Sunday, January 12, 2020

PHÁO CUỘI (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
January 12, 2019

Sáng sớm 8 Tháng Giêng 2020, Iran bắn hỏa tiễn vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq; một trong 2 căn cứ trúng pháo Iran nằm tại tỉnh Anbar, căn cứ thứ nhì, nằm trong vùng cư trú của người Kurds, vốn là đồng minh của Mỹ ngày trước.

Pháo thủ Iran tài lắm, họ biết kỹ thuật pháo mà nhiều pháo thủ các nước khác không biết đó là “pháo cuội.” Họ pháo gần 20 hỏa tiễn, nhắm vào những quân nhân Mỹ đang hiện diện tại những cứ điểm vừa kể, nhưng hỏa lực Iran không gây bất cứ tổn thất nào cho quân Mỹ cả.

Các chính khách dân chủ tham dự buổi họp về tình hình chiến sự tỏ ra không thỏa mãn với những điều nhân viên chính phủ trình bày liên quan đến cuộc pháo kích đó; họ còn muốn biết căn nguyên của nhu cầu pháo kích, biết chi tiết cuộc không kích giết Tướng Iran Qassam Suleimani.

Ông tướng này bị máy bay không người lái (drone) Mỹ bắn hỏa tiễn từ trên không xuống mặt đường, giết chết ngay khi ông đặt chân xuống phi trường dân sự Baghdad, giữa những sinh hoạt vô cùng hòa bình của một phi trường dân sự quốc tế; ông Suleimani chết trong lúc chưa bắt tay vào việc mà Mỹ cáo buộc ông đến Iraq để làm: phối hợp những lực lượng bán quân sự và chỉ huy họ thực hiện một mục tiêu chính trị: đuổi các đơn vị quân sự của Mỹ ra khỏi Iraq, và ra khỏi Trung Đông.

Mỹ không muốn ra khỏi Trung Đông, vì đó là xứ vàng đen.

Các chính khách dân chủ đoán được công tác không lấy gì làm mật của Tướng Suleimani, nhưng họ vẫn muốn chính Tổng Thống Trump xác nhận điều đó với họ; lãnh đạo các nước NATO đồng minh với Mỹ cũng biết như vậy, và cũng muốn như vậy – muốn Trump khẳng định rồi giải thích với họ nguyên nhân ông ra lệnh giết Tướng Suleimani, trong những điều kiện sinh hoạt bình thường, không giao tranh.

Chính khách dân chủ Mỹ nhân danh Quốc Hội, đòi quyền được hành pháp Mỹ trình bày và giải thích với họ những việc chính phủ làm; các quốc trưởng NATO, nhân danh là đồng minh của Mỹ, đang tham gia cuộc chiến tranh Iraq, cũng đòi hỏi như vậy.

Đến cả các cơ quan truyền thông Mỹ cũng nhân danh quyền được biết của khán, thính giả, độc giả của họ đòi chính phủ giải thích minh bạch việc tổng thống Mỹ ra lệnh giết người bên ngoài chiến trường, trong lúc không giao tranh, và giải thích 2 cuộc pháo cuội của pháo thủ Iran.

Cựu Phó Tổng Thống Joseph R. Biden Jr., một trong những ứng cử viên tổng thống cuối năm nay, yêu cầu ông Trump đưa ra một lời “giải thích tỉnh táo” về cuộc không kích hạ sát tướng Qassim Suleimani, chỉ huy trưởng lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran, cùng với nguyên nhân và hậu quả của hành động đó.

Ông Biden còn nói, “Tất cả những gì chúng tôi được nghe từ chính quyền chỉ là những lời giải thích bất nhất, những câu trả lời lảng tránh, và những lời khẳng định lặp đi lặp lại về một mối đe dọa sắp xảy ra, mà không có bằng chứng để chứng minh là mối đe dọa đó có thật.”

Thành viên chính phủ nói mối đe dọa mà họ nỗ lực đối phó là toan tính của Iran tấn công sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Iraq. Các chính khách dân chủ tại Quốc Hội nói những tin tức của CIA gửi cho họ đọc đều rất mơ hồ.

Có thể các chính khách dân chủ quá khe khắt, ít nhất họ không quan tâm đúng mức đến sự kiện nghĩa binh Iran tham dự vào cuộc biểu tình đốt tòa đại sư Mỹ tại Baghdad; việc đó không mơ hồ, và giả thuyết tướng Suleimany tới lãnh thổ Iraq để phối hợp và chỉ huy Nghĩa Binh – lực lượng hải ngoại do chính ông ta tổ chức, võ trang, và chỉ huy – tiếp tục giai đoạn 2 của kế hoạch là đôn đốc việc “tẩy chay, và đuổi Mỹ ra khỏi Trung Đông” sau khi đã biểu tình chống Mỹ.

Suleimany chưa đến Baghdad, mà Thủ Tướng Iraq còn yêu cầu “Yankee Go Home,” để ông lập bộ tham mưu trên đất Iraq, liệu tình hình còn nguy kịch đến mức nào!

Nguyên nhân cuộc biểu tình chống Mỹ là việc Mỹ không kích, giết những nghĩa binh đã tham dự cuộc pháo kích giết một “tư nhân” Mỹ không mặc quân phục, nhưng cộng tác với những binh sĩ Mỹ (mặc quân phục) hoàn thành những công tác quân sự. Đa số những nhân viên dân sự đó là những cựu quân nhân, sau khi giải ngũ tình nguyện trở lại chiến trường, vì được trả lương cao hơn, và hưởng nhiều quyền lợi hơn người lính mặc quân phục, chiến đấu chống cùng một lực lượng địch.

Hai viên chức chính phủ trực tiếp đối đầu với những lời chỉ trích là Ngoại Trưởng Mike Pompeo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark T. Esper.

Nghị sĩ dân chủ Richard Blumenthal bảo họ là “nguyên cớ gây chiến không thể là một ước đoán mơ hồ, thiếu những chi tiết cụ thể, thiếu những minh định xác đáng.” Trong một cuộc họp hôm Thứ Ba, mùng 7 Tháng Giêng về tin tình báo, nhiều chính khách đòi hỏi chính phủ giải thích rõ rệt hơn, những nguyên cớ khiến tổng thống quyết định hạ sát Tướng Suleimani.

Ông Trump trả lời là Tướng Seleimani “dự trù thực hiện một cuộc tấn công rất lớn và rất tai hại cho người Mỹ chúng ta và nhiều người khác; chúng ta không để ông ta kịp ra tay.”

Nhiều nước đồng minh với Mỹ tại Iraq đang rút quân ra khỏi Iraq; ông Trump biết việc đó, nhưng tỏ ra không quan tâm.

Ông tuyên bố, “Iran đang xuống nước, trong lúc chính tôi cũng không thích chiến tranh.”
Câu ông nói có thể hiểu như lời ông giải thích về hai cuộc pháo kích cuội của Iran, nhưng mọi người vẫn đòi ông đứng ra giải thích.

Họ đòi như vậy vì họ còn muốn hỏi ông, “Ông đánh đổi điều gì để Iran pháo cuội và xuống nước?” Và họ, nguyên thủ những quốc gia đồng minh với Mỹ, ký giả viết báo, đài truyền hình, đài phát thanh, và những chính khách dân chủ đang “cộng tác” với ông trong chính phủ Mỹ, còn nhiều câu hỏi khó trả lời nữa đang chờ ông, hoặc ông, bà chính khách nào khác, lớ ngớ đi lạc vào và thay ông vào ngồi trong Tòa Bạch Ốc.

Làm tổng thống là khổ, mà làm tổng thống Mỹ lại càng khổ hơn nữa. Nhưng chuyện lạ là ai cũng thích làm tổng thống Mỹ. Quả là “đâu cái điền.” (Nguyễn Đạt Thịnh)






No comments: