BBC
Tiếng Việt
24/01/2020
Tại diễn đàn Davos, tỷ phú và nhà hoạt động từ
thiện nổi tiếng, George Soros phê phán cả hai ông Donald Trump và Tập Cận
Bình, theo tường thuật của Daniel Thomas, BBC News.
Trong năm bầu cử Mỹ, ông
Soros, người Mỹ gốc Hungary, coi cả Trump và Tập đều là "những lãnh đạo
độc đoán".
Tỷ phú Soros trong
hình chụp năm 2017. Ông vừa công bố sáng kiến lập một mạng lưới các đại học
toàn cầu để chống lại nạn thiếu bao dung, tệ phân biệt đối xử
Là công dân Mỹ, ủng hộ đảng
Dân chủ, ông Soros gọi TT Trump là "kẻ lừa gạt" (conman), hiện đã
"phá vỡ hạn chế quyền lực mà Hiến pháp Hoa Kỳ quy định".
Còn về Tập Cận Bình,
ông Soros nói nhà lãnh đạo này đang dùng công nghệ để kiểm soát toàn bộ cuộc
sống của người dân Trung Quốc.
Ông kết luận tại Diễn
đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ:
"Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu hai người này
không nắm quyền."
"Trump sẵn sàng hy sinh quyền lợi quốc gia cho
quyền lợi cá nhân ông ta, và ông ta sẽ làm tất cả, không từ một cái gì, để tái
đắc cử."
Cũng trong phát biểu tại
Davos đầu 2019, ông Soros nêu quan điểm rằng 'Tập Cận Bình nguy hiểm cho xã
hội tự do'.
Nhưng năm nay, ông nói
thêm rằng ông Tập "sẵn lòng khai thác những điểm yếu của Trump và dùng
trí tuệ nhân tạo để nhắm tới mục tiêu kiểm soát toàn bộ người dân Trung Quốc".
Theo ông Soros, cả Washington và Bắc Kinh hiện nay, "đang đe dọa
các xã hội mở".
Tuy thế, ông Soros, nhà đầu
tư tài chính nổi tiếng, có đánh giá đáng chú ý về hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung
Quốc trong mảng kinh tế.
Ông Soros nói
"Thế giới đẹp hơn nếu Trump và Tập không cầm quyền". GETTY IMAGES
Ông nói "Tập
Cận Bình tìm cách bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc, còn Trump lại hun nóng kinh tế
Hoa Kỳ."
"Chứng khoán Mỹ cao giá nhưng không thể giữ ở mức
quá nóng (boiling point) quá lâu."
Theo phóng viên BBC
Daniel Thomas có mặt tại Davos (24/01/2020), ông Soros cũng cảnh báo về chủ
nghĩa dân tuý, biến đổi khí hậu và cam kết bỏ ra 1 tỷ USD để lập ra một mạng
lưới các đại học trên toàn cầu nhắm chống lại nạn phân biệt, thói không bao
dung.
Nổi tiếng nhưng gây chia rẽ
Sinh năm 1930 ở Budapest,
hồi nhỏ, George Soros cùng gia đình (cha là luật sư người Do Thái) phải dùng
giấy tờ giả để lẩn trốn sự truy bắt chống Do Thái của phát-xít Đức.
Năm 17 tuổi, ông sang Anh
sinh sống và làm bằng tiến sĩ ở Trường Kinh tế London (LSE).
Trong thời gian đi học,
ông sống bằng nghề hầu bàn, và làm thêm ở chân khuân vác hỏa xa.
Năm 1956, ông sang Hoa Kỳ
và trở thành nhà đầu tư (có người nói là đầu cơ) thị trường chứng khoán.
Tiếng tăm đến với ông
trong vụ đặt cược và gây ra cú phá giá đồng bảng Anh, trong ngày Thứ Tư Đen
(Black Wednesday).
Trong vụ việc ngày
16/09/1992, ông đã đặt cược chống lại đồng tiền Anh và thắng 1 tỷ bảng Anh chỉ
trong một đêm.
Hậu quả của cú đánh này
là Anh Quốc phải rút khỏi Cơ chế Hoán đổi tiền tệ châu Âu - European Exchange
Rate Mechanism (ERM).
Ngân hàng Anh Quốc mất
hàng tỷ bảng và chính trị bị khủng hoảng, khiến ông Soros được mệnh danh là "kẻ
đã đánh quỵ Ngân hàng Anh Quốc".
Đại học Trung Âu
(Central European University) ở Budapest từng thu hút sinh viên từ hơn 100 nhóm
sắc tộc. Trường bị chính phủ Victor Orban ra lệnh ngưng hoạt động năm 2017
và phải rút sang Vienna, Áo
Ông Soros cũng bị một số
người đổ lỗi là "dàn dựng" ra khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Cùng lúc, ông có tiếng là
đã bỏ nhiều tỷ USD vào việc khuyến khích đa nguyên chính trị, nhân quyền và tự
do học thuật, qua quỹ Xã hội mở và các trường đại học ở Đông Âu.
Điều này được một số quốc
gia hoan nghênh trong giai đoạn chuyển đổi, rời xa mô hình XHCN sang dân chủ,
đa đảng sau 1991.
Nhưng cùng với làn sóng
dân tộc chủ nghĩa dâng lên ở Hungary, Ba Lan, Slovakia...một số chính trị gia
địa phương bắt đầu phê phán ông Soros.
Các chỉ trích nhắm vào
ông thường có cả màu sắc bài Do Thái.
Năm 2015, Nga cấm tổ chức
Xã hội Mở (Open Society), và năm 2017, Hungary buộc một đại học do quỹ của
ông Soros tài trợ phải rút đi.
Sang năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ
cũng buộc tổ chức do ông Soros tài trợ phải đóng cửa.
------------
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment