Wednesday, September 9, 2020

CHÚNG TA, NHỮNG NGƯỜI DA MÀU THIỂU SỐ, MANG MỘT MÓN NỢ LỚN (Bảo Như)

 


Chúng ta, những người da màu thiểu số, mang một món nợ lớn

Bảo Như

09/09/2020

https://baotiengdan.com/2020/09/09/chung-ta-nhung-nguoi-da-mau-thieu-so-mang-mot-mon-no-lon/

 

Ngày 8/9, là ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 66 của cô Ruby Bridges! Ruby Bridges là ai?

 

Cô là biểu tượng tranh đấu cho sự bình đẳng, chống lại nạn phân biệt đối xử dựa trên màu da trong hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ những năm đầu nóng bỏng của phong trào dân sự Civil Rights thập niên 1960s.

 

Người mẹ và cô con gái Bridges 6 tuổi đã có một bước đệm đầy can đảm và mang đậm tinh thần tranh đấu chống lại bất công. Sau khi vượt qua “cửa ải” là kỳ thi sát hạch học sinh tiểu học được dựng lên để nhằm sàng lọc, ngăn cản các học sinh da màu có cơ hội đến trường học chung với các học sinh da trắng (bất chấp đã có phán quyết Brown v. Board of Education hơn 6 năm trước đó của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ khi tuyên bố luật các bang nhằm thiết lập sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc tại các trường học công lập là vi hiến.

 

Đầu năm 1960, cô bé Bridges là một trong sáu học sinh da đen ở New Orleans “vượt qua kỳ thi xét tuyền vào tiểu học” của tiểu bang này nhằm đạt được điểm số đủ chuẩn để có thể vào học chung trường của các học sinh da trắng tại William Frantz Elementary School. Có 2 em trong số này quyết định vẫn ở lại trường dành riêng cho học sinh da màu, ba học sinh khác đến trường dành riêng cho học sinh da trắng McDonogh Three, và cô bé 6 tuổi Ruby Bridges quyết định đến trường William Frantz Elementary School theo học chung với các học sinh da trắng khác.

 

Ngày đầu tiên cô bé Bridges đến trường cùng mẹ và được 4 nhân viên cảnh sát tư pháp liên bang hộ tống. Và liên tục trong những ngày đi học sau đó, cô bé Bridges phải được các nhân viên cảnh sát tư pháp liên bang hộ tống đến trường và về nhà.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/09/1-63.jpeg

Cô bé Ruby Bridges 6 tuổi trong ngày đầu đến trường tiểu học với hộ tống của 4 nhân viên cảnh sát tư pháp liên bang. Ảnh trên mạng

 

Mẹ của cô bé Bridges kiên định với quyết định của bà bởi vì không chỉ mang lại điều kiện được học hành tốt hơn mà bởi vì “đó là một bước tiến mạnh và mang tính đột phá cho tất cả những học sinh Mỹ gốc Phi cần phải có”.

 

Như cô bé Bridges đã nhắc lại sau đó về hoàn cảnh đến trường của cô lúc đó: “Theo xe đến trường mỗi ngày, tôi có thể nhìn thấy đám đông [da trắng] tụ tập bên ngoài cổng trường. Nhưng với tôi lúc đó và với kinh nghiệm sống ở New Orleans, tôi thật sự nhìn đám đông đó và cho rằng đó là đám đông tham gia lễ hội Mardi Gras. Đám đông đó tụ tập và rồi họ ném mọi thứ có thể về phía xe, và la lối…mọi thứ cứ như thể là một buổi Mardi Gras của New Orleans”.

 

Một trong những viên cảnh sát tư pháp liên bang hộ tống cô bé Bridges đã nhận xét về cô bé: “Cô bé rất can đảm. Cô bé không hề sợ và khóc. Cô bé chưa một lần run rẩy. Cô bé chỉ im lặng và bước đi giữa các nhân viên công vụ liên bang, và chúng tôi – những nhân viên công vụ liên bang – thật sự tự hào về cô bé“.

 

Khi Bridges vào trường học, cha mẹ các học sinh da trắng rút con của họ ra khỏi lớp để phản đối. Tất cả giáo viên cũng đình công phản đối vì có học sinh da đen vào trường học.

Duy chỉ có một giáo viên kiên quyết bám trụ lại lớp và đó là cô giáo Barbara Henry, đến từ Boston, Massachusetts. Và trong vòng hơn một năm học sau đó, cô giáo Henry chỉ đứng lớp dạy mỗi một học sinh là cô bé Ruby Bridges.

 

Ngày đầu ở trường của cô bé Bridges và mẹ dường như họ chỉ ở trong phòng của hiệu trưởng. Mọi thứ bên ngoài phòng hiệu trưởng náo loạn và hỗn độn vì mọi người phản đối nên họ không thể di chuyển vào lớp học được.

 

Ngày thứ hai tình hình cũng thế. Nhưng có vẻ có bước chuyển khi một học sinh da trắng quyết định không tham gia tẩy chay và quyết định vào lớp học. Những ngày sau đó, bắt đầu có các học sinh da trắng từ bỏ phản đối và đến trường. Tinh hình phản đối dịu đi sau khi có thêm các học sinh da trắng đến lớp theo quyết định của cha mẹ các học sinh này vì đó là “đặc quyền mà trẻ con phải có đó là được đến trường”.

 

Nhưng với cô bé Ruby Bridges, cô vẫn chỉ đến lớp với cô giáo Barbara Henry và duy nhất chỉ có hai cô trò với nhau trong hơn 1 năm học tiểu học đầu tiên. Hơn một năm ròng rả, mỗi ngày cô bé Ruby Bridges đến trường trong sự phản đối của không người này thì người khác. Họ có thể đón đường cô bé chỉ để đe dọa “đầu độc cô bé bằng thuốc độc”, hay chỉ để đe dọa cô bé với hình hài một con búp bê da đen được đặt trong một cái hộp làm thành một cái hòm…Và đe dọa từ người lớn như thế đến với cô bé Bridges 6 tuổi mỗi ngày đến trường khiến cho các nhân viên công vụ liên bang chỉ cho phép cô bé ăn những gì mà cô bé mang theo từ nhà mà thôi.

 

Việc đến trường tiểu học như bao trẻ con khác đối với Bridges không hề là việc đơn giản mà nó đã ảnh hưởng đến gia đình cô bé. Cha cô bé mất việc làm ở trạm xăng. Cửa hàng thực phẩm mà gia đình vẫn đi mua sắm đã từ chối không cho gia đình cô đến đó mua sắm. Ông bà của Bridges vì thế cũng bị ảnh hưởng và liên lụy bởi áp lực bên ngoài xã hội… Nhưng không phải ai cũng đối xử tệ với gia đình họ. Hàng xóm của họ đã giúp cho cha cô bé việc làm. Khu xóm nơi nhà Bridges sinh sống giúp trông trẻ cho mẹ của cô bé, canh phòng nhà cửa dùm cho họ trước làn sóng phản đối của cư dân nơi đó, nhiều hàng xóm da trắng cùng tham gia đi bộ theo sau xe đưa đón học sinh có Bridges đến trường…

 

Chặng đường tranh đấu cho bình đẳng và tự do không hề đơn giản. Nếu như không có những người như mẹ của cô bé Ruby Bridges, không có những cô bé như Rub Bridges, không có những giáo viên như cô Barbara Henry, không có những hàng xóm da trắng, không những người dũng cảm đối diện với bất công và đủ can đảm đấu tranh chống lại nó… thì chúng ta – những người da màu thiểu số đang sinh sống tại Hoa Kỳ hiện nay – chưa chắc đã có được những quyền bình đẳng mà con cháu chúng ta đang được hưởng.

 

Chúng ta – những người da màu thiểu số – mang một món nợ lớn mà những người như gia đình cô bé Ruby Bridges đã mở đường cho chúng ta có được như “của trời cho”. Nếu chưa thể cùng tiếp bước tranh đấu cho những điều tốt đẹp hơn, thì chúng ta chỉ là những kẻ thừa hưởng thành quả của những người như gia đình cô bé Ruby Bridges mang lại bằng chính mồ hôi, nước mắt, và cả máu của họ…

 

Hành trình tranh đấu cho tự do, công bằng, bác ái…vẫn đang được tiếp diễn. Và nếu bạn chưa thể, không thể, không dám tham gia vào đó thì xin vui lòng cứ thừa hưởng thành quả đã có và để cho những người khác có đủ lương tri, dũng cảm và tình yêu tiếp tục tranh đấu!

 

Một lần nữa, chúc mừng sinh nhật lần thứ 66 của cô Ruby Bridges!

 

                                                       ***

 

Theo lời cô Bridges kể lại, hình ảnh tươm tất của cô trong ngày đầu đến trường có được như thế này là nhờ vào sự giúp đỡ của một mạnh thường quân. Với khả năng tài chính của gia đình Bridges lúc bấy giờ, họ không thể lo được cho cô bé tươm tất. Mạnh thường quân đã giúp cho cô bé bộ đồng phục từ đầu đến chân mấy ngày trước ngày tựu trường. Vị mạnh thường quân đó chính là bác sĩ, giáo sư Robert Coles của ĐH Harvard.

 

Bác sĩ Coles của Harvard là người giúp điều trị sang chấn tâm lý cho cô Bridges và gia đình cô, bởi sự kiện lịch sử này đã khiến họ bị khủng hoảng tâm lý.

 

 

 

 

 


No comments: