Wednesday, September 9, 2020

ASEAN NÓI VỚI MỸ & TRUNG HOA : ĐỪNG GÀI BẪY CHÚNG TÔI VÀO SỰ CẠNH TRANH CỦA QUÝ VỊ (Tom Allard, Stanley Widianto)

 


Indonesia nói với Mỹ, Trung Hoa: Đừng gài bẫy chúng tôi vào sự cạnh tranh của quý vị   

Tom Allard, Stanley Widianto  

Bản dịch của DCVOnline

Posted on September 9, 2020

http://dcvonline.net/2020/09/09/indonesia-noi-voi-my-trung-hoa-dung-gai-bay-chung-toi-vao-su-canh-tranh-cua-quy-vi/

 

AKARTA (Reuters) — Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã cảnh cáo Hoa Kỳ và Trung Hoa không nên để đất nước của bà vướng vào cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Marsudi nói với hai siêu cường: “Chúng tôi không muốn mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh này.”

 

https://s2.reutersmedia.net/resources/r/?m=02&d=20200908&t=2&i=1532592838&r=LYNXMPEG8711E&w=1280

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi phát biểu trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại Jakarta, Indonesia, ngày 10 tháng 1 năm 2020. REUTERS/Ajeng Dinar Ulfiana /File Photo

 

Retno, đặc phái viên ngoại giao của quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, đã bình luận trong một cuộc phỏng vấn với Reuters trước một loạt các cuộc họp quan trọng của các ngoại trưởng khu vực trong tuần này, kể cả những cuộc họp gồm các đối tác của Hoa Kỳ và Trung Hoa.

 

Hoạt động quân sự ở Biển Đông đã gia tăng trong năm nay cùng với những chính sách thù địch và đối kháng từ Trung Hoa và Hoa Kỳ, làm dấy lên lo ngại của một số quốc gia Đông Nam Á rằng nguy cơ xung đột vũ trang đang gia tăng.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Hoa Vương Nghị đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao của họ trong khu vực nhằm thuyết phục các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông cảm hơn với quan điểm của họ.

 

Cũng như Indonesia, ASEAN gồm 9 quốc gia khác: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei.

 

Retno cho biết ASEAN phải kiên định trung lập và đoàn kết. Bà nói :

“ASEAN, Indonesia, muốn cho tất cả thấy rằng chúng tôi đã sẵn sàng trở thành một đối tác. Chúng tôi không muốn mắc kẹt vì sự cạnh tranh này.”

 

Trung Hoa tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ họ có chủ quyền. Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của vùng biển giàu tài nguyên.

 

Hoa Kỳ trong năm nay đã leo thang các hoạt động “tự do hàng hải” trong các vùng biển mà Trung Hoa tuyên bố chủ quyền, gồm cả việc đưa hai hàng không mẫu hạm vào khu vực lần đầu tiên kể từ năm 2014 và tăng con số tàu ngầm và các chuyến bay giám sát.

 

Tập trận trên biển

 

Hải quân Trung Hoa cũng đã tăng cường các cuộc tập trận hải quân trên biển, gồm cả việc mới đây thí nghiệm 4 hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm tầm trung được mệnh danh là “sát thủ hàng không mẫu hạm”. Tàu của họ, và của các lực lượng dân quân biển, cũng đã quấy rối các tàu đánh cá của các nước vùng Đông Nam Á trong vùng biển đang tranh chấp.

 

Retno nói với Reuters rằng việc quân sự hóa Biển Đông ngày càng leo thang — và mối thù sâu đậm hơn giữa Mỹ và Trung Hoa — đang gây rắc rối. Bà nói :

“Ba chữ: đáng lo ngại. Đó là thực tế chính trị mà chúng tôi phải đối phó.”

 

Bà cho biết một tuyên bố chung vào tháng trước của cả 10 ngoại trưởng ASEAN cho thấy các quốc gia Đông Nam Á đoàn kết, vì hòa bình và không đứng về bên nào trong lúc quan hệ Trung Hoa-Hoa Kỳ xấu đi :

“(ASEAN có) một nền văn hóa tốt, nhưng chúng tôi phải nuôi dưỡng nó. Chúng tôi không thể coi đó là điều hiển nhiên rằng những giá trị này sẽ tồn tại mãi mãi.”

 

Trong khi đó, Retno cho biết bà sẽ nêu lên hoàn cảnh của những người tị nạn Rohingya phải chạy trốn cuộc đàn áp ở Myanmar với bộ trưởng ngoại giao của nước này. Hôm thứ Hai, Indonesia đã cứu gần 300 người tị nạn Rohingya khỏi những ngôi nhà tạm bợ của họ trong các trại tị nạn ở Bangladesh bằng đường biển. Những người tị nạn khác đã bị các nước ASEAN đuổi đi. Retno nói tiếp :

“Việc tiếp tục trao đổi với Myanmar về việc chuẩn bị cho những người Rohingya hồi hương an toàn, trong danh dự và tự nguyện là rất quan trọng. Cho đến bây giờ vẫn không có tiến triển nào.”

“Khi nói đến vấn đề nhân đạo, chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ hỗ trợ. Đây không phải là trách nhiệm của hai quốc gia.”

 

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

 

                                                        ***

Nguồn

 

Indonesia to U.S., China: Don't trap us in your rivalry   

Tom Allard, Stanley Widianto

September 8, 2020 / 8:34 AM

https://www.reuters.com/article/us-indonesia-politics-foreign-minister-idUSKBN25Z1ZD

 

 

 

 

 


No comments: