Sunday, September 13, 2009

PHÁT NGÔN VIÊN BỘ NGOẠI GIAO VN THẬT KÉM CỎI


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thật kém cỏi
Nguyễn Hồng Kiên
12:15 ngày Chủ Nhật, 13/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/8696.html

Câu hỏi (đã được chọn) là rất rõ ràng:
Xin cho biết thông tin về những vụ bắt giữ này?
Bà Nga trả lời:
“Vừa qua, cơ quan an ninh đã tạm giữ Bùi Thanh Hiếu, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để điều tra vì có những dấu hiệu xâm hại an ninh quốc gia. Cơ quan an ninh đã thả Bùi Thanh Hiếu, Phạm Đoan Trang. Riêng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang bị tạm giữ để tiếp tục điều tra.
Cơ quan an ninh đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam khi tiến hành tạm giữ những người này“.

Đáng ra, bà nên dừng đến đó là vừa đủ thông tin.
1- Liệt kê tên 3 người bị bắt giữ
2- Tuyên bố chính thức lý do tạm giữ
3- Thông báo tình hình cụ thể về vụ bắt giữ.
Câu hỏi không hề yêu cầu phân tích, bình luận thêm. Tuy nhiên, câu tiếp theo vẫn còn chấp nhận được. Nó cho thông tin rằng mọi chuyện đều theo đúng quy định pháp luật.
Riêng câu cuối là không thích hợp: “Đáng tiếc một số tổ chức và cá nhân đã cố ý thổi phồng sự việc này để xuyên tạc với dụng ý xấu“.

Tôi được biết bà Nga từng tốt nghiệp ngành báo chí quốc tế tại Đại học Quan hệ quốc tế Matxcơva, công tác tại Vụ Báo chí – Bộ Ngoại giao từ năm 1989.
Vậy mà câu văn này của bà thật không “sạch nước cản”.
“Thổi phồng” là thêm thắt, nói quá sự thật (Thổi phồng khuyết điểm. Thổi phồng thành tích).
“Xuyên tạc” là trình bày sai sự thật với dụng ý xấu (Xuyên tạc sự thật. Luận điệu xuyên tạc).
Nhiều khi người ta thêm thắt, nói quá nhưng lại có dụng ý không xấu (nịnh, chẳng hạn) nên bà Nga dùng thêm động từ “xuyên tạc” để khẳng định về dụng ý xấu của việc thổi phồng. Tuy nhiên, nếu vậy thì cả cụm từ cuối là thừa.

Đây là bệnh cố hữu của nhiều Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từ trước đến nay.
Để chứng tỏ mình không ĐỌC 1 VĂN BẢN CÓ SẴN, họ cố thêm từ để có một câu theo kiểu văn nói.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao trước ông Lê Dũng (tôi không nhớ tên) có khẩu ngữ là thêm chữ CÁI vào trước từ. Bà ta thường nói là: Về CÁI tuyên bố của… Về CÁI sự kiện này…
Đó chắc chắn không phải là cách nói của NGƯỜI PHÁT NGÔN.

Ngoài ra, thay mặt Bộ Ngoại giao, thay mặt Nhà nước, đáng ra bà Nga phải KÍN KẼ hơn. Câu hỏi (xin nhắc lại là ĐÃ ĐƯỢC CHỌN) không yêu cầu bà bình luận ngoài lề. Vậy thì bày tỏ thái độ đáng tiếc nhằm mục đích gì? Hoàn toàn không cần thiết.
Thậm chí nó gây hiệu quả xấu khi kẻ xấu lại có cái để THỔI PHỒNG NHẰM MỤC ĐÍCH XẤU.
Đáng tiếc hơn là THỜI ĐIỂM bà Nga chọn để trả lời phóng viên. Đúng 1 ngày sau, người bị bắt cuối cùng đã được thả.
Vậy cuộc/câu trả lời của bà phỏng còn có ý nghĩa gì?

Hay đây là một động thái mà ai đấy mượn mồm bà để “trả” người cho êm thấm? Nếu thế thì rõ ràng bà đang giành lại chút sĩ diện với hải ngoại. Có cần thiết hay không nhỉ?
Cùng với cái bắt tay quá lễ phép của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, rõ ràng ngành Ngoại giao Việt Nam hiện có quá nhiều non nớt về chuyên môn cần chấn chỉnh ngay.
N.H.K.
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


No comments: