Saturday, December 23, 2017

BẢN TIN NGÀY 23/12/2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin trong nước

Tin Biển Đông
Trên báo Thanh Niên có bài: Một tàu cá và 6 ngư dân mất liên lạc tại vùng biển Hoàng Sa.Bài viết có đoạn: “Sáng 20.12, tàu BĐ 96665 TS hoạt động tại vùng biển cách đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) 120 hải lý về hướng đông bắc thì bị mất liên lạc”. Hiện đang có nhiều tàu cá hỗ trợ tìm kiếm nhưng chưa có thêm thông tin gì.

Cũng xin lưu ý thêm, hiện vùng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nói chung và đảo Tri Tôn nói riêng đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Chúng cũng đang tăng cường xây đắp, cải tạo và đưa vào sử dụng nhiều công trình, cơ sở quân sự.


Nhôm vào lò
Trong hơn 24 giờ qua, câu chuyện Nhôm vào lò tràn ngập trên báo chí trong, ngoài nước và trên mạng xã hội. Sau khi nhiều tờ báo đăng tin, khám xét nhà ông Vũ ‘nhôm’ chiều ngày 21/12 thì đến tối ngày 22/12/2017 đã có thông tin chính thức: Khởi tố ông Vũ ‘nhôm’ vì tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Tin khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ được báo chí đồng loạt phát đi sau 21h tối, giờ Việt Nam.

Và đúng như nhiều người dự đoán, con ruồi Vũ “nhôm” đã … bay mất hút, đúng quy trình. Đêm 22/12/2017, khi công bố quyết định của Cơ quan An ninh điều tra, thuộc Bộ Công an, khởi tố bị can Phan Văn Anh Vũ, thì họ cũng phát hiện ra rằng “Đại gia” Vũ “nhôm” biến mất. Dường như nhà chức trách biết chắc là Vũ “nhôm” đã trốn rồi, nên họ đã có sẵn cái quyết định truy nã ký trước đó một ngày. Ai đã giúp cho Vũ “nhôm” trốn thoát?

Lệnh truy nã ông Vũ “nhôm”. Nguồn: Dân Việt

Ngay sau khi có tin khám nhà Vũ “nhôm”, báo chí đồng loạt lao vào khai thác thông tin về ông trùm bất động sản nhiều tai tiếng này. Xin điểm qua các tin đáng chú ý về vụ “đánh hội đồng” kẻ ngã ngựa. Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Chân dung ông trùm bất động sản Vũ ‘nhôm’. Còn trên Zing đặt câu hỏi: Đại gia Vũ ‘nhôm’ là ai?. Báo Tuổi Trẻ thì mạnh mẽ hơn với bài: Vì sao Vũ ‘nhôm’ có biệt danh ‘mafia’ của Đà Nẵng? Đây là ba bài trong số hàng chục bài viết khắc họa chân dung của vị đại gia nổi tiếng với những đồn đoán là quyền thế nghiêng trời lệch đất tại Đà Nẵng, có thể chỉ mặt để chỉ đạo bất cứ lãnh đạo nào của Đà thành.

Báo Lao Động có bài: “Có muốn làm nữa không thì bảo?”Câu chuyện chủ tịch TP bị đe dọa cho “nghỉ việc” nếu làm trái ý, được Bí thư Trương Quang Nghĩa kể vài năm trước, rằng: “Khi ấy có những doanh nghiệp đứng trước cửa UBND chỉ mặt mấy vị phó giám đốc sở, giám đốc sở hỏi, ‘chúng mày có muốn làm nữa không thì bảo’.” Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng, “nếu như có tình trạng này thì đó là sự sỉ nhục với chính quyền, với hệ thống công quyền của chúng ta”.

Và thông tin quan trọng hơn được Thanh Niên đưa ra với tựa bài Tổng bí thư yêu cầu Bộ Công an điều tra ông Vũ‘nhôm’. Thông tin này được Thanh Niên dẫn lại từ ông Trương Quang Nghĩa, trong cuộc gặp mặt các tướng tá công an, quân đội về hưu ở Đà Nẵng. Vụ “đốt lò” này hơi quá đáng khi ông Tổng muốn đút cả nhôm vào lò.

Một tin rất đáng giá nữa nhưng ít báo đăng đó là: Ông Vũ ‘nhôm’ đã thoái hết vốn khỏi hàng loạt công ty. Tin này được trang Vietnambiz đưa ra, tác giả cho biết “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn”. Ngoài ra ông Vũ cũng rút hết 40 tỷ vốn tại Công ty TNHH Minh Hưng Phát và siêu dự án The Sunrise Bay vốn của ông Vũ “nhôm” cũng bốc hơi cách đây gần 8 tháng.

Nhà báo Dương Hằng Nga, có bài viết cho “đại gia” họ Vũ: Gửi lời chào anh Vũ Nhôm. Bà Nga là Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí GTVT, đã từng bị Công an TP Đà Nẵng cấm xuất cảnh 3 tháng hồi tháng 10 vừa qua, mà nhiều người tin rằng, do Thượng tá Vũ “nhôm” chỉ đạo, bởi bà Nga đã có 8 bài viết, phanh phui những phi vụ làm ăn của công ty xây dựng 79, do ông Vũ “nhôm” làm Chủ tịch.

Nhà báo Dương Hằng Nga, là người bị công an Đà Nẵng điều tra và cấm xuất cảnh vì đụng tới Vũ Nhôm. Ảnh: FB tác giả.

Bà Nga viết: “Khi tôi vừa mới đăng bài thứ nhất, anh đã nhắn tin xin gặp tôi để… ‘thỏa thuận’. Tôi không hề trả lời lại anh. Khi tôi tiếp tục đăng bài thứ 2, bài thứ 3; anh đã ‘triệu tập’ những người quen biết tôi, bạn bè, đồng nghiệp tôi; nhờ ai có thể kết nối được với tôi để cho anh gặp tôi.

Anh kiện tôi ra tận Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý báo chí… Không kiện được tôi với các Bộ ngành Trung ương, không rút được thẻ nhà báo của tôi như anh đã từng đắc chí; anh quay sang kiện tôi ra Tòa án địa phương, anh yêu cầu Công an Đà Nẵng phải xử tôi vào tội hình sự, anh đòi phải bắt giam tôi, tống cổ tôi vào ngồi tù bóc lịch“.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà bình luận: Cuộc chiến gió tanh mưa máu tại Đà Nẵng vừa bị anh Vũ Nhôm… phá game biến mất. Thành phố ngày xưa đáng sống, bây giờ quá hỗn độn. Lãnh đạo thì cứ đổ thừa cho những người tiền nhiệm; dân chúng thì lao vào chửi mắng nhau trên MXH…Phải ổn định, an dân thì mới mong giải quyết tồn đọng và tiếp tục phát triển. Công tác cán bộ là chuyện nên làm, việc đưa ông Ủy viên BCH TW Phạm Viết Thanh về thay Thơ cũng là một giải pháp hay!?”

Nhà báo Nguyễn Thông trích lời Nam Cao: “Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi: ‘Trời có mắt đấy, anh em ạ!’. Người khác thì nói toạc ra: ‘Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu’. Mừng nhất là bọn hào lý ở trong làng. Họ tuôn đến hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích“.


Thượng tá Út “trọc”
Bên công an có Thượng tá Vũ “nhôm” đang bị truy nãy, thì bên quân đội có Thượng tá Út ‘trọc’. Nhiều người không biết Út ‘trọc’ là ai kể cả ngay sau khi ông ta bị bắt, bởi báo chí lúc đó không nói ông ta là ai, kể cả tên đầy đủ của Út ‘trọc’ là gì:  Bí thư Trương Quang Nghĩa: Quân đội bắt Út ‘trọc’ rồi, Công an phải trả lời câu hỏi về Vũ ‘nhôm’.

Báo Đất Việt có bài nói về vai trò của Út trọc như sau, qua lời của Bí thư Thành ủy Trương Quan Nghĩa: ”Ở đây có Vũ ‘nhôm’ mà mọi người đang nói thì ở ngoài Bắc, trong quân đội có nói về Út ‘trọc’, cũng thượng tá cả. Quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý. Quân đội vừa xử lý, bắt Út ‘trọc’ rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ ‘nhôm’.“. Đó chính là biệt danh của ông Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn.

Út “trọc” (người có đầu trọc ở hàng sau) tại lễ ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT. Ảnh Mt.gov.vn.

Nhà báo Nguyễn Thông ghi nhận: “Điều đáng ghi nhận nhất là gần như không mấy vụ bắt dân (bởi dân có tội gì mà bắt), chỉ bắt cán bộ đảng viên (tội nhiều hơn trúc Lam Sơn). Tức là đã xảy ra cuộc khủng hoảng, suy sụp ở thượng tầng, ở bộ máy cai trị. Bản thân cán bộ từ trung ương tới địa phương bị suy thoái thê thảm, bộ máy lãnh đạo bị mục ruỗng, phe phái đánh nhau, mạnh được yếu thua, kẻ thất cơ lỡ vận, kẻ thừa thắng xông lên, kẻ ôm mối căm hờn, kẻ chờ cơ phục hận, v.v…


Cây củi giá đắt Trịnh Xuân Thanh
Thông tin đáng chú ý nhất về vụ Trịnh Xuân Thanh được BBC chạy tít: Đức ngưng miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao VN. Đây là thông tin đã được đồn đoán từ lâu nhưng nay đã được phía Đức xác nhận qua kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW). Bài viết có đoạn: “Quan chức Đức nói với DW cũng cho biết thêm rằng một số quan chức cao cấp của Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh vào Đức trong thời gian qua.

Người này bình luận rằng trước đây quan hệ Đức – Việt đã từng rất ‘gần gũi và đáng tin cậy’, nhưng nay bị tổn hại nặng nề kể từ ‘vụ bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh”  “Đức đã kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo xét xử công bằng cho ông Trịnh Xuân Thanh và vụ việc phải được giám sát bởi các nhà quan sát quốc tế“.

Cây củi với giá quá đắt này đang là mối trở ngại chính trong quan hệ Việt- Đức và những thiệt hại về ngoại giao, kinh tế và thể diện quốc gia chưa thể đong đếm. Nhưng với người đốt lò “vĩ đại”, cây củi đã nhăm nhe đốt mới quan trọng, còn thể diện quốc gia, hệ lụy ngoại giao không quan trọng bằng … cái lò.

Báo trong nước cũng có bài viết rất đáng chú ý trên tờ Người Lao Động: Ra đầu thú, Trịnh Xuân Thanh vẫn khai báo không thành khẩn. Xin trích dẫn một đoạn: “Theo cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, có tiền án, tiền sự, mặc dù ra đầu thú nhưng có thái độ khai báo không thành khẩn”. 

Bài viết trên làm nhiều người ngạc nhiên bởi vì khi đầu thú, thông thường nghi can sẽ khai rất nhanh và thành khẩn, không giấu diếm điều gì. Một điều cũng khá bất thường nữa đó là cụm từ “ra đầu thú” được nhấn mạnh tới 3 lần trong bài viết.


Khúc củi Đinh La Thăng và những cây củi khác
Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Ông Đinh La Thăng vung tiền cho Thái Bình 2 thế nào? Tác giả Đức Minh cho biết, ông Thăng đã vung rất nhiều tiền và còn ban phát quyền lực và vung cả ê kíp để phá nát PVC và PVN. Rất nhiều số liệu, dữ kiện và các mốc thời gian được sử dụng trong bài viết làm người đọc hoa mắt, chóng mặt.

Ông Thăng đã đưa Trịnh Xuận Thanh từ Công ty sông Hồng về làm tổng giám đốc, đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng Công ty Sông Đà về làm phó TGĐ PVC và tạo mọi điều kiện cho đơn vị này làm trái!


Bức tranh kinh tế Việt Nam
Dự trữ ngoại hối Việt Nam có thể sớm đạt 50 tỷ USD là bài viết trên VnEconomy. Tác giả dẫn lời ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam, cho biết: Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 48 tỷ đô la. Ông Hưng khá lạc quan khi cho rằng “dự kiến quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể đạt kỷ lục 50 tỷ USD ngay trong năm nay”.

Rất nhiều nguồn cung ngoại tệ được ông Lê Minh Hưng cho biết trong bài viết này như: Đầu tư nước ngoài, dòng tiền ngoại đổ vào thị trường chứng khoán và “thoái vốn” nhà nước khỏi những công ty nhà nước…
Trên CafeF có bài: Chân dung những “siêu anh hùng” mang về 1 triệu tỷ đồng cho thị trường chứng khoán năm 2017. Tác giả cho hay, “chỉ tính riêng sàn HOSE thì quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau 1 năm đã tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng“. Cũng cần lưu ý thêm là, TTCK của Việt Nam luôn được xem như một canh bạc bịp chứ không đủ điều kiện để được coi là “thị trường đầu tư” đúng nghĩa.

Hẳn quý độc giả chưa quên vụ Trịnh Văn Quyết bán ‘chui’ 57 triệu cổ phiếu hồi tháng 11 năm nay. Sự việc này sẽ rất nghiêm trọng ở các TTCK đúng nghĩa, nếu ở Mỹ, ông Quyết đã phải ngồi tù và bị phạt rất nặng, thì ở Việt Nam ông chỉ bị phạt … 60 triệu đồng cho việc bơm thổi và giao dịch nội gián để thu về hơn 400 tỷ.

Xin được nhắc lại vụ án của bà Martha Stewart ở Mỹ, một vụ án đình đám hơn 15 năm trước, liên quan tới gian lận mua bán cổ phiếu. Bà Stewart là doanh nhân nổi tiếng và giàu có, tài sản của bà hiện tại có hơn 600 triệu Mỹ kim. Năm 2004, bà đã phải ngồi tù 5 tháng ở nhà tù liên bang, chỉ vì kiếm lợi bất hợp pháp vài chục ngàn Mỹ kim từ cổ phiếu.

Câu chuyện như sau: Cuối năm 2001, bà Steward nhận được nguồn tin nội bộ từ bạn của bà là ông Peter Bacanovic, là broker của công ty Merrill Lynch, nên bà vội vàng bán gần 4000 cổ phiếu của công ty ImClone Systems. Ngày hôm sau, cổ phiếu ImClone Systems bị rớt giá 16%, bà Steward hưởng lợi hơn $45.000 (cũng có thể hiểu là bà tránh bị lỗ số tiền này nhờ thông tin nội bộ).

Báo chí vào cuộc, đưa ra nhiều tin nóng về vụ này và SEC (Ủy ban Chứng khoán & Giao dịch Hoa Kỳ) đã điều tra vụ bà kiếm lợi bất hợp pháp từ chứng khoán. Đầu năm 2004, bà Stewart đã phải ra tòa và bị buộc 9 tội liên quan tới gian lận chứng khoán và cản trở công lý. Bồi thẩm đoàn tìm thấy bà có tội, tháng 7-2004, bà Stewart bị kết án 5 tháng tù giam, cộng thêm 2 năm giám sát sau khi ra tù, trong đó có 5 tháng bà bị giám sát bằng điện tử – electronic monitoring. Ngoài ra, bà còn bị phạt $30.000 Mỹ kim. Những người tiết lộ thông tin cho bà cũng nhận án tù.

Còn về dân sự, tháng 8-2006, SEC đồng ý giải quyết vụ này bằng cách, để bà Stewart trả hơn $58.000 (số tiền kiếm lợi bất chính hơn $45.000, cộng thêm lãi suất). Ngoài ra, bà còn phải trả tiền phạt dân sự số tiền hơn $137.000 (gấp 3 lần số tiền bà kiếm lợi bất chính).
Bà cũng đồng ý bị cấm giữ các chức vụ có liên quan, như giám đốc, CEO, CFO hoặc bất kỳ vai trò nào khác liên quan tới công việc kiểm toán của bất kỳ công ty công nào trong 5 năm. Vì vụ này mà Vương quốc Anh đã không cấp visa cho bà tới Anh để nói chuyện về thời trang và công nghiệp giải trí ở Học viện Hoàng gia hồi năm 2008.

Chỉ vì kiếm lợi hơn $45.000, mà bà Steward đã phải trả lại hơn $225.000 sau đó, lại còn bị tù tội và bao nhiêu hệ lụy sau này. Trong khi ông Trịnh Văn Quyết thu lợi hơn 400 tỷ, chỉ bị phạt 60 triệu, không bị ngồi tù ngày nào, vẫn còn lời chán! Đúng là chế độ ta “ưu việt” hơn vạn lần bọn “tư bản giãy chết”!

Trang Vneconomy cũng có bài viết về vụ IPO “lịch sử” của HDBank với nhan đề: Vụ IPO của HDBank lớn thứ hai lịch sử ngân hàng Việt Nam. Để rộng đường dư luận về vụ IPO này và cả vụ ông Trịnh văn Quyết bán chui cổ phiếu FLC, xin mời đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Tiến Tường: Họ đã làm giàu như thế nào?

Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, báo Tuổi Trẻ đưa tin: Nhà máy soda 2.300 tỉ nguy cơ thành sắt vụn. Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc Công ty CP Soda Chu Lai: “Thời điểm nhà máy vận hành thì giá soda xuống thấp quá nên sản xuất bị thua lỗ. Việc xả thải không có gì độc hại nhưng người dân ở xung quanh phản ứng nhiều đã làm khó cho chúng tôi”. Và ông Dũng cũng phủ nhận “thiết bị máy có nguồn gốc từ Trung Quốc”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Hôm qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa phúc thẩm xử bà Trần Thị Nga theo điều 88 Bộ luật hình sự của Việt Nam. VOA đưa tin: Y án 9 năm tù đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga. Phiên xử được nói là “công khai” nhưng công an sắc phục và thường phục đã ngăn chặn bắt bớ những người bạn của bà Nga đến tham dự phiên tòa. Đã có vài người bạn bà Nga bị bắt giữ, câu lưu trái phép và thậm chí họ còn bị đánh đập và lấy hết tài sản cá nhân.

Đã có nhiều bài viết trên facebook nhằm thể hiện tình cảm với cá nhân bà Nga và thái độ cũng như góc nhìn pháp lý về phiên tòa này. Facebooker Nguyễn Anh Tuấn có bài: Những người gạt nước mắt mà đi, hay nhà báo Phạm Đoan Trang với bài: Bên trong xử Thúy Nga, bên ngoài lại bắt người, khi nói đến diễn biến phiên tòa. Riêng luật sư Lê Văn Luân, người bào chữa cho bà Nga lại nêu góc nhìn pháp lý thông qua bài: Sự yên lặng của phần tranh luận.

LS Đặng Đình Mạnh có tin: Thông tin về vụ án truy tố các ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc. LS Mạnh cho biết: “Đã có bốn luật sư đăng ký bào chữa trong vụ án, gồm LS Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho ông Trần Hoàng Phúc, LS Hà Huy Sơn bào chữa cho ông Nguyễn Văn Điển, LS Lê Văn Luân bào chữa cho ông Trần Hoàng Phúc và tôi, Đặng Đình Mạnh bào chữa cho ông Vũ Quang Thuận và ông Trần Hoàng Phúc”.

VOA đưa tin: Nghị sĩ kêu gọi đại sứ Mỹ nêu vấn đề tự do tôn giáo Việt Nam. Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, “thúc giục nêu quan ngại với Hà Nội về Luật Tôn giáo Tín ngưỡng dự kiến có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/18 với các điều khoản cho phép nhà cầm quyền Việt Nam giới hạn hoạt động tôn giáo một cách tùy tiện“.

Những lo ngại thậm chí là sợ thông tin “lề dân” đã khiến cho các quan chức cầm quyền tìm mọi cách đối phó. Liên tục trong năm nay Bộ 4T đã tìm mọi cách để ngăn chặn những thông tin mà họ cho là “xấu”, “độc” với đảng. Đầu tiên, báo VietNamNet có 2 bài: Bộ TT&TT: Vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi và Facebook gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo. Trên RFA cũng có bài, Google và Facebook đồng ý gỡ bỏ ‘nội dung xấu’ theo yêu cầu của Việt Nam khi nói đến nỗ lực bịt thông tin “xấu, độc cho đảng”.


Tin quốc tế

Điểm nóng Bắc Hàn
Trong nước, tờ Lao Động có bài: Liên Hợp Quốc bỏ phiếu biện pháp cấm vận dầu mỏ mới với Triều Tiên. Theo đó, LHQ sẽ bỏ phiếu một nghị quyết do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường cấm vận đối với chế độ Bắc Hàn. Bài viết dẫn nguồn từ AFP có đoạn, “các biện pháp mới sẽ cấm cung cấp gần 90% các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên và yêu cầu hồi hương tất cả  công dân Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng”.

Cùng chủ đề Triều Tiên, báo Pháp Luật TPHCM có bài: “Triều Tiên là mối đe dọa hạt nhân lớn của Mỹ”. Bài viết lấy tin từ hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), phát đi những thông điệp hiếu chiến và đầy giọng điệu đe dọa  của lãnh tụ (tâm thần?) Kim Jong-un. Bài viết có đoạn: “Ông Choe Ryong-hae, Phó Chủ tịch đảng Lao Động Triều Tiên và là thân tín của ông Kim Jong-un, kêu gọi các đảng viên Triều Tiên phải tăng cường trang bị ý thức đảng và tinh thần chống Mỹ“.

Sự căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cũng làm Trung Quốc “ớn lạnh”, tờ Thanh Niên chạy tít: Triều Tiên ‘tự hủy cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân với Trung Quốc’. Bài viết cho hay, Bắc Hàn đã từ bỏ cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân với Trung Quốc từ triều đại cha ông của Kim Jong-un.

Tác giả viết: “Triều Tiên ‘làm bẽ mặt’ Trung Quốc khi lãnh đạo Kim Jong-un từ chối tiếp đón ông Tống Đào, đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng 4 ngày hồi tháng 11” và “Chính quyền các địa phương Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên cũng đã có những động thái được cho là nhằm chuẩn bị ứng phó tình huống xấu nhất”. 


Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: Tổng thống Trump ký ban hành luật thuế mới. Sau khi được lưỡng viện tại Quốc hội thông qua, Tổng thống Donald Trump đã ký để ban hành luật thuế mới. Đây là chiến thắng lập pháp lớn nhất năm đầu tiên ông tại vị mà nhiều người người cho rằng, luật cải tổ thuế này chẳng khác nào “lấy của người nghèo chia cho nhà giàu”.

Theo bài báo: “Luật thuế này, là cải tổ lớn nhất kể từ những năm 1980, giảm mức thuế doanh nghiệp từ 35 phần trăm xuống còn 21 phần trăm và cũng tạm thời giảm gánh nặng thuế cho phần lớn dân Mỹ”. Nhưng nước Mỹ sẽ bị thâm thủng ngân sách 1.500 tỷ Mỹ kim trong 10 năm tới, để có tiền bù vào thâm thủng này, những chi tiêu dành cho người nghèo qua cách chương trình như Medi-cal, Medicare, Medicaid… sẽ bị cắt giảm, và có thể cả tiền lương hưu từ quỹ an sinh xã hội cũng bị cắt.


Mỹ – Trung – Nhật
Biển Hoa Đông có thể trở thành chiến trường mới của Mỹlà tựa bài viết trên Tuổi Trẻ về những căng thẳng và nguy cơ xung đột tại khu vực biển Hoa Đông. Theo bài viết, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản tuy không “nóng sốt” như ở Biển Đông nhưng nguy cơ tiềm ẩn chiến tranh giữa các cường quốc lại cao hơn rất nhiều.

Bài viết có đoạn: “Khi nói đến tranh chấp lãnh hải ở châu Á, thời gian qua Biển Đông thường thu hút nhiều sự chú ý nhất. Tuy nhiên, các học giả đang cảnh báo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông có nhiều nguy cơ kích hoạt một cuộc xung đột quốc tế hơn“. Thực tế tham vọng bành trướng và sự trỗi dậy “không mấy hòa bình” cùng với tư tưởng dân tộc cực đoan của Trung Quốc đã hun nóng biển Hoa Đông.

Mỹ và Thế giới
Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ đừng trở thành một ‘thẩm phán nhân quyền’ là đầu đề bài viết trên RFA. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhảy đổng lên như vậy khi Tổng thống Donald Trump “đưa ra lệnh trừng phạt hành chính bằng biện pháp đóng băng tài sản của những người nước ngoài tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền” và đối tượng này là Gao Yan (Theo luật Magnitsky Toàn cầu).

Bài viết có đoạn: “Ông Gao Yan là người từng làm việc ở trại tạm giam Chaoyang, Bắc Kinh, nơi giam giữ nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, Cao Shunli. Các nhóm nhân quyền nói bà Cao đã bị tra tấn và từ chối những vấn đề chăm sóc y tế trong thời gian giam trong tù, dẫn đến cái chết của bà vào tháng 3 năm 2014″.

Cùng chủ đề này, trên VOA có bài: Mỹ chế tài những đối tượng vi phạm nhân quyền, tham nhũng. Bài viết trên VOA có nhắc đến vài cá nhân bị trừng phạt theo luật Magnitsky Toàn cầu, nổi bật nhất là tướng Maung Maung Soe của Myanmar, “người cầm đầu cuộc đàn áp tàn bạo trong năm nay nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya“.


Bá quyền Trung Quốc
Trên RFI có bài phân tích rất hay, tựa đề: “Những con đường tơ lụa mới ” của Trung Quốc: Lào trở thành một cực địa chính trị chủ chốt. Bài phân tích cho thấy vai trò của Lào trong con đường tơ lụa mới, cũng như những toan tính về kinh tế, địa chính trị… và chiến lược của đại dự án “Một vành đai Một con đường” do ông Tập Cận Bình đề xuất.

Trong khi đó, báo VnExpress lại có bài: Nhà báo Australia kể về hai lần được mời làm điệp viên ở Trung Quốc. Bài viết đề cập đến một trò mà Trung Quốc đang lộng hành khắp nơi trên thế giới, đó là gài điệp viên và dùng tiền mua chuộc thông tin. Không biết với vai trò “đồng chí tốt”, có bao nhiêu lãnh đạo Việt Nam đã bị TQ mua chuộc?

RFA cho biết: Lãnh đạo Hồng Kông nói sẽ không mù quáng tuân lệnh Bắc Kinh. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), lãnh đạo của Hồng Kông khẳng định, sẽ không nghe lệnh Trung Quốc một cách mù quáng. Bài viết cho biết thêm, “nếu chính quyền Hoa Lục đòi hỏi điều gì quá đáng hay đi ngược lại lợi ích của Hồng Kông thì bà có trách nhiệm đàm phán với Hoa Lục hoặc đấu tranh cho điều gì có lợi với Hồng Kông”.











No comments: