Thùy Dương – RFI | ĐIỂM BÁO
Đăng ngày 27-12-2018
Một
mình chống lại tất cả, hay gần như tất cả. Trên đây là câu mở đầu trong bài xã
luận của báo Le Monde « Syria : Sự phản bội của Trump ». Tổng
thống Mỹ đã ra lệnh rút quân đội khỏi Syria. Hôm 19/12, chủ nhân Nhà Trắng viết
trên Twitter : « Chúng ta đã thắng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Rồi
sau đó, trong một đoạn video, tổng thống Donald Trump nói : « Chúng ta
đã chiến thắng. Đã đến lúc các đội quân của chúng ta trở về nhà. Tất cả họ sẽ
trở về, và họ sẽ về ngay từ bây giờ ».
Khi nhắc đến 2.000 quân nhân Mỹ đóng ở Syria, Donald
Trump cho thấy ông đang thực hiện một trong các lời hứa trong chiến dịch tranh
cử tổng thống. Nguyên thủ Mỹ cũng dự kiến rút một nửa số quân khỏi Afghanistan.
Kể từ khi tổng thống George W.Bush chọn cách đáp trả vụ tấn công 11/09/2011 bằng
các cuộc chiến, hai tổng thống kế nhiệm là Barack Obama và Donald Trump đã đắc
cử với lời hứa ngưng can thiệp quân sự vào Afghanistan.
Nhưng theo Le Monde, vấn đề nằm ở chỗ quyết định của
tổng thống Trump, trong tình trạng xung đột hiện nay, là vô cùng nguy hiểm.
Trái ngược với những điều mà ông khẳng định, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chưa bị
đánh bại. Từ hai năm nay, Daech mất các thành phố và vùng lãnh thổ đặt căn cứ địa,
nhưng thủ lĩnh Daech, Abou Bakr Al Baghdadi vẫn còn sống. Daech vẫn còn
20.000-30.000 chiến binh ở vùng biên giới Irak - Syria.
Một vấn đề khác là quyết định của chủ nhân Nhà Trắng
chỉ làm hài lòng một bên là Matxcơva, Teheran, Damas và bên kia là Ankara. Tuy
nhiên, không ai trong liên quân chống Daech hài lòng. Và chính Washington lại
là nơi Donald Trump bị phản đối nhiều nhất. Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis
và đặc phái viên bộ Ngoại Giao Mỹ tại liên minh chống Hồi Giáo cực đoan, Brett
McGurt, đã ngay lập tức từ chức.
Mọi chuyện diễn
ra cứ như thể Donald Trump đã quyết định một mình, mang lại lợi ích cho
Matxcơva và Ankara, mà không thương lượng đổi chác điều gì. Tổng thống Nga Valdimir Putin, người từng nhận xét « Donald có
lý », mới là người chiến thắng. Còn về Recept Erdogan, chính sau khi
bàn luận với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mà Donald Trump thông báo quyết định rút
quân khỏi Syria : Thổ Nhĩ Kỳ trở thành « cánh tay vũ trang » của
Mỹ trong cuộc chiến chống Daech ở Syria. Đổi lại, Erdogan được Trump bật đèn
xanh cho phép tiêu diệt dân quân Kurdistan.
Le Monde nhận định quyết định của Donald Trump thật
đáng xấu hổ, đó là « một sự phản bội ». Lực lượng dân quân
Kurdistan đã từng là đồng minh tốt nhất của liên quân quốc tế chống Daech ở
Syria. Dân quân Kurdistan vẫn ngày ngày chống phiến quân Hồi giáo cực đoan, giữ
không cho hàng ngàn chiến binh Daech tỏa ra khắp thế giới, nhất là không để họ
thâm nhập vào châu Âu. Bị
Hoa Kỳ bỏ rơi, dân quân Kurdistan sẽ rơi vòng kìm kẹp của Ankara và Damas.
Bài xã luận của Le Monde kết luận là giờ đây, ai
cũng lường trước một điều : lời nói của tổng thống Mỹ không có nghĩa lý gì. Quý
vị có thể tham gia vào một cuộc chiến mà cả thế giới nhìn nhận là chính đáng, mất
hàng ngàn chiến binh, rồi sau đó bị bỏ rơi, chỉ đơn giản bằng một tin Twitter.
Sự phản bội này là một tin tức tốt đẹp nhất mà phong trào Hồi Giáo cực đoan
mong chờ từ bao lâu nay.
Trung
Quốc dự kiến ngưng kiểm soát tỉ lệ sinh đẻ
Nhìn sang châu Á, trong lĩnh vực xã hội, báo Le
Figaro cho biết « Bắc Kinh dự kiến ngưng kiểm soát chuyện sinh con từ
năm 2019 ». Bốn mươi năm sau khi ban hành chính sách một con gây nhiều
tranh cãi, rất có thể chính quyền Trung Quốc lại xóa bỏ hoàn toàn những quy định
hạn chế số con của mỗi gia đình. Theo một tờ báo pháp luật của nhà nước, Bắc
Kinh đang chuẩn bị thay đổi bộ luật dân sự, bỏ điều khoản liên quan đến kiểm
soát sinh đẻ. Theo dự kiến, luật mới sẽ được Quốc Hội thông qua vào năm 2020.
Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ hủy bỏ mọi quyết định về hạn
chế số con trong các gia đình ngay từ năm 2019.
Chính sách một con được ban hành năm 1979 nhằm tránh
việc dân số tăng quá nhanh, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy
nhiên, mọi chuyện đã chệch hướng một cách khủng khiếp, chẳng hạn nhiều người bị
cưỡng ép triệt sản hay phá thai. Không những thế, chính sách một con còn đẩy mạnh
tốc độ lão hóa dân số. Vào cuối năm 2013, chính phủ đành phải điều chỉnh chính
sách, cho phép những gia đình - mà một trong hai phụ huynh là con một - được
sinh con thứ hai. Từ đầu năm 2016, theo quy định mới, mọi gia đình ở Trung Quốc
đều có thể sinh 2 con.
Tuy nhiên, Le Figaro nhận định Trung Quốc đang phải
đối mặt với « một quả bom nổ chậm ».Theo dự báo của nhà chức trách
nước này, vào năm 2050, 35% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi. Tình trạng này sẽ
làm suy yếu hệ thống y tế, hưu trí và đe dọa nền kinh tế quốc gia.
Trong khi đó, các quy định mới về dân số lại chưa thể
phát huy ngay tác dụng. Tỉ lệ sinh tăng mạnh vào năm 2016, rồi lại giảm trong
năm 2017. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Hiệp hội phụ nữ Trung Quốc thực hiện
năm 2016, hơn 53% số hộ gia đình có 1 con không muốn sinh thêm con, do chi phí
giáo dục, chăm sóc sức khỏe và chi phí cho nhà ở quá cao.
Theo nhiều chuyên gia, để tỉ lệ sinh tăng trở lại, cần
có những cải cách triệt để về mọi mặt, như chế độ an sinh xã hội phải có tác dụng
khuyến khích người dân sinh con, giảm chi phí nhà cửa, giáo dục và chăm sóc sức
khỏe, chế độ nghỉ thai sản cho người làm công ăn lương phải do Nhà Nước chứ không
phải chủ doanh nghiệp gánh vác …
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng phải mất
30-50 năm thì các biện pháp mới phát huy tác dụng, bởi vì chính sách kế hoạch
hóa gia đình trong gần 40 năm qua đã phá hủy cơ cấu dân số của Trung Quốc. Và
các vấn đề không thể được giải quyết « chỉ trong ngày một, ngày hai ».
Châu Âu
: Vì sao doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động ?
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos tìm hiểu tại
sao « Tình trạng thiếu việc làm ngày càng phổ biến ở châu Âu ». Trong
khi nhiều nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha đang cố gắng giảm tỉ lệ thất nghiệp
thì tại nhiều nước Bắc Âu và Đông Âu, dù việc làm không thiếu, nhưng các doanh
nghiệp đều than phiền ngày càng khó tuyển dụng lao động. Ẩn sau hiện tượng này
không hẳn là do nền kinh tế tăng trưởng kém, mà chủ yếu là vấn đề « thất
nghiệp do cơ cấu ».
Ở Đông Âu, Ba Lan, Hungary và Cộng Hòa Séc là những
nước có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao ở châu Âu. Nhưng tình trạng lão hóa dân số,
kèm theo đó là làn sóng người lao động chạy sang Tây Âu tìm kiếm việc làm có
thu nhập cao hơn, đã khiến các nước Đông Âu thiếu nhân công. Giới chuyên gia đề
xuất nhiều biện pháp, chẳng hạn tăng lương, giảm thuế cho lao động có thu nhập
thấp và tiếp nhận di dân quốc tế một cách có tổ chức để bù đắp thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính phủ các nước này vẫn từ chối giải pháp tiếp nhận
lao động nhập cư.
Còn ở Tây Âu, Bắc Âu, các nước Phần Lan, Áo, Đức vốn
có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu, lại là những quốc gia đầu tiên mà các
doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động trên diện rộng,
trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ y tá tới kỹ sư. Tại Đức, dân số già cũng
khiến tình trạng thiếu lao động thêm nghiêm trọng. Chính phủ Đức mới đây đã phải
thông qua dự luật tạo điều kiện thuận lợi để các di dân có trình độ, tay nghề
được tham gia thị trường lao động ở Đức, kể cả người nhập cư tới từ các nước
ngoài Liên Hiệp Châu Âu.
Có một nghịch lý là ngay tại các nước Nam Âu vốn có
tỉ lệ thất nghiệp cao, thì việc tuyển dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Đó chính là
tình trạng tạm gọi là « thất nghiệp cơ cấu », có nghĩa người
lao động thiếu năng lực, kỹ năng làm việc nên khó được tuyển dụng. Giám đốc
nghiên cứu của Natixis nhấn mạnh chính ở các nước có tỉ lệ thất nghiệp cao như
Tây Ban Nha, Ý và Pháp, tỉ lệ thất nghiệp cơ cấu cũng rất cao. Tăng trưởng kinh
tế không thể giải quyết được vấn đề này, giải pháp là phải cải cách mạnh mẽ
giáo dục, đào tạo.
Tựa
trang nhất các báo Pháp
Báo Le Monde nhận định « Tại Châu Âu, sự thụt
lùi của các đảng lớn làm suy yếu chính phủ của các nước ». Có 14/28 nước
thành viên Liên Hiệp Châu Âu có chính phủ liên minh mà các thành viên đều không
có đa số tại Quốc Hội. Từ Anh Quốc, Thụy Điển, đến Bỉ và Tây Ban Nha, tình trạng
này bộc lộ sự bấp bênh, mong manh của các đại diện chính trị. Một trong các
nguyên nhân là sự suy tàn của các đảng truyền thống, bảo thủ, Dân Chủ - Thiên
Chúa Giáo hay Xã Hội - Dân Chủ. Theo chính trị gia người Bỉ, Pascal Delwit, thực
trạng này cũng là hậu quả của sự lớn mạnh của các đảng phái theo khuynh hướng cực
đoan.
Quan tâm tới thời sự nước Mỹ, báo Libération chạy
tít : « Trump : Người gây hại cho Wall Street ». Trong khi
tình trạng shutdown đe dọa nền kinh tế Mỹ, tổng thống Mỹ gây ra nỗi ngờ vực cho
các thị trường và gợi lên nỗi ám ảnh về một cuộc khủng hoảng.
Báo công giáo La Croix nhìn vào thế khó của Pháp sau
khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quân khỏi Syria : « Vấn đề
người Kurdistan : Thế tiến thoái lưỡng nan của Pháp ».Quyết định của Trump
khiến liên quân quốc tế chống Daech ở Syria tan rã. Sự can thiệp của riêng nước
Pháp không đủ để bảo vệ người Kurdistan.
Trong khi đó, báo Le Figaro chú ý đến sự trở lại của
nhà văn Houellebecq. Trong cuốn tiểu thuyết thứ bảy của ông
mang tên Serotonin, tác giả Houellebecq đưa người đọc về vùng nông thôn Pháp
ngày nay, vẫn với một cái nhìn phê phán về sự vận động của xã hội.
Còn báo kinh tế Les Echos chú ý đến tiền ảo. Giá trị
của bitcoin sụt giảm 80% một cách nhanh chóng, nhanh không kém gì so với khi đồng
tiền ảo này tăng giá chóng mặt hồi năm 2017.
---------------------------
LIÊN
QUAN
Thụy
My Đăng ngày 21-12-2018
.
Tú Anh Đăng ngày 20-12-2018
Người Việt Online
December 27, 2018
BEIRUT,
Lebanon (NV) — Lo ngại trước quyết định rút quân khỏi
Syria của Tổng Thống Donald Trump, giới lãnh đạo người thiểu số Kurd, vốn kiểm
soát phần lớn khu vực phía Bắc Syria, kêu gọi Nga và đồng minh của họ ở
Damascus hãy gửi quân đến biên giới để ngăn không cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kéo
qua.
Theo bản tin hãng thông tấn Reuters, lời kêu gọi của
người thiểu số Kurd là quân đội chính phủ Syria hãy quay trở lại vùng biên giới,
cho thấy tình trạng nguy kịch của họ sau khi ông Trump bất ngờ ra lệnh rút
quân.
Tuy hiện nay chưa có sự thay đổi nào ở vùng biên giới
giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, do quân đội Mỹ còn đóng nơi này và ông Trump nói việc
rút quân sẽ diễn ra từ từ, các giới chức Kurd đang vội vã tìm chiến lược để bảo
vệ khu vực của họ trước khi Mỹ rút quân.
Các giới lãnh đạo người Kurd đang gia tăng các cuộc
thương thảo với Damascus và Moscow. Họ cũng đang cố gắng tìm cách thuyết phục
các quốc gia Tây Phương khác lấp vào khoảng trống quân sự do Mỹ để lại.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay vẫn luôn tìm
cách tiêu diệt người thiểu số Kurd vì sắc dân này muốn lập khu tự trị trong
nội địa Thổ.
Khu vực do người Kurd kiểm soát nay chiếm khoảng 1/4
lãnh thổ Syria, phần lớn nằm về phía Đông sông Euphrates. Đây cũng là nơi có
nhiều trữ lượng dầu hỏa của Syria.
(V.Giang)
No comments:
Post a Comment