Tuesday, December 18, 2018

TRUNG QUỐC : KỶ NIỆM 40 NĂM CẢI CÁCH, TẬP CHE BÓNG ĐẶNG (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 18-12-2018

Về thời sự châu Á, Le Figaro (18/12/2018) trên trang nhất có hàng tựa đáng chú ý « 40 năm sau công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc nhắm đến chiếm ưu thế công nghệ ».

Vào ngày này cách nay đúng 40 năm, ngày 18/12/1978, ông Đặng Tiểu Bình trong kỳ khai mạc đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quyết định thay đổi dòng chảy lịch sử đất nước, khi cho tiến hành một loạt các cải cách triệt để về kinh tế.

Sau bốn thập niên, Trung Quốc đã có một sự chuyển đổi vị thế ngoạn mục : đi từ nước nghèo thành một siêu cường. Lễ kỷ niệm đương nhiên là dịp để Bắc Kinh phô trương hình ảnh đoàn kết, những tràng pháo tay không dứt sau bài phát biểu của Tập Cận Bình. Nhưng ẩn sau hình ảnh đẹp đẽ đó, Le Figaro cho rằng nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc đang có những chia rẽ sâu sắc giữa phe cải cách và phe bảo thủ.

Kinh tế có dấu hiệu trì trệ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hứng chịu một áp lực ngày càng lớn trong nội bộ. Trái với những lời hứa cải cách đưa ra năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc ngày càng siết chặt các doanh nghiệp tư nhân và tăng cường sự ủng hộ của đảng với khối doanh nghiệp nhà nước. Một động thái khiến phe cải cách quan ngại, cho rằng sẽ bóp nghẹt các hoạt động kinh tế.

Trước tình hình này, ông Tập Cận Bình sẽ không có chọn lựa nào khác ngoài việc nhượng bộ một phần hay « có mục tiêu » các đòi hỏi. Nhưng ít có khả năng « Gia gia Tập » thay đổi thật sự đường hướng. Theo một số nhà quan sát, trước nỗi lo bị sụp đổ như Liên Xô trong quá khứ, Tập Cận Bình sẽ không liều lĩnh từ bỏ vai trò kiểm soát của Đảng – Nhà nước đối với nhiều lĩnh vực chiến lược, đồng thời cũng không hé mở một cánh cổng nào có thể dẫn đến mở cửa chính trị.

Liệu có nên xem đó như là một đoạn tuyệt với các nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình hay không ? Những gì ông Tập thực hiện đang bị một bộ phận trí thức và đảng viên phản đối. Họ cho rằng chính lời lẽ ngạo nghễ của Trung Quốc hiện nay là nguồn cội của cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động.

Theo quan sát của Le Figaro, với việc cho sửa đổi Hiến Pháp, chấm dứt giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình không phải là người dễ khuất phục trước các quy định do những người tiền nhiệm áp đặt.

Một cuộc triển lãm kỷ niệm 40 năm công cuộc cải cách đã được tổ chức tại Bắc Kinh, nhưng cha đẻ của các chương trình cải cách là Đặng Tiểu Bình lại bị rớt xuống hàng thứ yếu. Triển lãm kỷ niệm chủ yếu dành chỗ để ca ngợi công lao chủ tịch Tập mà bằng chứng rõ nét nhất là những tấm áp phích to lớn hình ảnh lãnh đạo Trung Quốc và những câu nói của ông được dán kín khắp các bức tường.

Nhân dịp này, các báo Pháp đều thông báo chương trình phát sóng một bộ phim tài liệu dài 75 phút về lãnh đạo Tập Cận Bình, được chiếu trên kênh truyền hình Arte vào tối nay. Bộ phim đề tựa « Thế giới theo quan điểm Tập Cận Bình », do hai nhà báo Sophie Lepault và Romain Franklin thực hiện.

Le Monde, Le Figaro và La Croix lần lượt thông báo với hàng tựa « Tập Cận Bình, người đàn ông thép », « Thế giới phức tạp của Tập Cận Bình » và « Tập Cận Bình, một nhà độc tài mới của Trung Quốc ».

*
Công nghệ cao : Sàn đấu giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong công cuộc đưa Trung Quốc vào « kỷ nguyên mới », lĩnh vực công nghệ là một trong những mặt trận chiến lược hàng đầu mà Bắc Kinh đang trên đà làm chủ. Đây chính là điểm khiến Washington lo ngại.

Nhưng Trung Quốc ngày nay có thể tiến nhanh trong công nghệ đó là do lỗi của Mỹ. Le Figaro nhắc lại chính Hoa Kỳ là quốc gia đã nâng đỡ, tạo điều kiện cho Trung Quốc đi lên thành cường quốc. Chính tổng thống Jimmy Carter là người đầu tiên cấp visa cho 52 nhà khoa học Trung Quốc, trong trào lưu hâm nóng quan hệ Mỹ - Trung năm 1978.

Cũng giống như thuật Thái Cực quyền, dùng sức mạnh của đối thủ để quật ngã địch. Để rồi 40 năm sau, từ 52 nhà khoa học tiên phong đó, những người từng bị chà đạp vì cuộc Cách Mạng Văn Hóa, nhưng khao khát hiểu biết và tự do, mà Trung Quốc ngày nay có đến 350.000 người phục vụ cho đế chế.

Giờ đây, Washington tìm mọi cách ngăn chặn Bắc Kinh sở hữu các công nghệ và hối thúc các nước đồng minh làm tương tự. « Mục tiêu của cuộc chiến thương mại trên thực tế là nhằm ngăn chặn Trung Quốc nâng cấp công nghệ », theo như phân tích của bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế của Natixis tại châu Á.

Còn theo nhận xét của Trung Tâm Quan Hệ Quốc Tế đóng tại New York, tham vọng đi đầu lĩnh vực công nghệ chủ chốt của Trung Quốc « đe dọa vị trí vai trò lãnh đạo hàng đầu về công nghệ của Mỹ. Bởi vì, mục tiêu của Trung Quốc không phải là để gia nhập vào nhóm các nước có nền công nghệ tiên tiến như Đức, Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản mà là để thay thế các nước này ».

Tóm lại trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Trung này, « Công nghệ cao mới là trận đấu cân não mới giữa Mỹ và Trung Quốc », như tựa đề bài viết của Le Figaro mà vụ bắt giữ nhân vật số hai tập đoàn Hoa Vi là một ví dụ điển hình.

*
Liên Triều : Kim Jong Un cho Moon Jae In « leo cây » ?
Về quan hệ Liên Triều, Le Monde có bài viết đề tựa « Cơ hội đi thăm Seoul của Kim Jong Un giảm dần ». Tổng thống Hàn Quốc hy vọng đón lãnh đạo Bắc Triều Tiên vào trước cuối năm nay, nhưng phía bắc vẫn do dự chưa xác nhận.

Le Monde đưa ra một số lý do giải thích thái độ do dự của chính quyền Bình Nhưỡng. Thứ nhất, lãnh đạo Kim Jong Un đương nhiên lo sợ bị mất thể diện và việc bảo đảm an ninh. Việc tiếp đón lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Seoul không được tuyệt đại đa số người dân Hàn Quốc ủng hộ. Nhiều hội cựu chiến binh, giới đấu tranh nhân quyền hay đảng đối lập phản đối. Đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chỉ cần có vài vụ biểu tình là đủ cho ông xem là làm tổn hại đến hình ảnh của mình.

Yếu tố bất ngờ cũng có thể là một lý do. Bắc Triều Tiên luôn giữ bí mật lịch trình đi lại của ông Kim Jong Un. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng điều này khó có thể giữ kín tại Hàn Quốc, một đất nước dân chủ ở đó truyền thông hoạt động rất tích cực.

Ngoài vấn đề an ninh ra, Le Monde cho rằng còn có một câu hỏi khác cần giải đáp : « Kim Jong Un được lợi gì khi đến thăm Seoul lúc này ? » Đương nhiên chuyến đi thăm sẽ càng củng cố hơn nữa tiến trình xích lại gần nhau giữa hai miền, vốn dĩ đã trở thành một yếu tố quyết định trong các cuộc mặc cả chiến lược về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Quá trình hòa giải về kinh tế, chính trị và quân sự giữa hai miền đã diễn ra quá nhanh. Và tiến trình này đã chạm ngưỡng. Do vậy, để có thể đi xa hơn, quan hệ Bình Nhưỡng – Washington phải có tiến triển nhằm cho phép dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đang đè nặng lên Bắc Triều Tiên.

Vấn đề là các cuộc thương lượng hầu như bế tắc sau thông báo hủy cuộc gặp tại New York, dự kiến hồi tháng 11/2018 giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Bắc Triều Tiên, Kim Yong Chol. Thông báo của tổng thống Mỹ về một cuộc gặp thượng đỉnh mới với Kim Jong Un vào đầu năm tới đã thổi phồng nhiều đồn thổi về khả năng khai thông thương lượng.

Cuối cùng, Le Monde kết luận, trong bối cảnh này, chuyến đi thăm Seoul dường như ít hữu dụng hơn trong nhãn quan các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên : Ngoài giá trị biểu tượng, chuyến đi có thể sẽ chẳng đưa ra được những cam kết mới nào giữa hai miền, xa hơn những gì đã tuyên bố. Ngược lại, cuộc viếng thăm có thể buộc Kim Jong Un phải nêu rõ lập trường của mình trước khi gặp Donald Trump. Và đây chính là điều lãnh đạo Bắc Triều Tiên không hề mong muốn.

*
Hoa Kỳ : Đảng Dân Chủ cản Trump xây tường
Thời sự nước Mỹ cũng được một số nhật báo quan tâm đến. Như thông lệ, nước Mỹ lại có nguy cơ rơi vào tình trạng « shutdown » mỗi khi thông quan ngân sách mới. Le Figaro thông báo « Tường của Donald Trump đe dọa làm tê liệt Washington ».

Tổng thống Mỹ muốn rằng luật ngân sách cho năm tới dự trù 5 tỷ đô la để xây tường chặn di dân. Nhưng Quốc Hội chỉ đồng tình với mức 1,3 tỷ đô la cho việc « bảo đảm an ninh biên giới ».

Đến tối nay, nếu các bên không đạt được đồng thuận, thì cũng có khoảng 800 ngàn nhân viên trong tổng số 2,1 triệu người tại các bộ Ngoại giao, An ninh Nội địa, Tài chính, Thương Mại và Cơ quan bảo vệ môi trường hay Cục Lưu trữ rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời.

Les Echos thì có bài viết « Trump lần nữa tìm cách hạ tuy tín Powell ». Vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang chuẩn bị nâng mức lãi suất vào ngày thứ Tư 19/12, tổng thống Donald Trump lại có những dòng tweet chỉ trích vị lãnh đạo FED, ông Jerome Powell. Ông viết : « Thật là không thể tin nổi với đồng đô la mạnh, lạm phát gần như bằng không, thế giới xung quanh chúng ta gần như nổ tung, Paris bị thiêu đốt, Trung Quốc đang suy sụp, vậy mà Fed lại có thể nhắm đến việc tăng lãi suất (….) một vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả Trung Quốc ».

*
Trang nhất các báo Pháp
Lĩnh vực xã hội chiếm trang nhất các nhật báo lớn của Pháp hôm nay (18/12/2018). Phong trào Áo Vàng tiếp tục gây xáo trộn đời sống chính trị tại Pháp do việc « Trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân bắt đầu xen vào các cuộc tranh luận » như hàng tít lớn của nhật báo thiên hữu Le Figaro.

Nhật báo kinh tế thì quan tâm đến « Những mặt trận mới của ngành công nghiệp Pháp ». Nhật báo thiên tả Libération chú ý đến nỗi bức xúc của sinh viên nước ngoài. Tờ báo chơi chữ đề tít « Sinh viên nước ngoài : Thẻ ngân hàng trước, sơ yếu lý lịch sau ».

Cũng trong lĩnh vực xã hội, nhưng nhật báo công giáo La Croix có cái nhìn rộng hơn ra bên ngoài, thương cảm cho số phận « Nghèo cùng cực của những người di dân, người tị nạn ». Riêng nhật báo độc lập Le Monde ra chiều hôm trước ưu tiên cho môi trường khi chua chát nhận định « Khí hậu : Thất vọng tại COP24 ».

-----------------------------
BBC Tiếng Việt
18/12/2018

Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải tạo kinh tế rằng đất nước ông sẽ không phát triển bằng cái giá mà các nước khác phải trả.

Chủ tịch Tập Cận Bình. GETTY IMAGES

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng siêu cường thế giới không phải là quốc gia mà nước khác có thể yêu cầu phải làm gì.

Kế hoạch 'cải cách và mở cửa' của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình bắt đầu được thực hiện hồi bốn thập kỷ trước.

Sự tăng trưởng kể từ đó đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng trong những năm gần đây Trung Quốc đã phải vật lộn với khoản nợ ngày càng tăng và sự phát triển kinh tế trở nên chậm lại.
Ông Tập nói tuy đã đạt được những thành tựu kinh tế nhưng Trung Quốc sẽ "không bao giờ tìm cách bá chủ thế giới" và cũng nêu rõ về sự đóng góp của nước ông cho một "tương lai chung của nhân loại".

Ông không nhắc tới cuộc tranh cãi thương mại hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ.

Trung Quốc tiếp tục trấn áp bất đồng chính kiến và bị cáo buộc là đã giam giữ hàng trăm ngàn người Hồi Giáo không qua xét xử tại vùng Tân Cương ở miền tây.

Việc Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa Biển Đông - nơi có những tuyến giao thương đường biển quan trọng - đã gây ra những quan ngại giữa các quốc gia láng giềng rằng Bắc Kinh muốn thống trị khu vực.

Những người chỉ trích nói rằng trong lúc giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết ở khắp châu Á và châu Phi thì Trung Quốc cũng đã đẩy các quốc gia vào cảnh mắc nợ hàng tỷ đô la, qua đó phải chịu ảnh hưởng chiến lược của Bắc Kinh.

Ông Tập đã giành phần lớn thời gian trong bài phát biểu dài của mình để nêu ra những ví dụ về tiến bộ của Trung Quốc trong các thập kỷ qua, và ca ngợi đó như "những thành tích hào hùng làm kinh thiên động địa".

Ông nói rằng với những thành công đạt được, "không ai có thể ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc là cần phải làm gì hay không làm gì".

Đồng thời, ông nhấn mạnh về điều mà ông mô tả là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, nói Bắc Kinh là một "người cổ súy cho hòa bình thế giới", một "người bảo vệ trật tự quốc tế" và giữ một "vai trò dẫn dắt trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu".

Việc cải cách kinh tế của Trung Quốc được khởi xướng bởi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình hồi 1978, và chương trình được chuẩn thuận vào ngày 18/12 năm đó.

Con đường chuyển đổi đã đưa nước này ra khỏi chủ nghĩa cộng sản kiểu cũ của Mao Trạch Đông, vốn theo chủ nghĩa tập thể và đã khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng nghèo đói và không hiệu quả.

Quá trình thay đổi tập trung vào cải cách nông nghiệp, tự do hóa kinh tế tư nhân, hiện đại hóa công nghiệp và mở cửa đối với thương mại quốc tế.

Ông Tập Cận Bình mô tả việc cải cách là một cú "dứt bỏ các trói buộc" của các sai lầm trước đó.

Chương trình cải cách kinh tế của Trung Quốc được bắt đầu từ 1978. REUTERS

Ông nói rằng 40 năm qua là một "bước nhảy lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Chủ tịch Trung Quốc không nhắc trực tiếp tới tranh cãi thương mại hiện nay với Mỹ nhưng nhấn mạnh về sự đóng góp của nước ông đối với việc toàn cầu hóa và trật tự quốc tế.

Cuộc tranh cãi thương mại Mỹ-Trung đã leo thang tới mức có thể gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho cả hai bên nếu không đạt được thỏa thuận để xử lý bất đồng.

Không thay đổi về chính trị
Bất chấp việc có các cải cách kinh tế, những thập niên qua không làm thay đổi hệ thống chính trị độc đảng ở Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc có bài phát biểu hôm thứ Ba tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, nơi những lời kêu gọi cải cách chính trị hồi 1989 đã bị quân đội đàn áp dã man.

Ông Tập Cận Bình được đánh giá rộng rãi là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông tới nay.

Hồi 2017, ông đã khẳng định quyền lực của mình và đưa tư tưởng chính trị của mình vào hiến pháp.

Trong bài phát biểu, ông Tập lặp lại rằng ông tin vào việc tăng cường sức mạnh của đội ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản, và ca ngợi chiến dịch trấn áp tham nhũng của Bắc Kinh.

Những người chỉ trích nói rằng việc ông Tập Cận Bình nắm quyền được ghi dấu ấn bởi chiến dịch trấn áp bất đồng chính trị ráo riết hơn bao giờ hết cũng như bất kỳ nhóm nào mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là đe dọa tới quyền lực của Đảng, chẳng hạn như giáo hội Thiên chúa không được phép hoạt động chính thức, hay các nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động.




No comments: