Monday, October 25, 2010

CẦN VẬN ĐỘNG CHUYÊN NGHIỆP CHO NOBEL HÒA BÌNH (Võ Văn Ái)


LTS: Nhân sự kiện nhà hoạt động Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình, chúng tôi đã gửi 2 câu hỏi, qua e-mail, tới một số nhà hoạt đông dân chủ hải ngoại với mục đích tìm hiểu xem, bằng cách nào có thể vận động, đề cử giải Nobel Hòa bình cho Việt Nam. Chúng tôi đã chuyển tới bạn đọc ý kiến của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Hôm nay, chúng tôi xin tiếp tục công bố ý kiến của ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Thế giới có trụ sở tại Paris, đồng thời là Phát ngôn viên của Viện Hóa Đạo thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ông Võ Văn Ái là người đã có ít nhiều kinh nghiệm trong việc đề cử và vận động giải Nobel cho Hòa thượng Thích Quảng Độ.

——————————————————————

Hỏi: Ông nghĩ gì về giải thưởng Nobel Hòa Bình dành cho Lưu Hiểu Ba?
Ông Võ Văn Ái: Ông Lê Hiểu Ba rất xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình trên hai mặt cá nhân ông ấy và tình hình Á châu đang sôi động xu thế dân chủ theo tiến trình không đảo ngược của công cuộc dân chủ hóa toàn cầu.
Về cá nhân, ông Lê Hiểu Ba là người đấu tranh cho lý tưởng nhân quyền và dân chủ. Lý tưởng này là một hành xử của con người trong cõi người, chứ không thuần túy lý thuyết hay gọi kêu vô vọng. Trong hành động ấy mà ông bị bọn cướp tự do cầm tù. Có hàng trăm nghìn người như Lê Hiểu Ba tại Trung quốc và Việt Nam Công sản. Nhưng thế giới không biết đến, vì thiếu thông tin, vì các tổ chức đấu tranh non yếu trên trận địa quốc tế. Cho nên khi Ủy ban Nobel Hòa bình thấy ra một dáng người, thì đó là cơ may cho những Lê Hiểu Ba khác đứng lên nối gót.
Ngoài ra cần hiểu Giải Nobel Hòa bình mang tính chất chính trị hơn tính chất đạo đức con người. Đành rằng người được giải không phải là người thiếu đạo đức. Ý tôi muốn nói là cái nhìn của Tây phương thông qua Giải Nobel Hòa bình nhuốm màu sắc chính trị theo từng giai kỳ biến động quốc tế.
Đầu thế kỷ XX, một thần trí Châu Á đáng được Giải Nobel Hòa bình nhất là Thánh Gandhi. Thế nhưng thế giới quan những năm 30 – 40 là thế giới quan của những đế quốc lớn phương Tây. Cho nên Gandhi không được giải.
Thâp niên 70, chiến tranh Việt Nam là thời sự thế giới nổ tung trên màn ảnh tuyền hình khắp năm châu. Thế mà một người chẳng đạo đức bao nhiêu, đệ tử của một tôn giáo cuồng bạo không thượng đế, như Lê Đức Thọ lại được giải chung với Kissinger.
Sự kiện Lê Hiểu Ba được giải là tín hiệu cho một đổi thay lớn ở Châu Á trong hai thập niên tới. Nhưng ai quan tâm tới chính trị cần nắm bắt tín hiệu này để giải mã cho sự đổi thay trên quê hương nước Việt mình.

Hỏi: Việt Nam có những người xứng đáng với giải thưởng này như Hòa thượng Thích Quảng Độ hay LM Nguyễn Văn Lý. Với kinh nghiệm của một người hoạt động dân chủ lâu năm ở hải ngoại, theo ông, phải làm gì để vận động hay đề cử một cách có hiệu quả giải Nobel cho Việt Nam?
Ông Võ Văn Ái: Trong 5 năm qua, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ luôn đứng trong danh sách 5 người có hy vọng đoạt giải nhất (Shortlist). Nếu trong tương lai có một người Việt Nam đoạt giải thì đó sẽ là Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vì lý do đạo đức cũng như khả năng tập họp lớn rộng cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Năm 2007 là một ví dụ cụ thể : Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng dự tính công du Na Uy tháng 10. Nhưng có tin Hòa thượng có khả năng đoạt giải, nên ông Dũng hủy chuyến đi sợ bẽ mặt khi hiện diện cùng lúc với Giải Nobel công bố cho một người Việt Nam.
Hai lý do khiến cho Việt Nam chưa đoạt giải. Một là, trong mấy năm qua, tiêu chí chọn người trao giải của Ủy ban Nobel Hòa Bình không còn nhắm tới những nhân vật hoạt động cho hòa bình như những thập niên trước, mà chuyển sang vấn đề xã hội, môi sinh. Khi chọn ông Lê Hiểu Ba năm nay, Ủy ban Hòa bình trở về truyền thống cũ.
Lý do thứ hai, là đang có sự đồng lõa giai đoạn của Âu Mỹ với nhà cầm quyền Hà Nội. Cho nên họ chưa muốn gây sốc khi trao giải cho một người Việt Nam. Nhưng đồng lõa giai đoạn không có nghĩa vĩnh viễn.
Phải làm gì để vận động hay đề cử một cách có hiệu quả giải Nobel cho Việt Nam?
– Phải vận động một cách chuyên nghiệp. Tận nhân lực trước, thành quả đến sau. Đa số người Việt thường thích đủ thứ, nhưng thích lung tung. Không định tâm trong những việc lớn, nên mọi sự thường dở dang.
Cần tạo bối cảnh Việt cho Giải Nobel Hòa bình đến Việt Nam. Bao lâu Cộng đồng Hải ngoại chưa có kế sách đổi thay thời cuộc Việt Nam, nghĩa là mở con đường chiến lược cho chính trường Châu Á, và, chưa kết hợp thành lực lượng dân tộc trong cách thế kết hợp Hàng Ngang (thay vì kết hợp Hàng Dọc như lâu nay. Kết hợp Hàng Dọc đến từ nhược thức “đảng tranh”, kết hợp sau lưng TÔI, sau lưng ĐẢNG TÔI, sau lưng TÔN GIÁO TÔI, BÈ PHÁI TÔI…), thì một là chưa đủ khả năng chuyển vận lịch sử, thay đổi thời cơ; hai là chưa thể tạo nên bối cảnh Việt cho Giải Nobel Hòa bình đến với Việt Nam.

Mạc Việt Hồng thực hiện.
© Đàn Chim Việt

------------------------------------


-----------------------------------

lê thị huệ, chủ biên gio-o.com thực hiện

.
.
.
Phỏng vấn nhà thơ
Thi Vũ
Lê Vĩnh Phúc thực hiện
.
.
.
 

No comments: