Saturday, December 29, 2018

LÀM THẾ NÀO ĐỂ MUA ĐỨT MỘT QUỐC GIA? - CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA (FB Mạnh Kim)




27/12/2018

CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA

Làm thế nào để mua đứt một quốc gia? Vài “điều kiện” dưới đây sẽ giúp “thỏa mãn” được tham vọng biến một quốc gia thành thuộc địa.

– Quốc gia đó không xây dựng được nền kinh tế đủ mạnh và có khả năng tự lập, tự chủ.

– Quốc gia đó không có nền chính trị dân chủ, không có hệ thống chính trị tam quyền phân lập để kiểm soát “hành vi” chính phủ. Mọi vấn đề đều do đảng cai trị quyết định.

– Quốc gia đó không có những nhóm trí thức đủ ảnh hưởng để xây dựng sức mạnh tập thể chống lại sự độc tài nhà nước.

– Quốc gia đó không có những chính trị gia đúng nghĩa sẵn sàng từ bỏ quyền lực chính trị lẫn quyền lợi cá nhân để đứng về phía người dân.

– Quốc gia đó không có một nền giáo dục tự do.

– Quốc gia đó không có hệ thống báo chí phản biện và những nhà báo dũng cảm; và quốc gia đó sẵn sàng mở rộng cửa nhà tù đối với bất kỳ ai dám nói sự thật.

– Quốc gia đó không có chiến lược đầu tư nhân lực và sử dụng nhân tài.

– Quốc gia đó bị ngoại bang can thiệp trong vấn đề nhân sự; và quốc gia đó cũng tự gắn liền số phận mình với ngoại bang.

Câu chuyện Campuchia dưới đây là bài học gần nhất và rõ ràng nhất cho thấy làm thế nào một quốc gia có thể mất chủ quyền, hay nói cách khác, làm thế nào mà một quốc gia có thể bị mua đứt một cách dễ dàng…
………

Thứ tư 19-9-2018, Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã tiếp Quốc vương Norodom Sihamoni và Hoàng thái hậu Norodom Monineath Sihanouk của Campuchia tại Điếu ngư đài. Tập hoan hỉ nói về sự đơm hoa kết trái “ngày càng rực rỡ” kể từ khi quan hệ hai nước hình thành cách đây 60 năm. Quan hệ này không chỉ dựa trên kinh tế. Nó đã biến thành đồng minh chính trị mà trong đó Campuchia ngày càng giống như một chư hầu – trung thành và “ngoan ngoãn”…

Khi “thái thú” có mặt

Không khí như một lễ hội náo nhiệt. Hơn 50.000 đảng viên trung thành, mặc áo trắng, vẫy cờ xanh, đang tề tựu tại thủ đô Phnom Penh. Thanh thế đảng Nhân Dân Campuchia của Hun Sen như rồng chầu hổ phục, trong khi đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia đã bị Tối cao pháp viện giải tán và thủ lĩnh Kem Sokha bị nhốt tù. Người nổi bật nhất chiến dịch tranh cử vào tháng 7-2018 là Hun Sen, một thủ tướng trị vì lâu nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương (33 năm, tính đến nay). 7g15 sáng, Hun Sen xuất hiện. Ông bắt đầu phát biểu. Bài diễn viên soạn sẵn được đọc suốt 70 phút, trừ một chút gián đoạn bởi cơn mưa bất chợt.

Trong số khách mời danh dự có Hùng Ba (Xiong Bo), đại sứ Trung Quốc tại Campuchia. Không có đại sứ nước nào khác hiện diện, kể cả đại sứ Hoa Kỳ William Heidt. Sự có mặt Hùng Ba là đáng chú ý, vì trước đó Bắc Kinh luôn nhấn mạnh yếu tố “trung lập” của cuộc bầu cử và liên tục cảnh báo “sự can thiệp nước ngoài”. Bắc Kinh đã “trung lập” và “đứng bên ngoài” bằng việc… hỗ trợ đến 20 triệu USD trang thiết bị cho cuộc bầu cử, từ phòng phiếu, laptop đến computer (tiết lộ của tờ Bloomberg ngày 30-7-2018). Kết quả, Hun Sen giành trọn 125 ghế Quốc hội. Một trong những việc đầu tiên Hun Sen làm sau ngày chiến thắng là gửi thư cám ơn Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Sự có mặt của “thái thú” Hùng Ba trong chiến dịch bầu cử đã nói lên mức độ hiện diện sâu của Trung Quốc tại Campuchia. “Đây là một bước đi táo bạo đối với Trung Quốc” – nhận xét của Chheang Vannarith thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) – “Trong quá khứ, Trung Quốc luôn giữ thái độ kín kẽ trong các cuộc bầu cử lẫn sinh hoạt chính trị địa phương của Campuchia. Lần này Trung Quốc rất công khai và tự tin”. Trung Quốc đã qua mặt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất từ năm 2014. Điều mỉa mai ở chỗ, hồi thập niên 1980, Campuchia đã nhận viện trợ Việt Nam và Liên Xô để đánh lực lượng Khmer Đỏ được Bắc Kinh chống lưng. Nhật Bản là nước đóng góp nhiều nhất trong chiến dịch cứu trợ 2 tỷ USD do LHQ phát động năm 1993 giúp Campuchia ổn định hòa bình và xây dựng dân chủ. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và cả “người anh lớn” Việt Nam đều đang bị đẩy ra rìa. Trong diễn văn ngày 2-7-2018, Hun Sen nói rằng Trung Quốc giờ là nhà đầu tư lớn nhất tại nước mình. Năm 2017, Trung Quốc đã bơm 1,644 tỷ USD vào Campuchia (so với 600 triệu năm 2012). Chỉ riêng hợp đồng xây dựng hạ tầng mà Trung Quốc ký tính đến cuối năm 2017 đã lên đến 17,54 tỷ USD, tại một nước mà GDP chỉ nhỉnh hơn 20 tỷ USD!

Hun Sen trong lòng bàn tay Bắc Kinh

“Vì Phnom Penh xinh đẹp, chúng tôi trân trọng mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn” – đó là hàng chữ trên băngrôn của công ty bất động sản Guangzhou R&F Properties (treo trước một khu đất đang xây dựng trị giá đến hơn 2 tỷ USD). Guangzhou R&F Properties đang biến một đầm lầy 7 hecta thành khu dân cư giáp một xa lộ bốn làn được đặt tên “Hun Sen”. Bộ du lịch Campuchia cho biết, hơn 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc đã đến “đất nước Campuchia xinh đẹp” năm 2017, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Sihanoukville đã cấp 4.498 giấy phép làm việc cho người Trung Quốc. Năm 2017, số du khách Trung Quốc đến Sihanoukville lên đến gần 160.000 lượt người, trong khi dân số thành phố này chỉ là 157.000!

Đất đai Campuchia đang rơi vào tay Trung Quốc, kể cả số phận quốc gia, cũng như số phận chính trị của cá nhân Hun Sen. Ngày 27-2-2018, Chính phủ Mỹ tuyên bố cắt viện trợ Campuchia vì cuộc bầu cử Thượng viện “không đáp ứng ý nguyện người dân”. Gần như trong cùng thời gian, Đức cũng loan báo hạn chế visa cho các thành viên Chính phủ Campuchia trong đó Hun Sen. Kem Sokha, thủ lĩnh đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc, bị bắt giam vào tháng 9-2017 với cáo buộc âm mưu đảo chính bằng “tài trợ Mỹ”. “Mỹ muốn chia rẽ Campuchia và phá hoại đất nước chúng ta” – phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan nói – “Mỹ hoang tưởng điên rồ và luôn muốn nhà nước Campuchia phải suy yếu để họ có thể trở lại và đuổi Trung Quốc đi”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị, Hun Sen chưa bao giờ tin và có cảm tình với Mỹ. Khi làm lãnh đạo bù nhìn cai trị một nội các do Hà Nội dựng lên, Hun Sen cảm thấy uất giận vì Washington từ chối không nhìn nhận chính quyền mình. Hun Sen cũng chưa bao giờ được Washington mời đến Tòa bạch ốc. Trong khi đó, ông đã đến Trung Quốc nhiều lần và được Bắc Kinh đón tiếp nồng hậu. Năm 2016, đích thân “hoàng đế” Tập Cận Bình công du Phnom Penh. Mức độ “thù địch” công khai với Mỹ của Hun Sen tăng dần, tương ứng với sự “bảo kê” ngày có vẻ chắc chắn hơn từ Bắc Kinh. Trong buổi lễ khánh thành một cây cầu Mekong, Hun Sen chỉ vào nhóm phóng viên New York Times, gằn giọng rằng nếu bài viết của họ có nội dung “không đủ tích cực” thì “nhân dân Campuchia sẽ ghi nhớ bộ mặt các ông”. Ngày 3-3-2018, Hun Sen gọi đại sứ Mỹ William Heidt là “một tên dối trá”.

Khó có thể nói Trung Quốc không dính dáng hoặc không có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 7-2018. Chuyên gia Đông Nam Á học Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ghi nhận rằng quan hệ giữa đảng Nhân Dân Campuchia của Hun Sen với Trung Quốc được củng cố sau khi đảng Cứu Nguy Dân Tộc suýt thắng trong cuộc bầu cử 2013 và lực lượng đối lập tổ chức loạt cuộc biểu tình chống Hun Sen. Bắc Kinh không thể để vuột tay khỏi Hun Sen và mất trắng một ván bài địa chính trị mà họ đang nắm lợi thế.

Cho nên trong cuộc bầu cử tháng 7-2018, Trung Quốc đã lộ liễu thò tay. Vào giữa mùa bầu cử, Bắc Kinh loan bố cho vay 259 triệu USD để xây một con đường ở Phnom Penh. Vài ngày sau, “thái thú toàn quyền” Hùng Ba ca ngợi chính sách ngoại giao “tuyệt vời” của Campuchia và chỉ trích đề xuất cấm vận công nghiệp dệt của nước này từ Liên minh châu Âu. “Cho dù EU quyết định làm gì thì Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu hợp tác hơn nữa với Campuchia ở mọi lĩnh vực, đặc biệt thương mại và kinh tế” – Hùng Ba nói. Cuối tháng 3-2018, sau cuộc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị, Hun Sen viết trên Facebook cá nhân: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ủng hộ và muốn Samdech Techo (Hun Sen) giành chiến thắng để dẫn dắt số phận đất nước đi đến con đường phát triển trong tương lai”. Tháng 6-2018, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) công du Phnom Penh, tuyên bố cung cấp gói viện trợ quân sự 100 triệu USD…

Bán rẻ đất nước

Campuchia đang mắc vào bẫy nợ Bắc Kinh. Trung Quốc chiếm gần 44% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Campuchia từ 1994 đến 2014. Khoảng 70% cầu đường Campuchia đều được thực hiện với kinh phí từ nguồn vốn vay 2 tỷ USD của Trung Quốc. Theo một số nghiên cứu, Campuchia hiện nợ Trung Quốc hơn 4 tỷ USD, chiếm 2/5 nợ quốc gia nước này. Campuchia dưới thời Hun Sen đã biến thành một quốc gia chư hầu, với cái giá phải trả không ít. Viết trên Foreign Affairs (17-8-2018), giáo sư Charles Edel cho biết, Chính phủ Campuchia đã bí mật nhượng hơn 20% bờ biển cho một công ty Trung Quốc. Hun Sen luôn bảo vệ lợi ích các dự án Trung Quốc tại nước mình, bất chấp những cảnh báo về tổn hại môi trường lẫn các xáo trộn ảnh hưởng người dân địa phương.

Để được “bảo kê”, Hun Sen tỏ ra trung thành tuyệt đối với “Đảng và nhân dân Trung Quốc”. Đứng kế một viên chức cấp cao thuộc Bộ tuyên truyền Trung Quốc vào tháng 4-2017, Hun Sen “vui mừng” thông báo việc phát hành tập “triết học” của tác giả Tập Cận Bình bằng tiếng Khmer đồng thời khuyến khích “viên chức, giáo sư và sinh viên” đọc. Trong khi báo chí đối lập bị bịt miệng (tờ The Cambodia Daily với 24 năm tồn tại buộc phải đóng cửa từ ngày 4-9-2017), truyền thông Campuchia giờ đầy ngập bài viết ca ngợi Trung Quốc, cùng các ấn phẩm của China Daily, Global Times và Xinhua nhan nhản sạp báo thủ đô Phnom Penh.

Sự ổn định chính trị Campuchia ít nhiều đang nằm dưới ảnh hưởng và thao túng của Bắc Kinh. Số phận cá nhân Hun Sen cũng gần tương tự. Chính sách thân Trung Quốc của ông không chỉ mang lại lợi ích riêng ở thời điểm hiện tại. Nó còn cho tương lai lâu dài của hậu duệ. Hun Sen đã cài cắm con cái vào hệ thống chính quyền. Cậu út Hun Many đang chịu trách nhiệm “công tác thanh niên”. Hiện là dân biểu trẻ thứ hai tại Campuchia, Hun Many – từng học tại Mỹ và Úc – đã bày tỏ mong muốn trở thành thủ tướng. Cậu con cả Hun Manet (tốt nghiệp Học viện quân sự West Point-Hoa Kỳ) đang được xem là ứng cử viên số một ghế tổng tư lệnh quân đội. Trong khi đó, cậu thứ hai Hun Manith là “ngôi sao đang lên” của lực lượng tình báo.

Chỉ gắn bó với Trung Quốc mới có thể đảm bảo cho quyền lực độc tài. Chỉ bằng việc bán đứng quốc gia mới có thể duy trì chế độ, dù chỗ đứng đó sẽ bị lịch sử nguyền rủa như thế nào.


-----------------------

28/12/2018

Tiếp theo Bài 1

Để có thể hình dung bức tranh “đặc khu kinh tế” Việt Nam như thế nào, thử nhìn hiện thực đang xảy ra tại Campuchia. Vân Đồn hay Phú Quốc có giống Sihanoukville hay không, chưa thể khẳng định, nhưng viễn cảnh ấy là một hiểm họa đầy ám ảnh…

CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA

BÀI 2: “CHỖ NÀY LÀ TRUNG QUỐC!”

Từng là khu rừng rậm nguyên sinh, nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm, Botum Sakor thuộc tỉnh Koh Kong tại Tây Nam Campuchia đã biến thành “công viên quốc gia”. Chính xác hơn, nó là một sòng bài khổng lồ. Hổ, báo, voi, vượn… đã được thay bằng những “hình nhân” Trung Quốc. Botum Sakor không là nơi duy nhất Campuchia được sang tay cho Trung Quốc với giá rẻ mạt…

“Chỗ này là Trung Quốc!”

Công ty bất động sản Trung Quốc Tianjin Union đã biến 340 km2 thuộc vùng Botum Sakor thành một thành phố sòng bài. Khắp Campuchia, hàng loạt công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã và đang được bán cho Trung Quốc. Chỉ tính đến năm 2011, Phnom Penh đã bán cho Trung Quốc khoảng 7.631 km2 đất, hầu hết là công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Diện tích đất được “sang tay” đã tăng sáu lần chỉ từ 2010-2011. Các vụ giải tỏa khiến nhiều gia đình cư dân địa phương lâm vào cảnh khốn cùng. Bằng việc bán rẻ đất đai, Chính phủ Campuchia cũng mặc nhiên hợp pháp hóa tình trạng phá rừng.

Luật đất đai Campuchia năm 2001 cấm sang nhượng nhiều hơn 10.000 hecta nhưng Tianjin Union vẫn giành được hợp đồng thuê đất 99 năm với 36.000 hecta, chưa kể giấy phép khai thác 9.100 hecta để xây một đập thủy điện. Kế hoạch Tianjin Union là biến khu vực bằng nửa diện tích Singapore thành một thành phố với một phi trường quốc tế, một hải cảng cho du thuyền to, hai bể chứa nước, các khu chúng cư, khách sạn, bệnh viện, sân golf và một casino được đặt tên “Angkor Wat trên biển”. Tổng vốn là khoảng 3,8 tỷ USD. Năm 2012, khi đại công trình này đang được xây dựng, các chốt chặn đã được dựng lên và được canh gác nghiêm nhặt như khu quân sự. Người lạ mặt đến đều bị đuổi đi. “Chỗ này là Trung Quốc!” – nhân viên canh gác xua tay “giải thích”.

Người dân Campuchia không thể biết chính xác bao nhiêu đất đã và đang được bán. Những hợp đồng sang nhượng gần như luôn được giữ bí mật. Theo điều tra Reuters, Tianjin Union đã đặt cọc một triệu USD cho Hội đồng bất động sản Campuchia, như luật quy định; nhưng Campuchia chỉ tính phí thuê đất vỏn vẹn 1 USD/hecta/năm đối với hầu hết công ty bất động sản Trung Quốc!… Năm 2008, Tianjin Union được trao giấy phép thuê khoảng 20% bờ biển Campuchia trong thời hạn 99 năm với giá chỉ 30 USD/hecta. Tương tự Botum Sakor, Koh Pich – còn được gọi là “đảo Kim Cương” – cũng đang biến thành một thành phố với loạt chúng cư, nhà hàng bên bờ sông lộng gió, khu văn phòng và trường học “quốc tế”… Nó nối thủ đô qua một con kênh hẹp với bốn cây cầu. Một mô hình Khải Hoàn Môn đang được dựng tại đây nhưng cảnh quan chẳng dính dáng gì đến văn hóa Pháp: xung quanh đều dày đặc chữ Trung Quốc. Thực dân cũ đã đi. Thực dân mới đang vào.

“Hoan nghinh lai đáo Tây Cáp Nỗ Khắc thị!” (Welcome to Sihanoukville)

Không nơi nào mà Trung Quốc hiện diện rõ bằng Sihanoukville, tức Kompong Som, tức “Tây Cáp Nỗ Khắc thị” theo cách gọi Trung Quốc. Đó là một hải cảng lớn cách thủ đô khoảng 220 km về phía Tây Nam dọc huyết mạch Quốc lộ 4. Các sòng bài Sihanoukville sáng đèn hàng đêm. Thành phố nhộn nhịp với không khí ăn chơi sa đọa. Chẳng ai biết chính xác có bao nhiêu sòng tại nơi này. Một nguồn từ Bộ du lịch Campuchia cho biết có 42 sòng được cấp phép (Nikkei Asian Review 18-7-2018). Tuy nhiên, Cheap Sotheary, giám đốc tổ chức Nhân quyền Campuchia, nói với Nikkei Asian Review rằng con số thật lên đến 81 sòng. Tốc độ xây dựng Sihanoukville ào ạt chóng mặt đến mức người địa phương cũng kinh ngạc. Một số nguồn cho biết, số người Trung Quốc có mặt tại “Tây Cáp Nỗ Khắc thị” hiện chiếm khoảng 20% dân số địa phương. Các công trình xây dựng làm việc suốt 24/24. Trong tổng cộng người ngoại quốc đến Sihanoukville năm 2017, có gần 120.000 người Trung Quốc – tăng 126% so với cùng kỳ năm trước (Guardian 31-7-2018). Trong 1,3 tỷ USD đầu tư vào Sihanoukville vào năm 2017, có đến 1,1 tỷ USD đến từ Trung Quốc.

Ngồi bên ngoài quán ăn của mình, cư dân Deu Dy 23 tuổi bày tỏ lo lắng trước sự xuất hiện của đám người xí xa xí xố tiếng Tàu. “Mọi thứ đều thay đổi tại Sihanoukville chỉ trong hai năm” – Dy nói. Như nhiều người địa phương, Dy giờ phải học tiếng Hoa để “hòa nhập” với cộng đồng dân Trung Quốc dồn dập đến đây. “Tôi lo rằng môi trường sẽ bị tiêu diệt. Chuyện gì sẽ xảy ra một khi toàn bộ công trình được xây dựng xong và hàng ngàn người nữa sẽ đến? Sẽ chẳng còn người Campuchia nào ở Sihanoukville này nữa” – Dy thở dài. Sự có mặt Trung Quốc cũng khiến du khách phương Tây gần như biến mất khỏi thị trấn này – Dy nói thêm.

Đặc khu kinh tế Sihanoukville còn đang biến thành “khu tự trị” của anh chị giang hồ. Dân xã hội đen Trung Quốc thanh toán nhau như cơm bữa. Chúng bắn nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Trong một vụ vào tháng 7-2018, 5 du khách Trung Quốc sau khi thua bạc sạch túi đã bị một nhóm người Trung Quốc khác bắt cóc đòi tiền chuộc. “Cơn lốc du khách Trung Quốc đã tạo cơ hội cho mafia Trung Quốc đến và mang lại sự bất an cho tỉnh” – Yun Min, tỉnh trưởng Sihanoukville, viết thư gửi Bộ nội vụ Campuchia.

Cơn lốc Trung Quốc chắc chắn còn tung hoành Sihanoukville vì doanh nhân Trung Quốc được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế của đặc khu kinh tế này. Đa số trong hơn 100 nhà máy tại đặc khu Sihanoukville đều thuộc quản lý người Trung Quốc. Khoảng 200 công ty Trung Quốc nữa sẽ tiếp tục có mặt, trong kế hoạch mở rộng của đặc khu. Một xa lộ bốn làn (dài 120 km, dự kiến hoàn thành năm 2020) đang được một công ty Trung Quốc xây để nối Sihanoukville đến Phnom Penh. Với một số người địa phương, cơn lốc Trung Quốc là cơ hội làm giàu. Với một số khác, nó là ác mộng.

Kong Samol, tài xế xe tuk-tuk 32 tuổi, cảm thấy ngột ngạt không thể sống nổi. Tiền thuê nhà đã tăng từ 50 USD lên 150 USD/tháng. Chủ nhà muốn tống Kong Samol đi để lấy chỗ cho người Trung Quốc. Sản xuất và kinh doanh hàng hóa-sản phẩm địa phương ngày càng khó khăn. Người Trung Quốc nhập hàng từ nước họ sang. “Thậm chí rau và trái cây cũng nhập từ Trung Quốc” – lời kể của cư dân Srey Mach 43 tuổi – “Họ có tiền, nhiều hơn rất nhiều so với người Campuchia. Điều đó có nghĩa họ đang nắm quyền”. Kinh tế lẫn xã hội Sihanoukville đang bị xáo trộn dữ dội. Hàng trăm doanh nghiệp gia đình của dân địa phương đã đóng cửa trong 12 tháng (tính đến giữa năm 2018). Nhiều người dân địa phương đang biến thành con nợ của các ông chủ Trung Quốc chuyên cho vay nặng lãi. Cả nước cũng đang nợ Trung Quốc: gần ½ trong 5,8 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia đều thuộc chủ nợ Trung Quốc.

Tiến trình thuộc địa hóa

Giữa năm 2018, nhiều dân làng thuộc khu Kiri Sakor (tỉnh Koh Kong) kéo lên thủ đô Phnom Penh để đòi đất, dù chính quyền đã tìm cách ngăn cản bằng cách chặn quốc lộ 48. Nạn nhân Chay Kimhuoch cho biết bà mua 26 hecta từ dân địa phương vào năm 2007 nhưng bị tập đoàn bất động sản Tianjin Union cướp mất vào năm sau. Hơn 10 năm nay, các vụ tranh chấp đất liên quan Tianjin Union vẫn chưa được giải quyết. Theo VOA (22-6-2018), Tianjin Union đã tống hơn 1.000 gia đình ra khỏi nhà họ trong 10 năm qua. Báo chí gần như bưng bít các thông tin liên quan. Hai nhà hoạt động phanh phui vụ khai thác cát tại Koh Kong đã bị bắt năm 2017, trong khi nhà hoạt động môi trường Tây Ban Nha, Gonzalez-Davidson (từng lăn lộn một thập niên ở Campuchia), bị đích thân Hun Sen ra lệnh trục xuất năm 2015…

Người Trung Quốc có mặt ở Campuchia từ thế kỷ 13 và hai nước có quan hệ giao thương trong nhiều thế kỷ với các thương vụ lông chim bói cá, ngà voi, sừng tê giác, mật ong (…) – theo quyển Chân Lạp phong thổ ký (The Customs of Cambodia) ấn hành năm 1297 của đô đốc Chu Đạt Quan (Chou Ta-Kuan), nhà ngoại giao Trung Hoa thời Nguyên Thành Tông (quyển này có bản dịch của Lê Hương, ấn hành năm 1973 tại Sài Gòn). Sự có mặt Trung Quốc lần này không chỉ thể hiện ở các cuộc giao thương. Nó là một hiện tượng: “Trung Quốc hóa Campuchia”, biến Campuchia thành thuộc địa, với sự tiếp tay của Hun Sen. Đất nước xinh đẹp với cảnh quan thiên nhiên không tỳ vết như được miêu tả trong Chân Lạp phong thổ ký giờ đã thay đổi một trời một vực. Thậm chí hồ thiêng Yeak Loam thuộc tỉnh Ratanakiri ở cực Đông Bắc dường như cũng đã bán cho Trung Quốc, dù Hun Sen bác bỏ điều này. Cách không xa Yeak Loam, công ty Trung Quốc Hyrdolancang đã xây con đập Sesan 2 trên dòng Sesan, bịt một trong những cửa sông quan trọng nhất Mekong và làm điêu đứng cư dân làng Srekor. Các con đập Trung Quốc thậm chí còn xuất hiện tận trên núi Cardamom ở Kampot…

Chu Đạt Quan có thể sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng bây giờ tê giác đang bị người Trung Quốc săn đến gần tuyệt chủng và số lượng voi ngày càng giảm nghiêm trọng. Thế kỷ 19, nhà tự nhiên học Pháp Henry Mouhot dự báo: “Có lẽ chẳng lâu nữa những gì còn lại ở vùng đất không may mắn này rồi cũng rơi vào tay thế lực nào đó. Dường như người Pháp đang dán chặt mắt vào, với mong muốn thôn tín nó (Campuchia)”. Henry Mouhot nói đúng. Thực dân Pháp đã đến. Tuy nhiên, mức độ tham lam và nhẫn tâm của thực dân Pháp đối với Campuchia chẳng là gì so với tên tân thực dân Trung Quốc. Ít ra thực dân Pháp còn mang lại văn minh. Với tân thực dân Trung Quốc, Campuchia không chỉ là “vùng đất không may mắn” và bị thôn tín; nó còn đang bị tàn sát và hủy diệt.
(Còn tiếp)


-----------------------------------

29/12/2018

Tiếp theo bài 1 và bài 2

Một quốc gia không bao giờ có thể hùng mạnh bằng “nền kinh tế” bán đất cho nước ngoài và không thể tự chủ độc lập nếu cắm đầu vay nợ nước ngoài để xây dựng một sự giàu có giả tạo. Một lãnh đạo chẳng thể nào gọi là “tài tình” nếu lãnh đạo đó gây nợ và để lại một di sản nợ khổng lồ cho nhiều thế hệ sau…

CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA

BÀI CUỐI: NỢ NÀY AI TRẢ?

Tháng 7-2016, để mua chuộc ủng hộ Campuchia trong hồ sơ biển Đông, Bắc Kinh đã “nhá” cho Phnom Penh một “phong bì” 600 triệu USD. Để tăng uy lực kim tiền, vài ngày sau, Bắc Kinh cho biết họ sẽ xây một “nhà hội nghị” cho Quốc hội Campuchia với chi phí 16 triệu USD. Mức độ hiện diện Trung Quốc ngày càng dày đặc. Một công ty Trung Quốc với hỗ trợ của quân đội nước họ đang gần hoàn thành một cảng nước sâu trên dải đất 90 km duyên hải Campuchia. Cảng này, đủ sâu để đón khu trục hạm và tàu chiến 10.000 tấn, nằm tại Vịnh Thái Lan, cách các quần đảo tranh chấp tại biển Đông chỉ vài trăm kilomet. Tianjin Union Development Group (UDG), công ty xây dự án cảng nước sâu Dara Sakor nói trên, cũng là nơi đầu tư vào 360 km2 tại tỉnh Koh Kong trong 99 năm. Trong một buổi lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa UDG với Campuchia, đích thân Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) – lúc đó là ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc – đã chủ trì, theo điều tra của tờ Financial Times.

Giữa tháng 1-2018, nhân kỷ niệm 60 năm bang giao, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến Phnom Penh, cùng Hun Sen ký loạt 19 thỏa thuận song phương mở đường cho Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào Campuchia. Hai bên đã “vui mừng” điểm lại vài con số “đáng nhớ”. Năm 1997, Trung Quốc chi 2,8 triệu USD giúp Campuchia xây dựng quân đội. Năm 1999, Bắc Kinh cho vay không lãi 200 triệu USD đồng thời hỗ trợ tài chính 18,3 triệu USD cho Hun Sen. Từ 2011-2015, tổng cộng 4,9 tỷ USD đã đổ vào Campuchia mà một trong những dự án lớn nhất là One Park do tập đoàn bất động sản Trung Quốc Graticity Real Estate Development thực hiện.

10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 2,4 tỷ USD vào mạng lưới điện Campuchia trong đó có việc xây dựng 7 nhà máy thủy điện, nâng nguồn cung cấp điện lực từ 180 MW năm 2002 lên 2.000 MW năm 2016… Ngày 12-5-2018, đích thân Bộ trưởng công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) đến trụ sở Cảnh sát Quốc gia Campuchia giám sát việc chuẩn bị lắp đặt hệ thống camera an ninh sẽ được thực hiện trên toàn quốc, bằng tiền viện trợ lẫn trang thiết bị Trung Quốc. Triệu Khắc Chí rất hài lòng với hệ thống video theo dõi hiện tại, với 1.000 camera, đã lắp khắp Phnom Penh.

Ngày 28-6-2018, tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) tung ra báo cáo 213 trang lên án gay gắt chế độ Hun Sen. Đề tựa “Cambodia’s Dirty Dozen: A Long History of Rights Abuses by Hun Sen’s Generals” (12 kẻ bẩn của Campuchia – một lịch sử dài về vi phạm nhân quyền của các tướng lãnh Hun Sen), báo cáo cho biết những sĩ quan chóp bu của Hun Sen, thông qua mối quan hệ cá nhân và chính trị kéo dài hai thập niên, đã lạm quyền, tham nhũng và tuân theo lệnh Hun Sen thực hiện các chiến dịch trấn áp đối thủ chính trị lẫn người dân. Trong hơn ba thập niên, hàng trăm nhân vật đối lập, nhà báo, thủ lĩnh công đoàn… đã bị giết, bị bắt, bị tra tấn tàn bạo…

Như Hun Sen, nhiều người trong 12 gương mặt được nêu từng là thành viên Khmer Đỏ. Dưới thời Hun Sen, tự do báo chí bị bóp nghẹt. Các đài phát thanh FM phải ngưng phát sóng chương trình của Đài Á Châu Tự do (RFA) và Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Tháng 9-2017, tờ Cambodia Daily buộc phải đóng cửa; rồi tháng 5-2018, tờ Phnom Penh Post phải bán cho một tập đoàn truyền thông Malaysia vốn có quan hệ thân với Hun Sen. Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute – tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington DC) cũng bị buộc đóng cửa văn phòng Phnom Penh. Tổng cộng khoảng 30 đài phát thanh và gần 20 website bị cấm hoạt động. Tháng 11-2017, Tối cao pháp viện Campuchia ra lệnh giải tán đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc (CNRP) với cáo buộc đảng này âm mưu lật đổ chính phủ. Hơn 100 thành viên CNRP bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Trước đó hai tháng, thủ lĩnh CNRP Kem Sokha bất ngờ bị bắt và được đưa đến một nhà tù giáp biên giới Việt Nam gọi là “CC3”. Thành lập năm 2012, CNRP là đảng phái duy nhất Campuchia trong nhiều thập niên trở thành thách thức thật sự và do đó Hun Sen phải “dập” từ trứng nước (ngày 9-9-2018, Kem Sokha được tại ngoại “vì lý do sức khỏe”).

Mỹ lẫn EU đang gây sức ép rất mạnh với chính quyền Phnom Penh. Ngày 26-7-2018, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua “Luật Dân chủ Campuchia 2018” với các biện pháp cấm vận nhằm vào cá nhân Hun Sen, thành viên gia đình lẫn viên chức cấp cao của đảng đương quyền CPP (Đảng Nhân dân Campuchia). Luật này cấm công dân Mỹ dính líu các phi vụ chuyển tiền lẫn quan hệ kinh doanh với nhà cầm quyền Campuchia. Trước đó, tháng 5-2018, Tòa bạch ốc đã cắt 8,3 triệu USD viện trợ cho Campuchia đồng thời cấm visa vào Mỹ đối với những viên chức “liên quan việc phá hoại dân chủ ở Campuchia”, trong đó có tướng Hing Bun Hieng – chỉ huy trưởng lực lượng cận vệ Hun Sen.

Ngày 5-10-2018, EU tuyên bố Campuchia có thể mất “quy chế đặc biệt” vào thị trường châu Âu theo thỏa thuận của chương trình EBA (Everything But Arms – Được mua bán mọi thứ trừ vũ khí). EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, trị giá 5,8 tỷ USD vào năm 2017, chủ yếu hàng may mặc và giày dép; trong khi đó, xuất khẩu may mặc chiếm đến 40% GDP Campuchia. Đây là cảnh cáo cho sự trừng phạt tương lai như một phản hồi của EU trước vô số vụ vi phạm nhân quyền dưới chế độ độc tài Hun Sen. Tháng 9-2018, Phó Chủ tịch Hội đồng EU Federica Mogherini đã kêu gọi đảng CPP của Hun Sen đàm phán với CNRP; đồng thời yêu cầu Hun Sen hủy bỏ tất cả cáo buộc lẫn cấm đoán hoạt động chính trị của các thành viên CNRP. Đầu năm 2018, Campuchia đã cử một phái đoàn, dẫn đầu bởi luật sư-cố vấn chính phủ Sok Siphana, đến EU để “giải độc”. Trung Quốc cũng cùng lúc vận động hành lang EU giúp Campuchia. Xem ra tất cả đều thất bại.

Một hàng rào thuế cao hơn của EU đánh vào hàng may mặc sẽ khiến kinh tế Campuchia tan nát mà không “đặc khu kinh tế” nào ở Campuchia xây bởi Trung Quốc có thể cứu được. Cuối năm 2017, Campuchia đã tính đến chuyện thay đổi thị trường, từ châu Âu sang các nước châu Á, đặc biệt Trung Quốc. Tuy nhiên, tính dễ hơn làm. Bản thân thị trường Trung Quốc đang lao đao bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Xuất khẩu Campuchia sang Trung Quốc chỉ đạt 609 triệu USD năm 2016, không bằng ½ giá trị xuất khẩu Campuchia sang Anh. Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng mở cửa “nhận hàng” Campuchia nếu thị trường EU đóng cửa. Vốn cũng là nước sống bằng nghề gia công, chẳng lẽ Trung Quốc ôm hàng Campuchia để cho công nhân Trung Quốc thất nghiệp?

Các nước châu Á đang ngày càng thận trọng với kế hoạch “Nhất đới, nhất lộ” của Tập Cận Bình. Gần đây, Nepal đã tuyên bố hủy dự án thủy điện 2,5 tỷ USD với Trung Quốc, khi bày tỏ lo ngại ảnh hưởng Bắc Kinh lên các cuộc bầu cử nước mình. Thái Lan, thoạt đầu giao gói thầu xây tuyến hỏa xa tốc độ cao nối Bangkok đến Chiang Mai dài 700 km cho Trung Quốc, nhưng giờ đã đổi sang nhà thầu Nhật (vừa vốn lẫn kỹ thuật). Tại Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tuyên bố tái xem xét các dự án mà người tiền nhiệm Najib Razak ký với Trung Quốc. Tương tự, tại Sri Lanka, những dự án của Tổng thống tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa ký với Trung Quốc cũng đang được xét lại (đặc biệt việc giao cảng Hambantota cho Trung Quốc với hợp đồng thuê đến 99 năm). Cần nhắc lại, cho đến trước khi bị thất cử năm 2015, Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã bị Trung Quốc mua đứt, khi một phần ngân sách đầu tư cảng Hambantota chảy trực tiếp vào quỹ tranh cử của Rajapaksa.

Phải trả 12,3 tỷ USD cho Trung Quốc trong năm 2018, Sri Lanka đang mắc vào cái bẫy nợ khổng lồ của Trung Quốc. Tân Tổng thống Maithripala Sirisena thoạt đầu tính hủy một số dự án Trung Quốc nhưng vì nợ đầm đìa nên cuối cùng miễn cưỡng thực hiện. Có đến 77% khoản nợ Sri Lanka phải trả vào năm 2019 đều là nợ gây ra bởi chính phủ tiền nhiệm. Chi tiết này cho thấy các khoản vay hào phóng của Trung Quốc đều là những cái bẫy nợ mà nhiều thế hệ sau phải trả đến kiệt lực. Với Campuchia, những khoản nợ mà Hun Sen vay từ Bắc Kinh, như cái giá để chế độ độc tài mình được “bảo kê”, sẽ không chỉ trả bằng tiền của nhiều thế hệ người dân Campuchia sau này.

Hun Sen không thể “sống mãi trong sự nghiệp” Campuchia. Sau khi chết, di sản Hun Sen sẽ là một nấm mồ chôn trên mảnh đất không còn thuộc chủ quyền đất nước này.

Hun Sen và Lý Khắc Cường trong dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ (ngày 11-1-2018, tại Phnom Penh). Ảnh: AFP

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Hun Sen – Phnom Penh, 18-6-2018. Ảnh: Reuters








No comments: