Friday, January 24, 2020

MỸ - TRUNG : THƯƠNG CHIẾN CHƯA DỨT, CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ CHỈ BẮT ĐẦU (Trọng Thành - RFI)




NỘI DUNG :
Trọng Thành  -  RFI / ĐIỂM BÁO
.
Thu Hằng  -  RFI
.
=======================================
.
Trọng Thành  -  RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 24/01/2020 - 15:56

Dịch bệnh viêm phổi tại Trung Quốc, sau một thời gian bị bưng bít thông tin, có nguy cơ lan ra toàn cầu là một chủ đề chính của báo Pháp hôm nay, 24/01/2020. Trước hết, xin giới thiệu một phân tích đáng chú ý trên Les Echos về quan hệ Mỹ - Trung, sau thỏa thuận hưu chiến thương mại, vừa đạt được hôm 15/01.

Với tựa đề ''Mỹ - Trung: Đằng sau thỏa thuận hưu chiến thương mại mong manh là rất nhiều bất đồng'', Les Echos lưu ý là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa kết thúc, và cuộc chiến tranh về công nghệ chỉ mới bắt đầu. Nhật báo kinh tế Pháp mở đầu với mô tả về tính chất long trọng của buổi lễ ký kết thỏa thuận hưu chiến thuế, được tổng thống Mỹ trình ra với thế giới, như thể đây là một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại.

Ngồi hàng thứ nhất trong các quan khách tham dự, có cựu ngoại trưởng Henri Kissinger, người được coi là kiến trúc sư cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và nước Trung Hoa cộng sản, đầu những năm 1970. Với việc mời Kissinger đến dự sự kiện này, ông Donald Trump muốn biến dịp ký thỏa thuận hưu chiến thành một ngày đặc biệt trong quan hệ Mỹ - Trung. Tại Washington và Bắc Kinh, các quan chức cao cấp nhất liên tục đưa ra những lời lẽ khẳng định đây là sự khởi đầu cho một ''kỷ nguyên mới'' cho quan hệ song phương. Đối với các thị trường, thì đây là một thời điểm mà hy vọng không khí yên bình thuận lợi cho việc làm ăn trở lại, sau 18 tháng xung đột thương mại.

Tuy nhiên, trên thực tế, không khí ''chiến tranh'' vẫn luôn còn đó. Điểm đặc biệt mà Les Echos muốn nêu bật là rất nhiều bất đồng giữa hai siêu cường chưa được giải quyết, cùng với việc thỏa thuận này làm đảo lộn các quy tắc thương mại đa phương, mà cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng lâu nay. Thỏa thuận ngày 15/01 chỉ là một thỏa thuận hưu chiến, hoàn toàn không phải là chấm dứt xung đột thương mại. Cuộc chiến leo thang về thuế nhập khẩu đã ngưng lại, nhưng đa số các sắc thuế trừng phạt vẫn được duy trì. Hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ vẫn bị đánh thuế trung bình hơn 19% so với mức thuế 3% trước cuộc chiến tranh thuế, theo văn phòng nghiên cứu Gavekal, ở Bắc Kinh.

Washington sẵn sàng có các trừng phạt mới, nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận. Một câu hỏi mà Les Echos đặt ra là: Liệu Bắc Kinh có khả năng thực sự tôn trọng thỏa thuận, đặc biệt với việc mua thêm tổng cộng 200 tỉ đô la hàng và dịch vụ của Mỹ trong vòng hai năm tới ? Cụ thể là Trung Quốc phải nhập gấp bốn lần hàng nông nghiệp Mỹ so với năm 2019. Một số nhà quan sát cho rằng, nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống, cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung sẽ nhanh chóng trở lại, bởi Bắc Kinh không thể đáp ứng các đòi hỏi của Washington.

Điểm quan trọng thứ hai, cho thấy quan hệ Mỹ - Trung vẫn cực kỳ căng thẳng, đó là yêu cầu Trung Quốc thay đổi ''mô hình kinh tế'', ưu đãi khu vực Nhà nước, vốn được coi là cột trụ của nền kinh tế, cũng là điều Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng. Mười ngày trước lễ ký kết thỏa thuận với Mỹ, Bắc Kinh ban bố quyết định gia tăng vai trò của đảng Cộng Sản trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Theo Les Echos, cuộc chiến về công nghệ là then chốt trong thế đối đầu Mỹ - Trung. Xung đột thương mại, từ 18 tháng nay, chỉ khiến Bắc Kinh thêm cương quyết trong việc gia tăng nỗ lực để tự chủ về công nghệ mũi nhọn. Từ bán dẫn, đến không gian, hạt nhân… không có lĩnh vực chiến lược nào về công nghệ không nằm trong tham vọng của Trung Quốc. Ở phía bên kia Thái Bình Dương, chính quyền Trump coi việc ngăn chặn tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc là mối bận tâm chính, với Huawei là đối thủ hàng đầu. Hiện tại, hai qui định mới đang được chính quyền Trump chuẩn bị nhằm ''giới hạn một cách nghiêm ngặt hơn việc tập đoàn truyền thông Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ Mỹ'', và cắt đứt chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt từ Đài Loan.

Tuy nhiên, theo Les Echos, nguyên nhân căng thẳng có thể là chủ yếu hơn trong quan hệ Mỹ - Trung đến từ một lĩnh vực khác: vấn đề hệ giá trị và tư tưởng. Phong trào dân chủ ở Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị đàn áp là những trở ngại khó vượt qua trong quan hệ giữa Mỹ và ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Cả ở Bắc Kinh và Washington, những thành phần chủ trương cứng rắn ngày càng đông hơn. Nguy cơ quan hệ Mỹ - Trung xa rời vượt quá khỏi phạm vi kinh tế.

Bắc Kinh: Không xuất khẩu ''toàn trị'', nhưng bóp dần tự do ngôn luận

Cùng hướng nhận định với Les Echos, nhà bình luận Alain Frachon, trong bài ''Trung Quốc thách thức các nền dân chủ'', nhấn mạnh đến một hiểm họa rất lớn khác đến từ Trung Quốc. Đó là việc Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế, để siết chặt tự do ngôn luận ở các khu vực ngoài biên giới Trung Hoa. Không xuất khẩu trực tiếp mô hình cộng sản toàn trị tại Trung Quốc – như Liên Xô trước đây - sang các nước khác, nhưng mục tiêu trước hết của Bắc Kinh là làm cho thế giới trở nên ''ngoan ngoãn'', dễ bảo hơn, sẵn sàng ở vào vị thế chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính thống tại Trung Quốc, như nhận định của Peter Osnos, trên The New Yorker. Đối với rất nhiều quốc gia, làm ăn với Trung Quốc là bắt buộc phải ''tự kiểm duyệt'', nói cách khác là tránh chỉ trích Trung Quốc.

Một trong các ví dụ gần đây là, đối diện với các đàn áp của Trung Quốc nhắm vào người theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương, rất nhiều quốc gia Ả Rập và Iran đã im lặng. Lý do đơn giản là Bắc Kinh là bạn hàng dầu mỏ hàng đầu của các quốc gia vùng Vịnh. Trước mọi hoạt động hợp tác song phương, như trao đổi văn hóa, thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng, tham gia vào thị trường nội địa của Trung Quốc, những ai muốn được là ''đối tác'' của Trung Quốc đều phải chấp nhận tự kiểm duyệt, tránh đả động đến các vấn đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm, như Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương.

Có được ''quan hệ đúng mực'' với một nước Trung Quốc, đang ngày càng mạnh hơn, và hung hăng hơn, là một trong các thách thức hàng đầu của các nền dân chủ tự do thế kỷ XXI này.

Dịch viêm phổi: Vũ Hán, thành phố ''Trung cổ''

Vẫn về Trung Quốc, nhưng trong vấn đề y tế. Báo chí Pháp hôm nay đăng tải nhiều tin bài về các phản ứng khẩn cấp của Bắc Kinh trước tình trạng dịch viêm phổi do virus Conora, có nguy cơ lan mạnh, sau một thời gian thông tin bị che giấu.

Theo Libération, Bắc Kinh đã đưa ra lệnh chưa từng có nhằm cô lập các ổ dịch. Vũ Hán (Wuhan) và ba thành phố láng giềng bị phong tỏa. Hàng loạt hoạt động đón mừng năm mới cổ truyền Trung Quốc bị hủy bỏ. Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh cũng bị cấm lai vãng. Le Figaro cho hay, khoảng 20 triệu dân cư bị ngăn chặn không được rời khỏi nơi cư trú.
Nhật báo Công Giáo La Croix có bài phóng sự mô tả tình trạng tại thành phố Vũ Hán (11 triệu dân). Một nhân chứng người châu Âu - sống tại Vũ Hán từ nhiều năm nay - cho biết cảnh tượng kỳ lạ tại Vũ Hán, thành phố đông dân thứ bảy tại Trung Quốc, giờ đây, đường xá hoàn toàn trống trải, có cảm giác ''ít nhiều giống như thời Trung Cổ'', hoang mang trước nạn dịch hạch, khi toàn bộ thành phố nội bất xuất, ngoại bất nhập, những người nhiễm virus buộc phải chôn chân tại đây chờ chết.

Khu chợ tại Vũ Hán bán các động vật sống – từ chuột, mèo, chó, rùa ... hay rắn…, dùng để làm thực phẩm, vốn là nơi bùng phát dịch bệnh – hoàn toàn ngừng hoạt động. Trên thực tế, các chợ bán động vật sống, với nguy cơ là trung tâm lan truyền dịch bệnh cao, vốn có mặt tại hầu hết các thành phố, thị xã Trung Quốc. Việc kiểm dịch gần như không có. Theo một kiều dân châu Âu, mua động vật sống để làm thịt ăn là một thói quen lâu đời, và phổ biến tại Trung Quốc, việc kiểm tra vệ sinh an toàn gần như không có, do vậy không có gì ngạc nhiên, khi virus viêm phổi Corona lại dễ dàng lan ra từ đây.

Trước đó, chính quyền Trung Quốc, cho dù được Tổ Chức Y Tế Thế Giới yêu cầu, đã phải mất đến cả tháng mới phản ứng. Với phản ứng quyết liệt nói trên, Bắc Kinh muốn cho cộng đồng quốc tế thấy là họ đã rút ra bài học từ nạn dịch viêm hô hấp cấp SRAS (hồi 2003), khiến gần 800 người chết trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, Bắc Kinh cho đến nay vẫn bưng bít một phần thông tin về thực trạng dịch bệnh ngay tại chính Trung Quốc.

Theo Les Echos, tại Vũ Hán có khoảng một trăm doanh nghiệp Pháp hoạt động. 500 công dân Pháp cư trú tại thành phố đang bị phong tỏa này.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới họp lại hôm qua để bàn về cách thức đối phó.

''Nguy cơ diệt chủng Rohingya'' : Thế đối đầu giữa quân đội và phe dân sự tại Miến Điện

Về thời sự châu Á, báo Les Echos chú ý đến cảnh báo của Liên Hiệp Quốc về ''nguy cơ diệt chủng'' nhắm vào cộng đồng Rohingya, theo đạo Hồi ở Miến Điện.Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CIJ), hôm qua, yêu cầu chính quyền Miến Điện đưa ra mọi biện pháp cần thiết. Phán quyết được Tòa án quốc tế nói trên đưa ra nhằm trả lời cho đơn khiếu nại của Gambia, hồi tháng 11/2019. Các phiên điều trần đã diễn ra trong tháng 12/2019.

Cùng với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, ở Trung Quốc, cộng đồng Rohingya là một trong các cộng đồng Hồi Giáo lớn nhất bị chính quyền sở tại truy bức. Hơn 730.000 người đã phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh tị nạn. Vài ngày trước phán quyết của Tòa CIJ, kết luận của một ''ủy ban điều tra độc lập'' - do chính quyền Miến Điện do Aung San Suu Kyi đứng đầu đặt hàng – đã được đưa ra, theo đó trong các bạo lực nhắm vào người Rohingya, có ''tội ác chiến tranh'' và ''xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng'', nhưng các tội ác này không thể coi là ''tội ác diệt chủng''.

Cuộc khủng hoảng Rohingya cho thấy đối kháng sâu sắc giữa giới quân sự - hiện vẫn nắm nhiều quyền lực, với phe dân sự trong chính quyền, do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Hai bên có thái độ rất khác nhau đối với người Rohingya và cuộc khủng hoảng nói trên. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 8/2019 lên án việc quân đội thao túng nền kinh tế Miến Điện. Theo Liên Hiệp Quốc, các nguồn tài chính mờ ám thu được có thể đã góp phần vào các tội ác nhắm vào người Rohingya trong những năm vừa qua.

Pháp: Họp nội các bàn về dự luật cải cách hưu trí

Về thời sự nước Pháp, báo chí đặc biệt chú ý đến cuộc họp nội các hôm nay để lần đầu tiên bàn về dự luật cải cách hưu trí, được chuẩn bị từ hai năm rưỡi nay. Theo Le Figaro, vấn đề nguồn tài chính cho dự án lớn này vẫn còn chưa rõ ràng. Chính phủ sẽ còn phải thảo luận với các đối tác xã hội, về chủ đề gai góc này. Một hội nghị về cân bằng tài chính sẽ phải đưa ra các đề xuất cụ thể. La Croix dịp này có bài phỏng vấn thủ tướng Edouard Philippe, khẳng định cuộc cải cách hưu trí sẽ có một ý nghĩa lâu dài với nước Pháp.


-------------------------------------
Thu Hằng  -  RFI
Đăng ngày: 24/01/2020 - 14:53

Thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc về thương mại, dù chỉ là hưu chiến, đã tạo đà cho tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển hướng tấn công Liên Hiệp Châu Âu. Một thỏa thuận với Bruxelles càng giúp chủ nhân Nhà Trắng củng cố vị thế để tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.

Trump cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu thủ lợi từ Mỹ

Liên Hiệp Châu Âu bị tổng thống Mỹ cáo buộc « thủ lợi quá nhiều từ đất nước chúng ta (Mỹ) trong nhiều năm nay ». Cụ thể, năm 2018, Mỹ nhập siêu 138 tỉ euro từ Liên Hiệp Châu Âu. Một điểm khác khiến chủ nhân Nhà Trắng bất bình là Mỹ đánh thuế ô tô nhập khẩu từ châu Âu là 2,5%, trong khi xe hơi Mỹ nhập khẩu bị Bruxelles áp mức thuế 10%.
Ngay mùa xuân 2018, Washington đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles đáp trả bằng cách tăng thuế nhiều mặt hàng tiêu dùng Mỹ, từ nước cam đến bơ lạc, đồng thời khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC). Về ô tô nhập từ châu Âu, đã ít nhất hai lần tổng thống Trump dọa tăng mức thuế này.

Giai đoạn tạm hoãn leo thang với Bruxelles từ ngày 25/07/2018 là thời gian để tổng thống Trump tập trung giải quyết hồ sơ thương mại với Trung Quốc, vì ông « không muốn xử lý Trung Quốc và châu Âu cùng lúc ». Tạm rảnh tay, tổng thống Trump thẳng thừng dọa Bruxelles : « Nếu không thể đúc kết được (thỏa thuận), chúng tôi sẽ phải áp mức thuế 25% đối với xe hơi », khi ông trả lời phỏng vấn đài Fox Business Network bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (Thụy Sĩ) ngày 22/01/2020.

Thỏa thuận trong tầm tay ?

Tổng thống Mỹ tỏ ra lạc quan « đã có trong đầu về ngày tháng và ngày đó sắp đến gần » để đạt được một thỏa thuận. Theo giới chuyên gia, đó phải là ngày trước kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020.

Tuy nhiên, ông Donald Trump không nêu rõ thỏa thuận nào. Vì trên thực tế, vào tháng 07/2018, Washington và Bruxelles thống nhất đàm phán hai thỏa thuận : Thứ nhất, công nhận các tổ chức cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn của nhau để giúp các nhà công nghiệp xuất khẩu dễ dàng hơn ; thỏa thuận thứ hai liên quan đến thuế quan đối với hải sản và sản phẩm công nghiệp.

Theo báo Le Monde, hiện mới chỉ có các cuộc thảo luận về mặt kỹ thuật đối với hồ sơ thứ nhất, được bắt đầu từ mùa Thu 2019. Một quan chức của Ủy Ban Châu Âu cho rằng « thỏa thuận về thuế quan trong lĩnh vực công nghiệp có thể nhanh chóng được ký kết, vì không bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến vệ sinh, sở hữu trí tuệ hoặc các chỉ dẫn về nguồn gốc ».

Nếu chỉ cần một thỏa thuận như vậy để phục vụ tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2, ông Donald Trump có thể sẽ đạt được, vì đích thân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết có thể sẽ nhanh chóng đạt được một thỏa thuận với Mỹ vì « 90% công việc đã được hoàn thiện » và « sẽ có nhiều cuộc họp sẽ được tổ chức trong những tuần sắp tới ».

Tuy nhiên, tổng thống Trump muốn đưa vào đàm phán vấn đề nhập khẩu nông phẩm Mỹ, vì nông dân Mỹ là một bộ phận cử tri đông đảo của ông. Nguyên thủ Mỹ đã thành công khi buộc Trung Quốc cam kết mua thêm hơn 200 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ, trong đó có 32 tỉ đô la nông phẩm của Mỹ. Tuy nhiên, nông nghiệp lại « là lằn ranh đỏ đối với Liên Hiệp Châu Âu ». Bruxelles có những tiêu chuẩn và quy định riêng về nông nghiệp, được cho là chặt chẽ hơn so với Hoa Kỳ. Thêm vào đó, phái đoàn đàm phán châu Âu hiện nay không được ủy quyền về vấn đề này.

Khó khăn đối với châu Âu, theo cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Châu Âu Anthony Gardner khi trả lời trang L’Echo của Bỉ (18/01/2020), là tổng thống Donald Trump « cư xử với Liên Hiệp Châu Âu như là một kẻ thù chứ không phải là một đối tác mà Hoa Kỳ có thể theo đuổi nhiều mục tiêu chung ».

Sau thỏa thuận thương mại ACEUM với Canada và Mêhicô, tiếp theo là với Trung Quốc, thì một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu được cho là sẽ củng cố thêm thành tựu kinh tế của đương kim chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng ngược lại, nếu không đạt được trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump vẫn thể hiện rằng ông giữ lời hứa thực hiện tái cân bằng cán cân thương mại cho Hoa Kỳ.





No comments: