Friday, December 15, 2017

NỢ CÔNG (Bùi Bích Hà)


Bùi Bích Hà
December 13, 2017

Tôi nhận được điện thư của người bạn quý, cảm nhận qua nét vui tươi trong những con chữ chị đánh xuống bàn phím, sự hứng khởi khi chuyển cho tôi nội dung của một bài viết kèm theo trích từ Facebook Giao Thanh Pham mà xem ra chị rất đắc ý. “Này, cho một đề tài để chia sẻ đây!”

Quả nhiên nhận xét của chị không sai. Đề tài của bài viết luận về công ơn cha mẹ, một vấn đề dù nói ra hay không, đã, đang và có lẽ còn làm bận lòng nhiều thế hệ con dân Việt Nam trong nước hay hải ngoại trong tiến trình hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, phải ứng xử với những mâu thuẫn văn hóa khác biệt.

Đại ý bài viết nêu ra vài quan điểm chống lại món nợ công, giữa ông bà, cha mẹ và cháu con, chuyền vai từ thế hệ này sang thế hệ kia trong các gia đình như một hủ tục cần chấm dứt. Lý lẽ để biện minh cho lập luận này như sau:

- Những đứa trẻ vì thời cuộc, sống không có cha mẹ thân thuộc bảo bọc từ tuổi niên thiếu, khi lớn lên vẫn có sự nghiệp bề thế.

- Tác giả đã nghiên cứu “nhiều sách vở giáo khoa ở Mỹ, chẳng bao giờ tìm được những câu răn dạy về ‘Công Ơn Cha Mẹ’ hoặc việc phải đền đáp, trả nghĩa cho ‘Công Đức Sinh Thành,’ lại càng không thể tìm ra được những gì nói đến ‘Bổn Phận Phải Trả Hiếu’ của con cái sau này khi cha mẹ về già. Người Mỹ hay nói chung, người Tây phương không có cái ‘Đạo Lý Thánh Hiền’ nhập cảng từ Tàu ấy.”

Con cái sinh ra là do ý định của cha mẹ hoặc trong vài phút nông nổi của người lớn, không có chúng dự phần. Có con vì “tai nạn.” Có con cho vui cửa vui nhà, cho ông bà bế ẵm, để cầm chân người phối ngẫu, để làm tròn vẹn cái hình ảnh mái ấm gia đình có tiếng khóc cười trẻ thơ… Tuyệt nhiên không bao giờ cha mẹ sinh con vì chúng nó muốn được góp mặt với đời…

Vẫn theo bài viết, vậy mà trong các sách giáo khoa, các nền giáo dục trong quá khứ ở mọi thời đại, người ta luôn kể về công ơn của cha mẹ, mang nặng đẻ đau, sớm hôm tảo tần, vất vả nuôi con cái, nêu những sự kiện đó ra như những món nợ vay trả, trả vay giữa cha mẹ và con cái, truyền tử lưu tôn từ đời này sang đời khác.

- Đối với cha mẹ Mỹ, nuôi dạy con cái là bổn phận, trách nhiệm phải chu toàn. Đối với cha mẹ Việt Nam, đó là ân đức do cha mẹ ban phát, con cái phải đáp đền; là món nợ công đã có từ khi chúng chưa mở mắt chào đời.

- Cha mẹ Mỹ coi việc con cái giúp đỡ trong tuổi già là quà tặng. Cha mẹ Việt Nam coi đó là nợ, bắt buộc phải hoàn trả.

- Cha mẹ Mỹ chuẩn bị hành trang cho con cái vào đời ở lứa tuổi 18-20 rồi đẩy chúng ra riêng, sống tự lập, cha mẹ được rảnh tay lo cho tương lai tuổi già của mình. Cha mẹ Việt Nam ấp ủ con cái, tuổi 30-35 vẫn còn rụt rè chưa dám đối mặt với xã hội. Đợi đến khi chúng vào đời rồi, cha mẹ đã lụm khụm, không còn thời gian để lo cho tương lai về già của bản thân nữa.

Bài viết kết luận: Thế là cái vòng lẩn quẩn của món nợ sinh thành ấy cứ được trao qua vai hết đời này sang đời khác, cứ tiếp tục làm khổ lẫn nhau khi nhu cầu đòi hỏi giữa đôi bên không được đáp ứng như mong đợi. Ở Mỹ, hai đứa trẻ sau khi ra đời chỉ phải lo lắng cho tương lai của gia đình chúng. Ở Việt Nam, hai đứa trẻ ấy còn phải cõng thêm tương lai của cha mẹ. Muốn chấm dứt cảnh này, cha mẹ Việt Nam cần thoát khỏi lối tư duy cổ hủ, không còn thích hợp như nói trên.

Phải công nhận các dữ kiện bài viết đưa ra đều chính xác, phản ảnh một thực tế khó chối cãi, dựa trên nền văn hóa “Trẻ cậy cha, già cậy con” lâu đời của người Việt Nam trước đây vài ba thập niên ở quê nhà.

Tôi chỉ băn khoăn không hiểu cách nhìn mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái như món nợ công theo quan điểm của tác giả bài viết. Trong thực tế và ngay cả trong môi trường ở hải ngoại ngày nay, liệu có bao nhiêu phần trăm được sự đồng thuận của cộng đồng người Việt ở cả hai phương vị cha mẹ và con cái?

Vắn tắt thôi, ai cũng biết con người sống ở đời kể từ lúc lọt lòng mẹ là bắt đầu ngay những món nợ chằng chịt với người xung quanh, với đồng loại, bởi vì giản dị là con người không thể sống một mình và hữu dụng một mình. Đó là món nợ lớn nhất, đã làm người thì không ai thoát được, thế hệ này sang thế hệ khác, trước khi trở thành “chủ nợ” hay đang là “chủ nợ,” ai cũng từng là con nợ và nợ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Có những đứa con cảm kích tấm lòng trời biển của cha mẹ, còn cười đùa bảo nhau: “Cha mẹ đi rồi vẫn chưa trả hết nợ con cái vì chúng con gặp khó khăn, còn thắp nhang xin cha mẹ phù hộ.”

Sách vở giáo khoa hay nhà trường Mỹ không dạy trẻ về công đức sinh thành của cha mẹ, bổn phận phải trả hiếu của con cái khi khôn lớn; người Mỹ hay nói chung, người Tây phương không có cái đạo lý thánh hiền nhập cảng từ Tàu. Bởi vì ở đất nước văn minh, mỗi cá nhân từ bé đã sinh ra trong tự do và được tôn trọng, giáo dục không tẩy não hay nhồi sọ trẻ mà hướng dẫn, đào tạo trẻ thành những con người có đầu óc, có trái tim, có nhận thức và suy xét riêng, có khả năng làm những chọn lựa phù hợp với phẩm cách của mình.

Ngay trong mỗi gia đình, cha mẹ không tự coi mình là chủ nợ đối với con cái nhưng làm gương cho con về tình thương yêu, lòng khoan dung, bác ái, tinh thần trách nhiệm, ý thức tương trợ; nuôi dưỡng, tưới tẩm trong con trái tim mẫn cảm, biết thưởng thức cái đẹp và sống đẹp. Một xã hội tiến bộ đề cao nhân phẩm khuyến khích con người phát huy các giá trị nội tại thay ví dùng thần thánh làm ông ngoáo ộp để dọa dẫm hay hứa hẹn vu vơ.

Cha mẹ Mỹ với kinh nghiệm bản thân, biết rõ hơn ai hết con cái là những nhánh sông, con sẽ có ngày đổ ra biển lớn, đầu tư vào con cái là đầu tư không hoàn vốn nhưng không vì thế mà buộc chặt túi tiền. Họ đầu tư khôn ngoan và có kế hoạch để xã hội phát triển mà không ai lỗ lã, rất khác với cha mẹ Việt Nam cả đời sống theo câu châm ngôn “nước mắt chảy xuôi,” có khi chảy đến cạn dòng và tiếp tục khóc bằng đôi mắt khô không lệ.

Cha mẹ không đòi nợ thì con cái không phải lo trả nợ nhưng khả năng của trái tim yêu thương thì vô hạn. Một đứa con bị người đời gọi là bất hiếu, vô đạo, không phải vì nó không có đồng lớn đồng bé cho cha mẹ, vì nó không nuôi nổi cha mẹ bằng sơn hào hải vị hay lụa là nhung gấm mà vì nó vô cảm trước tuổi già sức yếu, những vụng về yếu ớt, những khao khát một lời nói, một ánh mắt, một nụ cười, một chút ân cần để sưởi ấm buổi chiều mùa Đông sắp tắt của cha mẹ.

Cảm xúc từ trái tim không phải mua bằng tiền mà một đứa con nào đó vẫn không có được để làm quà cho cha mẹ thì thật tội nghiệp bởi vì nó khốn khổ hơn cả một người khốn khổ bình thường nhưng có một trái tim biết buồn vui và san sẻ. Tình cha mẹ nếu không cao cả, thâm sâu và diễm lệ hơn một món nợ thì đã không có những đứa con thất lạc gia đình, thậm chí bị bỏ rơi trong một hoàn cảnh nào đấy, cả cuộc đời còn lại miệt mài đi tìm những người sinh thành ra chúng để không bị dày vò bởi mặc cảm không có một gốc gác vào đời như mọi ai trên mặt đất này.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.” Cha mẹ sẽ không buồn vì con cái không thể trả nợ mà sẽ rất buồn vì cuộc sống bận rộn quay cuồng với cơm áo của một Hoa Kỳ thực dụng đã lấy đi năm ba phút thư giãn cần thiết cho tâm hồn con cái họ, để chúng không còn cái hạnh phúc thưởng thức hương thơm của hoa hồng mà thiên nhiên ban tặng hậu hĩ cho nhân loại và làm đẹp Địa Cầu. (Bùi Bích Hà)





No comments: