Thursday, January 30, 2020

WHO CHÍNH THỨC CÔNG BỐ : VIRUS CORONA LÀ TÌNH TRẠNG Y TẾ KHẨN TRƯƠNG TOÀN CẦU (tổng hợp)





NỘI DUNG :
BBC Tiếng Việt
.
Người Việt Online
.
.
===================================================
.
BBC Tiếng Việt
31/01/2020

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên thế giới vì virus corona.

Tuyên bố đưa ra trong lúc Trung Quốc nói 170 người đã chết tại đây, còn Mỹ vừa phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
Bệnh nhân Mỹ đầu tiên là chồng của một phụ nữ vừa trở về từ thành phố Vũ Hán.

Tuyên bố khẩn cấp quốc tế của WHO được gửi cho các nước thành viên LHQ mà WHO đánh giá đang có tình trạng nghiêm trọng.
Các nước này sẽ quyết định có đóng cửa biên giới, hủy bay, khám người tại sân bay và các biện pháp khác hay không.

Nhưng người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh WHO không hề kêu gọi hạn chế đi lại, giao thương với Trung Quốc vì virus corona.
"WHO không khuyến nghị và thực ra là phản đối mọi hạn chế" về đi lại và thương mại, ông Ghebreyesus nói.

Cũng hôm 30/1, Mỹ cho hay đã có ca đầu tiên lây nhiễm tại nước này.
Bệnh nhân là chồng một phụ nữ tại Chicago.
Người phụ nữ, ở độ tuổi trên 60, vừa trở về từ Vũ Hán và nhập viện.
Người chồng không đi Trung Quốc nhưng đã có triệu chứng nhiễm virus từ vợ và phải đưa vào viện.
Giới chức Mỹ nói đã xác nhận người chồng bị lây virus corona.

Số liệu mới nhất cho biết bên ngoài Trung Quốc, hiện có tám trường hợp bị nhiễm từ người sang người, là tại Việt Nam, Đức, Nhật và Mỹ.

Vào ngày 31/1, một chuyến bay chở 150 người Anh và 50 công dân EU, đa số là dân Tây Ban Nha, sẽ rời khỏi Vũ Hán, Trung Quốc.
Dự kiến các công dân Anh này sẽ được đưa tới cách ly trong 14 ngày ở một bệnh viện khi về Anh.

Các trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu trước đây

Cho tới nay, WHO chỉ mới từng 5 lần tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu.
§  Cúm A/H1N1, 2009, làm chết hơn 200.000 người trên thế giới.

§  Bệnh bại liệt, 2014

§  Virus Zika, 2016: Khi đó, virus Zika lây lan tại nhiều nước ở châu Mỹ.

§  Ebola, 2014 và 2019: Dịch Ebola từng hai lần được WHO tuyên bố là 'trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu'. Giai đoạn 2014 tới 2016, hơn 11.000 người chết ở Tây Phi. Năm ngoái, bệnh này lây lan ở Congo.

Tình hình Việt Nam

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019.
Theo số liệu cập nhật đến 17 giờ 30 ngày 30/1, của Bộ Y tế Việt Nam, số người mắc nCoV trên thế giới là 7.822 trường hợp, 170 tử vong.

Tại Việt Nam, số người nhiễm nCoV là 5 trường hợp, trong đó 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về.

Một ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày 30/1 loan báo Việt Nam sẽ ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ visa công vụ, để phòng ngừa virus corona.
Việt Nam cũng không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu trong lúc này.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành y tế theo dõi sát sao sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày với tinh thần hạn chế đi lại.


Chính phủ Việt Nam nói hiện nay chưa bắt buộc đeo khẩu trang trên phạm vi cả nước nhưng khuyến nghị mọi người dân đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người.

Các trường học phải khuyến nghị học sinh đeo khẩu trang.

Bộ Y tế Việt Nam công bố số điện thoại đường dây nóng: 19003228 để cung cấp các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và nhận tư vấn cách phòng chống dịch bệnh.

Theo tin mới nhất của chính phủ Việt Nam đăng cuối ngày 30/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình tiếp nhận 1 bệnh nhân đã từng lao động tại Tp. Vũ Hán, Trung Quốc đang về nghỉ Tết có buiể hiện chảy nước mũi, đau đầu.
Bệnh nhân này tự tìm đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình khám và đã được lấy mẫu xét nghiệm gửi lên Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương. Hiện, bệnh nhân đang được cách ly và theo dõi chặt chẽ tại BVĐK tỉnh Thái Bình.

Trong diễn biến cùng ngày, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký lệnh đóng cửa biên giới vùng Viễn Đông với Trung Quốc để ngăn lây lan virus corona.
Lệnh có hiệu lực từ hôm nay, 30/1.
Nghị định cho hay 16 trong 25 cửa khẩu ở biên giới Trung - Nga sẽ đóng từ đêm 31/1.
Đầu tuần này, Nga đã cấm không cho các nhóm du khách Trung Quốc vào Nga.

Chuyến bay đưa khoảng 200 công dân Anh về nước từ vùng tâm dịch coronavirus ở Vũ Hãn sẽ có giấy phép cất cánh ngày thứ Sáu.

Con số tăng nhanh

Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết, đã có 7.711 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tính đến cuối ngày thứ Tư, chủ yếu ở tỉnh Hồ Bắc, nơi số người chết tăng thêm 37 lên 162.

Như vậy, tổng số người tử vong do chủng virus corona mới gây viêm phổi tại Trung Quốc đã lên đến con số 170 người, theo Reuters.

Các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận tại ít nhất là 15 quốc gia khác. Với trường hợp đầu tiên xuất hiện ở Tây Tạng, như vậy, dịch bệnh đã lan đến tất cả các tỉnh và các khu vực ở Trung Quốc đại lục.

Khẩn trương sơ tán công dân

Việc chuyến bay sơ tán công dân Anh chưa thể cất cánh được hiểu là Anh chưa nhận được sự chấp thuận từ phía Trung Quốc về việc này.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết đang "làm việc khẩn trương" để việc sơ tán công dân Anh được tiến hành "càng sớm càng tốt".
Thoạt đầu, chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán dự kiến sẽ đến RAF Brize Norton ở Oxfordshire vào sáng nay 30/1. Hành khách đã được đưa đến một cơ sở của Dịch vụ Y tế Quốc gia.
Khi đến Anh, những hành khách này sẽ được "cách ly được hỗ trợ" trong 14 ngày với "tất cả sự chăm sóc y tế cần thiết", một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết.

Bộ Ngoại giao Anh cũng cho biết, một số chuyến bay của các quốc gia khác cũng chưa thể cất cánh theo đúng kế hoạch.
"Chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc và các cuộc đối thoại đang diễn ra ở tất cả các cấp", một phát ngôn viên nói.

Theo Guardian thì Úc cũng đang lâm cảnh tương tự. Báo này dẫn lời Ngoại trưởng Úc Marise Payne nói trên ABC Radio rằng việc thảo luận về chuyện này vẫn đang tiến hành.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, máy bay sơ tán công dân Nhật Bản từ Vũ Hán đã đến Tokyo hôm 30/1.
Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, chuyến bay thứ hai chở công dân Nhật Bản sơ tán từ Vũ Hán đã hạ cánh xuống Nhật Bản với 9 người có triệu chứng sốt hoặc ho.
Chuyến bay đầu tiên đã hạ cánh hôm 29/1 và dự kiến ​​sẽ có ít nhất một chuyến nữa trong những ngày tới.
Ba người Nhật trên chuyến bay đầu tiên được xác nhận là bị nhiễm bệnh, đài NHK loan tin hôm 30/1, dẫn nguồn từ Bộ Y tế nước này, dù hai trong số ba người đó không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Hoa Kỳ đã đưa khoảng 200 người Mỹ ra khỏi Vũ Hán. Họ đã được kiểm tra sức khỏe khi đến California.

Hôm 29/1, một người đàn ông Anh ở Vũ Hán nói với BBC rằng, chính quyền Trung Quốc từ chối cho phép người vợ Trung Quốc của ông đi cùng ông trở về Anh.
Jeff Siddle, đến từ Northumberland, cho biết ông và con gái chín tuổi nhận được thông báo rằng, họ có thể bay trở lại Anh nhưng không có người vợ - người cũng đã có có visa thường trú ở Anh.
"Vợ tôi quẫn trí," ông nói. "Chính quyền Trung Quốc không cho phép bất kỳ cư dân Trung Quốc nào rời đi."
Ông nói thêm: "Tôi phải đưa ra quyết định, đó là con gái chín tuổi của tôi - vốn có hộ chiếu Anh - và tôi phải rời đi, và để vợ tôi ở đây tại Trung Quốc, hoặc cả ba chúng tôi cùng ở lại đây".

Một công dân Anh khác cho biết bà được yêu cầu để lại đứa con trai ba tuổi vì cậu bé có hộ chiếu Trung Quốc.
Natalie Francis, đến từ York, cho hay: "Khi nhận được cuộc điện thoại, tôi không còn biết nói gì nữa".
"Cả ba chúng tôi đều ở Vũ Hán lúc này", bà nói thêm. "Về mặt thể chất, chúng tôi vẫn ổn, nhưng sự căng thẳng vì bị nhốt trong nhà quá lâu... tinh thần của chúng tôi bắt đầu bị ảnh hưởng đôi chút ... nhất là sau thông tin này."

Bộ Ngoại giao Anh cho biết, một trong những ưu tiên của bộ này là tạo điều kiện cho công dân Anh và gia đình họ được ở bên nhau.

Tỉ lệ tử vong của virus corona?

Một câu hỏi rất căn bản, nhưng lại rất khó để trả lời.
Thật quá đơn giản khi lấy số người chết chia cho các trường hợp đã nhiễm bệnh để ra tỉ lệ tử vong.
Tuy nhiên, chúng tôi đang ở giữa vụ dịch và hàng ngàn bệnh nhân vẫn đang được điều trị. Chúng ta không biết họ có qua khỏi hay không, vì vậy các trường hợp này không được sử dụng để tính toán.
Chúng ta cũng không biết rõ là còn có bao nhiêu trường hợp bị nhẹ và chưa bị phát hiện.
Ngoài ra, sự nguy hiểm của virus mới chỉ là một yếu tố trong mối đe dọa của nó.

'Bệnh cúm giết chết hàng trăm ngàn người mỗi năm, không phải vì nó siêu nguy hiểm, mà vì nó có khả năng lây nhiễm đến rất nhiều người".

-------------------------------
.
Người Việt Online
January 30, 2020

GENEVA, Thụy Sĩ (Reuters) – Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vừa chính thức công bố dịch viêm phổi Vũ Hán là tình trạng khẩn trương toàn cầu, trong lúc Mỹ chính thức xác nhận ca đầu tiên Virus Corona lây từ người sang người.

Tổng Giám Đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố quyết định này sau cuộc họp khẩn của ủy ban gồm 16 chuyên gia tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, 2020.

“Lý do chính để chúng tôi công bố điều này không phải vì những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, mà là những gì đang diễn ra ở những nước khác. Mối lo lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ virus này lây lan đến những nước có hệ thống y tế yếu kém hơn và chưa chuẩn bị đối phó với dịch bệnh này. Xin được nói rõ, quyết định công bố này không phải là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Trung Quốc. Ngược lại, WHO vẫn tin tưởng Trung Quốc có đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh.”

WHO hiếm khi công bố tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu. 10 năm qua, họ chỉ công bố năm lần, gồm dịch cúm virus H1 năm 2009, dịch Ebola ở Tây Phi, dịch sốt bại liệt năm 2014, virus Zika năm 2016, và dịch Ebola đang diễn ra ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

Một khi công bố tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu, WHO sẽ đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước nhằm ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng lây lan xuyên biên giới, nhưng làm sao tránh ảnh hưởng đến thương mại và đi lại.

Mặc dù không có thẩm quyền pháp lý để trừng phạt nước nào vi phạm, nhưng WHO có thể yêu cầu họ cung cấp bằng chứng khoa học cho bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào mà họ ban hành.

Trong khi đó, cũng vào Thứ Năm, các giới chức y tế Chicago thông báo đã có ca lây nhiễm virus Corona đầu tiên từ người sang người ở Mỹ.

Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, cho biết bệnh nhân mới là chồng của người phụ nữ ở Chicago đã bị nhiễm bệnh sau khi đến Vũ Hán, Trung Quốc.

Đây là ca nhiễm virus Corona thứ hai được xác nhận ở tiểu bang Illinois và là ca thứ sáu ở Mỹ.

Cũng vào Thứ Năm, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho hay sẽ hướng dẫn quân nhân Mỹ cùng gia đình ở hải ngoại nhận biết dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và các biện pháp phòng ngừa.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper công bố tin này tại buổi họp báo ở Ngũ Giác Đài. Ông cũng cho biết khoảng 200 công dân Mỹ di tản khỏi Vũ Hán hôm Thứ Tư hiện đang ở Căn Cứ Không Quân March, miền Nam California.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, số người chết do dịch viêm phổi Vũ Hán đã lên đến 170, và một ca nhiễm bệnh đã được xác nhận ở Tây Tạng, nghĩa là virus Corona đã lan đến mọi vùng của nước này.

Giới chức y tế Trung Quốc loan báo, tính đến ngày 29 Tháng Giêng, số ca nhiễm bệnh được xác nhận ở nước này là 7,711. Tuy nhiên, họ không công bố nhiều chi tiết về bệnh nhân cũng như căn bệnh ảnh hưởng đếnh bệnh nhân như thế nào.

Mặc dù những ngày qua, nhiều người nghi ngờ chính quyền Trung Quốc bưng bít thông tin, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO đã đánh giá cao cách xử lý dịch bệnh của nước này.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là con virus “quỷ sứ” và hứa sẽ tiêu diệt.
Tỉnh Hồ Bắc, nơi có gần một nửa số ca tử vong, đang ở trong tình trạng phong tỏa. Hồ Bắc, nằm ở miền Trung Trung Quốc, có 60 triệu dân và có thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh.

Vũ Hán cũng đã bị phong tỏa. Trung Quốc đã ban hành nhiều hạn chế về giao thông để ngăn chặn virus lây lan.

Người nào từng đến Hồ Bắc thời gian qua được công ty yêu cầu làm việc ở nhà đến khi nào công ty xác nhận là an toàn mới được đi làm trở lại.

Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, lớn thứ hai thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia khuyên người dân tránh đi Trung Quốc nếu không cần thiết.

Hàng loạt hãng hàng không quốc tế đã hủy hoặc giảm bớt chuyến bay đến Trung Quốc. Các đại công ty như Google, Ikea, Starbucks và Tesla thì đóng cửa hàng hoặc ngưng hoạt động.

Có tin một số nơi ở Trung Quốc bắt đầu khan hiếm thực phẩm. Báo chí nhà nước đưa tin chính quyền “đang tăng cường nỗ lực bảo đảm nguồn cung vẫn tiếp tục và giá cả ổn định”.

Liên Đoàn Bóng Đá Trung Quốc đã thông báo hoãn tất cả trận đấu trong mùa bóng 2020.

Trên thế giới, virus Corona đã lan đến ít nhất 16 quốc gia. Nhiều quốc gia đã di tản và lên kế hoạch cách ly kiểm dịch công dân của mình từ Trung Quốc về nước.

Nga đã quyết định đóng cửa biên giới miền viễn Đông với Trung Quốc dài 2,670 dặm, tức 4,300 cây số, để ngăn virus lây lan.

Trong lúc này, các nhà nghiên cứu đang chạy đua bào chế vaccine chống virus Corona. Một phòng thí nghiệm ở California đang dự tính cho thử nghiệm một loại vaccine trên người vào Tháng Sáu hoặc Tháng Bảy.

Tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma công bố chi $14.4 triệu để giúp đối phó với dịch bệnh.
Trong đó, $5.8 triệu dành cho hai tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc để bào chế vaccine, số còn lại dành cho việc “phòng ngừa và điều trị” bệnh. (Th.Long)

--------------------------------
.
31/01/2020

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 công bố đợt bùng phát dịch coronavirus ở Trung Quốc khiến 170 người chết là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu, trong lúc dịch bệnh đã lây lan ra 18 nước.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Hoa Kỳ cùng ngày báo cáo ca lây coronavirus đầu tiên giữa người sang người trên đất Mỹ. Với ca nhiễm mới, Mỹ nằm trong số ít nhất 5 nước mà coronavirus đang lây lan thông qua sự tiếp xúc giữa người với người.

Các chuyên gia cho rằng các ca bệnh lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc đặc biệt đáng quan ngại vì cho thấy virus có nhiều khả năng phát tán xa rộng hơn nữa.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva rằng trong những tuần gần đây đã xảy ra đợt bùng phát dịch chưa từng có trước nay và cách đáp ứng chưa từng có trước nay.

Ông nói việc WHO tuyên bố coronavirus là tình trạng khẩn cấp toàn cầu không phải là một lá phiếu bất tín nhiệm đối với Trung Quốc. Vẫn theo lời ông, quan tâm lớn nhất là khả năng virus lây lan sang các nước có hệ thống chăm sóc y tế yếu kém.

Công bố của WHO về tình trạng khẩn cấp toàn cầu đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước. Công bố này nhằm ngăn chặn và giảm thiểu việc lây lan bệnh dịch xuyên biên giới.

Đa số trong hơn 7800 ca bị nhiễm bệnh được phát hiện trên toàn cầu, theo số liệu mới nhất của WHO, là ở Trung Quốc, nơi coronavirus xuất hiện tại một ngôi chợ buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Vũ Hán.

Tuy nhiên, gần 100 ca bệnh đã xuất hiện tại các nước khác bên ngoài Trung Quốc, khiến du lịch bị cắt giảm và làm bùng phát lên tinh thần bài Trung tại một số nơi cũng như tăng cao nhu cầu về khẩu trang bảo vệ.







No comments: