Sunday, September 27, 2009

MỘT RẠN NỨT TRÊN BỨC TƯỜNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC


Một rạn nứt trên bức tường cộng sản Trung Quốc
Gordon G. Chang

Forbes ngày 25/09/2009

Nguồn:
http://www.forbes.com/2009/09/24/communist-party-cracks-china-opinions-columnsist-gordon-chang.html

Hội nghị Đảng vừa diễn ra cho thấy có những vết nứt.

Một rạn nứt vừa xuất hiện bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại?

Phiên họp toàn thể lần thứ Tư của Ủy ban Trung ương Đảng thứ 17 đã kết thúc hôm 18/09, và tin quan trọng là hầu như chẳng thấy điều gì trong suốt phiên họp kéo dài bốn ngày tại Bắc Kinh của 357 đảng viên cao cấp. Một báo cáo gọi tên kết quả này là “Im lặng và bất động.” Chẳng có cuộc họp báo nào sau đó, các phái đoàn lặng thinh sau khi họp xong, còn thông cáo chính thức hầu như không phát biểu gì.
Tại sao lại quan trọng đến như vậy? Theo nguồn tin cậy nhất từ Trung Quốc đưa ra trong nhiều năm qua, có lẽ lý do chính là vì tổ chức chính trị lớn nhất hoàn cầu này vừa kết thúc hai thập niên đoàn kết nội bộ, đồng thời bắt đầu quá trình bong tróc triền miên.

Đảng đã gần như ngã ra khỏi chiếc ghế quyền lực trong suốt Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989 do các lãnh đạo Đảng chia rẽ về cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Lãnh đạo trước đây là Đặng Tiểu Bình sau cùng đã chấm dứt được mối bất đồng nội bộ này, nghiền nát người biểu tình ở Quảng trường, gạt bỏ những người dám phản đối lại nguyên tắc của ông. Bằng cách đó, ông đã tạo điều kiện cho thành quả thịnh vượng kinh tế hầu như không bị gián đoạn trong hai thập niên. Thông điệp của ông gửi đến các đồng chí: mục tiêu tối thượng là cán bộ Đảng phải đoàn kết. Và nhằm đảm bảo tính hài hòa trong giới lãnh đạo, nhà thực dụng xảo quyệt này không những chọn người kế nhiệm cho mình là Giang Trạch Dân, mà còn chọn luôn người kế nhiệm cho Giang Trạch Dân nữa. Hơn nửa thập niên sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời, chiếu theo kế hoạch tổng thể, Giang Trạch Dân đã nhường ghế cho Hồ Cẩm Đào vào tháng 11/2002 tại Đại hội Đảng lần thứ 16.

Cộng đồng quan sát Trung Quốc trên thế giới đã ca tụng hành động chuyển giao quyền lực từ Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào là “êm ấm”, đồng thời tán dương năng lực của Đảng trong việc xây dựng các nguyên tắc nội bộ và trung thành với chúng. Nói tóm lại, Đảng có khả năng thể chế hóa chính bản thân Đảng. Nguyên tắc quan trọng nhất là giới hạn của hai nhiệm kỳ 5 năm cho chức vụ Tổng Bí thư, vị trí cao nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đang ở nhiệm kỳ thứ hai và dự kiến sẽ rời chức vụ vào năm 2012.

Quan trọng không kém – thật sự tối quan trọng – là nguyên tắc để các quan chức thăng tiến đến vị trí cao nhất trong hệ thống phân cấp của Đảng Cộng sản. Hồ Cẩm Đào đã trở thành Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương hùng mạnh, tổ chức có trách nhiệm giám sát lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân, tại Phiên họp toàn thể lần thứ Tư của Ủy ban Trung ương thứ 15, vì vậy hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng người kế nhiệm ông sẽ được đưa vào vị trí tương tự trong cuộc họp vừa kết thúc vào thứ Sáu tuần trước, tức Phiên họp toàn thể lần thứ Tư của Ủy ban Trung ương thứ 17. Nhiều người cho rằng kế nhiệm Hồ Cẩm Đào sẽ là Tập Cận Bình, con trai người bạn thân của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không phải là lựa chọn của Hồ Cẩm Đào – bằng không thì đó sẽ là thỏa hiệp giữa các liên minh đang cạnh tranh bên trong Đảng. Hồ Cẩm Đào muốn Lý Khắc Cường, một cán bộ ít có tiếng tăm.

Đến tận trung tuần vừa qua, có vẻ như Tập Cận Bình đã nắm chắc vị trí cao nhất và Lý Khắc Cường đang chuẩn bị kế nhiệm chức vụ thủ tướng. Giờ đây, với thất bại của Tập Cận Bình trong việc giành được vị trí trong Quân uỷ Trung ương, dường như ngoài Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường còn có các ứng viên khác đang chạy đua vào vị trí lãnh đạo tối cao.

Vậy thì điều gì đang diễn ra bên trong Trung Nam Hải, trụ sở lãnh đạo ngay tại trung tâm Bắc Kinh vậy? Ngoại trừ Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình và một nhóm nhỏ các quan chức cấp cao, chỉ một vài người biết được sự thật. Thế thì chúng ta biết được điều gì?

Chúng ta biết rằng, mặc dù được gửi gắm nhiều hy vọng hão huyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thành công trong việc thể chế hóa chính bản thân Đảng. Các nhà phân tích cho rằng con đường dẫn đến quyền lực của Hồ Cẩm Đào đã đặt ra những tiền lệ, được tôi luyện bằng cách này hay cách khác để trở thành “nguyên tắc.” Thất bại của Tập Cận Bình trong việc trở thành Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung ương đang chứng minh là không phải như vậy. Thế thì tại sao các nhà phân tích hầu như nhất trí cho rằng ông sẽ được đề cử lần này? Họ đã nhìn Đảng theo cách mà họ muốn nhìn, chứ không phải là cách mà Đảng thực sự như thế.

Như Lou Dobbs phát biểu, đó là thực tế “cộng sản.” Chưa từng có nhóm cầm quyền nào trong lịch sử có khả năng quản lý việc kế nhiệm theo đúng nguyên tắc. Có thể có “các nguyên tắc,” song chúng luôn biến đổi, phụ thuộc vào kết quả tranh giành giữa – và bên trong – các phe nhóm tham gia vào cuộc cạnh tranh quyền lực chẳng bao giờ dứt. Đây là chân lý của vấn đề: Chúng ta sẽ không biết lãnh đạo tiếp theo là ai – giả sử rằng sẽ có một lãnh đạo kế vị – cho đến khi ông hay bà ta xuất hiện đằng sau tấm rèm tại Đại hội Đảng lần thứ 18 – hoặc cho đến khi người đó tiếp quản vị trí cao nhất theo một cách khác.

Hồi tưởng lại, chúng ta không cần phải ngạc nhiên chuyện Phiên họp toàn thể lần thứ Tư đã không đề cử Tập Cận Bình. Bài gần đây nhất trong tờ Kaifang, một tạp chí Hồng Kông, kể một câu chuyện rằng ông đã đệ trình “đơn từ chối” chức “hoàng thái tử” bởi vì ông không muốn lịch sử ghi nhận ông là “hoàng đế bại trận” của chế độ. Liệu câu chuyện đó có đáng tin hay không – đó có thể là thủ đoạn khiến ông Tập bị tổn thương và qua đó hỗ trợ các đối thủ cạnh tranh khác – hiện nay có nhiều tin đồn về cuộc tranh chấp nội bộ khốc liệt để được kế vị. Chẳng hạn, có vẻ như là các lãnh đạo “thế hệ thứ năm” – những người được đề cử để tiếp quản trong ba năm tới – cảm thấy khó chịu với Thủ tướng Ôn Gia Bảo vì ông đang kích thích nền kinh tế quá mức. Quan ngại cho rằng ông Ôn đang mua lấy sự tăng trưởng hiện thời bằng những sách lược từ đó tạo ra nhiều vấn đề nan giải–xảy ra đúng vào thời điểm thế hệ lãnh đạo mới bước lên vị trí lãnh đạo cao nhất vào năm 2012.

Ở bên ngoài, chúng ta không biết được liệu những lời đồn thổi đó có đúng hay không. Rất có thể hầu hết những điều chúng ta nghe được đều không chính xác. Song trong các hệ thống cộng sản, không bao giờ có lửa mà không có khói. Chúng ta có thể thấy rằng hiện giờ đã có dấu hiệu rạn nứt trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản, và nền kinh tế tất sẽ trở nên loạng choạng, khi đó vết nứt ắt phải hở ra để trưng bày thực trạng độc đảng tại Trung Quốc.

G. G. C.
B. V. N. dịch

00:08 ngày Chủ Nhật, 27/09/2009
http://bauxitevietnam.info/c/11052.html


No comments: