Thursday, December 27, 2018

CHUYỆN SAU THÀNH ĐÔ (Trần Gia Phụng)




28/12/2018

Nội dung hội nghị Thành Đô giữa đại diện cao cấp đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và đảng Cộng Sản Trung Hoa (Trung Cộng) trong hai ngày 3 và 4-9-1990 được giữ bí mật tuyệt đối, nên tất cả những bài viết về kết quả hội nghị Thành Đô, kể cả nguồn tin Việt Nam sẽ thành khu tự trị của Trung Cộng năm 2020, đều là phỏng đoán.

Hội nghị Thành Đô

Theo Trần Quang Cơ, thứ trưởng Ngoại giao CS, thì biên bản tóm tắt của hội nghị Thành Đô gổm “7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước…”. Nếu đơn giản đúng như Trần Quang Cơ viết trong hồi ký, thì tại sao đảng CSVN giấu kỹ nội dung hội nghị Thành Đô? Giấu kỹ có nghĩa là có khuất tất. Cũng không biết khuất tất ở điểm nào, nhưng những chuyện có thật dưới đây xảy ra sau Thành Đô thì mọi người đều biết.

THAY ĐỔI LÃNH ĐẠO VÀ HIẾN PHÁP

Thay đội quan trọng đầu tiên là CSVN thay đổi lãnh đạo. Đỗ Mười qua dự hội nghị Thành Đô năm 1990, thì năm sau lên làm tổng bí thư đảng CSVN. Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh là người đã ra lệnh cho bộ đội CSVN để cho Trung Cộng tự do đánh chiếm Gạc Ma, lên làm chủ tịch nước năm 1992. Từ sau Đỗ Mười, mỗi lần bầu chọn tổng bí thư, đảng CSVN đều tham khảo ý kiến của lãnh đạo Trung Cộng.

Mặt khác, đảng CSVN ra lệnh cho quốc hội thay đổi hiến pháp. Thông thường, người ta thay đổi hiến pháp khi đất nước có thay đổi. Lần nầy, CSVN thay đổi hiến pháp chỉ vì thay đổi chính sách ngoại giao. Hiến pháp cũ năm 1980 là hiến pháp chống Trung Cộng. Ví dụ trong “Lời nói đầu”, hiến pháp nầy có đoạn: “Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây-Nam và chống bọn bá quyền Trung quốc ở biên giới phía Bắc…”

Bản hiến pháp soạn lại lần nầy hoàn toàn không có chữ nào chống Trung Cộng, được quốc hội thông qua ngày 15-4-1992 và ban hành ngay. Hiến pháp là bộ luật cao nhứt nước, mà CS còn đổi cho đẹp lòng Trung Cộng, thì có gì mà CS không làm được?

THAY ĐỔI VĂN HÓA XÃ HỘI

Từ đây, Trung Cộng là tất cả những gì cao cả thiêng liêng đối với CSVN, đến nỗi CSVN “kỵ húy” khi nói đến Trung Cộng, giống như thời quân chủ kỵ húy tên vua chúa. Ví dụ ngư dân Việt bị tàu Trung Cộng tấn công, thì báo chí CS gọi là “tàu lạ”, mà không được nói là tàu Trung Cộng.

Cờ Trung Cộng có 5 sao. Khi Nguyễn Phú Trọng thăm viếng Bắc Kinh, ngày 11-10-2011 đài Truyền hình Hà Nội cho phát hình cờ Trung Cộng có 6 sao. Sau đó, Tập Cẩm Bình đến Hà Nội ngày 21-12-2011, học sinh Việt Nam đón chào cũng bằng cờ 6 sao. Dân chúng Hà Nội cho rằng ngôi sao thứ 6 tượng trưng cho chế độ CSVN, chư hầu mới của Trung Cộng.

Sách giáo khoa học sinh lớp 1 nhan đề Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ, có hình cờ Trung Cộng ngoài bìa thay vì hình cờ CSVN. Gieo vào trí óc trẻ em hình ảnh cờ Trung Cộng chỉ sớm phát triển toàn diện não trạng nô lệ bắc phương nơi trẻ em mà thôi.

Từ sau hiệp định về biên giới trên đất liền và về lãnh hải trong các năm 1999 và 2000, CS sửa đổi sách giáo khoa lịch sử, sách giáo khoa địa lý, sửa đổi bản đồ, dùng tên Tàu để chỉ các hải đảo ngoài Biển Đông.

Năm 2014, CSVN thỏa thuận cho Trung Cộng thành lập Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội, giảng dạy tiếng Tàu, nói là củng cố và phát triển quan hệ hai nước, thực chất là mở đường Hán hóa và đi vào quỹ đạo của Trung Cộng. Ở các nước khác, Trung Cộng cũng lập viện Khổng Tử, nhưng bị kiểm soát và canh chừng chặt chẽ.

Nham hiểm nhứt là vào cuối năm 2017, có kẻ tên là Bùi Hiền, tốt nghiệp tiến sĩ ở Liên Xô, đưa ra “Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ”, thay đổi cách đánh vần Quốc ngữ, làm cho cách viết tiếng Việt giống cách la tinh hóa chữ Tàu. Chủ trương biến dạng chữ Việt, phải chăng nhằm mục đích loại trừ tiếng Việt? (Ở đây xin nhắc lại câu nói của Phạm Quỳnh: “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Vì vậy muốn xóa nước ta, thì trước hết Trung Cộng phải xóa tiếng Việt.)

Lo ngại một thời kỳ Hán thuộc mới trên quê hương, dân chúng tổ chưc những cuộc biểu tình chống Trung Cộng. CSVN liền bắt giam tất cả những ai biểu lộ thái độ chống Trung Cộng, dù bất bạo động. Nạn nhân đầu tiên là luật sư Lê Chí Quang, vì ông Quang viết bài chỉ trích CSVN nhượng bộ trong hai hiệp ước ký với Trung Cộng Ông bị bắt tháng 2-2002 và bị tuyên án 4 năm tù giam, 3 năm quản thúc.

Như thế, chỉ vì cam tâm làm tay sai cho Trung Cộng, đảng CSVN tiêu diệt lòng yêu nước, tiêu diệt hào khí dân tộc của người Việt. Một dân tộc không còn lòng yêu nước, không còn hào khí, chắc chắn sẽ là một dân tộc bạc nhược, mất gốc và dần dần tự tiêu vong.

Ngoài ra, Trung Cộng còn dùng đòn bẫy chính trị và kinh tế để khuynh đảo bộ máy cầm quyền CSVN, ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội.

Về chính trị, hiện nay ở trong nước, cán bộ các cấp CSVN hoàn toàn do Trung Cộng chi phối. Ai phục tùng Trung Cộng thì được thăng thưởng. Ví dụ điển hình là Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Ai không phục tùng, thì chắc chắn sẽ bị mất chức. Ví dụ rõ nét là bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Nếu thời Tam quốc bên Trung Hoa, tư đồ Vương Doãn dùng mỹ nhân Điêu Thuyền để ly gián Đổng Trác với Lữ Bố, thì ngày nay CSTH dùng người đẹp Trương Mỹ Vân (Cheng Mei Wang) sập bẫy tổng bí thư Lê Khả Phiêu (nhiệm kỳ 1997-2001). Dưới thời viên tổng bí thư nầy,Việt Nam ký hai hiệp ước, mất ải Nam Quan và mất 10,000 km2 bề mặt Biển Đông.

Về kinh tế, trong khi Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy qua kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các công ty Trung Cộng vừa dùng thế lực chính trị, vừa hối lộ, mua chuộc cán bộ cao cấp, độc chiếm các hợp đồng kinh tế, đấu thầu những công trình kỹ nghệ quan trọng, tổ chức các tổ hợp sản xuất lớn, thuê đất rẻ, vị trí kinh doanh tốt, thuế biểu thấp. Nếu gây ô nhiễm môi trường mà bị phát hiện, thì chỉ bị phạt nhẹ, thấy ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) …

Còn rất nhiều mưu toan của CSVN âm thầm chuyển hướng văn hóa Việt sang văn hóa Tàu, mà bài viết ngắn nầy không thể ghi nhận hết được. Các sự kiện nổi cộm tiếp theo càng bạch hóa nội dung của thỏa thuận Thành Đô.

HIỆP ƯỚC VỚI TRUNG CỘNG.

Vấn đề biên giới Việt Hoa cả hàng ngàn năm lịch sử cũng chưa giải quyết dứt khoát. Thế mà sau khi đầu phục Trung Cộng năm 1990, CSVN liền hội họp với Trung Cộng và nhanh chóng ký kết với Trung Cộng Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (ngày 30-12-1999), theo đó Việt Nam bị mất nhiều đất dọc theo biên giới, mất đoạn ải Nam Quan và một phần thác Bản Giốc. Ải Nam Quan là một đoạn đèo hẹp giúp người Việt phòng thủ chống những cuộc tấn công từ phương bắc, và ải Nam Nam là nơi ghi dấu những chiến tích oai hung của dân tộc. Thế mà CSVN đã nhượng đoạn đường đèo chiến lược lịch sử nầy cho Trung Cộng quá dễ dàng.

Từ khi mất ải Nam Quan, hai chữ NAM QUAN biến mất trong tất cả các sách giáo khoa, sách sử địa, trong từ điển, và trên báo chí ấn hành sau năm 2000 ở Việt Nam. (Mời độc giả thử tự kiểm chứng các sách trong nước sau năm 2000.)

Về vịnh Bắc Việt, so với cách phân chia năm 1887 với nhà Thanh (Trung Hoa) thời Pháp thuộc về vịnh Bắc Việt, thì Hiệp ước phân định lãnh hải, phân chia quyền lợi trên vịnh Bắc Việt (ngày 25-12-2000) làm Việt Nam mất trên 8% diện tích vịnh Bắc Việt, tương đương khoảng 10,000 Km2 mặt biển.

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN

Kế đến là vấn đề bô-xít Tây nguyên. Tây nguyên là từ ngữ của CS sau năm 1975 để chỉ vùng cao nguyên Nam Trung phần. Cao nguyên nầy có nhiều tiềm năng về quặng bô-xít (bauxite), dùng để luyện nhôm, nhưng chuyên gia Liên Xô sau năm 1975 khuyến cáo là không nên khai thác vì sợ tác hại môi trường. Vì vậy, lúc đầu chương trình bô-xít Tây nguyên bị bãi bỏ.

Sau Thành Đô, khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, CSVN trở lại kế hoạch thăm dò, chế biến bô xít Tây nguyên năm 2007, rồi thuê công ty Chalienco (Trung Cộng) xây dựng nhà máy khai thác với hàng chục ngàn chuyên viên và công nhân Trung Cộng, rất nguy hiểm cho an ninh đất nước.

Theo báo Financial Times ngày 7-5-2009, thì đây là món quà Nguyễn Tấn Dũng triều cống Trung Cộng. Thật ra phẩm vật triều cống nầy không phải của riêng Dũng, mà là do quyết định của Bộ chính trị đảng CSVN, Nguyễn Tấn Dũng mới thực hiện.

CÁC ĐẶC KHU KINH TẾ

Hiện nay, vấn đề đang sôi nổi là chuyện ba đặc khu kinh tế. Xin nói ngay là Bộ chính trị đảng CSVN ra lệnh (ngày 22-3-2017) cho quốc hội soạn “Luật đơn vị hành chánh kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”, gọi tắt là luật đặc khu, có nghĩa là đảng CSVN quyết định thành lập các đặc khu, rồi ra lệnh quốc hội thi hành.

Được biết quốc hội sẽ chung quyết dự luật đặc khu ngày Thứ ba 12-6-2018, thì ngày Chủ nhật 10-6-2018, trong nước nổ ra những cuộc biểu tình đông đảo ở các thành phố lớn. Ai cũng đã thấy những cuộc biểu tình nầy qua các You tube.

Cũng cùng ngày đó, người Việt hải ngoại đồng tổ chức biểu tình tại tất cả các thủ đô và thành phố lớn các nước trên thế giới, phản đối dự luật bán đất cho Trung Cộng.

Trước cao trào phản đối của đồng bào trong và ngoài nước, quốc hội CS phải hoãn biểu quyết luật đặc khu cho đến kỳ họp quốc hội lần thứ 6 vào tháng 10-2018. Tuy nhiên tháng 10 đã qua, chưa thấy quốc hội bàn chuyện đặc khu, nhưng phải coi chừng, vì bộ chính trị đảng CSVN có thể bất ngờ chen vào bắt buộc quốc hội bỏ phiếu khiến dân chúng không kịp trở tay.

Sách báo đã viết nhiều về ba đặc khu trong dự luật. Ở đây, chỉ xin độc giả lưu ý rằng ba đặc khu trên đây là những vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Ai làm chủ các đặc khu, sẽ làm chủ bờ biển Việt Nam. Chắc chắn Trung Cộng muốn làm chủ các đặc khu, nhằm hỗ trợ cho chiến lược toàn cầu của Trung Cộng là “một vành đai, một con đường” (Nhất đới nhất lộ).
Quan sát bản đồ Việt Nam trong vùng Đông Dương, chúng ta nhận thấy phía bắc Việt Nam, quân đội Trung Cộng rải dài dọc theo 6 tỉnh biên giới. Phía tây Việt Nam, Trung Cộng bảo trợ Lào và Cambodia. Phía đông và phía nam Việt Nam là vùng bờ biển, ba đặc khu trên phong tỏa và kiểm soát hoàn toàn đường ra biển của Việt Nam.

Nhìn vào bản đồ nầy, ai cũng thấy rõ ràng rằng nếu Trung Cộng làm chủ các đặc khu trên đây, thì Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng vây cả bốn phía của Trung Cộng.

KẾT LUẬN

Cộng sản Việt Nam che giấu kết quả hội nghị Thành Đô, nhưng tất cả những chuyện có thật đã xảy ra sau hội nghị Thành Đô cho thấy Việt Nam đang đứng trước hiểm họa mất nước vào tay Trung Cộng. Hội nghị Thành Đô năm 1990 mở đầu kỷ nguyên “xâm lăng thầm lặng” (silent invasion), rất thâm độc, đưa Việt Nam vào quỹ đạo Trung Cộng. Rõ ràng hiểm họa mất nước vào tay Trung Cộng do đảng CSVN gây ra.

Nhớ lại lịch sử, vào đầu thế kỷ 15, nước Việt chúng ta bị nhà Minh (Trung Hoa) đô hộ khoảng 20 năm. Sau cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo thành công, Nguyễn Trải viết bản “Bình Ngô đại cáo”, đã mô tả nền cai trị của nhà Minh như sau: “Độc ác thay! Trúc rừng không ghi hết tội. Dơ bẩn thay! Nước bể không rửa sạch mùi!”.

Cảnh tượng nầy ngày nay đang tái hiện khi nhìn qua các nước phía tây Trung Cộng. Trung Cộng tàn sát người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương, hoặc Trung Cộng đàn áp người Tây Tạng, bắt giam hàng triệu người vào trong những ngục tù tăm tối, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải tố cáo và Liên Hiệp Quốc lên tiếng phản đối.

Hiện tượng nầy bắt đầu manh nha ở Việt Nam. Trung Cộng lấn đất biên giới phía bắc, xâm chiếm các hải đảo ngoài biển Đông, lập các khu phố Tàu ở các thành phố Việt, di dân đến các vùng kinh tế mà Trung Cộng thuê bao dài hạn …

Viễn tượng đen tối đang chờ đợi người Việt Nam nếu một lần nữa Việt Nam lọt vào tay Trung Cộng. Xin chú ý rằng dù có người hiện là đảng viên CS, là cán bộ, bộ đội CS, công an nhân dân CS, con cháu của những người nầy cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu chung của dân tộc một khi Việt Nam lọt vào tay Trung Cộng, nghĩa là chết vào tay Trung Cộng.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 8-12-2018)





No comments: