Friday, January 24, 2020

CÔNG DÂN THẾ GIỚI - WORLD CITIZEN (Chris Tran)




23/01/2020

Hiện nay, tại một số quốc gia, quyền công dân trong nhiều trường hợp không được bảo đảm, cho dù là theo pháp luật của các quốc gia đó. Do sự cách ly của người dân với thế giới bên ngoài phạm vi các quốc gia đó và đặc biệt là do nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền quốc gia” mà cộng đồng quốc tế không thể tham dự để bảo vệ các công dân đó. Hệ quả là không có giải pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người ở các quốc gia mà chính quyền hành xử độc đoán, chuyên quyền với người dân của mình mà không bị trừng phạt, và người dân thì bị bỏ rơi.

Bài viết đề xuất khái niệm “Công dân Thế giới” như là một cơ chế cho vấn đề nan giải và kéo dài này, với quan niệm rằng, mỗi người sinh ra trên Trái đất, trong khi thuộc về một quốc gia nhất định thì cũng thuộc về Thế giới, với những quyền cơ bản, thiêng liêng nhất của con người cần phải có cơ hội được toàn Nhân loại đứng ra bảo vệ.

Quốc gia, Công dân và Quyền công dân

Quốc gia và Công dân là hai phạm trù cơ bản trong tổ chức xã hội trong suốt chiều dài lịch sử của Nhân loại.

Con người là đối tượng có tính quốc gia. Một cá nhân con người luôn thuộc về một quốc gia ở khía cạnh pháp lý. Trong thời hiện đại, một cá nhân có thể thuộc về hơn một quốc gia về pháp lý, với việc một người được các quốc gia khác nhau công nhận là công dân của mình, với những quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Với tư cách là công dân của một quốc gia, một cá nhân bất kỳ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật, và đồng thời cũng đồng thời tuân thủ các chuẩn mực văn hóa, tập quán, tín ngưỡng tồn tại ở quốc gia đó. Các quy định pháp luật của một quốc gia, cùng với chuẩn mực văn hóa, tập quán, tín ngưỡng là những yếu tố ảnh hưởng và quyết định thái độ, ứng xử của mỗi công dân quốc gia đó. Trong các yếu tố này, pháp luật là yếu tố quyết định Quyền công dân của một cá nhân, có tính chất bắt buộc, trong khi các chuẩn mực văn hóa, tập quán, tín ngưỡng là những yếu tố mà một cá nhân có thể theo hay không tùy lựa chọn của mình. Bài viết này chỉ giới hạn ở khía cạnh pháp luật ảnh hưởng đến Quyền công dân ở các quốc gia.

Thế giới hiện đại ngày một mở hơn và công dân của mỗi quốc gia có cơ hội để tiếp xúc với các nền văn minh và thể chế khác nhau, và vì thế họ nhận ra sự khác biệt về luật pháp và sự thi hành luật pháp dẫn đến việc hạn chế hay mở rộng quyền công dân của họ ở quốc gia mình so với công dân thuộc các quốc gia khác.

 Sự khác biệt của các quốc gia về Quyền công dân

Trong khi các quốc gia có nhiều điểm tương đồng về quyền công dân, đặc biệt, sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, khi mà thời kỳ chủ nghĩa thực dân, với sự đô hộ của quốc gia này đối với quốc gia khác, chấm dứt. Thí dụ về những nội dung cơ bản tương đồng có thể nêu ở đây là đoạn tuyên ngôn độc lập của hai nước là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945):

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Cho đến nay, hiến pháp của các quốc gia trên Thế giới đều quy định những quyền cơ bản của công dân – Quyền công dân – bao gồm một số, hoặc tất cả các quyền bao gồm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tín ngưỡng v.v… và ở phạm vi toàn xã hội thì Dân chủ là phạm trù nguyên tắc mà bản hiến pháp của tất cả các quốc gia đều quy định ở những mức độ khác nhau, trong đó, Quyền công dân được quy định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc, bao gồm các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng, không phân biệt chủng tộcgiới tínhngôn ngữtôn giáo, quan điểm chính trị, nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay những hoàn cảnh khác.

Mặc dù các quy định về Quyền công dân về cơ bản là giống nhau, sự khác biệt giữa các quốc gia trong vấn đề này lại nằm ở việc thực thi các quyền đó. Trong khi ở một số quốc gia, các quy định của hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm ngặt, thì ở một số quốc gia khác, hiến pháp và pháp luật chỉ là văn bản, việc thực thi phụ thuộc về ý chí của chính quyền, tùy thuộc vào chế độ chính trị tại các quốc gia đó, đặc biệt ở sự tồn tại và thực thi hiệu quả nguyên tắc Tam quyền phân lập.

Chính sự hạn chế về thực thi các quy định pháp luật mà Quyền công dân ở một số quốc gia bị hạn chế, ngăn cản và xâm hại. Để thoát khỏi tình trạng này, các công dân ở những quốc gia nơi quyền của họ theo quy định pháp luật không được thực thi phải viện đến sự ủng hộ từ bên ngoài quốc gia mình sinh sống, như thông qua các tổ chức quốc tế, hay sự can thiệp của chính quyền các quốc gia khác.

Tuy vậy, trong suốt chiều dài lịch sử của Tuyên ngôn Nhân quyền, tiếng nói của những công dân tại các quốc gia mà quyền bị vi phạm hầu như là không thể tới được các tổ chức hay quốc gia mà họ hướng tới, bởi một rào cản lớn: Nguyên tắc “Tôn trọng Chủ quyền quốc gia”, theo đó, việc can thiệp của tổ chức quốc tế hay của chính quyền một quốc gia này vào quốc gia khác về các vấn đề, trong đó có vấn đề Quyền con người, bị coi là “vi phạm chủ quyền quốc gia”.

 Chủ quyền quốc gia với Quyền công dân

“Chủ quyền quốc gia” là một trong những khái niệm nền tảng mà các quốc gia trên toàn Thế giới thống nhất công nhận từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, với sự ra đời của Liên hiệp quốc. Phạm trù “vi phạm chủ quyền quốc gia” cũng được quy định tại Hiến chương Liên hiệp quốc như sau:

“Không can thiệp vào những công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào” (trích Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970).
Chủ quyền quốc gia (cụ thể là “thẩm quyền nội bộ” như nêu trên) có thể và trên thực tế đã bị các chính quyền lạm dụng để vi phạm quyền của các công dân nước mình, cụ thể là ngăn cản họ có được sự tiếp cận tới những tổ chức quốc tế hay quốc gia thích hợp mà có thể giúp bảo vệ các quyền, theo quy định của pháp luật mà bản thân chính quyền sở tại vi phạm. Thưc tế này đặc biệt nghiêm trọng tại các quốc gia độc tài, toàn trị, bao gồm các quốc gia cộng sản.

Với lý do “tôn trọng chủ quyền” mà các tổ chức quốc tế và quốc gia quan tâm đến Quyền con người ở mọi nơi trên Thế giới đã không, hay không thể can thiệp và giúp đỡ những người mà quyền của họ bị vi phạm bởi chính quyền nước mình. Như vậy, Chủ quyền quốc gia, yếu tố nền tảng trong quan hệ giữa các quốc gia, trong khi là cơ sở để xây dựng và duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, lại là rào cản ngăn trở các quyền cơ bản của con người ở một số quốc gia được thực thi, dù chỉ là theo đúng quy định pháp luật tại các quốc gia có sự vi phạm. Hệ quả là, nhiều thảm kịch nhân đạo bi thương đã diễn ra trong suốt nửa cuối của Thế kỷ 20 và tiếp diễn trong 2 thập kỷ vừa qua của Thế kỷ 21 mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

Công dân Thế giới (World Citizen)

Trong khi thừa nhận rằng, Chủ quyền quốc gia là nguyên tắc cơ bản cần phải được tuân thủ trong mối quan hệ giữa các quốc gia, tác giả bài viết này nhận thấy rằng, nó phải được diễn giải và thực thi một cách thỏa đáng trong mối quan hệ với vấn đề Quyền công dân, và rộng hơn là Quyền con người.

Cụ thể là, các quốc gia, nơi mà quyền con người, mà cụ thể hơn là Quyền công dân của quốc gia đó theo quy định pháp luật, bị vi phạm, và những người bị vi phạm quyền không thể có sự tiếp cận thích đáng tới các tổ chức và quốc gia quan tâm và có thể bảo vệ quyền của họ, phải không được phép lạm dụng nguyên tắc “không can thiệp”, hay “tôn trọng chủ quyền quốc gia”, để hạn chế các quyền chính đáng của công dân nước mình, theo pháp luật của quốc gia đó. Các chính quyền đó phải công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế về ứng xử với các công dân mà quyền theo luật định bị vi phạm, trên cơ sở tuyên bố trung thực của chính những người này. Khi mà chính quyền nước sở tại lạm dụng hệ thống nhà nước để xâm phạm quyền của công dân nước mình, đặc biệt bao gồm hệ thống hành pháp, tư pháp, lực lượng an ninh, và cả truyền thông. Trong tình huống đó, Cộng đồng quốc tế mới là người có đầy đủ thẩm quyền phán xét xem tuyên bố việc quyền công dân bị vi phạm đó có chính xác, trung thực hay không.

Chỉ với cách tiếp cận đó, Quyền công dân của các quốc gia mới có cơ hội được bảo vệ, và như vậy, vô hình trung, một cá nhân mưu cầu các quyền cơ bản cho mình, trong khi có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp nước mình, trở nên không còn bị phụ thuộc vào ý chí bất công, thậm chí là vi phạm pháp luật của chính quyền trong việc tước đoạt quyền của họ.
Trên cơ sở đó, tác giả bài viết này đề xuất khái niệm “Công dân Thế giới” – World Citizen, như là cơ sở xác định vị thế của mỗi con người sống trên hành tinh này để giải phóng họ khỏi sự định đoạt bất công của chính quyền ở quốc gia mà họ là công dân, thông qua việc lạm dụng nguyên tắc “Tôn trọng Chủ quyền quốc gia” hòng trốn tránh sự can thiệp công bằng, hợp lý của các tổ chức quốc tế và quốc gia khác quan tâm đến việc bảo vệ họ một cách chính đáng.

Công dân Thế giới, trong khi là công dân của một quốc gia, có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp của quốc gia đó, nhưng một khi quyền của họ bị vi phạm bởi chính quyền thì họ cần có cơ hội và quyền tiếp cận với các lực lượng, tổ chức quốc tế và các quốc gia có quan tâm đến việc bảo vệ quyền cơ bản của con người, như là phương thức cuối cùng để bảo vệ quyền cơ bản chính đáng của mình.

Về phần mình, các lực lượng, tổ chức quốc tế hay quốc gia có quan tâm đến việc bảo vệ quyền cơ bản bị vi phạm của công dân các nước khác thì cần phải có được tiếng nói và hành động nhằm bảo vệ họ mà không bị hạn chế bởi nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền quốc gia” được quy định trong Hiến chương Liên hiệp quốc.

Điều kiện này là đặc biệt quan trọng, khi mà các chính quyền vi phạm quyền được hiến định của các công dân nước mình luôn lợi dụng, lạm dụng nguyên tắc này để né tránh áp lực của cộng đồng thế giới để tiếp tục vi phạm, bao gồm cả đe dọa, đàn áp, thủ tiêu công dân nước mình, thậm chí vi phạm hiến pháp, pháp luật của chính quốc gia sở tại. Hơn thế nữa, hiện nay trên Thế giới còn tồn tại nhiều chính quyền không đại diện cho ý chí và quyền lợi của đa số người dân do hệ thống bầu cử không minh bạch và công bằng, và hệ quả là pháp luật trên văn bản của quốc gia đó mà Thế giới biết đến chỉ còn là hình thức. Với sự lạm dụng nguyên tắc chủ quyền quốc gia, sự vi phạm của chính quyền là không có kiểm soát, với thí dụ điển hình là các quốc gia Cộng sản.

Công dân Thế giới là công dân của quốc gia của mình, nhưng không phụ thuộc vào ý chí chính quyền của quốc gia đó, mà thuộc về Thế giới, thuộc về toàn Nhân loại. Công dân Thế giới  là sự thể hiện ý chí muôn đời của Loài người, đó là quyền có được tự do, với nội hàm là các quyền cơ bản của con người, được thực thi một cách tuyệt đối, theo quy định của tổ chức mà cộng đồng toàn thế giới công nhận.

Tuy nhiên việc công dân của một số quốc gia không thể hưởng những quyền tự do cơ bản như Liên hiệp quốc quy định chứng tỏ tổ chức này có hạn chế cơ bản, đó là việc bảo đảm các quyền đó. Phải chăng Liên hiệp quốc cần có một cơ chế thực thi, đặc biệt là cần xem xét lại Nguyên tắc Chủ quyền quốc gia trong mối tương quan với Quyền công dân của mỗi quốc gia?

Hay phải chăng Thế giới cần một tổ chức khác, một cơ chế khác để thực thi Quyền công dân của mỗi con người mà không phụ thuộc vào chính quyền của quốc gia khi mà chính quyền vi phạm quyền của người đó?

Khi chúng ta thừa nhận rằng số phận của mỗi con người là quý giá, thiêng liêng, vượt lên trên ý chí của mọi chính quyền, thì việc mưu cầu và đạt được sự bảo vệ của toàn Nhân loại theo một phương cách hợp lý, khả thi, là hoàn toàn chính đáng. Như vậy, mỗi con người, dù là công dân của bất kỳ quốc gia nào thì các quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của người đó cần phải được Thế giới bảo vệ trong tư cách là một Công dân Thế giới.

Hà Nội, ngày 28 tháng 1 năm 2019





No comments: