Tuesday, December 18, 2018

ANH : LIỆU CÓ MỘT CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý LẦN 2 VỀ BREXIT? (RFI | BBC)




Đăng ngày 18-12-2018

Sau 17 tháng đàm phán cam go, thỏa thuận Brexit chưa được Quốc Hội Anh chấp thuận, trong lúc chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hạn chót. Viễn cảnh Anh rời Liên Âu không thỏa thuận đang nhãn tiền, với các tổn thất vô cùng lớn. Một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit, thậm chí khả năng Anh ở lại với Liên Âu - bị đảng Bảo Thủ cầm quyền phản đối - ngày càng được nói đến nhiều. Liệu có trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit ?

Thanh niên biểu tình cạnh Quốc Hội Anh đòi trưng cầu dân ý lần 2, Luân Đôn, ngày 12/12/2018. Khẩu hiệu của nhóm: "They Can't Decide, Let Us People's Vote/Nếu quý vị không quyết được, hãy để cho Nhân dân chúng tôi bỏ phiếu". REUTERS/Phil Noble

Xung quanh kịch bản trưng cầu dân ý lần thứ hai, hiện tại tương quan lực lượng ra sao ?
Theo giới quan sát, thủ tướng Anh luôn phản đối một cuộc trưng cầu lần thứ hai, khi cho rằng kịch bản này sẽ hủy hoại niềm tin của cử tri Anh đối với các dân biểu và hệ thống chính trị Anh Quốc. Tại Quốc Hội, nhiều nghị sĩ đảng Bảo Thủ kiên quyết chống lại, cùng với phe bảo thủ cầm quyền là đảng DUP, một đảng nhỏ của người Ailen, tham gia liên minh cầm quyền.

Tuy nhiên, trong hiện tại, đã có một số nghị sĩ đảng Bảo Thủ bắt đầu công khai ủng hộ trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Công Đảng, đảng đối lập chính, không loại trừ ủng hộ một cuộc trưng cầu lần thứ hai, nếu đề nghị bầu cử sớm không được chấp thuận. Hàng chục nghị sĩ Công Đảng đã công khai bày tỏ thái độ ủng hộ, và kêu gọi lãnh đạo đảng, chính trị gia Jeremy Corbyn - một người vốn có quan điểm hoài nghi châu Âu - cũng làm như họ.

Một số đảng đối lập khác, như đảng Tự Do Dân Chủ cánh trung (LibDem), đảng chủ trương xứ Scotland độc lập (SNP), chống Brexit, cũng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Từ nhiều tháng nay, phong trào People’s vote (tạm dịch là : Lá phiếu của Nhân dân) đã tổ chức hàng chục cuộc mít tinh vận động trên khắp đất nước để thuyết phục cử tri về một cuộc trưng cầu lần thứ hai. Kịch bản này cũng nhận sự ủng hộ của các cựu thủ tướng Tony Blair (Công Đảng) và John Major (đảng Bảo Thủ), hay thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan.

Một thông tin cho thấy sáng kiến trưng cầu dân ý lần hai ngày càng được sự ủng hộ của dân chúng, trái ngược với cách đây hai năm rưỡi. Trong một cuộc thăm dò dư luận của viện BMG Research, được nhật báo Anh The Independant công bố hôm 15/12, có đến 51% người được hỏi xác định không muốn rời Liên Hiệp Châu Âu. Tệ hơn nữa, tỉ lệ người ủng hộ Brexit chỉ còn 41%. Khoảng cách 10% giữa phe chống và phe ủng hộ Brexit là chênh lệch lớn nhất được ghi nhận kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 đến nay.

Về nguyên tắc, tại Anh, ai có quyền quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý ?
Chính phủ Anh có quyền bật đèn xanh cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới. Và trong trường hợp này Quốc Hội phải bỏ phiếu thông qua một luật tạo khuôn khổ pháp lý cho cuộc trưng cầu dân ý này. Văn bản luật này sẽ phải xác định câu hỏi nào sẽ được đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý. Thời gian bỏ phiếu không bắt buộc phải ghi trong luật, mà có thể được xác định sau đó.

Cụ thể là Quốc Hội Anh sẽ có thể đề ra những phương án nào ?
Hiện tại có nhiều khả năng xung quanh điều này, và chưa có bất cứ một đồng thuận nào trong vấn đề này. Một trong các giả thuyết được nói đến nhiều là đề nghị cử tri chọn lựa giữa hai phương án : đồng ý với thỏa thuận Brexit của thủ tướng Theresa May, hoặc chia tay với Liên Âu không thỏa thuận. Viễn cảnh thứ hai là điều mà giới kinh tế rất lo sợ do các tổn thất sẽ vô cùng lớn.

Một số người phản đối Brexit thì muốn đưa thêm khả năng hủy bỏ tiến trình ly di với Liên Âu. Cũng có nghĩa là một câu hỏi với ba phương án. Thứ nhất là Brexit có thỏa thuận, thứ hai là Brexit nhưng không có thỏa thuận và thứ ba là từ bỏ quyết định Brexit.

Nếu một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, cần phải tuân thủ thời hạn nào ?
Theo các nhà nghiên cứu của City University of London, một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai sớm nhất cũng chỉ có thể tổ chức sau 21 hoặc 22 tuần nữa. Trong trường hợp này, nếu quyết định trưng cầu dân ý mới được đưa ra ngày thứ Ba 18/12/2018 chẳng hạn, thì trưng cầu sẽ không thể được tổ chức trước cuối tháng 5/2019.

Ta biết là hạn chót cho Brexit là ngày 29/03/2019, tức đúng hai năm sau khi Luân Đôn khởi sự tiến trình ly dị với Liên Hiệp Châu Âu. Trưng cầu dân ý về Brexit lần thứ hai, theo luật của Anh, về nguyên tắc sẽ chỉ có thể diễn ra sau thời điểm này. Thực tế này đòi hỏi Luân Đôn phải đàm phán với các lãnh đạo Liên Âu, để dời lại hạn chót Brexit, nếu muốn trưng cầu ý dân lần nữa.

Triển vọng của kịch bản trưng cầu dân ý thứ hai ra sao ?
Trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua (15 và 16/12), thủ tướng Theresa May đã có những tuyên bố kịch liệt chống lại kịch bản này. Theo bà May, làm như vậy là phản bội lại ý nguyện của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016. Thủ tướng Anh lên án cựu lãnh đạo chính phủ Công Đảng đang tìm cách hủy hoại tiến trình Brexit. Một cựu ngoại trưởng ủng hộ Brexit, ông Boris Johnson, nhấn mạnh là một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ khiến người dân cảm thấy bị phản bội « một cách sâu sắc và lâu dài ».

Tuy nhiên, áp lực của kịch bản trưng cầu dân ý mới đang tiếp tục dâng lên. Hôm 10/12, Tòa Án Công lý Liên Minh Châu Âu (CJEU), trả lời khiếu nại của một số chính trị gia Scotland, đã ra một phán quyết khiến cán cân nghiêng hơn về phía những người chống Brexit. Theo Tòa Án Công lý Liên Minh Châu Âu, Luân Đôn có quyền đơn phương từ bỏ quyết định rời khỏi Liên Âu hiện nay, mà không cần sự đồng ý của 27 nước còn lại, thể theo điều 50 của Hiến chương của Liên minh châu Âu về các Quyền Cơ bản. Có nghĩa là chấm dứt tiến trình đàm phán ra khỏi Liên Âu mà thủ tướng và chính phủ Anh đã nỗ lực trong suốt một năm rưỡi qua.

Phán quyết của CJEU được đưa ra đúng một hôm trước ngày thủ tướng Anh dự định đưa dự thảo Thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Quốc Hội Anh (ngày 11/11). Bà May đã buộc phải hoãn lại việc bỏ phiếu, vì sợ nỗ lực 17 tháng đàm phán cam go sẽ xôi hỏng bỏng không, vì không hội đủ đa số. Bởi uy tín của đảng cầm quyền cũng sẽ càng bị thách thức mạnh hơn, nhất là sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do một nhóm dân biểu của phe đa số chủ trương chống lại thủ tướng May vừa diễn ra (với 117 dân biểu Bảo Thủ bỏ phiếu yêu cầu phế truất thủ tướng, trên tổng số 317). Thủ tướng Anh, hôm qua, 17/12/2018, lại một lần nữa phải đẩy lùi thời hạn bỏ phiếu dự thảo Brexit cho đến giữa tháng Giêng 2019.

Lãnh đạo đảng Bảo Thủ dường như đang nỗ lực bằng mọi cách để bảo vệ đến cùng quyết định Brexit của đa số cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý 2016, cho dù dự thảo thỏa thuận này rất khó được Quốc Hội thông qua. Tuy nhiên, tình huống rối ren hiện nay cũng đặt chính lãnh đạo Anh trước ngã ba đường. Hôm nay, thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với các dân biểu cầm quyền là nếu dự thảo thỏa thuận Brexit hiện nay không được Quốc Hội thông qua, thì chỉ còn hai khả năng : « No deal » (tức rời khỏi Liên Âu không thỏa thuận) và « No Brexit at all » (không Brexit). Không Brexit tức Anh Quốc vẫn ở lại với Liên Âu.

Phương án « No Brexit at all » thật ra đã được thủ tướng Anh đưa ra cách nay hơn một tháng. Vào thời điểm đó, bốn từ ngắn ngủi đó đã khiến phe phản đối ly dị với Liên Âu hết sức vui mừng. Triển vọng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit dường như không còn là chuyện viễn tưởng.

Ẩn số chính hiện nay là thái độ của nhóm chính trị bảo thủ cầm quyền, ủng hộ triệt để giải pháp Brexit « cứng rắn ». Nếu nhóm này vừa chống lại đến cùng một thỏa thuận Brexit trong tình trạng hiện tại (sau khi Liên Âu không còn chấp nhận nhân nhượng thêm nữa), lại vừa chống một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, thì nước Anh rất nhiều khả năng sẽ phải chia tay với Liên Âu không thỏa thuận - một kịch bản đen tối cho kinh tế Anh. Liệu người dân Anh Quốc có chấp nhận tương lai này ?

-------------------------------------

XEM THÊM
BBC Tiếng Việt
18/12/2018

Tính từ thứ Tư 19/12 này, nước Anh chỉ còn đúng 100 ngày để rời Liên hiệp châu Âu.

Dù thỏa thuận Brexit có qua được kỳ bỏ phiếu tháng 1/2019 hay không, hạn chót để Điều 50 Hiệp ước Lisbon có hiệu lực là từ 29/03/2019: Anh không còn trong EU.

Hôm 12/12, Thủ tướng Anh Theresa May đứng trước nguy cơ phải từ chức khi đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Mặc dù tiếp tục giữ được vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ nhờ giành 200 phiếu trên tổng số 317 phiếu bầu tín nhiệm, nhưng có thể thấy rằng 117 dân biểu Bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm là "điều không dễ chịu chút nào" và là "một đòn thực sự" cho uy tín chính trị của bà.

Các đời thủ tướng trước bao gồm các ông John Major và Tony Blair hôm 17/12 liên tục thúc giục một cuộc trưng cầu dân ý khác nếu như các nghị sĩ trong đảng không thống nhất được cách giải quyết chung cho cuộc ly hôn 'Brexit'.

Bà May thì phản pháo rằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác sẽ chỉ "phá vỡ niềm tin của người người dân Anh".

Nước Anh thời Brexit. ADRIAN DENNIS

Brexit có lý do lịch sử

Tham gia chương trình Bàn tròn BBC hôm 13/12/2018, tại London, luật sư Hoàng Đức Thắng, người có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Anh Quốc, bình luận về Brexit - cuộc ly hôn còn nhiều 'đau đớn' cho cả Anh lẫn EU.

*
BBC: Nước Anh liệu có ra khỏi EU hay không hay đây là một cuộc ly hôn kéo dài với rất nhiều vấn đề đau đầu?

Luật sư Hoàng Đức Thắng: Chúng ta cần điểm lại tiến trình lịch sử Anh gia nhập Liên hiệp châu Âu cũng như hậu quả hiện nay của nó là Anh muốn ra khỏi EU. Sau Chiến tranh Lạnh, việc hình thành Liên hiệp châu Âu đã có ý tưởng rằng Anh nên dẫn đầu với tưởng thành lập nên Liên hiệp châu Âu hiện nay.

Nhưng rốt cuộc rằng lúc đó chính thủ tướng Anh và các chính đảng trong chính giới Anh lo ngại rằng Anh quốc không thích hợp trong vai trò như vậy bởi vì họ muốn có một vai trò bên ngoài và vai trò ảnh hưởng nhiều đến thế giới hơn là nó đóng vai trò vào một khối hẹp như vậy. Sau đó, dưới thời Thủ tướng Calaghan thì có ý định là Anh sẽ lại gia nhập khối đó nhưng vẫn vấp phải ảnh hưởng rất là mạnh trong chính giới của Anh về việc Anh không nên gia nhập. Vì thế cho nên đến năm 1973 mới có việc là Anh gia nhập khối này rất lâu sau khi khồi này được hình thành hơn 10 năm.

Thời Thủ tướng James Callaghan, Anh có ý định sẽ lại gia nhập EU nhưng vẫn vấp phải ảnh hưởng rất là mạnh trong chính giới của Anh về việc Anh không nên gia nhập. KEYSTONE

Cũng phải lưu ý một điều là kể từ thời điểm đó đến nay không có lúc nào mà chính giới của Anh không có tiếng nói rằng Anh quốc cần phải tách khỏi Liên minh châu Âu. Và tiếng nói đó mạnh đến mức độ khi ông David Cameron thắng cử một trong những lập luận để thắng cử là ông bắt buộc phải chấp nhận rằng sẽ có bỏ phiếu để Anh quốc rời khỏi Liên minh châu Âu.

Và ông đã giữ lời hứa của mình và đưa ra cuộc bỏ phiếu như vậy. Một cuộc bỏ phiếu mà khiến cho lãnh đạo toàn thế giới rất kinh ngạc, như ông Tổng thống Nga lúc đó là Vladimir Putin nói thẳng với ông Cameron rằng tôi không hiểu các ngài tại sao chính phủ muốn ở lại mà lại đưa ra bỏ phiếu để tách ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với ông Cameron rằng: "Tôi không hiểu các ngài tại sao chính phủ muốn ở lại mà lại đưa ra bỏ phiếu để tách ra". WPA POOL

Bà May hiện nay đứng ở vị thế rất khó khăn khi mà trên thực tế người dân Anh đã đưa ra quyết định như vậy. Và nếu để ý đến kết quả bỏ phiếu thì thấy rằng 52/48% muốn tách ra và trong cơ chế dân chủ hiện nay thì 4% chênh lệch là một tỷ số rất lớn.

Còn nếu tính đến số người đi bầu thì phải thấy rằng những người trong độ tuổi trên 40 là những người đã có cuộc sống đã từng trải nghiệm cả những cái gì có lợi và có hại của Liên minh châu Âu thì chiếm tới 70% là muốn Anh quốc ra khỏi. Cho nên nếu nói về ý nguyện của nhân dân thì đó là một ý nguyện thực sự của nhân dân chứ không phải chỉ là 'war win' tức là suy nghĩ thoáng qua như một số người lập luận.

Còn câu hỏi "liệu Anh quốc có ra khỏi hay không?" thì đây là một tiến trình khá phức tạp bởi vì nó tùy thuộc vào ý chí chính trị của các bên và đây thực sự là trò chơi chính trị trong chính trường Anh.

Ngay cả bản thân trong Đảng Lao động của Anh hiện nay cũng thể hiện rõ rằng đây là trò chơi chính trị mà các bên đều sẵn sàng ở một mức độ nào đó, tôi không thể nói là hy sinh quyền lợi quốc gia, nhưng họ vẫn sẵn sàng đẩy câu chuyện này lên mức cao hơn mức nó phải có vì những quyền lợi riêng của mình.

*
BBC: Nước Anh sắp ra khỏi EU, nhìn rộng ra thế giới sau khi nước Anh ra khỏi EU thì ý tưởng như là ký kết thêm các Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ, với cả Việt Nam rồi với những nước khác khi Anh không còn là thành viên EU thì nó có khả thi, có bù đắp những mất mát về mặt quyền lợi kinh tế mà Anh đang được hưởng, ít ra là trong phần thương mại giữa Anh và EU?

Luật sư Hoàng Đức Thắng: Câu chuyện này liên quan đến lý do vì sao Anh Quốc muốn tách ra khỏi EU và truyền thông xưa nay đưa tin chưa được đầy đủ, nhất là truyền thông ở những nước châu Á mà thiếu nguồn thông tin.

Có bốn căn cứ chính khiến Anh Quốc tách ra khỏi EU.

Thứ nhất là họ muốn khôi phục tự do và quyền làm chủ về luật pháp của họ.

Thứ hai họ cho rằng yếu tố về chủ quyền quốc gia bị hạn chế rất là nhiều trong phạm vi châu Âu. Chủ quyền quốc gia ở đây cụ thể là như thế nào. Anh thấy rằng vị thế của mình trong Liên minh châu Âu cao hơn so với những nước khác ở trong Liên minh châu Âu và điều này là hoàn toàn đúng. Nếu các quý vị để ý thì thấy rằng là Anh là một trong năm thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, điều mà những nước khác không có được trừ Pháp.

Luật sư Hoàng Đức Thắng tham gia Chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt tại London nói: 'Câu hỏi "liệu Anh quốc có ra khỏi hay không?" là một tiến trình khá phức tạp bởi vì nó tùy thuộc vào ý chí chính trị của các bên và đây thực sự là trò chơi chính trị trong chính trường Anh'. BBC VIETNAMESE

Anh Quốc cũng là một nước lớn và là một trong những nước có nền kinh tế mạnh có thặng dư cao đóng góp ròng cho Liên minh châu Âu và hàng năm có tiếng nói và tầm ảnh hưởng rất lớn. Anh có giá trị mềm về văn hóa, lịch sử, chính trị cũng rất lớn và ảnh hưởng trên toàn thế giới với bạn đồng minh Hoa Kỳ là một đối tượng rất là mạnh.

Và ưu thế về tình báo và an ninh của Anh quốc cũng rất là mạnh. Cụ thể là Liên minh Năm Con mắt (Five Eyes) với Canada, New Zealand, với liên minh giữa Anh và Hoa Kỳ là liên minh chính chia sẻ những nguồn tin tình báo có giá trị lớn trên thế giới chứ không phải là những nguồn khác. Trong bối cảnh như vậy mà vai trò của Anh quốc hiện nay lại bị bó hẹp trong phạm vi của Liên minh châu Âu thì Anh thấy rằng chủ quyền của mình bị hạn chế bớt đi trong khu vực đó.

do thứ ba, cũng quan trọng, là vấn đề khi tham gia Liên minh châu Âu thì bên cạnh thị trường mở thì cũng phải mở cửa cả về thị trường lao động và thậm chí không phải là thị trường lao động bình thường mà là cả quyền công dân. Cụ thể là công dân Liên minh châu Âu được phép cư trú, làm việc và sinh sống tại tất cả các quốc gia trong EU. Điều này khiến cho việc Anh quốc là nơi chịu làn song từ các nước Đông Âu mới tràn sang nhiều nhất, lớn nhất, tới gần chục triệu.

Đây là con số khi mà Brexit thì họ đưa nguồn tin như vậy, tôi không thể nào nói chính xác hay không, ví dụ như nguồn tin chính thức của chính phủ thì nói rằng riêng người Ba Lan là hơn một triệu còn người nước khác thì đóng góp từ 1,5 đến 2 triệu nữa. Tổng cộng khoảng ba triệu người. Nhưng mà các nguồn khác họ nói rằng là con cái của các gia đình đó sinh ra cũng được tính vào đó, rồi những người nhập cư kết hôn…

Đấy là nguyên nhân tiếp theo khiến cho người ta tập trung vào và những cái tầng lớp nghèo khổ của Anh Quốc họ tin rằng đấy là đối tượng trực tiếp xâm hại đến quyền lợi của họ, chiếm hết những công việc rẻ tiền, công việc nhàn hạ mà họ vẫn làm đồng thời cũng làm thâm hụt nguồn ngân sách xã hội mà dùng để trang trải tiền nhà cửa đến các tiện nghi khác.

'Anh quốc là nơi chịu làn song từ các nước Đông Âu mới tràn sang nhiều nhất, lớn nhất', luật sư Hoàng Đức Thắng

*
BBC: Đấy chỉ là quan điểm của những người ủng hộ Brexit, những phân tích khác thì họ nói rằng người nhập cư hợp pháp họ đóng góp rất nhiều vào thuế, vào trong ngân sách của nước Anh và họ cũng đâu có rút ra cái gì?

Luật sư Hoàng Đức Thắng: Đấy cũng là một lập luận nhưng phía bên kia họ bác bỏ rất là nhiều. Họ nói rằng số lượng người mà đóng góp trực tiếp so với số tiền rút ra để chi cho họ thì nó chênh lệch rất là lớn và tỷ lệ họ tính vậy là khoảng 300% tức là đóng góp được một đồng thì lại xài ba đồng vào các lĩnh vực khác.

Lý do cuối cùng, tôi cho là lý do quan trọng nhất mọi người ít nói đến là lý do về mặt kinh tế. Có rất nhiều báo cáo chính thức đều nói rằng là hiện nay thương mại của Anh Quốc với châu Âu là 44% tổng thương mại của Anh quốc trên toàn thế giới. Trong 44% đó Anh Quốc là nước nhập khẩu ròng tức là cán cân thương mại nghiêng về châu Âu mỗi năm dao động từ 80 đến 100 tỷ Bảng.

Phần còn lại với thế giới là 56% và nếu mà cán cân nhìn thuần như vậy thì thấy rằng là với thế giới là nhiều hơn với châu Âu.

Nếu nhìn nhận trong tương quan như vậy thì thấy rằng là Anh từ xưa đến nay vẫn là một quốc gia quần đảo và nó luôn luôn là một hòn đảo, tính tách biệt của nó với châu Âu là rất rõ ràng. Cho nên là một quốc gia ở châu Âu nhưng vì vị thế của Anh từ xưa đến nay nên họ có phần thương mại ngoại biên thương mại quốc tế rất là mạnh.

Hiện nay khi ở trong EU thì Anh quốc bị giới hạn bởi các quy định về luật pháp, cả về thể chế lẫn cơ cấu kinh tế của châu Âu dẫn đến việc Anh không thể nào tự do tìm kiếm các cơ hội khác nữa. Nói cách khác Anh như một đứa bé ở trong cái áo rất là chật đang trong độ lớn. Trong trường hợp này, tôi tin chắc rằng trong đầu rất nhiều người Anh khác vẫn còn có tưởng rằng bây giờ phải vươn ra khỏi thế giới bắt đầu một chu kỳ mới. Để có chu kỳ mới như vậy thì rõ ràng cần phải thoát khỏi cái áo kia và họ sẽ có cơ hội làm như vậy nếu họ có Brexit.

-----------------------------
Xem thêm tin về Brexit:





No comments: