Tuesday, September 29, 2009

BÁT NHÃ là MỘT THÀNH CÔNG


Bát Nhã là một thành công
Hoàng Đông Việt
29/09/2009 6:12 sáng
http://www.talawas.org/?p=10868
Vấn đề Bát Nhã – Làng Mai, theo chỗ hiểu biết của tôi, không có gì khó hiểu lắm.
Xã hội Việt Nam sau bao nhiêu năm dưới ngọn cờ thống trị của chế độ cộng sản đã trở nên băng hoại hơn bao giờ hết. Cái quái gở, xấu xa, thay vì là thiểu số như ở những xã hội khác, trở thành đa số. Cái cá biệt, bất thường trở thành bình thường. Thậm chí là một thứ quy chuẩn xã hội. Dối trá, luồn lách, bất công, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, cam chịu, v.v.
Nhà nước và viên chức địa phương chia chác, cướp đất của dân, “mua một bán trăm” lại cho tư nhân khác trước mặt họ mà họ không làm gì được ngoài khóc, biểu tình (cũng có người tự thiêu) rồi bị trói quăng lên xe hoặc bị đánh, bị bỏ tù. Không vẫn hoàn không. Mà cũng không phải để xây trường học, bệnh viện, cơ xưởng tạo công ăn việc làm gì. Có khi chỉ là sân gôn cho mấy chú lại chơi.
Nhưng ở Việt Nam người ta bảo mình là con kiến, thì mình là con kiến. Công an muốn đánh ai thì đánh, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Luật muốn hiểu sao thì hiểu. Xử án kiểu nào cũng được, miễn theo chỉ đạo (của tiền hoặc quyền, hoặc cả hai).

Trở lại chuyện Bát Nhã, Làng Mai có giấy tờ ký nhận của thầy Đức Nghi và đệ tử rõ ràng, không chỉ là giấy chuyển tiền. Về mặt luật pháp, đã có những vụ tương tự, người ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước đứng tên rồi họ nhận luôn. Toà án Hà Nội, và nhiều nơi khác, sau khi xem xét chứng cớ, xử thua người “nhận lầm”. Bắt hoàn trả số tiền đã nhận.
Cho nên chỉ là những tấm bia được dựng lên mà thôi. Không có bia họ vẫn bắn trúng đích và đạt mục đích.

Ngắn gọn, nhà nước tìm mọi cớ để ép thầy Đức Nghi, qua đó ép tăng thân Bát Nhã giải tán vì thầy của họ (Thiền sư Nhất Hạnh) phát ngôn nghe không giống các A.Q. Việt Nam bao lâu nay mà họ quen thuộc.

Tất cả các tu sĩ tại Bát Nhã là công dân Việt Nam, sống trên đất Việt Nam trước khi xuất gia họ phải xin phép đủ đường, bây giờ bị xua đuổi đánh đập (ngay trên đất Việt Nam, dưới sự chứng minh của các ban ngành đoàn thể) và chỉ còn cách hoàn tục.

Thiền sư Nhất Hạnh chắc chắn là một người “cứng đầu”. Rõ ràng là nhà nước muốn “mượn dao giết người”, nhưng lẽ phải thuộc về mình nên ông khuyên học trò “ngồi yên như núi”.

Trong cách phát biểu của sư cô Chân Không với báo Người Việt, và thử đọc
thư của Thiền sư Nhất Hạnh, tôi hiểu là Làng Mai không có ảo tưởng “thắng” nhà nước. Hơn tám chục triệu người còn lê gối khuất phục huống chi bốn trăm người tu hành. Nhưng “đàn áp” là việc của họ, còn chúng ta, bất bạo động và bất hợp tác. Cho đến lúc họ đem xe tới, xúc mình khiêng đi thì mình phải chịu.

Quốc gia này chỉ có luật rừng, không có một cơ chế giám sát nào hết. Ai cũng biết vậy. Nhưng ít ra mình dám phản kháng bất công, còn chuyện mình bị đối xử thế nào và hoàn toàn bất lực với cái thực tế “thế nào” ấy là chuyện khác.

Xã hội Việt Nam hôm nay, là một xã hội của “hợp tác” và “phát triển”. Không thiếu gì các bạn trẻ muốn vào Đảng, “cống hiến cho tổ quốc”, không thiếu gì doanh nhân thành đạt bắt tay với chính quyền các cấp cùng nhau “xây dựng đất nước”, không thiếu gì những người buôn thúng bán bưng muốn được yên thân kiếm sống qua ngày, chia bớt phần lời ít ỏi của họ cho thuế vụ, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, hoặc bất cứ ai làm họ sợ.

Giẫm đạp lên nhau trên đường phố, trong nhà trường, công sở, hàng quán, cơ quan, v.v. mà sống. Nếu không sống thì họ phải làm gì?
Một con vi trùng chỉ có thể hoành hành trong một cơ thể suy yếu, bệnh hoạn.
Khi anh bất hợp tác với bất công, có thái độ bất tuân dân sự để sống như những người “bình thường”, anh đang làm cơ thể Việt Nam khoẻ lên. Tất nhiên con vi trùng sẽ tìm cách tận diệt anh.

Nếu mỗi người Việt Nam can đảm hơn một chút, dám chịu thiệt một chút, chẳng hạn ra đường đi đúng luật lệ, nếu chẳng may bị phạt thì lên kho bạc đóng tiền, không bỏ mấy chục triệu chạy trường chạy lớp chạy điểm chạy giải cho con cháu mình, không nhét dăm chục ngàn (đến như TS. Lê Đăng Doanh, còn phải chịu, huống hồ dân đen) cho anh cán bộ phường làm cái giấy khai sinh… Nói chung là “giảm thiểu”.

Nếu mỗi người Việt Nam có tinh thần “vô uý” của Bồ Tát, quan niệm “của Caesar thì trả về cho Caesar, của Thượng đế trả về cho Thượng đế” trong Tân Ước, có nhận thức “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, và nhất là có niềm tin vào các quyền cơ bản của mình, vào các giá trị phổ quát về “tự do, bình đẳng, bác ái”.

Nếu được như thế, tôi ngờ là con vi trùng sẽ sống rất chật vật.

Tóm lại, Bát Nhã, hay bất cứ tổ chức hội đoàn, cá nhân nào có khuynh hướng đi ra ngoài cái quỹ đạo của xã hội Việt Nam, là một mô hình không nên được nhân rộng. Tuy vậy, muốn cưỡng lại cũng không dễ.

Tam Toà, Bát Nhã, dân oan, là những chỉ dấu trở mình của một dân tộc sống quá lâu trong “bất bình thường”, “bất bình đẳng”, “bất trắc”, “bất lực”, “bất công” và “bất nhẫn”.
Tôi cũng nghĩ như Thiền sư Nhất Hạnh, Bát Nhã là một thành công.

© 2009 Hoàng Đông Việt
© 2009 talawas blog

Phản hồi

Lê Anh Dũng nói:
29/09/2009 lúc 4:23 chiều
Lời kêu gọi.
Im lặng nuôi dưỡng sự ác, càn rỡ.
Chính quyền Việt Nam cần nghe, thấy sức mạnh của bó đũa, của tiếng nói chung.
Trước liên tiếp những khinh thường liên tục của chính quyền Việt Nam với mọi giới, mọi tầng lớp, không có cách nào khác ngoài cách lên tiếng, lên tiếng thật rõ ràng.
Chủ chăn và người Công giáo Việt Nam cần hiệp thông với tăng, ni Việt Nam tu tập theo pháp môn Làng Mai tại Bát Nhã bị đàn áp, cưỡng chế.
Tăng đoàn Làng Mai và Phật tử Việt Nam cần hiệp thông khi những nguyện vọng của Công giáo Việt Nam bị đè nén, dập tắt một cách bất chính.
Có rất nhiều khó khăn vì lịch sử, ngộ nhận, truyền thông … nên sự hiệp thông không nhất thiết phải thể hiện một cách có qua, có lại trước mắt; mà nên bắt đầu bằng một tinh thần quan tâm, hiệp thông, liên đới; thể hiện sự hiểu biết, tình thương; nhưng bằng tiếng nói dõng dạc, quang minh, chính đại.
Xin Công giáo Việt Nam lên tiếng ngay lập tức.
Chính quyền Việt Nam phải nghe tiếng nói của người Việt Nam một cách rõ ràng, thuyết phục.
Trước mắt, cần góp tay quảng bá lời kêu gọi này tới mọi người. Xin vận dụng tất cả hình thức có thể.

-----------------------------------

Từ Bát Nhã, tị nạn đến Phước Huệ: Công an truy bức môn đồ thiền sư Nhất Hạnh
Ðinh Quát/Người Việt
Monday, September 28, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=101946&z=2
VIỆT NAM - Gần 400 tăng thân tại tu viện Bát Nhã, Lâm Ðồng, bị bức bách rời khỏi tu viện, đến tá túc tại chùa Phước Huệ, thị trấn Bảo Lộc, trong một cuộc ra đi “chưa có đích đến.”
Chưa đầy 24 giờ sau khi lực lượng công an bố ráp Bát Nhã hôm 27 Tháng Chín, các thiền sinh môn đồ Hòa Thượng Nhất Hạnh “đi bộ 17 cây số dưới mưa,” đến tạm trú tại chùa Phước Huệ, nơi đây hòa thượng viện chủ được công an nói rõ, “Không được quyền bảo lãnh.”
Công an, chính quyền và Sở Nội Vụ không cho phép bất cứ ai bảo lãnh tăng sinh, giáo thọ thuộc hệ phái Làng Mai.

Nói với Người Việt hôm 28 Tháng Chín, ông Lê Minh thuộc nhóm Phù Sa, có trụ sở ở Paris cho biết, “Hiện giờ, các sư chú, sư em và sư cô không biết sẽ được phép ở đâu. Chùa Phước Huệ do Hòa Thượng Thái Thuận cho tạm trú thì thời hạn hết rồi.”

Trong khi đó, một tu viện khác cũng lên tiếng xin bảo lãnh tăng đoàn Làng Mai nhưng nhà cầm quyền từ chối. Vẫn theo ông Lê Minh, “Hòa Thượng Minh Nghĩa, viện chủ tu viện Toàn Giác ở tỉnh Ðồng Nai, trong cuộc họp chiều 28 Tháng Chín giữa Ban Trị Sự Tỉnh Hội Bảo Lộc và cơ quan chính quyền địa phương, có sự hiện diện của các ni sư ở Sài Gòn ra, đề xuất ý kiến bảo lãnh 400 tăng thân nhưng chính quyền không cho phép.”
Ông Lê Minh nói, “Bên Sở Nội Vụ và công an cương quyết không cho bảo lãnh.”

Theo các nguồn tin khác, thì một số chư tôn đức đến thăm chùa Phước Huệ, nơi các tăng sinh Bát Nhã tị nạn, đã bị công an, an ninh chặn không cho vào chùa.
Phó giám đốc Công An Tỉnh Lâm Ðồng nói với phái đoàn, “hãy vào Ủy Ban Mặt Trận Thị Xã làm việc, không nên vào chùa.”

Chùa Phước Huệ tọa lạc tại đường Trần Phú, thị xã Bảo Lộc, do Thượng Tọa Thích Thái Thuận làm trụ trì. Theo lời một tăng sinh, yêu cầu không nêu tên, thì “Chùa có diện tích khá nhỏ. Hơn 400 tăng ni, các thầy, các sư chú và các em nam thì nằm trong một giảng đường khá chật chội, chúng tôi phải chen nhau mà đặt lưng. Chúng tôi đều đang rất mệt, và bị khủng hoảng về nhiều mặt.”

Nguồn tin của Người Việt cho biết, hiện Thượng Tọa Thái Thuận “đang rất lo ngại với bên chính quyền,” vì họ chỉ cho phép bảo lãnh phái đoàn Làng Mai “trong vòng 24 tiếng và không được bảo lãnh thêm một giờ đồng hồ nào nữa.”

Tin giờ chót mà Người Việt có được, là mặc dầu thời điểm tạm trú đã qua (tức là 5 giờ chiều ngày 28 Tháng Chín, giờ Việt Nam), Thượng Tọa Thái Thuận “kiên quyết và bảo lãnh cho chúng tôi ở thêm một thời gian nữa. Ít nhất là cho đến khi chúng tôi đến một nơi mới.”

Hai giáo thọ của Làng Mai tại Bát Nhã, là thầy Pháp Sỹ và Pháp Hội, hiện đang bị công an quản thúc.
Theo tin của phusa.info, thì thầy Pháp Sỹ bị chính quyền “giữ CMND tại địa phương.” Riêng thầy Pháp Hội thì không có tin tức.
Theo một nguồn tin khác, chưa kiểm chứng, thì giáo thọ Pháp Hội đã bị đưa về Hà Nội.

Theo một số nguồn tin khác, gần đây Hòa thượng Toàn Ðức, phó thường trực, đại diện Ban Trị Sự Phật giáo Lâm Ðồng, cũng đề nghị với Giáo Hội Trung Ương để bảo lãnh, nhưng không có kết quả.
Giới quan sát cho rằng, vấn đề Làng Mai không phải là “nơi tạm trú.” “Chính quyền Việt Nam không muốn ảnh hưởng của Thiền Sư Nhất Hạnh lan rộng tại Việt Nam.”

Khi vụ Bát Nhã vừa bùng phát cách đây ít lâu, một viên chức công an cao cấp của Lâm Ðồng đã nói, “các tăng sinh, giáo thọ tại Bát Nhã không thể đi bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam.”



No comments: