Tuesday, January 28, 2020

LỤC XÌ, LỤC SỞ & . . . LỤC SỜ (Nguyễn Dư)




Nguyễn Dư
25/01/2020

Văn học dân gian có bài thơ vịnh thành phố Hà Nội thời kì mới bị Pháp chiếm đóng:
 
Ba bên hàng phố, thấy xôn xao,
Trở dậy mà xem những thế nào?
Lục sở, trò bày trong rạp tối
Tam tài, cờ cắm ngọn thành cao
Giầy tàu thẳng gót, Ngô đi bãi
Quần lĩnh phơi trôn, đĩ rửa hào
Nhuộm, vện, khoang, vằn, vô số chó
Ra tuồng đắc ý, chạy nhôn nhao(1)(2)

Tác giả chế diễu những cái lố lăng của xã hội buổi giao thời. Trong đó có "lục sở, trò bày trong rạp tối".

Lục sở là trò gì vậy?

Nếu chỉ dựa vào nội dung của bài thơ mà suy thì lục sở phải là trò đốn mạt, chẳng hay ho gì. Lục sở bị xếp vào bên cạnh những cảnh chướng tai gai mắt, trơ trẽn, tục tĩu như "Ngô đi bãi, đĩ rửa hào". Hà Nội đổi chủ, xuống dốc nhanh quá.

Câu hỏi Lục sở là trò gì cứ luẩn quẩn trong đầu. Lục sở có nằm trong kho tàng truyện Tiếu lâm, Trạng Quỳnh hay Ba Giai Tú Xuất không? Lục sở có phải là biến tướng của Lục sờ (lục soát và sờ mó) hay không?

Nhân dịp năm hết Tết đến, mang đống sách cũ ra ôn cố tri tân, luôn tiện thử tìm hiểu trò lục sở của người xưa.

                                                     ***


Tên lục sở nghe lơ lớ như lục xì (tên một phóng sự nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng). Cùng mang họ lục, không biết lục sởlục xì có bà con gì với nhau không? Nhưng, Lục xì là cái gì? Xin lỗi. Cái tật chuyện nọ xọ chuyện kia vẫn chưa chừa.

Chỉ biết rằng thời Pháp, dispensaire (phòng khám bệnh) của thành phố Hà Nội được nhiều người gọi là nhà lục xì.

Chính Vũ Trọng Phụng cũng thắc mắc về nguồn gốc của tên Lục xì, phải đem ra hỏi bác sĩ Joyeux:

- Thưa bác sĩ, nhân tiện tôi muốn hỏi ngài vì đâu mà từ chữ Dispensaire người An Nam chúng tôi lại gọi là lục xì. Ngay đến bọn làm báo chúng tôi cũng không hiểu danh từ quái gở ấy xuất xứ từ đâu mà ra?

- À Lục xì là ở chữ Luck sir, một động từ hồng mao. Luck sir là khám bệnh. Hẳn trong số những ông thầy thuốc trông nom phúc đường từ xưa kia, đã có một ông hay bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao trong khi đáng lẽ phải dùng tiếng Pháp. Tôi tưởng có do thế thì cái tiếng cái nhà lục xì (cai nha loock see) mới phổ cập trong dân chúng An Nam như thế (3).

Trước khi bàn, xin đính chính mấy từ tiếng Anh của đoạn văn:

- Look-see (chứ không phải luck sir) là tiếng lóng, dịch sang tiếng Pháp là visite, coup ďœil ďinspection (Từ điển Harrap)

- Look-see (tiếng lóng) là cái nhìn lướt qua, sự xem xét (Từ điển Anh Việt)

Look-see (lúc-xi) không phải là khám bệnh. Look-see phát âm gần giống lục xì.

Giải thích của bác sĩ Joyeux rất dí dỏm, lí thú. Look-see là một từ lóng của tiếng Anh, được một ông thầy thuốc Pháp trong dispensaire nói bông đùa, tình cờ lọt vào tai một cô gái điếm An Nam, được cô này truyền ra ngoài xã hội thành lục xì.

Con đường từ look-see đến lục xì quả thật là... vòng vo tam quốc (Anh, Pháp, Việt). Vất vả quá! Rằng hay thì thật là hay nhưng hơi khiên cưỡng.

Nếu lục xì không phải là look-see thì phải giải thích thế nào cho ổn?

Muốn tìm hiểu nguồn gốc của lục xì có lẽ nên tìm hiểu tổ chức bên trong của dispensaire.

Mời các bạn cùng Vũ Trọng Phụng đi theo ông đốc lí Virgitti và bác sĩ Joyeux thăm viếng dispensaire:

Bắt đầu là phòng giấy, nơi làm mọi thủ tục hành chính. Sau phòng giấy là phòng khám bệnh (có ngày dành cho người thường, không phải là gái điếm). Phía sau phòng khám bệnh là phòng ngủ, có 200 chỗ nằm. Rồi đến một cái sân có mái để làm chỗ nghỉ ngơi. Qua sân đến một căn phòng nhỏ là chỗ dạy khâu vá, đan (dạy cho cả gái điếm bên ngoài tình nguyện vào học).

Tiếp theo là Ecole de Prophylaxie sexuelle (Vệ sinh nam nữ giao cấu học đường, nên dịch là Trường dạy cách đề phòng bệnh hoa liễu). Trường chỉ có một lớp học, có nhiều phòng rửa mặt để thực hành các phép vệ sinh. Đằng sau lớp học là một dãy buồng tắm có hoa sen lối bản xứ.

Trong cùng là một khu vườn rộng ba nghìn thước đất để "học trò nội trú" có chỗ tập trồng rau, giải trí, tập thể thao.

Nói tóm lại, dispensaire chỉ có hai nơi tiếp khách "bình thường" là phòng giấy và phòng khám bệnh. Ngoài ra, Ecole de Prophylaxie sexuelle được sử dụng tất cả các phương tiện của dispensaire.

Các cô gái điếm mắc bệnh bị giam giữ trong trường, bắt phải theo học một khoá huấn luyện đề phòng bệnh hoa liễu. Ai "tốt nghiệp", được cấp giấy chứng nhận mới được thả ra ngoài xã hội, cho hành nghề mại dâm hợp pháp.

Nói chung, chẳng có cô gái điếm nào ưa cái trường dạy Prophylaxie (prô-phi-lắc-xi) này. Vừa bị tù túng, vừa phải học hành, vừa không kiếm ra tiền. Họa hoằn mới có cô chăm chỉ học hành, lúc ra trường biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ.

Sống trong trường, ngày ngày các cô bị cái của nợ lắc xi (prô-phi-lắc-xi) đập vào mắt, rót vào tai. Lắc xi được nói thành lục xì. Ecole de Prophylaxie sexuelle trở thành nhà lục xì.

Nhà lục xì có mặt khắp dispensaire (Phúc đường, nôm na là Nhà thương làm phúc, không thu phí). Vì vậy mà dispensaire mới bị hiểu nhầm là nhà lục xì. Người thường đến dispensaire, đến phúc đường khám bệnh, không phải là vào nhà (trường) lục xì. Chỉ có gái điếm mắc bệnh mới bị giữ lại trong nhà (trường) lục xì.

                                                             ***
Lục sở...

Một hôm ông bạn Jean-Pierre đến chơi, mang theo một tấm tranh dân gian nhờ giải thích nội dung. Tranh có tên là... Lục sở! A ha!

Nhờ chữ viết mới hiểu:

Lục là (số) sáu. Sở có nhiều nghĩa. Sở trường là cái mình chuyên giỏi. Sở hữu là những cái mình có v.v.. Lục sở là sáu môn sở trường (của những người "làm trò").

Tranh Lục sở vẽ sáu người đang biểu diễn sáu trò : vắt chân lên cổ, kéo co dây với trâu, lăn tạ, đội bàn, đi bằng hai tay, nuốt dao.

Nhờ có tấm tranh mới biết lục sở là một loại trò chơi. Thế là kiếm ra đầu mối của lục sở. Lục sách ra mà xem.

Sách Description du royaume de Tonquin của Samuel Baron (thế kỉ 17) có tranh vẽ một số trò chơi của Đàng ngoài. Tranh có hai phần, một bên vẽ trò chơi ngày Tết (chọi gà, đánh đu...) một bên vẽ một số trò, có trò giống tranh Lục sở (múa kiếm, đi cà kheo, nuốt dao, leo cột...) (4).


Trò lục sở còn được trình diễn tại nhiều hội hè đình đám:

"Sân khấu dân gian bao gồm nhiều hình thức diễn xướng. Những hình thức diễn xướng như múa hát Xuân Phả, hát Ải Lao... ít hoặc nhiều cũng có tính chất sân khấu. Lại có các loại trò như trò Xiêm Thành (có lẽ là Chiêm Thành đọc sai), trò lục sở, trò múa rối (...)" (5).

May quá! Lục sở không dính dáng gì với lục xì.

Trò lục sở khác trò bách hí của hội làng. Bách hí là trò chơi vui của đám đông, Nhiều trò có thưởng. Ngược lại, lục sở là một nghề kiếm ăn. Các trò trình diễn đòi hỏi phải tập luyện công phu.

Có thể nói trò lục sở là tiền thân của xiếc (cirque) ngày nay.

Tranh Oger gọi trò lục sởquỷ thuật. Tranh vẽ nhiều trò như đi dây, leo thang, vắt chân lên cổ, xách tạ, tung cầu v.v.

Cho tới đầu thế kỉ 20 các trò quỷ thuật còn được trình diễn ngoài trời. Năm 1911 chính quyền Pháp xây Nhà Hát Lớn Hà Nội. Rồi tư nhân cũng lục đục đầu tư xây rạp hát, sân khấu. Một ngày kia, sớm nhất cũng phải vào khoảng sau năm 1911, trò lục sở mới được đưa vào trình diễn trong rạp.

Bài thơ vịnh Hà Nội bên trên được sáng tác có lẽ vào khoảng sau năm 1911.

Trò lục sở được trình diễn trong rạp là một bước tiến. Nhưng, trong phòng thì dĩ nhiên phải tối hơn ngoài trời. Phòng tối thì khó tránh khỏi trò lục sờ (lục soát, sờ soạng). Chẳng khác gì những trò nhá nhem trong rạp ciné, quán cà phê ôm hay ven Hồ Tây lúc tối trời ngày nay.

Ngày nào trai gái nước ta có phòng riêng thì lục sờ trong rạp tối sẽ tự động chấm dứt.

Nguyễn Dư
(Lyon, 1/2020)

(1) - Hoàng Đạo Thuý, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội,
Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 73.

(2) - Lãng Nhân, Chơi chữ, Cơ sở Xuất bản Zieleks, 1979, tr. 134.

(3) - Vũ Trọng Phụng, Lục xì, Văn Học, 2004, tr. 21.

(4) - Lịch sử Việt Nam, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1971, tr.309.

(5) - Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 2,
Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973, tr. 395.


TRANH NƠI CUỐI TRANG CHÍNH :

Đi dây múa côn

Tung hứng

Xách tạ

Xỏ dùi lỗ mũi

Leo thang

Múa dây











No comments: