục hai - Lịch sử tác giả, Phạm Quỳnh
đề cao Nguyễn Du đáng lưu danh thiên cổ vì đã lưu lại cho quốc văn một tác phẩm
bất hủ; từ đó ông khuyên nên đổi lại lý tưởng xưa mà đặt lập ngôn lên trước lập
đức, lập công.
Ông viết: “Lập ngôn chẳng
là đem cuộc sinh tồn hữu hạn của một đời người mà đổ lộn vào cuộc sinh tồn vô hạn
của một nòi giống, khiến cho mình nhờ nòi giống mà lưu danh mãi mãi, nòi giống
cũng nhờ mình mà sống được vô cùng dư? Bao giờ trên bán đảo Đông Dương
này còn có người An Nam ở, người An Nam còn biết nói tiếng An Nam, thì Truyện
Kiều còn có người đọc, Truyện Kiều còn có người đọc thời
cái hồn cụ Tiên Điền còn phảng phất mãi trong dòng máu đất Việt Nam không bao
giờ mất được. Ôi! Linh hồn bất diệt, linh hồn bất diệt là nghĩa thế nào?
<...>.
Thiết nghĩ đối với nhà
thơ, nhà văn thời linh hồn bất diệt tức là cái công trước tác của mình; nếu
công ấy đáng giá thời linh hồn mình tất cùng với núi sông, cùng với nòi giống
lưu truyền mãi mãi, tưởng cũng có thể gọi là bất diệt được, vì người ta
ai cũng là kết quả của một giống, giống mình còn mình cũng còn, mình với giống
mình là một, còn kế trường sinh nào hơn nữa?...”. Có thể nghĩ ở đây có một
dụng ý chính trị nào đấy, nhưng nội dung điều nói trên đâu có sai.
Kết thúc bài Phạm Quỳnh
viết: “Những văn sĩ có tài xưa nay kết cấu ra một truyện gì cũng là tự diễn tâm
sự một mình mà thôi, nhưng tâm sự ấy thiết tha thâm trầm, diễn ra được tức là
diễn được cái nỗi lòng u âm sầu khổ của cả mọi người biết thương, biết nghĩ ở đời
vậy. Cho nên người ta còn có cảm tình, có tư tưởng, thời đọc Truyện
Kiều còn cảm động mãi, và tiếng An Nam còn có người nói, người học thời
những lời ăn tiếng nói của cô Kiều còn phảng phất bên tai người nước Nam mãi
mãi vậy” (8).
Trong bài đó, bằng phép
phê bình khảo cứu của văn học phương tây, Phạm Quỳnh đã tìm tòi, phát hiện được
một số điểm đáng chú ý cả về nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều chứ
không phải “kỳ thực chỉ tán suông nhiều hơn là đi vào phân tích cụ thể” như nhà
nghiên cứu Nguyễn Văn Trung đã từng nói (“Trường hợp Phạm Quỳnh”, Nhà Nam Sơn
xuất bản, Sài Gòn 1975, trước thời điểm kết thúc chế độ Việt Nam Cộng hòa). Phạm
Quỳnh cũng đã đưa ra đánh giá của mình về nàng Kiều.
Ông cho rằng "Thúy
Kiều có cái đức nghiêm của người phụ nữ mà lại có cái vẻ phong tình của khách
phong lưu, đức hạnh đủ khiến kính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quý,
thân thể đủ khiến thương, vì cảnh ngộ mà nặng kiếp đào hoa, trọng tình ý vẫn
người tiết nghĩa; ở nơi ô nhục mà vẫn giữ được tiết hạnh thanh cao, gặp gian
nan mà không hề đắm đuối, Kiều nương thật là gồm được bấy nhiêu tư cách nên ai
cũng phải kính, phải thương, phải yêu, phải trọng".
Bài viết về Truyện
Kiều năm 1919 của Phạm Quỳnh là một bài nghiên cứu mà ông “phải dùng
phép phê bình khảo cứu của văn học Thái Tây mới mong phát biểu được cái đặc sắc,
bày tỏ được cái giá trị của một nền tuyệt tác trong quốc văn An Nam ta”. Và quả
ông đã tìm tòi, phát hiện được một số điểm đáng chú ý về cả nội dung và nghệ
thuật của Truyện Kiều chứ không phải “kỳ thực cũng chỉ tán
suông nhiều hơn là đi vào phân tích cụ thể” như một nhà nghiên cứu đã từng
nói (9). Một điều lý thú là chúng tôi tìm thấy có nhiều chỗ
tương đồng ý tưởng giữa bài này của Phạm Quỳnh (1919) và bài “Nguyễn Du, một
trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn” của Hoài Thanh (1965). Xin dẫn ra làm thí dụ.
- Phạm Quỳnh:
“Xét trong Truyện Kiều lời văn rất luyện mà ý tứ rất sâu, lời
văn luyện cho đến nỗi tưởng không ai có tài nào đặt hơn được nữa, và trong một
câu không thể nào dịch đi một chữ, đổi lại một tiếng, giọng hồn nhiên như trong
ống thiên lại mà ra” (10). Hoài Thanh: “Người đọc
xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không
thể thay đổi, thêm bớt tý gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần nào lỡ
nhịp ngang cung” (11).
Phạm Quỳnh: “Cái ngụ ý trong Truyện Kiều ấy tức là tiếng đàn của
cô Kiều, tiếng não nùng ai oán, suốt truyện không đâu là không như văng vẳng
nghe thấy bên tai...” (Sđd, tr.130). Hoài Thanh: “Dựng lên một con
người, một cuộc đời như vậy là một cách Nguyễn Du phát biểu ý kiến của mình trước
những vấn đề của thời đại. Lời phát biểu ấy trước hết là một tiếng kêu thương.
Một tiếng kêu não nùng đau đớn, suốt trong quyển truyện không lúc nào không
văng vẳng bên tai” (Sđd, tr.149).
Phạm Quỳnh còn thêm nhận xét: “Vẽ người đến thế là đã khéo lắm, nhưng đó là
cái lối vẽ chính thức, còn lối vẽ phá bút, chỉ một vài câu, dăm ba chữ mà hình
dung được cả nhân cách một người, như đánh dấu đến thiên cổ không bao giờ sai
được... Mã Giám Sinh rõ ra anh lái buôn người làm ra mặt văn nhân đi kén vợ, Tú
Bà thật là mụ mẹ giầu đáo để tai ác, Sở Khanh là thằng sỏ lá làm mặt hào hiệp”;
(Sđd, tr.136). Hoài Thanh: “Đối với bọn nhà chứa, ngòi bút Nguyễn
Du không tò mò, Nguyễn Du ngại bới ra những gì quá dơ dáy, Nguyễn Du chỉ ghi vội
vài nét. Nhưng chỉ vài nét cũng đủ khiến cả cái xã hội ghê tởm đó sống nhô nhúc
dưới ngòi bút Nguyễn Du... Hơn nữa, Nguyễn Du đã thấu tận trong ruột chúng nó.
Nếu không, không thể nào tóm đúng được thần thái gian tà của chúng như vậy”
(Sđd, tr. 160-161).
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/22d0aab1-d473-4775-9f84-ceb60741f177.jpg
Tranh Thúy Kiều của họa sĩ Lê Văn Đệ (1906 - 1966),
thủ khoa khóa I Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1930). Ảnh: TL
- Phạm Quỳnh:
“Chỗ nào lời văn cũng là in với nghĩa truyện, ý tứ hợp với cảnh người, lời nào
ý nào cũng thích với nhân tình thế cố, khiến cho nhiều câu trong Truyện
Kiều đã thành những lời cách ngôn thiên cổ, dẫu người bình thường cũng
biết dùng trong khi nói chuyện như dùng tục ngữ phương ngôn vậy”. (Sđd,
tr.129). Hoài Thanh: “Cuộc đời diễn ra muôn màu, muôn vẻ... nhưng
dưới ngòi bút Nguyễn Du thì đều dựng lên như thật, khiến bao nhiêu người xưa
nay đọc Truyện Kiều, nghe Truyện Kiều, mỗi người trong
những hoàn cảnh khác nhau mà không mấy khi không tìm được một ít câu nói đúng
những điều mình muốn nói” (Sđd, tr.163).
- Phạm Quỳnh:
“Nói tóm lại thời trong Truyện Kiều thật là có đủ các lối văn
chương, mà lối nào cũng tới cực điểm, mỗi lối một vẻ, mà lối nào cũng là “mười
phân vẹn mười” vậy” (Sđd, tr.141). Hoài Thanh: “Chúng ta có thể nói
rất nhiều về các loại văn trong Truyện Kiều, văn kể chuyện, văn gợi
cảnh, dựng người, văn tự tình và cả văn kịch, văn đối thoại” (Sđd, tr.164).
Và cuối cùng, ngôn ngữ của Truyện
Kiều, cái điểm Phạm Quỳnh bị công kích mạnh nhất, người trước người sau vẫn
gặp gỡ tương đồng.
- Phạm Quỳnh:
“Lạ thay, tiếng An Nam ta nhiều người chê là nghèo nàn non nớt, thế mà Truyện
Kiều thời rõ ra một áng văn chương lão luyện, tưởng có thể sánh với những
hạng kiệt tác trong các văn chương khác mà không thẹn vậy. Đủ biết rằng tiếng
ta cũng đủ phong phú, nếu khéo luyện tập cũng làm nên văn chương hay, chẳng kém
gì tiếng nước khác, chứ không phải như nhiều người tưởng lầm là một thứ tiếng
bán khai, đành lòng bỏ đi để đem công mà học văn chương nước khác. Lại lạ nữa
là trước Truyện Kiều không có văn nôm gì hay bằng văn Kiều mà
sau Truyện Kiều cũng không có văn nào hay bằng văn Kiều, đủ biết
người nước ta xưa nay vẫn khinh thường văn quốc âm không chịu tập, bỏ phí mất
cái lợi khí thiên nhiên của Tạo Vật đã phú dữ cho người mình để mở mang cho giống
nòi được tiến hóa” (Sđd, tr.142). Hoài Thanh: “Nhưng chỉ xin nói vắn
tắt một điều là về lời, về chữ thì chưa có một nhà văn, nhà thơ nào khác sánh kịp
Nguyễn Du trong lịch sử văn học Việt Nam. Không ở đâu, tiếng nói Việt Nam lại dồi
dào mà chính xác, tinh vi, trong trẻo, truyền đúng cái thần của sự vật và sự việc
như ở đây” (Sđd, tr.164).
Rõ ràng, Phạm Quỳnh có một
lòng yêu tiếng Việt và do đó ông yêu quý và đề cao Truyện Kiều.
Theo chủ nghĩa quốc gia về văn hóa của mình, Phạm Quỳnh đã vận động để tiếng Việt
và văn chương Hán Việt được giảng dạy trong nhà trường Pháp Việt. Trước những
đòi hỏi kiên trì của ông và những biến động thời cuộc, tháng 7.1924 chính quyền
Pháp đã đổi Trường Pháp luật và Hành chính Đông Dương thành Trường Cao đẳng
Đông Dương trong đó có Khoa Ngữ học và Văn học Hán - Nôm mà Phạm Quỳnh được mời
giảng dạy. Tại buổi giảng mở đầu sự ra đời Khoa này (ngày 25.10.1924, tức là
hơn một tháng sau cuộc lễ kỷ niệm Nguyễn Du), Phạm Quỳnh đã một lần nữa khẳng định:
“Tôi sẵn có thiên hướng đặc biệt đối với các nghiên cứu Hán-Nôm và có một tình
yêu sâu nặng đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta.” (12)
Sự phê phán và biện minh cho
câu nói
Như đã nói, bài diễn thuyết
bằng quốc văn về Truyện Kiều trong có câu “Truyện Kiều còn,
tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” của Phạm Quỳnh đã gây ra một cuộc bút
chiến gay gắt, dữ dội ngay trong năm 1924. Cuộc chiến dấy lên bắt đầu từ bài viết
của nhà nho Ngô Đức Kế, sau đó Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng lên tiếng. Ông Ngô,
ông Huỳnh cho là ông Phạm mượn Kiều để làm chính trị theo đường
lối hại dân hại nước nên đã mạt sát Truyện Kiều và nàng Kiều một
cách thậm tệ, vô tình xúc phạm đến cả cụ Nguyễn Du. Ông Phan đứng giữa làm quan
ngự sử văn đàn, phê ông Phạm có thái độ “học phiệt”, nhưng cũng không tán thành
thái độ của ông Ngô, ông Huỳnh mạt sát áng văn chương tuyệt tác của dân tộc.
Sau mấy bài viết qua lại, cuộc chiến ngưng không có hồi kết.
Vào đầu những năm 1960
trên tập san Nghiên Cứu Văn Học của Viện Văn Học một số nhà
nghiên cứu đã quay lại tìm hiểu thực chất cuộc tranh luận về Kiều này,
cũng tức là trở lại việc đánh giá Phạm Quỳnh trên lịch sử văn học. Vấn đề được
xới lên từ một nhận định của các tác giả nhóm Lê Quý Đôn trong sách Lược
thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập III, xuất bản năm 1957, như sau: “Cuộc
tranh luận chung quanh Truyện Kiều là một sự kiện quan trọng
trong lịch sử phê bình nước ta. Phe chống Kiều gồm có các nhà
ái quốc Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, và một số nhà nho bảo thủ. Họ nhận
xét Truyện Kiều như là nhận xét một quyển sách luân lý. Tuy vậy
họ đã nắm chắc chân lý khi họ vạch dã tâm của bọn cầm đầu phong trào sùng
bái Kiều và tác hại của một phong trào như thế đối với thanh
niên.
Phe tán dương Kiều đông
hơn, do Phạm Quỳnh cầm đầu thì nặng về tầm chương trích cú. Do thái độ đối với
cuộc sống mới hơn, nghĩa là khoan dung rộng rãi đối với cá nhân hơn, do thông cảm
với yêu cầu tình cảm của con người, họ tán thành nội dung Truyện Kiều từ
đầu chí cuối nhưng tán thành theo cảm tính chứ không có lý luận gì. Và
họ để công sức vào sự tìm hiểu kỹ thuật. Về phương diện này, họ đã phát giác được
nhiều điều đáng kể” (tr. 199, chỗ nhấn mạnh của tôi - PXN).
Nhận định này tuy vẫn thắt
buộc ở phần đầu theo quan niệm chính trị của một thời, nhưng ở phần sau có “mở”
hơn một chút khi nói về cách nhìn nhận Truyện Kiều của Phạm Quỳnh.
Tuy nhiên ngay một chút “mở” dè dặt đó cũng không được chấp nhận. Từ nhận định
của nhóm Lê Quý Đôn, một cuộc tranh luận về cuộc tranh luận Truyện Kiều giữa
Phạm Quỳnh và các nhà nho lại diễn ra với âm điệu chung là phản bác nhận định của
nhóm Lê Quý Đôn và luận tội cho Phạm Quỳnh. Tham gia cuộc này có các nhà nghiên
cứu Nguyễn Đình Chú, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Hoàn và một số người khác.
Năm 1975, trước thời điểm
chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, giáo sư Nguyễn Văn Trung có cho xuất bản ở Sài
Gòn cuốn sách Trường hợp Phạm Quỳnh. Trước đó ông đã có cuốn Chủ
đích Nam Phong. Cả hai cuốn sách đều được tác giả viết ra theo tinh thần giải
thực tinh thần (décolonisation mentale), sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt
chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1.1973). Cái nhìn của
Nguyễn Văn Trung đối với quan điểm về Kiều của Phạm Quỳnh thể
hiện trong hai chuyên khảo cũng gần với ý kiến của các nhà nghiên cứu trao đổi
trên tập san Nghiên Cứu Văn Học.
Ông viết: “Phạm Quỳnh nhằm
những chủ đích chính trị thâm độc do các học giả thực dân mớm cho khi giới thiệu
đề cao quốc ngữ, văn chương Việt Nam. Như chúng tôi đã trình bày trong chương
hai tập Chủ đích Nam Phong, Phạm Quỳnh chủ trương một thứ “chủ
nghĩa quốc gia về ngôn ngữ”. Đó là quan điểm coi việc bảo vệ duy trì được
tiếng nói của dân tộc qua những tuyệt tác văn chương như một đường lối yêu nước,
cứu nước thích hợp hơn cả. Chủ trương trên lừa bịp ở chỗ đáng lẽ chỉ có thể coi
văn chương như phương tiện khêu gợi ý thức dân tộc đưa đến hành động tranh đấu
thực sự để cứu nước thì lại coi chỉ yêu văn chương tiếng nói là đủ, khỏi phải
hành động tranh đấu gì cả vì Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn,
mà tiếng ta còn, thì nước ta còn” (13).
Rốt cục cả cuộc tranh luận
ngoài Bắc đầu thập niên 1960 lẫn hai cuốn sách trong Nam giữa thập niên 1970 chỉ
lại thêm một lần đánh mạnh vào Phạm Quỳnh trong câu chuyện về Truyện Kiều.
Trong khi các nhà nho,
các nhà nghiên cứu mác xít phê phán nặng nề Phạm Quỳnh về một bài diễn thuyết,
một câu nói về Truyện Kiều thì lại có những tiếng nói khác đồng
tình, khẳng định ý kiến của học giả họ Phạm.
Trong suốt
gần 100 năm kể từ khi Phạm Quỳnh thốt lên câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn,
tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, bên cạnh những lời phê phán, chỉ
trích nặng nề, vẫn còn những những tiếng nói khác đồng tình với ông và khẳng định
giá trị câu nói của ông.
Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ sau khi khảo cứu công phu cuộc bút chiến năm
1924 đã kết luận: “Công bình mà nói, bọn ông Quỳnh, ông Vĩnh hồi đó đem Truyện
Kiều phiên dịch, bình luận, tán dương (ngay ở cả bên Pháp nữa), chẳng
phải là để làm tay sai cho Pháp, để truyền bá văn chương dâm ô. Họ chỉ thật
tình và ngay tình nắm lấy một khí giới văn hóa để có thể nói chuyện với Pháp,
hoặc ít nhất vin lấy một giá trị để tự an ủi mình”. (14)
Cụ Vương Hồng Sển, một học giả miền Nam đã hiểu đúng ý Phạm Quỳnh.
Khi được hỏi về câu: “Truyện kiều còn tiếng ta còn...”, cụ đáp:
“Câu này chỉ có nghĩa là tiếng nói của mình chải chuốt hay ho được như Kiều thì
đạt tới trình độ tương đối rồi và tiếng của ta mà mất, để các tiếng ngoại quốc
xâm nhập tức là tới lúc nước mất. “Tiếng nói là chìa khóa mở bất kỳ cánh cửa
nào” (15) (nhấn mạnh của cụ Vương Hồng Sển). Ý kiến cụ
Vương vẫn còn tính thời sự hiện nay, lúc này, khi ta đang bàn về tiếng Việt
trong Truyện Kiều giữa lúc tiếng ta đang bị xâm lấn dữ dội bởi
các thứ tiếng ngoại lai.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh khi kết lại bài tiểu luận “Một thời đại trong
thi ca” ở đầu cuốn “Thi nhân Việt Nam” (1942) nói về bi kịch mất lòng tin của một
thế hệ văn chương giữa thời loạn Á - Âu đã tìm thấy ở câu nói của Phạm Quỳnh một
điểm tựa để vững lòng. Ông viết:
“Bi kịch ấy họ gửi cả
vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui
buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt,
họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, cũng muốn
mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng.
Nhưng do đó trong thất vọng sẽ nẩy mầm hy vọng.
Chưa bao giờ như bây giờ họ hiểu câu nói can đảm của
ông chủ báo Nam Phong (Phạm Quỳnh): “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta
còn, nước ta còn”.
Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi
giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên cứ không sao tiêu diệt.
Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ
vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai” (16) (in nghiêng của tôi - PXN).
Những lời này của Hoài
Thanh viết ra mười bảy năm sau câu nói phát ra của Phạm Quỳnh đã đủ chứng thực
cho giá trị câu nói đó và tấm lòng của người nói ra câu đó. Câu nói đã được khắc
tại mộ Phạm Quỳnh ở Huế: Truyện kiều còn, tiếng ta còn, tiếng
ta còn, nước ta còn.
Phạm Xuân Nguyên - Nhà nghiên cứu văn học, Hội Kiều học Việt Nam.
Hà Nội 7.2020
________________
(1) Phạm Quỳnh,
“Bài diễn thuyết bằng quốc văn”, Nam Phong, số 86 (8.1924). Dẫn theo: Tuyển tập phê bình văn
học Việt Nam, tập 1, Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), Nxb Văn Học, 1997, tr.
270-277.
(2) Dẫn theo: Phạm
Thế Ngũ. Việt Nam văn học sử giản
ước tân biên, tập III, Văn học hiện đại (1862 - 1945), Quốc
học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, tr. 153.
(3) Bài viết đầu
tiên của Phạm Quỳnh đăng Nam Phong cuối năm 1919. Ở bài đó ông vận dụng phương pháp phê
bình văn học của Thái Tây để phân tích Truyện Kiều về cốt truyện,
nhân vật, tâm lý và nghệ thuật. Từ đó Nam Phong tiếp tục đăng
bài về Kiều của nhiều học giả mới cũ như Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trọng Thuật,
Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Triệu Luật… Đến số 75 (1923) Nam
Phong lại có mục “Bàn góp về Truyện Kiều”.
(4) Phạm Quỳnh.
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Nxb Tri Thức &
Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2007, tr. 406.
(5) Dẫn theo: Phạm
Thế Ngũ, sđd, tr. 144.
(6) Phạm Quỳnh.
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Sđd, tr. 57.
(7) Phạm Quỳnh.
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Sđd, tr. 61.
(8) Những chỗ nhấn
mạnh là của tôi - P.X.N.
(9) Nguyễn Văn
Hoàn. “Sơ kết cuộc trao đổi ý kiến về vấn đề tranh luận “Truyện Kiều” năm
1924”, Tạp chí “Nghiên Cứu Văn Học”, số 6/1962.
(10) Phạm Quỳnh. Thượng Chi văn tập, tập III, Éditions
Alexandre de Rhodes Hanoi, tr. 128.
(11) Hoài Thanh, "Nguyễn Du một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn".
Dẫn theo: Kỷ niệm hai trăm năm sinh Nguyễn Du, Sđd, tr. 141-168. Các trích dẫn
Hoài Thanh đều lấy theo nguồn này.
(12) Phạm Quỳnh.
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932, Sđd, tr. 490.
(13) Nguyễn Văn
Trung. Trường hợp Phạm Quỳnh.
Tủ sách tìm về dân tộc, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1975, tr. 125.
(14) Phạm Thế
Ngũ. Việt Nam văn học sử giản
ước tân biên, tập III, Văn học hiện đại (1862 – 1945), Sđd, tr. 159.
(15) Dẫn theo:
Nguyễn Văn Trung. Trường
hợp Phạm Quỳnh. Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn 1975, tr. 70.
(16) Hoài Thành -
Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam, Nxb
Văn Học, 1992, tr. 52.
------------------------------
XEM THÊM
·
Diễn
giải ‘Truyện Kiều’ bằng ngôn ngữ ba lê
·
Công
diễn “Múa Kiều”: một cách kể truyện Kiều mới mẻ của người Hàn
·
Người
“phổ thơ” Nguyễn Du thành phim
·
Ngày
Nguyễn Duy ở làng Quảng
No comments:
Post a Comment