Huy
Phương
December 30, 2018
Cứ đến một năm mới, chúng ta lại có dịp mới để một
điều gì đó tốt đẹp hơn năm cũ. Dù đã bằng lòng với cuộc sống an bình, sức khoẻ,
có cái nhà để ở, có cái xe để đi, đời sống có tự do, nhân phẩm được tôn trọng,
chúng ta vẫn mong trong những ngày tháng tới có những điều tốt đẹp, hạnh phúc
hơn sẽ mang tới cho chúng ta. Nhưng khi nghĩ về quê hương, với thân phận lưu lạc,
chúng ta không khỏi ngậm ngùi về những điều oan trái, bi thảm của dân tộc mình
như câu thơ của Tố Hữu đã khiến chúng ta nhớ mãi:
“Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi.
Số phận hay do chế độ này?”
Số phận hay do chế độ này?”
Một bản tin cuối năm 2018 không lấy gì làm vui và “đẹp
mặt” cho lắm khi chính phủ Đài Loan vừa cho biết, 148 khách Việt vừa đến đây
trong một đoàn du lịch, đã “biến mất” sau khi làm thủ tục nhập cảnh. Nói
rõ là họ đã trốn ở lại để kiếm việc làm bất hợp pháp. Đây là những người tương
đối khá giả, hay có khả năng vay mượn, cầm cố để đóng có tiền, vì chuyến đi này
có giá cao gấp 5 lần một chuyến du lịch thông thường qua Đài Loan.
Trong khi trên diễn đàn quốc hội, có người đã cho
đây là một việc nhục quốc thể thì chính quyền Việt Nam lại yêu cầu Đài Loan đảm
bảo danh dự cho các du khách bị bắt. Loại danh dự mà chính phủ Việt Nam đòi hỏi
phải tôn trọng là loại danh dự nào đây?
Sau sự việc này, cơ quan du lịch Đài Loan đã đề nghị
Bộ Ngoại Giao ngừng cấp visa cho các đoàn du khách đến từ Việt Nam. Tính từ
Tháng Tám, 2016 đến Tháng Ba, 2018, ít nhất 1,946 trường hợp đã được ghi nhận ở
quá hạn visa hoặc mất tích sau khi đến Đài Loan, theo thông báo của Văn phòng
Thống kê Đài Loan. Theo đó, số công dân nước ngoài “mất tích” lên đến 1,597 người,
có 70% người Việt. Phần lớn số người này đã sử dụng giấy tờ giả để tiếp tục ở lại
Đài Loan.
Khó khăn hơn, hồi cuối Tháng Hai, 2017 một nhóm lao
động gồm 23 người ở các tỉnh tập trung ra Hà Nội, đóng khoảng $2,300 cho một
người ở Bắc Giang để được đưa sang Trung Quốc, từ Trung Quốc, họ mua một con
tàu biển cũ để vượt biển sang Đài Loan để kiếm việc làm. Khi ra giữa biển, con
tàu bị nạn, Đài Loan vớt được 16 thi thể, chỉ có vài người bơi được vào Đài
Loan, bị cảnh sát tại đây bắt giữ.
Không lẽ, Việt Nam sau gần 44 năm thống
nhất, độc lập, dân còn cơ cực lắm hay sao mà phải bỏ đất nước ra đi? Không phải người Việt ra đi
làm chuyên viên, tham vấn cho chính phủ các quốc gia khác thua kém Việt Nam, vì
Việt Nam thông minh, cần cù và đã đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ, mà để tìm việc
mưu sinh bằng lao động tay chân, ở đợ, kiếm chồng hay bán thân.
Cũng mới Tháng Tám, 2018 đây thôi, 17 người Việt Nam
trên con tàu vượt biên đến Úc, đã bị cảnh sát địa phương Úc bắt giữ ở khu vực gần
cửa sông Daintree, phía Bắc tiểu bang Queensland. Cũng trước đây, năm 2015, hải
quân Úc đã bắt giữ 50 thuyền nhân Việt Nam ở khu vực ngoài khơi phía bắc
nước Úc, và sau đó chính phủ Úc cho một chiến hạm chở họ, trục xuất về nước.
Trong 4 tháng đầu 2013, 460 thuyền nhân Việt Nam kể
cả phụ nữ và trẻ em đã vượt biển đến Úc. Do đó, chính phủ Úc đã có 15 đợt trả
người xin tị nạn về nước “với những hình thức khác nhau!” Gần 40 năm sau ngày Việt Nam thống
nhất trong chế độ “xã hội chủ nghĩa,” hiện tượng người vượt biển lại tăng cao,
bằng tổng số thuyền nhân đến Úc trong 5 năm trước.
Năm 2017 cả nước đưa được 134,751 lao động đi nước
ngoài làm việc, trong số này số phụ nữ chiếm 37.5% trong tổng số 100,000 lao động
(năm 2014,) phần lớn là ra nước ngoài làm giúp việc nhà. Mới đây, Tổng thống
Indonesia Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ dừng chương trình đưa phụ nữ nước
này ra nước ngoài giúp việc nhà để “giữ lòng tự trọng quốc gia,” vì nhiều phụ nữ
khi làm việc ở nước ngoài đã bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại, bị bạo lực
nhưng không được trả lương. Năm 2012, cựu tổng thống Bambang Yudhoyono cũng từng
cam kết sẽ tạo thêm 1 triệu việc làm để khuyến khích lao động giúp việc nhà
Indonesia ở nước ngoài quay về nước. Còn Việt Nam thì sao?
Chuyện đàn bà Việt Nam “xuất cảng” đi lấy chồng ngoại
quốc, chỉ tính ở Đài Loan thôi, số cô dâu Việt Nam ở Đài Loan hiện nay có hơn
98,000 người, tính riêng trong năm 2017 có 6,075 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài
Loan.
Ngày xưa chúng ta thường nghe câu: “Ở đâu có khói là
có người Tàu,” ngày nay thử coi, dân nông thôn Việt Nam di cư đi khắp
nơi, lên đến số triệu, thì việc có một nhóm có mặt tại Thái Lan, Hồng Kong,
Trung Cộng, Sinngapore, Đài Loan hay Nam Hàn, tệ hơn là cả Cambodia, Lào để làm
lao động trái luật thì đâu có gì lạ. Tôi nói “tệ hơn” là vì Lào, Cambodia có thể
ở dưới mức nghèo đói, so với việt Nam. Chúng ta nghĩ sao người Việt Nam đến
Nga bằng đường du lịch, rồi qua biên giới vào Ba Lan kiếm việc làm?
Không bỏ nước ra đi, phải chăng Việt Nam chỉ còn tầng
lớp cán bộ, đảng viên quyền lực tung hoành giàu có, hay như bà Tám Bảnh với cái
mẹt bày hành, tỏi, ớt, đã bất ngờ nổi nóng chửi đổng chính quyền đang muốn bóp
cổ bà, khi nghe tin nhà nước sẽ “chiếu cố” “vặt lông vịt” đến lớp người buôn
thúng, bán bưng như bà!
Ngày nay người ta rời bỏ quê hương mình không một
chút vấn vương luyến tiếc. Con em du học không về, người dân đang tìm đủ mọi
cách để bỏ nước ra đi: du học, hôn thú, du lịch trốn ở lại, vượt biển… Một bài
viết trên BBC cho rằng người ta muốn rời bỏ Việt Nam để con cái mình khi lớn
lên được sống làm người tử tế.
Trước một cuộc di cư mệnh danh là cuộc “di cư của thế
kỷ 21,” một bài báo trên VNExpress đã có đề nghị: “Chúng ta cần siết chặt các
đường biên giới, cả của quốc gia lẫn các tỉnh thành, để ngăn dòng người di cư tự
do và các vấn đề của nó?”
Đây là một đề nghị khá buồn cười và bất khả thi!
Trong một đất nước có tình trạng như vậy, giới lãnh
đạo Cộng Sản như con đà điểu chúi đầu vào cát, nhắm mắt mà lạc quan tếu táo như
Nguyễn Phú Trọng: “Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này,
chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định,
thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn,
đời sống của bà con có nghĩa có tình!”
Tôi xin tặng câu nói này của nhà văn Ái Nhĩ Lan,
Samuel Beckett, cho người cầm đầu đảng Cộng Sản VN: “Hãy là kẻ biết điều hợp
lý, bạn chưa thử hết mọi thứ mà. Một kẻ ngu có thể giả mù nhưng ai biết con đà
điểu đó thấy gì trong cát?” (Huy Phương)
(Hình minh họa: Getty Images)
.
December 29, 2018
.
December 27, 2018
No comments:
Post a Comment