Tuesday, December 18, 2018

2018 : THẾ GIỚI MỆT MỎI VÌ THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG (Thanh Hà - RFI)




Thanh Hà - RFI
Thứ Ba, ngày 18 tháng 12 năm 2018

Dự báo tăng trưởng toàn cầu mất 0,2 điểm. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế loan báo sẽ còn tiếp tục hạ dự phóng trong những tháng tới. Đầu tư vào châu Á giảm sụt. Tất cả những sự kiện này đều bắt nguồn từ cuộc đọ sức kéo dài giữa hai siêu cường kinh tế thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Các sự kiện như Brexit đe dọa tăng trưởng của một trong bảy nền kinh tế phát triển nhất thế giới là Anh Quốc, và của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu, những khó khăn kinh tế của Nga hay sự kiện Iran lại rơi vào vòng luẩn quẩn của các biện pháp trừng phạt do Mỹ ban hành, Hy Lạp không còn cần được "tiếp nước biển"... bị chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm lu mờ.

2018 là năm mà mọi chú ý dồn về Washington và Bắc Kinh. Sau giai đoạn hù dọa, chính quyền Trump khơi mào cuộc chiến. Tháng 3/2018 tổng thống Trump ký sắc lệnh đánh thuế thép và nhôm nhập vào thị trường Hoa Kỳ. Nhà Trắng tạm tha cho một số nước "bạn", nhưng Trung Quốc không được hưởng ân huệ đó. Nhôm, thép chỉ là khúc dạo đầu.

Ngay từ tháng 5, tháng 6/2018 Nhà Trắng phạt thêm hàng "made in China" bán sang thị trường Mỹ : tăng thuế nhập khẩu 10 %, rồi 25 % nhắm vào 50 tỷ đô la rồi 100 tỷ và thậm chí là 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc. Ở góc đài bên kia, Bắc Kinh không khai chiến nhưng chơi trò "ăn miếng trả miếng". Mỗi bên đều đưa ra một danh sách hàng trăm, hàng ngàn mặt hàng của đối phương bị "trừng phạt".

Vào cuối mùa xuân năm nay, sứ giả của ông Tập Cận Bình đã tưởng chừng đạt được đồng thuận với ban cố vấn của Donald Trump sau khi thông báo một số nhượng bộ. Ở Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ coi những hứa hẹn đó là "quá trễ và chưa đủ". Chương trình đàm phán bị gián đoạn, cho dù là ở hậu trường, đôi bên vẫn ngầm duy trì kênh liên lạc.

Trong tạp chí của RFI ngày 03/05/2018, chuyên gia kinh tế Sébastien Jean, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Thông Tin Quốc Tế (CEPII) giải thích về phương pháp đàm phán của Donald Trump :

"Tình hình khá nghiêm trọng bởi vì tới nay Hoa Kỳ là quốc gia đã đặt ra luật chơi chung cho thế giới trong lĩnh vực thương mại. Để rồi giờ đây, chính nước Mỹ lại phản đối cái mô hình đó và thậm chí là còn đòi phá vỡ những gì đã có. Những tuyên bố của chính quyền Washington đe dọa đến phần cốt lõi trong quan hệ kinh tế và thương mại trên thế giới.
Nhưng cần nói thêm là tới nay, đây mới chỉ là những lời đe dọa chứ Hoa Kỳ chưa thực sự áp dụng các biện pháp trừng phạt như đã tuyên bố. Dù sao thì Nhà Trắng cũng gây hoang mang về chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhất là khi mọi người cùng biết Donald Trump có thói quen uy hiếp đối phương, bắt họ phải nhượng bộ".

*
Mỹ- Trung, "cái đinh" trong các hội nghị quốc tế
Cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ kinh tế của thế giới này bắt cả thế giới phải theo dõi. Tại hội nghị quốc tế ASEAN, Singapore, đầu tháng 11/2018 hay thượng đỉnh G20 vừa qua ở Achentina, mọi người chỉ chú ý vào những màn đấu khẩu hay phát biểu của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc với hy vọng Washington và Bắc Kinh hưu chiến.

Theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế các đòn ăn miếng trả miếng trên mặt trận thương mại làm tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu. Riêng đối với châu Á, vốn lệ thuộc nhiều cả vào Mỹ lẫn Trung Quốc, "bầu không khí càng thêm nặng nề" : IMF giảm dự phóng tăng trưởng của châu Á đang từ 5,6 % xuống còn 5,4 % cho năm tới. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhấn mạnh tới "môi trường bất lợi cho các hoạt động đầu tư".

Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế CAE một cơ quan nghiên cứu trực thuộc phủ tổng thống Pháp, trong báo cáo ngày 02/07/2018, đưa ra kịch bản đen tối nhất, trong trường hợp Hoa Kỳ áp dụng đến cùng chính sách bảo hộ và thế giới đáp trả một cách ngang ngửa. Chủ tịch CAE, ông Philippe Martin (tạp chí kinh tế ngày 10/07/2018), nêu lên hai lý do khiến các biện pháp bảo hộ cướp đi tăng trưởng của toàn cầu, kể cả Mỹ :

"Có những tác động trực tiếp và gián tiếp. Tác động trực tiếp là tăng thuế nhập khẩu, đẩy giá hàng lên cao và đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh đó là tác động gián tiếp. Chúng ta nói tới dây chuyền sản xuất mà ngày nay nhiều mặt hàng được làm ra từ các linh kiện nhập ở những nơi khác. Vậy khi một nước nào đó tăng thuế nhập khẩu, rồi các đối tác thương mại của quốc gia đó trả đũa, thì dây chuyền sản xuất ấy bị phá hỏng. Giá thành của các sản phẩm tăng cao.

Tôi lấy thí dụ xe hơi Mỹ sản xuất ngay tại Hoa Kỳ cần có nhôm, thép nhập từ các nơi khác vào Mỹ. Chính quyền Trump tăng thuế nhập khẩu nhắm vào nhôm thép, xe của Mỹ tự nhiên đắt hơn. Người tiêu dùng Mỹ phải trả giá. Hãng xe Mỹ bị thiệt.

Theo thẩm định của hội đồng CAE trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện và cũng xin nói là chúng ta chưa tiến gần tới kịch bản đó, thì cả ba cột trụ kinh tế của thế giới là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đều thiệt hại nặng nề. Mỗi bên mất khoảng từ 3 đến 4 % GDP một năm và kịch bản này sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. Với Pháp chẳng hạn, thì mỗi hộ gia đình sẽ mất khoảng 1.200 euro một năm. Nhưng đây là kịch bản xấu nhất chúng tôi nghiên cứu để đề phòng".

*
Trung Quốc phải nhượng bộ
Nếu như từ châu Á đến châu Âu đều thấm mệt vì những đòn đánh qua, đánh lại của Washington và Bắc Kinh, nhưng bản thân hai ông khổng lồ này cũng mệt mỏi vì cuộc chiến không có lợi cho bất kỳ một ai này. Đó là lý do khiến cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều chuẩn bị rất kỹ cho cuộc tiếp xúc hôm 01/12/2018 giữa lãnh đạo hai nước bên lề thượng đỉnh G20 ở Achentina, và thế giới tạm thở phào khi Donald Trump, Tập Cận Bình tuyên bố "tạm ngừng leo thang".

Về tương quan lực lượng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khối lượng hàng hóa mà Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ lớn gấp 4 lần so với kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Hoa Kỳ. Trong chương trình của RFI ngày 04/12/2018, cố vấn Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Michel Aglietta, ghi nhận việc Trung Quốc phải nhượng bộ là điều gần như hiển nhiên :

"Trong khuôn khổ hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ chiếm 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Tức là Mỹ mua vào 1/5 hàng Trung Quốc bán ra nước ngoài. Đây là một khối lượng rất lớn. Nếu như Mỹ đánh thuế 10 hay 25 % vào một khối lượng hàng hóa nhất định của Trung Quốc thì ảnh hưởng theo tôi, sẽ không nhiều. Nhưng nếu đánh thuế vào toàn bộ hàng của Trung Quốc bán sang thị trường Hoa Kỳ thì tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn thế giới sẽ giảm khoảng 4,5 % và khi đó tăng trưởng của Trung Quốc bị đe dọa".

Dù vậy viễn cảnh sang trang chiến tranh thương mại Mỹ Trung còn xa vời, vì theo như giải thích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa hôm 10/04/2018, mậu dịch chỉ là phần nổi của tảng băng trong xung khắc Mỹ - Trung và từ lâu nay, Washington luôn coi Bắc Kinh là một mối đe dọa :

"Sau khi tổng thống Bill Clinton nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2000, thì Quốc Hội Mỹ cho thành lập một Hội Đồng Duyệt Xét Quan Hệ An Ninh và Kinh Tế giữa hai nước và hội đồng ấy đã trình lên Quốc Hội, cùng quốc dân nhiều nghiên cứu đáng lo mà ít ai chịu đọc. Sau khi ông Trump đòi các cơ quan hữu trách như bộ Ngân Khố, Thương Mại và đại sứ Thương Mại Hoa Kỳ điều tra và nghiên cứu từ năm ngoái về vi phạm của Bắc Kinh thì họ đã có những phúc trình mà cũng chẳng ai thèm đọc.

Từ các báo cáo ấy, viện dẫn Mục 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, ngày 16/02/2018, chính quyền Trump nêu yếu tố an ninh cho ngành thép và nhôm Hoa Kỳ (...) Ngày 22 Tháng Ba, ông Trump viện dẫn mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà tố cáo việc Bắc Kinh vi phạm luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và áp thuế nhập nội trên 1.300 món hàng của Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ đô la".

*
Chiến tranh công nghệ cao
Vấn đề đặt ra trong bài toán thương mại lần này, là các hoạt động kinh tế của thế giới đầu thế kỷ 21 đã quá lệ thuộc lẫn nhau : Nhà Trắng đánh thuế hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ làm tăng giá những sản phẩm được sản xuất ra ngay trên lãnh thổ Mỹ. Hậu quả kèm theo là ảnh hưởng tới túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Hàng Mỹ thêm đắt đỏ, kém hấp dẫn để bán cho các nước khác trên thế giới.

Bên cạnh vế thương mại, mục tiêu mà chính quyền Trump nhắm tới là ngăn chận đà phát triển của nền công nghiệp Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên báo Asialyst ngày 07/07/2018 chuyên gia kinh tế về châu Á Jean-Raphael Chaponnière nêu lên một thực tế : đối với không ít các tập đoàn lớn của Mỹ, Trung Quốc đã hoặc đang trở thành thị trường quan trọng nhất, hơn cả thị trường Hoa Kỳ. Chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có nguy cơ biến hơn 700 chi nhánh của các hãng Mỹ thành những "con tin" khi bị Trung Quốc làm khó dễ. Donald Trump mở ra mặt trận này, các doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại. Đổi lại Trung Quốc cũng đánh mất nguồn đầu tư FDI quý giá trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.

Sau cùng, vẫn theo chuyên gia Pháp Jean-Raphael Chaponnière, viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Trump mở các đợt tấn công dồn dập nhắm vào Trung Quốc. Nhưng đấy lại càng là động lực để Bắc Kinh tăng tốc kế hoạch "Manufacturing China 2025".

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy cuộc đọ sức giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không chỉ khoanh vùng trên mặt trận thương mại là vụ án nhắm vào lãnh tập đoàn Hoa Vi. Trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ Mỹ và Trung Quốc cùng đang chạy đua trên mặt trận công nghệ cao.





No comments: