Nguyễn Duy Vinh
29/12/2018
Gần đây tôi có đọc được trên mạng một số bài báo
cáo, khảo sát và bình luận khá súc tích về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam (VN)
(xin xem danh sách tham khảo cuối bài, các bài [1],[2],[3],[4] và [5]). Trên
trang mạng của vov.vn có đăng bài viết của ông Phan Đình Trạc [1], Bí Thư Trung
Ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, Phó Trưởng Ban Chỉ Đạo Trung Ương
(BCĐTU) về phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).
Bài viết này có những chi tiết mà ai đọc cũng phải
giật mình. Giật mình vì tình trạng tham nhũng ở VN trong 5 năm cuối (2013-2018)
từ khi thành lập ban chỉ đạo PCTN đã có thể gọi là ngày càng trầm trọng.
Tôi xin chép lại dưới đây một đoạn ngắn của thành quả
việc làm của BCĐTU trong 5 năm nhìn lại:
…“Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 68 vụ
án, 57 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo
theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 40 vụ
án/500 bị cáo với các mức án nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn (10 bị cáo với
11 án tử hình, 19 bị cáo với 20 án tù chung thân, 459 bị cáo tù có thời hạn từ
12 tháng đến 30 năm,…).
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 31%;
việc kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo
theo dõi, chỉ đạo đạt trên 35 ngàn tỷ đồng, điển hình như: vụ án xảy ra tại
Ngân hàng TMCP Đại Tín trên 10.000 tỷ đồng, vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây
dựng (giai đoạn I) trên 6.000 tỷ đồng, vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng, vụ án đánh bạc,
tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú Thọ trên 1.400 tỷ đồng…”
Tôi mới thử vào gú gờ (google) trên mạng Internet với
những từ khóa “đại án tham nhũng” thì quả thật đó là những vụ án kinh khủng.
Các độc giả có thể tìm thêm rất nhiều chi tiết về những vụ đại án tham nhũng ở
Việt Nam trong 20 năm qua qua google như tôi. Tác giả bài viết chỉ ghi sơ vài
dòng dưới đây để cho độc giả thấy số tiền thất thoát qua các vụ tham nhũng này
lớn như thế nào, độc giả có thể tìm được chi tiết đầy đủ và chính xác hơn qua
các báo trên mạng.
+
Những nơi thất thoát tiền nhiều nhất là những ngân hàng:
1- Ngân hàng nhà nước (NHNN), Viettinbank,
Vietcombank: thất thoát 6,000 (sáu ngàn) tỉ đồng VN, những người bị kết án là Đặng
Thanh Bình, Phạm Nhật Hồng và Nguyễn Ngọc Bích trong đó 2 người lãnh án tử hình
(Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích).
2- Ngân hàng Việt Hoa: thất thoát 293 tỉ đồng VN và
84 triệu đồng US, các bị can gồm có Trương Kiệt Tường, Trần Tuấn Tài, Nguyễn
Văn Minh, Phùng Ngọc Lợi, Lô Ký Ngươn và Nguyễn Hữu Thanh cùng 16 người khác, 4
người bị án chung thân.
3- Ngân hàng Viettinbank: vụ án Huỳnh Thị Huyền Như,
thất thoát 4,911 tỉ đồng VN, án chung thân.
4- Ngân hàng Á Châu (Asia Commercial Bank hay ACB):
thất thoát 1,700 tỉ đồng VN, bị kết án gồm Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên), Trần
Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến, Lý Xuân Hải, 30 năm tù cho NĐK, 8 năm tù cho
LXH, 2 tới 4 năm tù cho NTHY và TNT.
5- Ngân hàng Agribank: thất thoát 2,500 tỉ đồng, bị
kết án Phan Thanh Tân (22 năm tù), Phạm Thị Bích Lương (30 năm tù).
6- Ngân hàng xây dựng (VNCB): thất thoát 18,000 (mười
tám ngàn) tỉ đồng VN, các bị cáo Phạm Công Danh (30 năm tù), Phan Thành Mai (30
năm tù) và những người còn lại từ 30 tháng đến 16 năm tù: Tạ Bá Long, Hà Tuấn
Phước, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh, Lê Văn Thanh.
7- Ngân hàng Sacombank: thất thoát 1,800 tỉ đồng VN,
bị cáo Trầm Bê (4 năm tù), Phan Huy Khang (3 năm tù), Phan Thành Mai (10 năm
tù), Mai Hữu Khương (10 năm tù), Nguyễn Quốc Viễn (5 năm tù) cộng thêm 18 bị
cáo lãnh từ 2 đến 4 năm tù và 23 người lãnh án treo.
9- Ngân hàng Oceanbank: thất thoát 1,500 tỉ đồng VN,
các bị cáo Hà Văn Thắm (chung thân), Nguyễn Xuân Sơn (tử hình), Nguyễn Thị Minh
Thu (22 năm tù), Hứa Thị Phấn (17 năm tù) và một số bị cáo khác (từ 36 tháng tới
8 năm tù).
10- Ngân hàng Đại Tín: thất thoát hơn 15,600 tỉ đồng
VN, các bị cáo Hứa Thị Phấn (tổng cộng lên 30 năm tù), Bùi Thị Kim Loan (28 năm
tù), Ngô Kim Huệ (10 năm tù), Hoàng Văn Toàn (7 năm tù), Trần Sơn Nam (6 năm
tù), Lâm Kim Dũng (6 năm tù) cộng thêm 21 bị cáo khác với những án tù từ 20
tháng đến 7 năm tù).
+
Các công ty và tập đoàn các ngành xây dựng cầu đường, ngành dầu khí, ngành hàng
hải và ngành giao thông:
1- Công ty Vinashin (TNHH – MTV): thất thoát 255 tỉ
và 16 triệu USD, Trần Văn Liêm (tử hình), Trần Văn Khương (chung thân), Giang
Kim Đạt (tử hình), Giang Văn Hiển (12 năm tù).
2- Đại án PMU-18 trong đó có dự án cầu Bãi Cháy: chiếm
đoạt 3.5 tỉ đồng, các bị cáo Bùi Tiến Dũng (16 năm tù), Phạm Tiến Dũng, Đỗ Kim
Quý và một số bị cáo khác (nhiều năm tù), Thứ Trưởng và Bộ Trưởng Bộ GTVT Đào
Đình Bình bị miễn nhiệm.
3- Đại án PCI: thất thoát 4 tỉ đồng VN, Huỳnh Ngọc Sỹ
(20 năm tù), liên quan đến Ngân Hàng Nhật Bản JBIC.
4- Đại án Vinashin: thất thoát 4 tỉ đô la US và 910
tỉ đồng VN, các bị cáo Phạm Thanh Bình (20 năm tù), Trần Văn Liêm (19 năm tù),
Tô Nghiêm (18 năm tù), Nguyễn Văn Tuyên (16 năm tù), Trịnh Thị Hậu (14 năm tù),
Hoàng Gia Hiệp (13 năm tù), Trần Quang Vũ (11 năm tù), Đỗ Đình Côn (10 năm tù),
Nguyễn Tuấn Dương (3 năm tù).
5- Đại án Vinalines: thất thoát 525 tỉ đồng VN và
chiếm đoạt 10 tỉ đồng VN, các bị cáo Dương Chí Dũng (tử hình), Mai Văn Phúc (tử
hình), Trần Hải Sơn (22 năm tù), Trần Hữu Chiều (19 năm tù), cùng các đồng phạm
Bùi Thị Bích Loan (4 năm tù), Mai Văn Khang (7 năm tù), Lê Văn Dương (7 năm
tù), và 8 năm tù cho mỗi bị can Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện.
Ngoài ra còn có vụ án Vinalines thứ nhì với các bị cáo khác như Bùi Quốc Anh (3
năm tù) cùng đồng phạm Ngô Văn Nhuận, Đỗ Thị Bích Thủ, Nguyễn Thị Lệ Thủy và Hồ
Ngọc Tùng (từ 2 đến 4 năm tù) làm thất thoát 5 tỉ đồng VN.
6- Vụ án công ty Falcon (Vinalines): chiếm đoạt tài
sản lên đến 671 triệu đồng VN, các bị cáo Đỗ Quốc Khánh, Bùi Văn Viện, Phạm Văn
Đoàn, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Thế Ngọc bị tòa tuyên án từ 2 đến 10 năm.
7- Vụ án Trần Bắc Hà: thất thoát đến gần 4,700 tỉ đồng
VN, bị can đã từng làm chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại và đầu tư (BIDV), lớn
thứ nhì sau Agribank, trong 4 năm, cùng đồng phạm Trần Lục Lang, Kiều Đình Hòa
và Lê Thị Vân Anh đang đợi tòa xét xử.
8- Vụ án Đinh La Thăng và vụ án Trịnh Xuân Thanh:
Đinh La Thăng, cựu chủ tịch HĐQT Dầu Khí VN (PVN) làm thất thoát 1,115 tỉ đồng
lãnh 13 năm tù ở. Trịnh Xuân Thanh chiếm đoạt 87 tỉ đồng, lãnh án chung thân.
9- Vụ án Vũ “Nhôm”: thất thoát lên đến 3,700 tỉ đồng
VN và chiếm đoạt tài sản lên đến hàng chục triệu đô la US, Phan Văn Anh Vũ (tức
Vũ Nhôm) (25 năm tù ở), đồng phạm Trần Phương Bình (20 năm tù), Nguyễn Thị Kim
Xuyến (30 năm tù), Nguyễn Thị Ái Lan (9 năm tù), một số bị cáo còn lại từ 2 năm
đến 16 năm tù.
10- “Củi” Tất Thành Cang: cũng sắp vào lò, xin độc
giả theo dõi vụ án này có rất nhiều gay cấn vì có thể ảnh hưởng đến những cựu
bí thư và chủ tịch cũng như những chủ tịch và bí thư đương nhiệm của UBND thành
phố Hồ Chí Minh.
Cộng sơ tất cả các thất thoát qua các vụ đại án lên
đến con số khoảng 70,000 (bẩy chục ngàn) tỉ đồng VN, tức là khoảng xấp xỉ 3 tỉ
đồng đô la USD, một số tiền khổng lồ về tham nhũng chưa từng có trong lịch sử
Việt Nam. Viết ra đầy đủ thì số tiền này là 70,000,000,000,000 đồng VN, lớn khủng
khiếp.
Chưa kể đại án Vinashin, thất thoát 4 tỉ đô la Mỹ,
tương đương 92,782 tỉ đồng VN và 910 tỉ. Tổng cộng số tiền thất thoát chỉ riêng
trong vụ án Vinashin là 93,692 tỉ đồng VN.
BCĐTU đã làm được một thành tích đáng kể trong việc
“trừ sâu”, chúng ta hãy đọc tiếp những thành quả của BCĐTU qua bài viết của ông
Phan Đình Trạc: …“Trong 05 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã
thi hành kỷ luật Đảng 77.662 (bẩy mươi bẩy ngàn sáu trăm sáu mươi hai) đảng
viên vi phạm, trong đó hơn 4,300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố
ý làm trái…”
Những bầy sâu tham nhũng thật nhiều và đa số là những
đảng viên ĐCSVN có quyền lực. Những bị cáo chính hầu hết là các “quan lớn” tức
là những cựu chủ tịch và giám đốc, những trưởng phòng, những lãnh đạo doanh
nghiệp cũng như những nhân viên kế toán và hành chính đầu não của các cơ quan,
ngân hàng và các tập đoàn các ngành. Họ là những nhân vật chóp bu của những cơ
quan nơi việc tham nhũng xảy ra. Họ là những người được giao quyền hạn lớn
trong việc quản lý những túi tiền và những ngân quỹ khổng lồ. Hành vi của họ
chính là “hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái
pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.
Đọc và nghe những án tử hình được tuyên án trong các
vụ xét xử thì thấy những “quan chức” trẻ này (đa số ở tuổi trung bình khoảng 50
tuổi) thật là những người liều lĩnh, không biết sợ. Họ coi Trời bằng vung. Số
người trẻ ở những chức lãnh đạo này đang làm ruỗng tình hình phát triển kinh tế
Việt Nam. Như những đám cỏ dại lan tràn làm hỏng một sân cỏ đẹp, như những bầy
sâu (nhìn đâu cũng thấy sâu, lời ông cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang) đang lốn
nhốn ăn mọt những cây trong vườn cây đẹp và khỏe mạnh.
Trước khi đi sâu vào vấn đề tham nhũng, tôi chép lại
dưới đây một đoạn viết khá sâu sắc tôi tìm được trên trang mạng của PCTN [5]:
…“Các nghiên cứu về tham nhũng ở các nước trên thế
giới và Việt Nam cho thấy tham nhũng là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện
chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà
nước, quyền lực nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng tồn tại ở
mọi chế độ với những mức độ khác nhau. Khi nhà nước và quyền lực chính trị còn
tồn tại thì còn có điều kiện để xảy ra tham nhũng. Cùng với sự phát triển của
các hình thái nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường,
các quan hệ chính trị – kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan quan trọng làm
cho tham nhũng phát triển. Đối với mỗi cá nhân, nhu cầu về lợi ích là yếu tố chủ
quan dẫn đến tham nhũng. Khi yếu tố lợi ích kết hợp với sự lạm dụng quyền
lực của những người có chức vụ, quyền hạn thì khả năng xảy ra tham nhũng là rất
cao…”
Hồi đầu năm con rồng, năm 2012, lúc còn dạy học ở
Phi Châu, tôi có viết một bài tản mạn về tham nhũng [6] và lúc đó tôi tìm được
hai định nghĩa của hai chữ tham nhũng:
1- Hai chữ “tham nhũng” được dịch là “lợi dụng
quyền hành để nhũng nhiễu dân và lấy của” theo Từ Điển Tiếng Việt do Viện
Ngôn Ngữ Học ở Hà Nội xuất bản năm 1992.
2- Theo từ điển Bách Khoa Toàn Thư của Wikipedia
trên mạng thì Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (MBQT, Transparency International – TI)
định nghĩa tham nhũng là “hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc
cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”
Bản khảo sát và báo cáo của PCTN xuất bản [4] dưới sự
bảo trợ của Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank) ghi lại định nghĩa tham nhũng qua 12
hành vi được tóm tắt dưới đây (theo luật Phòng Chống Tham Nhũng (PCTN) của nước
CHXHCNVN ngày 29 tháng 11 năm 2005):
1. Tham ô tài sản
2. Nhận hối lộ
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ
lợi.
5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng với người khác để trục
lợi.
7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi
8. Người có chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ để giải quyết
công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương để vụ lợi cho
bản thân hoặc cho người khác.
9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước
vì vụ lợi.
10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi
11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao vì mục đích vụ lợi
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bao che cho đối tượng có hành vi
vi phạm pháp luật vì mục đích vụ lợi; làm cản trở, can thiệp
một cách trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy
tố, xét xử, thi hành án vì mục đích vụ lợi.
Trong tất cả các hành vi tham nhũng (trừ 3 hành vi đầu
là vụ lợi hiển nhiên), hai chữ vụ lợi được nhắc đi nhắc
lại như một mẫu số chung quan trọng trong 9 hành vi còn lại. Hai chữ này cũng
được định nghĩa rõ ràng trong luật PCTN như sau: “Vụ lợi là
việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi
ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng”.
Lợi
ích vật chất thì khá dễ hiểu, như là tiền của, tài sản, đất
đai, nhà cửa, và quà cáp dưới dạng vất chất. Còn lợi ích phi vật chất thì
khó hiểu hơn, ta có thể nghĩ đó là lợi ích về tinh thần hoặc gần đây nhất các
báo trong nước lên tiếng về việc hối lộ tình dục là một dạng hối lộ phi vật chất.
Nói tóm tắt thì qua những vụ án tham nhũng hiện nay ở
Việt Nam, chúng ta có thể tìm được hầu như đa số những lợi ích vật chất đều đưa
đến một chữ tiền. Tiền là một phương tiện rất phổ thông
trong hành vi tham nhũng. Trong báo cáo của PCTN [4], danh sách 8 hành vi tham
nhũng phổ thông nhất ở Việt Nam hiện nay đều nói đến tiền và quà: 1. Cảnh Sát
Giao Thông (CSGT) nhận tiền và không xử phạt, 2. thẩm phán nhận tiền và quà trước
khi xét xử, 3 & 4 & 5. công chức các bộ ngành nhận tiền và quà của cấp
dưới và của doanh nghiệp, 6. giáo viên nhận quà của sinh viên, 7. cơ quan quản
lý nhận tiền, 8. những bác sĩ và y tá nhận tiền của bệnh nhân…
Tuy nhiên, số tiền liên quan đến những vụ hối lộ
trong danh sách 8 hành vi phổ thông kể trên không lớn lắm, có nghĩa là không
đáng kể so với những vụ đại án tham nhũng gần đây làm thất thoát hàng tỉ đồng
Việt Nam như tôi đã trình bày ở đầu trang. Bản khảo sát và báo cáo của PCTN
không nói đến những đại án tham nhũng ở Việt Nam. Một bản báo cáo như thế, theo
tôi, không đầy đủ khi những hành vi tham nhũng gây thất thoát cả ngàn tỉ đồng
Việt Nam (VND) đang được xem là quốc nạn và là một thách thức lớn đối với quá
trình tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia.
Báo cáo của PCTN (trang 65) đưa ra 16 ý kiến về
nguyên nhân dẫn đến tham nhũng được liệt kê dưới đây:
1. Không xử lý nghiêm minh với người tham nhũng
2. Phẩm chất, đạo đức cán bộ suy thoái
3. Còn tình trạng “xin – cho”
4. Việc kiểm tra, giám soát người có chức quyền còn hạn chế
5. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp
6. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn thiếu
chặt chẽ
7. Quy định về quản lý vốn, tài sản công còn nhiều kẽ hở
8. Không có hoặc có rất ít vụ tham nhũng bị phát hiện
9. Tính minh bạch thông tin trong từng cơ quan chưa bảo đảm
10. Yếu kém trong đề bạt, bố trí xắp sếp cán bộ
11. Cán bộ nhận tiền quà biếu liên quan đến công vụ đã trở thành thói quen
12. Quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ thiếu chặt chẽ
13. Đưa quà tiền khi cần giải quyết công việc đã trở thành thói quen của người
dân
14. Lương thấp
15. Do bè cánh, những ai không muốn tham nhũng sẽ bị loại ra
16. Có cơ hội mà không tham nhũng là dại
16 ý kiến miêu tả được khá đầy đủ những điều kiện
thuận lợi đưa đến một hành vi tham nhũng trong nước CHXHCNVN. Nhìn kỹ và suy ngẫm
về những điều kiện thuận duyên này, chúng ta có thể đặt một câu hỏi: nhà nước
đã quản lý như thế nào mà trong 43 năm từ ngày “giải phóng” miền Nam, tham
nhũng ngày càng trở nên trầm trọng như thế ? Cách quản lý của nhà nước đã tạo
ra những điều kiện thuận lợi cho tham nhũng hoành hành. Và chúng ta có thể đi
xa hơn trong cách lý luận và kết luận như thế này được không ?: chính
chế độ đã sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng. Chế độ bảo toàn hệ thống (tức
là cơ chế), hệ thống là môi trường (sân cỏ đẹp hay rừng cây khỏe mạnh) cho tham
nhũng (cỏ dại hay bầy sâu) phát sinh và tăng trưởng.
Trong quá khứ
tác giả bài viết đã có những suy luận về 3 nguyên nhân khiến nhà nước không thể
chống tham nhũng tại Việt Nam [7]. Ba nguyên nhân này gồm có: (i) tính độc lập
của hệ thống luật pháp, (ii) sự sợ hãi của người dân và (iii) tự do báo chí. Hệ
thống luật pháp vừa không độc lập vừa lỏng lẻo. Người dân vì căn bệnh sợ hãi đã
ăn vào xương tủy thường im hơi lặng tiếng trước những hành vi tham nhũng. Và
báo chí thì hoàn toàn bị nhà nước kiểm soát.
Gần đây, trang tài liệu của PCTN có một trang nói về
nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng khá xúc tích và đầy đủ rất đáng xem
(tài liệu [5] trong danh sách tham khảo). Theo trang tài liệu này, những nguyên
nhân và điều kiện cơ bản có thể được tóm tắt dưới đây:
– Hệ thống chính trị chậm được đổi mới, trình độ
quản lý còn lạc hậu, mức sống thấp, tạo ra các kẽ hở cho tệ tham nhũng nảy sinh
và phát triển. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, sự cạnh
tranh và việc đề cao quá mức giá trị đồng tiền làm cho người sản xuất, kinh
doanh có xu hướng tối đa hoá lợi nhuận bằng mọi giá, tìm cách hối lộ công chức
nhà nước để tạo lợi thế trong kinh doanh.
– Cơ chế chính sách pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng
bộ, thiếu nhất quán,việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, phân
biệt quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh có phần chưa rõ. Quá
trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp và thiếu sự kiểm soát
chặt chẽ. Cơ chế quản lý tài sản công, quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp
nhà nước còn lỏng lẻo.
– Một số nét văn hoá như biếu và nhận quà tặng… bị lợi
dụng để thực hiện hành vi tham nhũng.
– Phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng
viên bị suy thoái, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên yếu kém.
– Cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ
chế “xin – cho” trong hoạt động công vụ vẫn còn phổ biến; thủ tục hành chính
phiền hà, nặng nề, bất hợp lý.
– Sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng ngừa
và đấu tranh chống tham nhũng ở một số nơi chưa chặt chẽ, sâu sát, thường
xuyên; việc xử lý tham nhũng chưa nghiêm.
– Chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước
trong đấu tranh chống tham nhũng chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo, thiếu một
cơ chế phối hợp cụ thể, hữu hiệu.
– Thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu
hiệu.
– Việc huy động lực lượng đông đảo của nhân dân cũng
như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa
được quan tâm đúng mức.
Bản tóm tắt này cho thấy rõ rệt lỗi hoàn toàn nơi hệ
thống, nơi sự lãnh đạo của nhà nước, từ việc giáo dục cán bộ và cách quản lý guồng
máy hành chính cho đến hệ thống pháp quyền hoàn toàn do nhà nước kiểm soát. Và
chúng ta có thể kết luận thêm lần nữa: tham nhũng hiện nay ở Việt
Nam là sản phẩm của chế độ độc đảng độc quyền.
Người dân trong nước sống trong những hoàn cảnh và
điều kiện sống ngày càng khó khăn. Từ chất lượng giáo dục xuống cấp,
giá cả sinh hoạt ngày càng tăng, an toàn thực phẩm không bảo đảm, an ninh xã hội
mỏng manh, thêm vào đó xã hội đầy dẫy những bất an gây ra từ tai nạn xe cộ và ô
nhiễm môi trường ngày một gia tăng, chất lượng y tế ngày càng thấp kém.
Và đứng đầu trong các vấn đề xã hội nhức nhối là tình trạng tham nhũng nghiêm
trọng. Tham nhũng đã trở thành một thách thức lớn đối với quá trình phát triển
của Việt Nam.
Cách hay nhất
để giải quyết nạn tham nhũng là chúng ta từ bỏ chế độ cộng sản và chuyển hướng
đất nước đi về hướng dân chủ thật sự trong đó có tam quyền phân lập. Dân chủ cũng phải bắt đầu cùng một lúc với giáo dục. Giáo dục nơi học đường,
giáo dục nơi gia đình, giáo dục nơi cách ứng xử của người dân với nhau, nơi sự
tử tế và tôn trọng nhân quyền của nhà nước lãnh đạo cho đến mọi thành phần xã hội.
Giáo dục tốt và nhân bản tạo ra con người tốt. Cơ chế tốt là mảnh đất phì nhiêu
cho những con người tốt được sinh sôi lớn mạnh. Nước Việt Nam từ đó sẽ hùng mạnh
và châm ngôn độc lập, tự do và hạnh phúc sẽ không còn là một bánh vẽ.
Lấy
đi chế độ độc đảng độc quyền là một bước đầu quan trọng để giải quyết quốc nạn
tham nhũng hiện nay tại Việt Nam.
-----------------------------
Danh
sách tham khảo:
[4] “Tham nhũng từ góc nhìn của dân, doanh nghiệp và
cán bộ, công chức, viên chức”, kết quả khảo sát xã hội học, Nhà Xuất Bản Chính
Trị Quốc Gia, xuất bản lần thứ hai, 2013
Nguyễn
Duy Vinh (mùa Đông Yaoundé 2018)
No comments:
Post a Comment