Đại hội 13: Đâu là thách
thức chờ đợi dàn lãnh đạo mới của ĐCSVN?
BBC
Tiếng Việt
18 tháng 9 năm 2020
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54209195
Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ
13 theo kế hoạch sẽ được nhóm vào đầu năm 2021 với nhiều trông đợi có thể diễn
ra những thay đổi về nhân sự lãnh đạo và trên cơ sở đó là các chuyển động mới về
lãnh đạo, điều hành đất nước.
Một số nhà quan sát thời
sự và chính trị Việt Nam từ trong nước hôm 17/9/2020 chia sẻ với BBC News Tiếng
Việt nhận định và bình luận của mình về đâu có thể là thách thức đáng kể nhất
đón chờ dàn lãnh đạo cấp cao mới của đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội, bất
luận ai sẽ được bầu chọn.
"Theo tôi sẽ có hai thách thức chính yếu. Một
là về phát triển của đất nước và hai là về vấn nạn đe dọa của ngoại xâm, tôi thấy
hiện chưa giải quyết được," nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá quân đội nhân dân Việt
Nam nói với.
"Hiện giờ tham ô, tham nhũng của quan chức phổ
biến, kinh tế lớn của nhà nước, khu vực nhà nước vẫn thất thoát nhiều. Mặc dù
người ta đã mang ra để cho 'vào lò', nhưng những người lên thay sẽ có cơ chế
nào để không rơi vào, không đi theo con đường ấy, đó là một thách thức liên
quan phát triển của đất nước và quản lý.
"Còn về nguy cơ của ngoại xâm, chưa thấy có ai
nói một cách rõ ràng gì. Tình hình có một sự may mắn hiện nay là chính sách của
Tổng thống Trump và nước Mỹ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ở biển Đông và khu
vực Ấn - Thái dương, ngoài biển khơi, khá mạnh mẽ, quyết đoán khiến Trung Quốc,
nước láng giềng luôn đe dọa, uy hiếp Việt Nam, đe dọa chủ quyền và các quyền
thuộc về biển đảo của Việt Nam, phải dè chừng.
"Nếu không có các lực lượng của Mỹ và chính
sách của chính quyền Trump như thế ở khu vực, thì không rõ Trung Quốc có thể đã
có thể làm những việc bạo tay gì và chưa thấy ai trong lãnh đạo cao cấp nhất Việt
Nam, trong dàn tam, tứ trụ phát biểu gì rõ ràng.
"Cứ cho rằng đó là bí mật cần giữ về ngoại giao
hay về quốc phòng, quân sự đi nữa, thì cảm nhận của mọi người, người dân thấy rằng
dường như là họ không làm gì, không nói gì cả, trong khi lãnh đạo nhiều nước
khác họ sẵn sàng lên tiếng thẳng thắn, công khai và tỏ thái độ rất rõ ràng khi
có ai đe dọa đất nước của họ."
.
Phục hồi hậu
Covid-19 và tiếp tục chống tham nhũng thế nào?
Tại một thảo luận trực
tuyến hôm thứ Năm 17/9 của BBC News Tiếng Việt, khách mời tham dự cũng nêu quan
điểm mà theo họ đâu là thách thức chính của dàn lãnh đạo cấp cao mới.
"Tôi nghĩ thách thức lớn nhất sẽ là phải vực dậy
nền kinh tế của Việt Nam sau Covid-19, bởi vì chúng ta đều biết sau đại dịch
này suy thoái vô cùng to lớn. Nhưng đảng CSVN không trực tiếp tham gia vào kinh
tế, cho nên nhiệm vụ của đảng phải chọn ra được một bộ máy về chính quyền, làm
sao để cho nền kinh tế vượt qua được khó khăn," Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng
viên cấp cao và nhà nghiên cứu bậc Đại học từ Hà Nội nói.
"Đối với người dân thì 'miếng ăn lớn hơn trời',
nếu kinh tế mà ổn thì mọi chuyện đều sẽ ổn, nhưng nếu kinh tế mà không ổn, bất ổn
chính trị sẽ đến rất là nhanh.
"Bên cạnh thách thức đó, mà không biết là cái
nào hơn cái nào, là tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng như thế nào? Bởi vì
chính quyền của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa lên một cuộc chiến chống
tham nhũng mà ít nhiều có vẻ cho thấy là thực tế muốn làm.
"Sắp tới, nếu như không còn sự lãnh đao của ông
Nguyễn Phú Trọng, thì tiếp tục thực thi cuộc chiến đó như thế nào? Bởi vì dù thế
nào đi nữa, một số hành động gọi là 'thực sự' trừng trị một số quan tham đã
thuyết phục được một số người dân.
"Có thể thấy rằng trong khoảng thời gian suốt từ
1975 tới giờ đã 45 năm và người dân cảm thấy rất nản lòng là chưa có một vụ án
tham nhũng nào thực tế được xét xử cho đến thời mấy năm vừa rồi, thì đó cũng là
một điều gì đó làm cho người dân cảm thấy mát lòng, mát dạ hơn và nó cũng làm
cho các quan chức ít, nhiều cũng phải sợ hãi hơn.
"Mặc dù chúng ta cũng biết cái đó là tắm từ vai
tắm xuống, hoặc là chỉ là lựa chọn một số người, nhưng dù thế nào đi nữa, người
ta cũng phải lo rằng dù chỉ là lựa chọn đi nữa thì 'lần tới' có là mình không?
Do đó, nó cũng là một hồi chuông đánh động.
"Tôi cũng biết một số người trong chính quyền,
họ cũng nói rằng hiện tại thực sự là Ban Kiểm tra Trung ương đảng đã hành động
quyết liệt hơn trước rất nhiều, có những hành vi chấn chỉnh lại việc bầu cử hay
đề cử người để nó thực lực hơn, chứ không phải chỉ là chuyện gọi điện cho nhau
là có thể giải quyết được.
"Cho nên tôi nghĩ đó cũng là hai nhiệm vụ rất lớn
cho đại hội 13 lần tới đây."
.
Không thể chống
tham nhũng theo cách cũ hiện nay?
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện chính sách
độc lập (IDS - đã tự giải thể) về phần mình nói với hội luận:
"Tôi nghĩ một thách thức quan trọng nhất của đảng
Cộng sản Việt Nam là đảng này phải thấy mình phục tùng nhân dân, chứ không phải
là 'ngồi trên đầu' nhân dân, điều ấy tôi nghĩ là thách thức lớn nhất.
"Bởi vì như vậy chính đảng CSVN với những hành
động của mình vừa rồi đã làm cho người dân mất sự tin tưởng. Tôi nói thí dụ như
là vấn đề đất đai, vấn đề Thủ Thiêm, vấn đề Đồng Tâm, những vấn đề tham nhũng.
"Về vấn đề tham nhũng, tôi nghĩ không thể chống
tham nhũng bằng kiểu như thế này hiện nay, muốn chống được tham nhũng, chưa cần
nói tới dân chủ, nhưng chí ít cần phải có tư pháp độc lập. Tư pháp hiện nay răm
rắp nghe theo đảng.
"Điều kiện thứ hai phải có ít nhất báo chí tự
do một chút, tất cả báo chí hiện nay đều răm rắp nghe theo đảng.
"Do đó, cơ chế này có diệt một trăm hay một
ngàn kẻ tham nhũng, thì nó sẽ vẫn sinh ra hai ngàn, ba ngàn kẻ tham nhũng khác.
"Cho nên tôi nghĩ là bảo rằng thành tích 'đốt
lò' chống tham nhũng này có thể làm cho một số người nghĩ rằng như thế 'rất là
tốt', tôi nghĩ rằng nó không giải quyết được vấn đề tham nhũng. Bởi vì bản thân
cơ chế của đảng Cộng sản Việt Nam đẻ ra tham nhũng.
"Còn phát triển kinh tế chắc chắn là một thách
thức lớn và liên quan phát triển kinh tế, tôi nghĩ ông Nguyễn Xuân Phúc, đương
kim Thủ tướng Chính phủ, làm được và thực sự nếu ông Phúc lên làm Tổng Bí thư,
thì có lẽ là hay hơn cho đất nước này.
"Nhưng tôi e rằng họ sẽ tìm rất nhiều cách để đối
phó, 'cà khịa' lẫn nhau về chuyện này, chuyện kia để tranh giành quyền lực."
.
Phải nghĩ đến
"niềm tin", có dám "đổi mới" tư duy, tư tưởng?
Bình luận về ý kiến của
hai khách mời trên, ngay sau cuộc hội luận hôm 17/9, từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn
Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội dân sự nói với BBC:
"Tôi có nghe những ý kiến bình luận của Phó
Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh cũng như của Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, tôi thấy
đó cũng là những ý kiến khá hay và tôi cũng có sự chia sẻ đồng tình.
"Tôi chỉ muốn bình luận thêm là thách thức của
đảng Cộng sản Việt Nam, dù ai sẽ ở trong dàn lãnh đạo mới cao cấp được xác định
qua Đại hội 13, sẽ là đọc được và đáp ứng được đúng sự đòi hỏi của nhân dân.
"Những gì mà đảng và chính quyền đang làm để chống
tham nhũng chẳng hạn, cách làm ra sao, với ai, cụ thể thế nào, mục đích là gì,
đông cơ làm sao… tôi nghĩ nhân dân người ta thấy rõ cả về bản chất, không phải
là người ta không biết gì đâu.
"Điều quan trọng là vấn đề niềm tin. Làm gì thì
làm, nhưng khi mà quần chúng, nhân dân đã mất niềm tin, thì những thách thức của
đảng, như các vị khách và các ý kiến đã nói, vốn đã lớn thì sẽ lại trở lên
nghiêm trọng hơn nữa.
"Bản thân tôi nghĩ việc từ trước đến nay mà đảng
cầm quyền đã độc tôn vị trí lãnh đạo đất nước của mình, thì chắc chắn cũng sẽ đến
hồi phải tính lại và thay đổi, nếu không muốn một cái kết không như ý.
"Bởi vì theo quy luật của sự tiến bộ tới nay của
văn minh nhân loại, của dân chủ, không ai, không đảng phái hay một thế lực quyền
lực nào, nhất là nếu chưa thông qua các quá trình bầu cử, lập hiến dân chủ,
nhân quyền, dân quyền và pháp quyền thực sự, có thể ngồi mãi trong một vị thế
quyền lực lãnh đạo tối cao và cầm quyền như thế hay là muốn kéo dài vĩnh viễn
như vậy được.
"Tóm lại theo tôi đó là thách thức về đổi mới
tư duy và có dám thực thi tư tưởng, tư duy đổi mới về quyền lực về lãnh đạo, cầm
quyền theo xu thế và tiêu chuẩn của văn minh nhân loại hiện nay mà cũng được
nhân dân, quần chúng nhiều người kỳ vọng như vậy hay là không."
No comments:
Post a Comment