Saturday, May 29, 2010

VĂN NGHỆ IRCC - 35 NĂM NHÌN LẠI

Văn nghệ IRCC – 35 năm nhìn lại

BÙI VĂN PHÚ/Việt Tribune

May 28, 2010

http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=4676

Mật lệnh của Hoa Kỳ gửi cho Tổng thống Thiệu: phải kí vào bản Hiệp định Paris 1973. Đó là một trong những sự kiện lịch sử Việt Nam của đầu thập niên 1970 được ghi lại, rọi chiếu trên màn ảnh của Center for the Performing Arts ở thành phố San Jose trong chương trình văn nghệ đánh dấu 35 năm ngày chính quyền Sài Gòn sụp đổ và cũng là thời điểm mở ra trang sử về người Mỹ gốc Việt.

Bằng vào hiệp định oan khiên đó, chỉ hai năm sau thì biến cố 30.4.1975 xảy đến – sớm hơn dự đoán của những nhà phân tích tình hình – để Hoa Kỳ phủi tay đối với vấn đề Việt Nam. Cũng từ đó cộng đồng người Việt ở Mỹ có tháng Tư tưởng nhớ và hoài niệm và tháng Năm để ngó lại cuộc đời, nhìn lại quãng đường hội nhập nơi quê hương mới vì tháng Năm ở Mỹ cũng là tháng tuyên dương di sản văn hoá châu Á và Thái bình dương.

.

Tuy đến Mỹ định cư sau những sắc dân châu Á khác, thấm thoát đến nay cộng động người Việt tại Mỹ cũng đã tròn 35 tuổi. Hơn 30 năm qua, từng lớp người Việt đã rủ nhau về thung lũng hoa vàng sinh sống. Những người đến đây từ 1975, rồi những thuyền nhân, những gia đình ODP, gia đình HO, con lai đã được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan xã hội trong bước đầu định cư. Đó là những tổ chức thiện nguyện như Catholic Charities, International Rescue Committee, Church World Services hay VIVO, IRCC là tên gọn của Immigrant Resettlement and Cultural Center.

.

IRCC do chính người Việt điều hành, thành lập từ giữa thập niên 1970 và từng có một tên gọi thân thương là “Hội quán Việt Nam”. Nhưng danh xưng của cơ quan đã chuyển đổi theo nhu cầu của đối tượng cần giúp đỡ, từ người tị nạn Đông Dương – Indochinese Refugees – sang di dân đến từ mọi miền thế giới – Immigrant Resettlement, tất cả vẫn là IRCC. Cơ quan do ông Vũ Văn Lộc, cựu Đại tá Quân lực Việt Nam Cộng hoà làm giám đốc điều hành hơn 30 năm qua và đã thực hiện nhiều chương trình, dự án giúp người tị nạn và di dân, từ dạy Anh ngữ cho đến tìm việc, từ tổ chức sinh hoạt cộng đồng, giúp kẻ không nhà cho đến thông tin văn hoá, xây dựng bảo tàng về người Việt ở đây. Những năm đầu thập niên 1980 hội quán có bản tin Tin Biển, đánh máy IBM ghi lại sinh hoạt cộng đồng, phổ biến qua đường bưu điện đến báo in Việt ngữ rải rác khắp nước Mỹ mà khi độc giả đọc được thì cũng đã thành tin nguội hơn cả tuần, có khi cả tháng. Nay Tin Biển vươn lên thành Dân Sinh Media với truyền thanh, truyền hình dùng kĩ thuật số loan tin đi khắp thế giới chỉ trong tích tắc.

.

Chiều Chủ nhật 23.5 vừa qua, hơn 2 nghìn người đã đến với IRCC và Dân Sinh Media để cùng nhau nhìn lại những bước thăng trầm của cộng đồng người Việt ở San Jose, một thành phố có đông người Việt nhất ở hải ngoại.

.

Trong số khán giả có những vị khách danh dự:

-Bà Dân biểu Zoe Lofgren, người bạn thân tình của IRCC, của cộng đồng người Việt, của những nhà tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam. Hôm nay bà đến để chúc mừng sự thành công của IRCC nói riêng và của cộng đồng người Việt nói chung. Bà hồi tưởng lại 35 năm về trước, lúc còn là một cô gái trẻ làm việc tình nguyện với Hồng Thập tự để đón và giúp đỡ những người Việt đầu tiên đến định cư tại thành phố này. Từ đó bà đã gặp rất nhiều người Việt và hiểu được tâm tư của họ. Hôm nay bà mang theo một ý tưởng muốn xây dựng một bảo tàng viện về người Mỹ gốc Việt ngay tại Thủ đô Washington.

-Cụ Phạm Ngọc Lũy, 92 tuổi, người mà 35 năm trước đã đem con tàu Trường Xuân rời bến Sài Gòn khi xe tăng cộng sản tiến vào thành phố. Trên đường ra đi, tàu hư giữa biển và đã được tàu Đan Mạch cứu giúp, đưa mấy nghìn người Việt đến được bến bờ bình yên.

-Cô Chiêu Anh, cùng với thân mẫu là bà Bùi. Cô được sinh ra trên tàu Trường Xuân khi đang lênh đênh trên biển trong một ngày đầu tháng 5.1975, tương lai không biết sẽ trôi giạt về đâu. 35 năm sau Chiêu Anh là một hoạ sĩ và hiện sống tại New York.

-Bà Khúc Minh Thơ đã làm việc không mệt mỏi để những cựu quân nhân, công chức Việt Nam Cộng hoà bị giam cầm trong các trại tù cải tạo và gia đình được qua Mỹ định cư trong chương trình HO từ đầu thập niên 1990.

-Nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh không chỉ đóng phim mà đã tham gia nhiều công tác văn hoá, xã hội và giáo dục tại Hoa Kỳ cũng như ở quê hương nguồn cội.

-Ông Nguyễn Nam Lộc, tức nghệ sĩ Nam Lộc thân quen qua những chương trình Asia. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, một người làm văn hoá không ngừng nghỉ trong hơn 30 năm qua.

-Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BoatPeople SOS, dấn thân vào việc giúp thuyền nhân, cứu những thiếu nữ bị buôn bán làm nô lệ tình dục. Ông cũng đi vào mạch chính sinh hoạt chính trị Mỹ qua con đường vận động hành lang cho quyền lợi của cộng đồng người Việt cũng như cho nhân quyền, dân chủ tại quê nhà.

-Ông Võ Đại Tôn và phu nhân là bà Tuyết Mai. Một Kinh Kha của lịch sử Việt Nam cận đại và một người vợ lúc nào cũng một lòng chung thủy, sắt son.

-Ông Tô Văn Lai, giám đốc trung tâm Thuý Nga với hàng trăm sản phẩm phát huy những nét đẹp của văn hoá Việt tại hải ngoại.

-Bà Đặng Mỹ Dung, tác giả hồi kí “Ngàn giọt lệ rơi” viết về trận chiến tình báo Mỹ-Việt ngay trên đất Mỹ.

.

Ngoài những khách danh dự phản ánh nhiều góc cạnh đặc biệt của người Việt, 35 năm sau từ ngày có người Việt đến San Jose hình ảnh của cộng đồng là ba thế hệ cùng lên sân khấu hát quốc ca, đọc lời nguyền trung thành với tổ quốc, nền Cộng hoà và quốc kỳ Hoa Kỳ. Là hình ảnh một thiếu niên đánh nhịp cho khán giả hát bản quốc ca Việt Nam Cộng hoà ngày trước. Là hợp ca chào đón di dân đến đất nước hợp chủng này: “Coming to America”. Cộng đồng người Việt nay là những kĩ sư, bác sĩ, những người làm nghề thẩm mĩ móng tay, cắt tóc, là những doanh nhân, những chủ cơ sở thương mại. Là các em thiếu nhi của Nhạc viện Thái Bình, học sinh các trường Việt ngữ, sinh viên các đại học; là những thanh nam, thiếu nữ trong Vũ đoàn Cánh chim Bách Việt, là đôi song ca của Câu lạc bộ Âm nhạc San Jose lớn lên từ Đại lộ Kinh hoàng 1972.

.

Những nét đẹp của cộng đồng được ông Vũ Văn Lộc giới thiệu như những “cánh hoa đẹp ở vườn trước, tiếng chim hót ở vườn sau nhà”.

.

Đan xen trong chương trình là hình ảnh tuẫn tiết của cấp chỉ huy để bảo vệ danh dự cho quân đội với cái chết của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Trung tá Nguyễn Văn Long; là những chịu đựng trong lao tù của người lính Việt Nam Cộng hòa như Đại úy Nguyễn Hữu Luyện, Trung tá Vũ Đức Nghiêm.

35 năm cộng đồng được khán giả thấy qua những khúc phim sinh hoạt đấu tranh một thời rực lửa với Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, với hội họp, diễn thuyết, văn nghệ, xuống đường tranh đấu. Những khuôn mặt một thời làm đất bằng San Jose dậy sóng: Tiến sĩ Trần An Bài, Mũ xanh Trần Văn Loan, ông Đỗ Hùng, luật sư Vũ Ngọc Trác. Những sinh hoạt có lúc ồn ào, náo nhiệt với hoan hô, đả đảo, với đấm đá lẫn nhau giữa những người bênh và chống cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong một dịp ông đến San Jose.

.

35 năm nhìn lại cộng đồng là hình ảnh của văn hoá hội hè, của Hội Tết, của Diễn hành Xuân rợp bóng cờ vàng, đậm nét văn hoá. Hay sôi nổi, căng thẳng kéo dài qua vụ việc đặt tên Little Saigon.

.

Văn nghệ IRCC luôn có nét riêng là những bài đồng ca mà thành phần ca sĩ gồm những khán giả, những vị khách. Tài tử Kiều Chinh, bà Khúc Minh Thơ, cô Chiêu Anh, bà Nancy Bùi đã lên sân khấu để cùng cất tiếng với ca sĩ Phương Hoài Tâm và hơn 50 giọng nữ trong nhạc phẩm “Cô gái Việt”. Qua bài “Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây”, ban hợp ca có Thẩm phán Phan Quang Tuệ, có Nha sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn cất tiếng hoà ca “Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây / Quê hương mình trong tự do ấm no”.

.

Bà Trương Gia Vy dịp này đã trò chuyện với cô Quỳnh Mai trên sân khấu. Cô là hiền thê của Nha sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn và là một người rất đặc biệt vì đôi mắt của cô không còn thị lực nên cô không thể nhìn mà chỉ có thể nghe và cảm nhận cuộc đời ở chung quanh. Tuy thế cô vẫn thường đến với những sinh hoạt cộng đồng. Hôm nay cô đã cùng các chị, các em lên hát và phát biểu của cô đã làm khán giả cảm động: “Làm người Việt Nam cô chỉ biết làm điều tốt cho xã hội”.

.

Kết thúc chương trình là ban hợp ca, tạm đặt tên là “Ban đại hợp xướng IRCC” cất cao tiếng sóng “Bạch Đằng Giang” để ôn lại lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: “Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rằng / Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh / Vì yêu nước non vui lòng hiến thân liều mình / Ra tay tuốt gươm bao lần”.

.

Có một nhận xét nhỏ về nội dung chương trình. Khi nghe hai em-xi Phạm Phú Nam và Nguyễn Thu Hương nhắc về hành trình đến Mỹ của người Việt mà đa số, hơn một triệu người, chọn con đường vượt biển đầy phong ba, gian khổ để rồi nghe ban đồng ca hát “Viễn Du” của Phạm Duy viết từ Sài Gòn vào năm 1953 thì không đúng lắm với tâm tình gian nan của người vượt biển sau năm 1975. Tâm tình đó đã được thể hiện trung thực hơn bởi Việt Dzũng với “Lời kinh đêm” hay Châu Đình An qua “Đêm chôn dầu vượt biển”.

Nhìn chung, chương trình phô diễn “hoa vườn trước, chim vườn sau” không xuất sắc, nhưng đầy ý nghĩa vì văn nghệ IRCC làm cho cộng đồng, phản ánh cộng đồng của một cơ quan đã phục vụ cộng đồng hơn ba thập niên qua.

Ở quanh đây chưa có cơ quan xã hội nào làm được những chương trình như thế.

.

.

.

No comments: