Friday, January 28, 2011

ĐÔI ĐIỀU VỀ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM - MỘT TỔ CHỨC ĐẢNG GIẢ DANH XÃ HỘI DÂN SỰ

Lo Hão
Thứ Hai, 28/06/2010

Có một câu hỏi (mà người hỏi không lưu lại một cái tên cụ thể), gửi cho đích danh Lo Hão (như dưới đây):
Bác Lo Hão,
Bác có thể cho các độc giả Dân Luận biết nhiều hơn nữa về hoạt động của Mặt Trận Tổ Quốc không? Hoạt động và ảnh hưởng thực tế hàng ngày của họ về mọi lãnh vực xã hội. Chủ tịch (CT) MTTQ hiện nay có vẻ yếu thế hơn Phạm Thế Duyệt lúc trước. Các thành viên của MTTQ là ai? Chúng đều là đảng viên CS cả ư?

Câu hỏi có lẽ nằm ngoài nội dung của diễn đàn (đang trao đổi về về bức thư của các vị tướng) nhưng Lo Hão cũng cố trả lời trong phạm vi hiểu biết bản thân. Đăng lên hay không, xin tùy Ban Biên Tập Dân Luận.

Lập Mặt Trận dân tộc là một trong ba phép quý (tam pháp bảo) do bác Mao đề xuất để Đảng CS cướp và giữ được quyền cai trị dân. Trước đây, khi chưa cướp được chính quyền thì Việt Nam ta có Mặt trận Việt Minh, thời chống Pháp có mặt trận Liên Việt... nay là Mặt Trận Tổ Cuốc.
Muốn có mặt trận, trước hết Đảng CS lùa dân tham gia các đoàn thể (do đảng lập ra và nắm rất chặt Ban Chấp Hành), rồi đưa các đoàn thể đó vào Mặt Trận. Ban đầu, còn có khá nhiều người với tư cách cá nhân (gọi là nhân sĩ, tôn giáo) tham gia mặt trận. Về sau, khi mọi người dân đều bị lùa vào đoàn thể (có người vào 2, 3, hay 4 đoàn thể: như cha tôi vừa là trí thức, lại ở Cựu chiến binh, vừa là Người Cao Tuổi, Khuyến Học, Công Đoàn) thì hầu như không còn cá nhân trong mặt trận nữa. Điều này rất tiện để Ban Chấp Hành từng đoàn thể có toàn quyền "thay mặt" hàng triệu hội viên, đoàn viên mà phát ngôn khi họp mặt trận các cấp, kể cả ở cấp Trung Ương. Họ nói gì cũng nhân danh hàng triệu người.
Mặt Trận là tổ chức rộng rãi nhất, nên ở cấp Trung ương cũng không phải 100% là đảng viên (như vẫn có GS Phan Đình Diệu, Dương Trung Quốc) mà chỉ khoảng 95% thôi, cốt để thế giới lầm tưởng nó là đoàn thể rộng rãi và đại diện "thật".

Nguyên tắc hoạt động của mặt trận là hiệp thương, nghe ra rất hợp lý, nhưng đi vào cụ thể mới... bỏ mẹ dân. Xin nêu một ví dụ các ban chấp đoàn thể ngồi "hiệp thương" với nhau cử người vào danh sách ứng cử quốc hội. Thế là hết chỗ cho các cá nhân tự ứng cử. Điều đó xảy ra suốt 10 cuộc bầu bán trước đây, tới lần cuối cùng do đấu tranh của dân và báo chí, Mặt Trận đành cho một số cá nhân làm đơn, nhưng cũng cái mặt trận này nghĩ ra cách rất hiệu quả để hạn chế (đã loại bỏ được ông Cù Huy Hà Vũ). Do vậy, từ 300 người gửi đơn, rốt cuộc trong danh sách chỉ còn 30 cá nhân mà đảng vừa ý. Thế mà trúng cử được một đã thấy là quá may mắn.

Đứng đầu mặt trận thường là một cựu ủy viên bộ Chính trị hoặc một ủy viên Trung ương đương nhiệm.
Hoạt động chính trị càng ít càng tốt, chủ yếu là kêu gào "đoàn kết" nhưng là đoàn kết xung quanh đảng. Ví dụ, vừa qua, nổi rộ lên chuyện đòi bồi thường Chất Độc Màu Da Cam và làm từ thiện. Chuyện vai trò phản biện của mặt trận là do các trí thức tiến bộ đấu tranh đề xuất. Tuy vậy, có thể thấy trước là sẽ còn thảo luận dài dài, rất lâu, như một kế hoãn binh.
Dài quá rồi. Chính cái cánh tay này của đảng đang chịu nhiều áp lực để phải nhích sang phía tiến bộ.
---------------------


Sau khi Đảng Cộng sản củng cố được quyền lực của mình đủ để áp đặt chế độ toàn trị lên miền Bắc, thì họ tiến hành thủ tiêu không gian công cũ bằng hàng loạt biện pháp thẳng tay. Nhà nước toàn trị thực hiện việc này qua những đợt "phóng tay vận động quần chúng". Các tổ chức độc lập theo khuynh hướng không cộng sản hoặc bị giải tán, khủng bố hoặc sáp nhập vào các tổ chức do Đảng hậu thuẫn ngay trong thời kì 1945-1946 [6] . Các đợt chỉnh huấn từ năm 1950 áp đặt ý thức hệ toàn trị lên tầng lớp trí thức trong bộ máy công quyền vốn theo kháng chiến vì lòng yêu nước [7] . Vụ Nhân văn-Giai phẩm là sự thanh trừng khuynh hướng đòi thoát li khỏi không gian công toàn trị của các văn nghệ sỹ [8]. Báo chí độc lập bị thủ tiêu trên toàn miền Bắc.

Sau năm 1975, kịch bản cũ lại lặp lại. Không gian công tương đối cởi mở ở miền Nam bị quét sạch trong thời gian ngắn, với những biện pháp thẳng tay hơn nhiều và với quy mô to lớn hơn nhiều. Các tổ chức và phong trào chính trị, xã hội và tôn giáo có ảnh hưởng đều bị cấm, các lãnh tụ của họ đều bị giam chặt trong các trại cải tạo nhiều năm trời [9]. Không chỉ báo chí, mà phần lớn các di sản sách, băng đĩa nhạc của miền Nam bị đấu, đốt, cấm [10]. Đến đây, không gian công cũ/phi toàn trị được bồi đắp từ đầu thế kỉ 20 chấm dứt sự tồn tại của mình trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Đi xa hơn các nhà nước độc tài, trong các xã hội toàn trị [11], nhà nước luôn tìm cách nguyên tử hoá (atomize) xã hội, tức là sử dụng các biện pháp nhằm triệt tiêu cơ hội tự do giao tiếp/trao đổi thông tin và chính kiến giữa người với người mà không nằm trong các kênh mà nhà nước định trước. Trong một xã hội bị nguyên tử hoá triệt để, các cá nhân trong xã hội, khiếp sợ và tê liệt trước khả năng bị chế độ khủng bố, trở nên nghi ngờ lẫn nhau. Họ chủ động rút lui khỏi đời sống công cộng để quay về với cái không gian riêng tư an toàn của mình, trên các trang nhật ký/tự truyện viết lén lút, hoặc rộng hơn thì giữa các thành viên trong gia đình và trong vòng bè bạn thân cận.

Đối tượng tấn công đầu tiên của chính sách nguyên tử hóa là giới trí thức tinh hoa. Từ 1956 sau khi đập tan các tờ báo Nhân văn và Giai phẩm - cuộc gắng gượng cuối cùng của không gian công cũ, bộ máy nhà nước - đảng ở Việt Nam không dừng lại ở đó. Nó tiếp tục tấn công vào các nhóm văn nghệ sỹ độc lập nhằm buộc họ tự nguyện phục tùng ý thức hệ. Một chiến dịch cải tạo trí thức được tổ chức vào tháng Một năm 1958 cho gần 500 nhà văn và nghệ sỹ. Trong tháng Ba và tháng Tư năm đó, lại có một đợt học tập cho 304 nhà văn, nhà thơ và các cán bộ văn hoá. Kết quả là tất cả 304 người này phải kí một bức thư ngày 14 tháng Tư gửi cho Đảng Lao động, chấp nhận các nguyên tắc của cuộc cải tạo trí thức. Tháng Bảy cùng năm, 58 trong tổng số 92 thành viên của Hội Văn học Nghệ thuật phải đi "thực tế"[12]. Các trí thức bị chia rẽ, buộc tội lẫn nhau. Những người cứng đầu nhất hoặc bị giam cầm, hoặc bị cô lập và phải im tiếng trong nhiều thập niên (như trường hợp của Đào Duy Anh, Văn Cao, Lê Đạt, Trần Dần v.v...).

Trần Dần, một nạn nhân của nguyên tử hóa, viết về những trí thức đã từng cùng ông lên tiếng trong phong trào Nhân văn Giai phẩm:
"Một ngón tay Nhân văn cũng không có! Non năm nay họ đã nằm ẹp cả xuống, vắt tay lên trán, suy nghĩ như các nhà hiền triết cả rồi. Họ còn cái khao khát chiến thắng của những người tiến bộ nữa đâu?... Họ tự coi họ bất lực, ngay mỗi việc chống đỡ những miếng cắn của thành kiến vẫn liên tục cắn họ vô cớ, họ cũng đã thấy bất lực, nên chỉ đành thúc thủ, nằm ì ra, cho cắn chán đi thì ắt phải thôi! Tóm lại, cái lực lượng Nhân văn quý báu và ghê gớm kia, họ đang tranh nhau đi vào con đường cầu an..." [13].

Nguyên tử hóa cũng diễn ra trong các tầng lớp dân chúng. Các quan hệ xã hội truyền thống (quan hệ láng giềng, họ hàng, bạn bè) bị huỷ diệt bởi các cuộc "đánh", "đấu tố", trong đó một bộ phận dân chúng bị lợi dụng để chống lại một bộ phận khác theo mô hình vận động chính trị quần chúng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiêu biểu là cuộc cải cách ruộng đất vào năm 1953 (giai đoạn thử nghiệm) và lên tới cao trào từ năm 1955 đến tháng Mười năm 1956 đã gây ra những xáo trộn chưa từng có trong đời sống nông thôn Việt Nam [14]. Cấu trúc xã hội của làng xã truyền thống cũng bị phá huỷ do cuộc cải cách ruộng đất - trong đó một bộ phận của dân chúng bị sử dụng để đánh lại một bộ phận khác [15] (Lưu ý rằng các lãnh tụ cộng sản luôn khẳng định cuộc cải cách ruộng đất không đơn thuần nhằm mục tiêu phân phối lại ruộng đất cho dân nghèo - như những cuộc cải cách ruộng đất được thực hiện ở các nước khác, mà còn nhằm mục tiêu chính trị - là áp đặt tư tưởng toàn trị lên các cộng đồng cổ truyền).

Như thế, chế độ toàn trị sau khi đã xoá bỏ cái không gian công làm dung môi cho các trao đổi tri thức và quan điểm của xã hội, lại tiếp tục tiến hành nguyên tử hoá xã hội, làm cho mạng lưới xã hội cũ bị băm nát thành các nguyên tử rời rạc và trở nên dễ cai trị.

-----------------------------------

Trích tác phẩm "Chủ nghĩa toàn trị giữa ngã ba đường" :

Chế độ Toàn Trị có thể xem là chế độ Độc Tài mà đã tiến thêm một bước dài trên con đường độc tài. Thay vì đóng cửa, xoá bỏ những tổ chức xã hội dân sự (như một số chế độ độc tài quân sự đã làm), chế độ Toàn Trị thay thế chúng bằng các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu có vẻ giống như trong các chế độ tự do dân chủ, nhằm ngăn cản bất cứ một hành động độc lập nào ngoài vòng kiểm soát của họ xảy ra trong xã hội. Chính vì thế chế độ Toàn Trị còn tồi tệ và độc tài hơn rất nhiều so với những chế độ độc tài thông thường. Không giống như những chế độ độc tài thông thường, chế độ Toàn Trị luôn kiểm soát mọi mặt của cuộc sống trong xã hội. Nó không những buộc con người trong chế độ phải sống như những nô lệ (của nhà nước Toàn Trị) mà còn buộc họ phải sống thường xuyên trong những sự giả dối. Trên hết nó làm cho toàn xã hội băng hoại đến mức độ việc quay trở lại với tự do và dân chủ là gần như không thể.
.
.
.

No comments: