Tuesday, September 13, 2011

TÙ NHÂN BẤT KHUẤT TRƯƠNG VĂN SƯƠNG QUA ĐỜI (Người Việt)



NAM HÀ (NV) - Ông Trương Văn Sương, tù nhân chính trị nổi tiếng bất khuất và dũng cảm ở Việt Nam, qua đời hôm Thứ Hai, 12 tháng 9, sau gần một tháng bị buộc quay trở lại trại tù Nam Hà, miền Bắc Việt Nam.

Anh Trương Quang Dũng, con lớn của ông Trương Văn Sương, xác nhận tin này với báo Người Việt và cho biết, ông Sương qua đời lúc 10 giờ 20 phút sáng Thứ Hai.

Ông Trương Văn Sương thắp nén hương trên bàn thờ di ảnh người vợ thân yêu đã mất năm 2007 sau hàng chục năm mỏi mòn chờ đợi ngày ông trở về. Trong tấm hình này còn thấy rõ trên cổ ông đang quàng vòng hoa Chiến Thắng Ngục Tù CSVN do cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển thay mặt Phong Trào Ðấu Tranh Dân Chủ Việt Nam trao tặng. (Hình: Internet)


Theo lời anh Dũng kể, ba anh bị bệnh tim trầm trọng, được nhà tù cho về một năm để chữa bệnh. Ngày 12 tháng 7, 2011 là vừa đúng một năm.

Anh Dũng và người em trai làm giấy bảo lãnh để ba tiếp tục điều trị nhưng đến ngày 19 tháng 8, 2011 thì được lệnh từ công an phường 2, thành phố Sóc Trăng, bắt ông Sương trình diện rồi bắt đi liền.
“Con xin bảo lãnh cho ba con chữa bệnh thì họ nói không có thẩm quyền, muốn xin phải trực tiếp ra Hà Nội mà xin. Họ lập biên bản bắt ký tên, con không kịp về nhà lấy thêm quần áo cho ba con.”

Sáng ngày Thứ Hai, anh Dũng nhận được điện thoại từ nhà tù báo cho biết ba anh đã qua đời. Ông Sương bị đột quị từ buổi tối ngày Thứ Bảy, đưa ra bệnh viện Phủ Lý, tỉnh Nam Hà, cấp cứu rồi qua đời ở đó.

Theo lời anh Dũng, ba anh bị hở hai van tim nhiều đêm ông phải ngủ ngồi hai ba tiếng đồng hồ vì nằm xuống thì nghẹt thở.
“Trước khi tạm tha cho ba con về, con nằm cả tháng với ba con ở bệnh viện Phủ Lý. Rồi khi thấy ba con nguy kịch quá thấy chết đến nơi thì chỉ cho về một năm.”

Tin tức về ông Trương Văn Sương được kể qua lời tường thuật của nhiều tù nhân chính trị khác. Nhờ sự đấu tranh quyết liệt do ông cầm đầu, ban quản trại Nam Hà đã giảm bớt ăn cắp thực phẩm, phần ăn của tù nhân khi tất cả mấy ngàn tù nhân ở trại này đồng loạt tuyệt thực phản đối.

Ông Trương Văn Sương sinh năm 1944, nguyên là trung úy Ðịa Phương Quân. Khi miền Nam sụp đổ, ông bị bắt đi tù cải tạo từ ngày 1 tháng 5, 1975. Sáu năm sau ra tù, ông vượt biên sang Thái Lan, tham gia nhóm phục quốc của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh. Về Việt Nam lập chiến khu thì bị bắt năm 1983, và bị kết án tù chung thân với tội danh gián điệp.
Trong tù, ông nhất định không xin giảm án hay nhận tội để có thể giảm xuống còn 20 năm tù.

Tuy nhiên, đến khoảng năm 2009, thấy bệnh trở nên nghiêm trọng và muốn nhìn thấy mặt vợ con trước khi chết nên ông đã nhận tội và được giảm án. Nhờ vậy, ông được chuyển từ khu biệt giam tới ở với các tù nhân khác trong đó ở chung buồng giam với LS Nguyễn Văn Ðài hơn một năm.

Theo lời nhiều tù nhân kể lại, ông Trương Văn Sương đã bị biệt giam và bị cùm rất nhiều lần vì tính nết cương nghị, không khuất phục trước các lệnh ngang ngược của quản giáo.

“Ngày Thứ Ba, 13 tháng 9, con mua vé máy bay cùng với em con đi ra Bắc. Con cầu mong người ta cho anh em con được nhìn mặt cha chúng con lấn cuối.” Anh Dũng nói.

Tin ông Sương được thả về tháng 7, 2010 được loan truyền rộng rãi, nhiều người cảm phục một tù nhân chính trị bất khuất đã gửi tiền giúp ông chữa bệnh.
Ông đã lên Sài Gòn, tạm cư ở nhà Mục Sư Nguyễn Hồng Quang để tới bệnh viện cho gần. Sau khoảng ba tháng thì ông bị công an buộc rời Sài Gòn về Sóc Trăng. Tại đây, ông vừa đến một bác sĩ địa phương và uống thêm thuốc Nam.

“Bệnh ba con mới giảm được chừng năm tới sáu phần chứ không dứt.”Anh Dũng nói.

Theo lời anh Dũng, không có lệ cho tù nhân mang xác về nhà chôn.
“Họ nói chờ cho chúng con ra rồi mổ tử thi giám định xem ba con chết thế nào. Con nói ba con chết rồi, chúng con không thích mổ vì không cứu cho ba con sống lại được. Chúng con chỉ mong muốn được nhìn mặt ba lần cuối khi chúng con ra đó ngày mai.”

Ðiện thoại của anh Trương Quang Dũng: 84-9394-60657.

Ðịa chỉ nhà: 162 Trương Công Ðịnh, Khóm 6, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, Việt Nam. (TN)

BẢN TIN VIDEO TÙ NHÂN BẤT KHUẤT TRƯƠNG VĂN SƯƠNG QUA ĐỜI

No comments: