Monday, May 31, 2010

VĂN HÓA THỜI HẬU CỘNG SẢN

Văn hóa thời hậu cộng sản

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 31 tháng 5 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/van-hoa-hau-cs-05-31-2010-95250864.html

Theo dõi sinh hoạt sách báo Việt Nam trong khoảng từ thời “đổi mới” đến nay, chúng ta dễ thấy một hiện tượng nổi bật: sự lên ngôi của văn hoá. Số lượng sách báo viết về đề tài văn hoá nhiều vô cùng. Hay có, dở có. Đầy trên các kệ. Ngoài ra, Văn Hoá Học còn trở thành một ngành học chính ở đại học. Các trung tâm nghiên cứu quốc học ra đời ào ạt.

Thật ra, ở Tây phương, trong suốt mấy thập niên vừa qua, văn hoá cũng là một trong những mối quan tâm chính nếu không phải của mọi người thì ít nhất cũng của giới trí thức. Trong thế giới tiếng Anh, người ta nói đến đủ loại văn hoá: văn hoá toàn cầu, văn hoá chính trị, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá thể thao, văn hoá thanh niên, văn hoá McDonald, thậm chí, có cả văn hoá nhà tù, văn hoá bạo động... nữa. Ngành Văn Hoá Học (Cultural Studies), vốn xuất hiện từ những năm 1960, đã phát triển rất mạnh từ thập niên 80, với ảnh hưởng của Michel Foucault, và sau đó, của các lý thuyết gia hậu hiện đại, không những lấn át mà còn có khuynh hướng bao trùm phần lớn những môn học nhân văn truyền thống như văn học, triết học, xã hội học và nhân chủng học.

Tuy nhiên, theo tôi, sự tương đồng giữa hai hiện tượng vừa nêu chỉ là một sự trùng hợp tình cờ mà thôi.

Mối quan tâm đến văn hoá ở Tây phương chủ yếu là kết quả của một quá trình nhận thức và đuổi bắt các ký hiệu: từ chỗ xem ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, người ta đi đến phát hiện xem văn hoá cũng là một hệ thống ký hiệu, hơn nữa, còn là một hệ thống ký hiệu căn bản, chi phối cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm của mọi người, yếu tố quyết định sự hình thành của con người với tư cách là những thành viên trong xã hội.

Ở Việt Nam thì khác. Mối quan tâm đến văn hoá ở Việt Nam chủ yếu là một phản ứng chính trị. Tôi muốn xem đó là một biểu hiện của tâm lý hậu cộng sản.

Có lẽ Zbigniew Brzezinskin, trong cuốn “The Grand Failure” do Scribners xuất bản tại New York vào năm 1989, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa hậu cộng sản. Theo Leslie Holmes, chủ nghĩa hậu cộng sản có thể được hiểu như một cái gì đến sau chủ nghĩa cộng sản, là sự từ khước chủ nghĩa cộng sản như một hệ thống quyền lực hoặc như một sự thống trị từ bên ngoài (với các nước Đông Âu, đó là Liên Xô; với các quốc gia thuộc Liên Xô, đó là người Nga; với Yugoslavia, đó là người Serbia, v.v...).

Trong cuốn “Post-Communism, an Introduction” Leslie Holmes xem Việt Nam, cùng với Trung Hoa, Bắc Hàn, Lào và Cuba, vẫn là những nước theo chế độ cộng sản. Chưa có gì thay đổi cả.

Đúng. Với tư cách là một chế độ, tức một hệ thống quyền lực, chủ nghĩa cộng sản vẫn còn là một hiện thực tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, với tư cách là một ý thức hệ, chủ nghĩa cộng sản đã là một cái gì thuộc về quá khứ. Cái nhãn vẫn còn đó nhưng có lẽ không mấy người còn tin tưởng nữa.

Cho nên, trong lãnh vực tư tưởng, chúng ta cũng có thể nói chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam hiện nay thực chất là một thứ... hậu cộng sản.

Nói cách khác, tôi muốn dùng thuật ngữ chủ nghĩa hậu cộng sản trong ý nghĩa rộng rãi nhất của nó: đó là trạng thái ý thức và tâm lý xuất hiện sau khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, sau khi cái học thuyết một thời người ta sùng tín như một tôn giáo đã tan tành, sau khi những thần thánh một thời người ta tôn thờ đã lộ diện là những kẻ độc tài và tàn bạo...

Trong ý nghĩa này, chủ nghĩa hậu cộng sản tại Việt Nam cũng chia sẻ với chủ nghĩa hậu cộng sản tại Nga và các nước Đông Âu một số những tác động văn hoá, mặc dù ở Việt Nam, có lẽ mức độ của những tác động ấy yếu ớt hơn nhiều.

Trong những tác động ấy, đáng kể nhất là sự giao động về đạo đức và khoảng trống về ý thức hệ. Chống đỡ lại với tác động thứ nhất, người Việt Nam có khuynh hướng tìm đến tôn giáo, kể cả các tôn giáo dân gian. Chống đỡ lại tác động thứ hai, người ta đề cao "tư tưởng Hồ Chí Minh", qua đó, đề cao tinh thần dân tộc mà tâm điểm chính là văn hoá dân tộc.

Có thể nói, nếu chủ nghĩa cộng sản, ở nửa đầu thế kỷ 20, được xây dựng trên niềm tin về tính khoa học của chính trị, tính quy luật của lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh thì chủ nghĩa hậu cộng sản, ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, được xây dựng trên sự phá sản của các ảo tưởng ấy. Người ta chỉ còn một chỗ dựa duy nhất: tinh thần dân tộc; và một phòng tuyến duy nhất: văn hoá.

Cũng có thể nói, nếu chủ nghĩa cộng sản là một thứ chủ nghĩa duy khoa học (scienticism) thì chủ nghĩa hậu cộng sản, ở một khía cạnh nào đó và với một mức độ nào đó, là một biến dạng của chủ nghĩa duy văn hoá (culturalism).

Nếu trước đây, những người cộng sản nhân danh tinh thần khoa học của Tây phương mà họ cho tất cả tinh tuý của nó đều nằm trong “chủ nghĩa duy vật biện chứng” và “duy vật lịch sử” để đả kích kịch liệt tinh thần lạc hậu trì trệ của Đông phương, tập trung ở nền nông nghiệp và chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm, thì hiện nay họ lại nhân danh nền “văn hoá phương Đông” để gầm ghè với sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật áp đảo của Tây phương.

Nếu trước đây, những chữ được dùng nhiều nhất, một cách kiêu hãnh nhất là chữ “quy luật”, “tiến bộ”, “hiện đại”, hay “văn minh”, thì hiện nay, đó lại là những chữ như “truyền thống”, “bản sắc” hay là “văn hoá” nói chung.

Nếu trước đây họ là những nhà khoa học viễn tưởng thì sau này họ lại biến thành những nhà khảo cổ học chuyên phục chế từng mẩu cổ vật vừa khai quật được.

Cái gọi là chủ nghĩa duy văn hoá ấy, thật ra, chỉ là một thứ diễn ngôn. Bằng lời nói. Để tuyên truyền.

Trên thực tế, người ta đang vung tay phá nát văn hoá một cách không thương tiếc.

--------------------

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được

đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường

của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

.

.

No comments: