Sunday, January 30, 2011

BÀI HỌC VỀ SỰ THÀNH CÔNG CỦA CUỘC CÁCH MẠNG Ở TUNISIA (RFA)


Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-01-29

Người dân Tunisia đã thành công trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Ben Ali, cai trị đất nước Bắc Phi hơn 23 năm qua, bằng bàn tay sắt.
Câu hỏi được đặt ra là, nguyên nhân nào gây ra sự sụp đổ của chế độ Ben Ali? Tổng thống Tunisia bị lật đổ, có phải do “diễn biến hòa bình” hay các “thế lực thù địch” tạo ra? Và đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của người dân Tunisia? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu.

Chống khủng bố, nhưng trở thành khủng bố

Cựu tổng thống Ben Ali đã cai trị đất nước Tunisia kể từ năm 1987 bằng chế độ độc tài, thiếu tự do, dân chủ. Mặc dù ông Ben Ali và chính phủ của ông thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng chỉ trích, thế nhưng bản thân cựu tổng thống Tunisia luôn nhận được sự ủng hộ của chính phủ Pháp, Mỹ và một số nước phương Tây.

Trả lời phỏng vấn báo “The Real News”, ông Shehata Samer, Phụ tá Giáo sư, nghiên cứu về chính trị Ả Rập, thuộc trường Đại học Georgetown, cho biết: “Ông ta rất gần gũi với Tổng thống Sarkozy. Ông ta đã có chuyến thăm chính thức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush và cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng đã đến thăm Tunisia hồi năm 2008.
Ông ta được xem là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Ông ta là người rất cởi mở, thân thiện với chính sách thị trường của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông ta tin rằng Hồi giáo là kẻ thù và ông ta kềm kẹp đạo Hồi rất khốc liệt mà không chú ý gì đến vấn đề nhân quyền hay tiến trình dân chủ, kể từ khi ông ta lên nắm quyền cho đến bây giờ. Ông ta là một đồng minh lớn của phương Tây như: Pháp và châu Âu, cũng như Hoa Kỳ”.

Do chính sách chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, cùng với chính sách tăng trưởng kinh tế của ông Ben Ali, được Hoa Kỳ và phương Tây xem như là một mô hình kinh tế tuyệt vời, cho nên Ben Ali đã trở thành một đồng minh trung thành của Mỹ và các nước Tây phương. Thế nhưng, viện lý do chống khủng bố, ông Ben Ali đã thẳng tay đàn áp, khủng bố những người Hồi giáo vô tội khác, dẫn đến việc vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Nhờ khéo che đậy, cho nên hầu hết phản đối của dân chúng Tunisia, liên quan đến các vấn đề vi phạm nhân quyền của chính quyền Ben Ali, cũng như các vấn đề chính trị và xã hội của đất nước, không nhận được sự chú ý từ chính phủ các nước bên ngoài.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình PressTV, ông Kusai Kedri, phóng viên báo chí Tunisia cho biết: “Cựu độc tài Ben Ali có mối quan hệ tốt với Pháp và Mỹ, bởi vì trong bối cảnh chính trị ở Pháp, ông ta là một nhà lãnh đạo Ả Rập có thể bảo vệ các nước Tây Âu từ hiểm họa Hồi giáo. Thực tế, ông ta là người kích động quần chúng chống lại những người Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo ở Bắc Phi, trấn an phương Tây rằng ở Tunisia có một con tốt để xử lý và giải quyết các vấn đề theo ý của họ.
Nhưng trên thực tế, người đàn ông này đã tra tấn những người dân. Ông ta không tham gia vào một cuộc tranh luận dân chủ với họ. Ông ta không cho họ cất tiếng nói. Cho nên người châu Âu, và đặc biệt là người Pháp bày tỏ thái độ rằng, họ không thực sự quan tâm nhiều về việc ông ta trừ khử những người đối lập gốc Hồi giáo như thế nào, hoặc sự quan tâm của các nước này chỉ đơn giản chú ý đến thực tế là các mối đe dọa Hồi giáo vẫn còn ở Bắc Phi”.

Do không bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây chú ý đến vấn đề vi phạm nhân quyền, do chính sách cai trị độc tài, và nhất là do dưới thời Ben Ali, nền kinh tế Tunisia phát triển và ổn định so với các nước láng giềng, cho nên các cuộc biểu tình hay nổi dậy của người dân trên đất nước này, hiếm khi xảy ra.

Có áp bức, tất sẽ có đấu tranh

Cũng như Việt Nam, tuy nền kinh tế Tunisia ổn định và phát triển, thế nhưng đại đa số người dân Tunisia đều không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, mà hầu hết của cải làm ra chỉ tập trung trong tay một nhóm thiểu số, đó là những người nắm quyền lực trong bộ máy chính phủ, trong khi đa số người dân Tunisia đều nghèo khổ và khốn cùng.

Cuộc sống nghèo khổ của người dân chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nổi dậy ở Tunisia vừa qua. Một nguyên nhân sâu xa hơn nữa đã khiến chế độ Ben Ali sụp đổ, đó là sự đàn áp, khủng bố chính trị của chính quyền. Do cai trị người dân bằng chính sách độc tài, cho nên ông Ben Ali không chấp nhận đa đảng, không chấp nhận tự do bầu cử và tất cả các đảng phái đối lập ở Tunisia đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Mặc dù cai trị người dân bằng chính sách độc tài, thế nhưng Ben Ali muốn chứng minh với dân chúng và thế giới rằng Tunisia có dân chủ, và ông là vị tổng thống do dân bầu ra. Cho nên, mặc dù tổ chức bầu cử, nhưng mọi cuộc bầu cử, Ben Ali đều thắng, và những chiến thắng này, không phải do sự tín nhiệm của người dân, mà do sự gian lận trong chính sách bầu cử của ông ta.

Ông Shehata Samer cho biết: “Tunisia được xem như một đất nước của cảnh sát, bên cạnh chế độ Saddam Hussein ở Iraq trước đây. Đạo Hồi chính thức bị cấm. Rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị ở Tunisia phải sống lưu vong ở Paris và London.
Bầu cử là chuyện khôi hài. Ben Ali đã nhiều lần thay đổi hiến pháp, cho phép ông ta ra tranh cử tổng thống. Thực tế, người ta tin rằng ông ta chuẩn bị sửa đổi hiến pháp một lần nữa để loại bỏ giới hạn tuổi tác bởi vì ông ta hiện 74 tuổi, trong khi giới hạn tuổi tác của tổng thống trong hiến pháp là 75. Và như vậy, ông ta có thể ra tranh cử tổng thống một lần nữa vào nhiệm kỳ kế tiếp, năm 2014. Đây là một chính phủ độc tài toàn trị, không có tự do báo chí, không đảng phái chính trị nào tham gia”.

Để củng cố sự cai trị của mình, ông Ben Ali đã ngăn chặn tự do thông tin bằng một chế độ kiểm duyệt gắt gao tất cả các phương tiện truyền thông chính thống, cũng như các tin tức trên internet. Mọi phát biểu của người dân có nội dung phản đối chính quyền đều bị cấm và bị đàn áp, và kết quả là, người dân không còn nơi nào để bày tỏ sự bất bình đối với chính phủ. Ông Samer nói tiếp:
“Tunisia gần như là một đất nước của cảnh sát. Không có kênh nào an toàn để người dân có thể bày tỏ sự thất vọng của mình. Bầu cử luôn là chuyện khôi hài. Các đảng phái chính trị hợp pháp thực sự không còn tồn tại. Lãnh đạo các đảng phái đối lập đã phải sống lưu vong ở nước ngoài. Giống như các nước Ma-rốc, Jordan, Ai Cập, Tunisia là một chế độ toàn trị thuộc loại mềm dẻo. Họ là những kẻ du côn nắm quyền, họ cũng cho phép bầu cử nhưng ở mức độ gian lận khác nhau”.

Ngoài chính sách cai trị cứng rắn, tình trạng tham nhũng, hối lộ ở Tunisia cũng tương tự như Việt Nam, đã trở thành quốc nạn, và chính sự bất công do nạn tham nhũng, hối lộ hoành hành đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ben Ali.

Tham nhũng, hối lộ đã được bảo kê bởi gia đình cựu tổng thống và gia đình vợ ông ta, tạo điều kiện cho tệ nạn này phát triển, có mặt khắp mọi cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương, trong suốt thời gian Ben Ali nắm quyền 23 năm qua. Lực lượng cảnh sát không phải để giám sát việc thi hành luật pháp, mà là thành phần nhũng nhiễu, hạch sách người dân và là công cụ bảo vệ chính quyền của nhà lãnh đạo độc tài.

Ông Kusai Kedri cho biết: “Tham nhũng ở Tunisia là trường hợp đặc biệt và khác thường ở Bắc Phi và thế giới Ả Rập. Gia đình vợ của tổng thống có một kỷ lục nổi tiếng về sự lạm quyền để tham nhũng đất đai, cho nên về cơ bản, sự bất mãn ở Tunisia đã tồn tại trong một thời gian dài kể từ khi Ben Ali lên cầm quyền”.

Độc tài lãnh đạo, đàn áp chính trị, bóp nghẹt tự do, dân chủ cùng với nạn tham nhũng, hối lộ của chính quyền là những nguyên nhân chính, khiến người dân nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của cựu tổng thống Ben Ali. Ngoài các nguyên nhân kể trên, những nguyên nhân nào đã giúp người dân thành công trong cuộc cách mạng này? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.

Theo dòng thời sự:


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2011-01-30

Hơn hai mươi ba năm qua, người dân Tunisia đã bị cai trị dưới chế độ độc tài hà khắc của cựu tổng thống Ben Ali.
Dân chúng ở đất nước Bắc Phi này đã phải chịu đựng bao nhiêu áp bức, bất công và đã đến lúc không còn chịu đựng được nữa, tất cả những người dân Tunisia cùng nhau xuống đường, cất lên tiếng nói phản đối chính phủ. Và chưa đầy một tháng, họ đã làm nên cuộc cách mạng, lật đổ chế độ độc tài của cựu Tổng thống Ben Ali. Ngọc Trân trình bày tiếp.

Cuộc cách mạng không có lãnh tụ

Đây là lần đâu tiên, một cuộc cách mạng ở đất nước Ả-Rập thành công mà không có bàn tay của quân đội, hay sự nhúng tay của một đất nước nào bên ngoài, mà tất cả đều do chính người dân Tunisia làm nên. Ông Muhammad al-Asi, lãnh tụ Hồi giáo thuộc Trung tâm Hồi giáo ở Washington D.C., cho biết: “Đây là lần đầu tiên, tôi lặp lại, đây là cuộc cách mạng đầu tiên ở 22 nước Ả-Rập, từ Iraq đến Moroco. Đây là lần đầu tiên người dân tự động xuống đường bày tỏ ý nguyện của họ để lật đổ một chính phủ độc tài”.

Không do quân đội trong nước hay sự ủng hộ của một chính phủ nước ngoài, mà cuộc cách mạng này cũng không có sự hiện diện của một lãnh tụ nào đứng ra lãnh đạo, bởi trong suốt giai đoạn cầm quyền, do chính sách độc tài, không một lực lượng đối lập nào ở Tunisia có cơ hội tồn tại hay phát triển.

Bất kỳ tiếng nói bất đồng hay ý kiến đối lập nào cũng đều bị dập tắt từ trong trứng nước, thế nhưng không vì thế mà người dân không dám đứng lên.
Ông Seifeddine Ferjani, một nhà hoạt động nhân quyền, cho biết: Sau 23 năm bị đàn áp, sau 23 năm hủy hoại nhân phẩm của những công dân Tunisia, sau 23 năm kiểm soát mọi lĩnh vực đời sống của người dân Tunisia về mặt xã hội, chính trị, kinh tế, cuối cùng người dân Tunisia đã nổi dậy.
Phải chăng đó là bối cảnh của một cuộc đảo chính hay có nên gọi là một cuộc đảo chính nội bộ hay không, tôi nghĩ rằng không thể gọi đây là một cuộc đảo chính, vì lý do đơn giản là quân đội không có đủ sức mạnh để thực hiện một cuộc đảo chính nếu như không có sự nổi dậy của đa số người dân. Vì vậy, vấn đề là ở chỗ, người dân của chúng tôi ở Tunisia đã nổi dậy, họ đã bị bắn, họ đã bị xịt hơi cay, họ đã bị đàn áp, và có tin tức về những trường hợp bị hãm hiếp xảy ra ở Kasserine. Cho đến nay, có khoảng hơn 200 người chết. Vì vậy, đây là một cuộc tổng nổi dậy, không phải là một cuộc đảo chính mang ý nghĩa bình thường”.

Người dân Tunisia bị đàn áp, bị khủng bố, bị nhũng nhiễu, cùng với nạn nghèo đói, thất nghiệp, lạm phát gia tăng, và nhất là tệ nạn tham nhũng, hối lộ hoành hành, là những nguyên nhân khiến cho sự bất mãn trong dân chúng đạt đến cực điểm. Và vụ tự thiêu hôm 17 tháng 1, của Mohamed Bouazizi, một thanh niên 26 tuổi, đã trở thành giọt nước cuối cùng làm tràn ly, thổi bùng ngọn lửa bất mãn trong dân chúng.

Các cuộc biểu tình ở Tunisia đã biến thành những cuộc nổi dậy của người dân. Và như chúng ta đã biết, sau những lần liên tục xuống đường của người dân Tunisia, chưa đầy một tháng, kể từ vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi, vào ngày 14 tháng 1, ông Ben Ali đã cùng gia đình trốn chạy khỏi Tunisia.
Nhiều người ngạc nhiên về sự thành công của cuộc cách mạng ở Tunisia bởi không có sự lãnh đạo của quân đội hay một lực lượng đối lập ở trong cũng như ngoài nước. Cô Selma Beji, người Tunisia, hiện đang học cao học ở một trường ĐH tại Mỹ, nói với đài CNN rằng, cô rất ngạc nhiên khi các cuộc biểu tình chủ yếu bắt đầu từ các nhóm thanh niên và mạng xã hội, có thể dẫn đến một cuộc nổi dậy, lật đổ tổng thống Tunisia cầm quyền suốt 23 năm.

Mạng xã hội đóng vai trò quan trọng

Cuộc cách mạng ở Tunisia thành công phải kể đến vai trò của các mạng xã hội như Twitter, Facebook và cả WikiLeaks. Facebook và Twitter đã kết nối những người Tunisia lại với nhau, thực hiện thành công các cuộc xuống đường lớn trên cả nước.

Ông Kusai Kedri cho biết: “Về cuộc cách mạng internet, các trang web đã đóng một vai trò quan trọng, là nền tảng giúp người dân Tunisia nhận ra rằng, có các kênh thông tin khác có thể vượt qua sự kiểm soát của chính phủ. Trong 23 năm qua, Ben Ali đã cố kềm kẹp người dân Tunisian bằng cách chuyển cho họ những thông tin sai lệch, như cho các đài TV mở nhạc suốt cả ngày. Đột nhiên, người dân nhận ra rằng họ có thể liên lạc với nhau. Họ có thể sử dụng Twitter, họ có thể sử dụng Facebook, họ có thể đăng tải những đoạn video lên YouTube.
Và điều này đã giúp, như là virus lan truyền, cơ bản là làm cho người dân nhận ra rằng, thực tế ở thế giới bên ngoài có nhiều điều ngoài những điều mà chế độ này, chính phủ này muốn họ biết. Tất cả điều này đã giúp và sẽ giúp dân Tunisia làm cho thế giới biết về đời sống của họ và tôi hy vọng, hôm nay những công cụ này sẽ duy trì sự tự do mà họ đã chiến đấu để giành lấy”.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà báo tự do đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và hình ảnh, cũng như cộng tác với các phương tiện truyền thông chính thống để đưa tin về các cuộc biểu tình. Năm 2009, sau cuộc bầu cử tổng thống ở Iran, các trang mạng xã hội đã trở thành một trong những phương tiện quan trọng, huy động hàng trăm hàng ngàn người Iran xuống đường, chống lại kết quả bầu cử bị cho là gian lận.

Đàn áp, nhưng không thể dập tắt tiếng nói

Trở lại vấn đề Tunisia, những ngày đầu khi người dân xuống đường, chính phủ Ben Ali đã thẳng tay đàn áp với những người biểu tình, ra lệnh cho cảnh sát tấn công đám đông, cho phép cảnh sát bắn vào bất cứ người biểu tình nào không nghe theo lệnh, đóng cửa các cơ quan truyền thông và các trang web. Các blogger cũng đã bị chính phủ tấn công vào tài khoản, lấy cắp mật mã, xóa thông tin, nhằm ngăn chặn những thông tin, hình ảnh về cuộc nổi dậy của người dân ở Tunisia đến với thế giới bên ngoài.

Ông Evan Hill, một nhà báo mạng cho biết: “Có một cuộc chiến tranh mạng diễn ra giữa chính phủ Tunisia và các nhà hoạt động. Tunisia luôn kiểm duyệt các trang web tin tức và các trang mạng như Facebook. Chính phủ cũng xóa các trang Facebook mà họ cho là ảnh hưởng đến chế độ. Rất nhiều người Tunisia nói rằng, có ai đó thường xuyên truy cập vào trang Facebook và các tài khoản Gmail, đánh cắp mật khẩu của họ. Và nếu như họ nhận được mật khẩu trở lại, hầu hết các thông tin của họ đã bị xóa.
Twitter hiện không gặp những vấn đề trục trặc kỹ thuật tương tự như vậy. Có nhiều người dùng internet ở Tunisia đã sử dụng phương pháp trèo tường lửa, và họ có thể lén ra ngoài, thoát khỏi các công cụ giám sát của chính phủ và họ có thể truy cập vào các trang tin tức quan trọng để nhận thông tin”.

Các nguồn thông tin, dữ liệu được cung cấp từ các blogger trên Facebook, Twitter, và video trên YouTube đã hỗ trợ rất lớn trong cuộc cách mạng ở Tunisia và các nước Arab. Các trang mạng xã hội này không chỉ chia sẻ thông tin giữa những người dân Tunisia mà còn với thế giới bên ngoài. Hình ảnh những người biểu tình đã được những người Ả Rập, cũng như các nhà lãnh đạo chính trị trong và ngoài nước quan sát và theo dõi chặt chẽ.

Ông Marc Lynch, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông, thuộc trường ĐH George Washington, cho biết: “Một bài học khác đó là, họ muốn làm bất cứ điều gì họ có thể, để cấm không cho các phương tiện truyền thông lên tiếng, để ngăn chặn việc đưa tin về các cuộc biểu tình, để các cuộc biểu tình không thể bắt đầu gia tăng ngoài tầm kiểm soát. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Ả Rập vô cùng lo sợ trước những gì họ đã thấy ở Tunisia, nhưng tôi muốn nghĩ rằng phản ứng của họ sẽ thay đổi theo hướng cởi mở hơn thay vì ngược lại”.

Mối liên hệ giữa các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông chính thống cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình chống chế độ độc tài ở Tunisia và các nước Ả Rập.
Ông Ayman Mohyeldin, phóng viên Đài Truyền hình Al Jazeera, cho biết:
“Những gì họ muốn chúng tôi làm là thực sự liên lạc với những người bạn khác, các thân nhân ở các thành phố khác bên trong Tunisia. Nhưng sức mạnh của internet, sức mạnh của truyền thông đã nhân lên, cho phép chúng tôi vươn tới số lượng quần chúng vô cùng lớn. Cuối cùng là, nó trở thành một công cụ kết nối cho phong trào này, một công cụ kết nối cho cả nước và có lẽ cho toàn bộ khu vực trong những năm tới”.

Cuộc cách mạng ở Tunisia thành công trong việc lật đổ chế độ độc tài, đã chứng minh với thế giới rằng, mọi chế độ độc tài, đi ngược lại nguyện vọng của đa số dân chúng, sẽ bị chấm dứt khi người dân bị dồn tới đường cùng. Một khi sự chịu đựng những bất công trong xã hội của dân chúng lên tới đỉnh điểm thì chắc chắn các nhà lãnh đạo độc tài sẽ phải ra đi.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: