Friday, September 25, 2009

HÃY CẢM ƠN NỖI CÔ ĐƠN (MÀ ĐÀO HIẾU ĐANG ĐƯỢC HƯỞNG)


Hãy cám ơn nỗi cô đơn
Hồ Phú Bông
25/09/2009 7:08 sáng
http://www.talawas.org/?p=10648
Cảnh giác đấu với sư tử dưới đấu trường thời Trung cổ ở Hy Lạp và người ngồi trên khán đài cổ võ
mà Đào Hiếu nêu ra khá là ấn tượng. Bài viết này thử tìm hiểu vì sao Đào Hiếu lại “may mắn” được là một giác đấu cô đơn!

Ai nuôi dưỡng bầy sư tử ấy?
Những “Bà Mẹ Anh Hùng” ngược xuôi tần tảo để giấu, nuôi những con sư tử ốm đói dưới hầm ngày trước, bây giờ lại bị cả bầy sư tử sung sức vồ mất con cháu, nhà cửa, ruộng vườn, đến nỗi chỉ còn có vỉa hè làm nơi sinh sống. Bà Cát Thanh Long Nguyễn Thị Năm cắc củm nuôi cán bộ ở cấp trung ương để được hưởng cái chết như của tử tù trong Cải cách Ruộng đất!

Nền giáo dục nào đã đào tạo nên những con người biết hy sinh cá nhân để phục vụ cho xã hội, đất nước, nên mới có sự cùng nhảy xuống đấu trường, còn nền giáo dục nào chỉ đưa đến sự vun quén cho lợi ích cá nhân mà làm ngơ trước lợi ích dân tộc?
Nền giáo dục nào thay vì tạo mầm cho tương lai lại tạo ra sự nô lệ hưởng thụ vật chất, thờ ơ với vận mạng đất nước?

Đối với thời cuộc nước nhà ai mới là người cô đơn thực sự?
Sau 30 tháng Tư 1975, vô số người gục chết khắp nơi trên cả hai miền đất nước. Người thân của những người đã mất không ai nhận được một lời an ủi, ngoại trừ những tấm giấy được lộng kiếng liệt sĩ, nếu là ở “phe ta” chiến thắng. Thân nhân của những liệt sĩ lộng kiếng đó đang được hưởng gì? Tại sao có phong trào “ngoại cảm”? Những người chết rừng, chết biển vượt biên có cô đơn không? Tấm bia tưởng niệm của họ ở một đất nước cách xa Việt Nam hàng ngàn hải lý mà nhà nước “ta” cũng với tay đục bỏ? Ai cô đơn hơn?

Trước 1975, những người như Đào Hiếu có cả một Mặt trận Giải phóng miền Nam tung hô. Bây giờ cũng chống áp bức bất công, chống độc tài đảng trị, sao lại cô đơn? Bè bạn thời trước ở đâu? Ai làm quan lớn, tiền hô hậu ủng? Ai bỏ của chạy lấy người? Ai bỏ Đào Hiếu chơ vơ một mình? Số người nhìn thấy áp bức bất công bây giờ so với trước kia, chắc chắn nhiều gấp bội, mà sao không thể tập hợp được? Chỉ có thể lập luận rằng hồi đó, nhờ sống dưới một thể chế nhân bản và tự do hơn nên con người gần gũi với con người, con người biết san sẻ với con người hơn, có trách nhiệm với xã hội hơn. Còn bây giờ thì xã hội chủ nghĩa, lấy nghi ngờ làm chính, lấy cá nhân làm “thượng đế”, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”!

Những Đào Hiếu trước kia, ngày nay lại bị nghi ngờ. “Đi giữa hai lằn đạn”. Nên khi Đào Hiếu mạnh miệng trong các bài viết thì bị nghi là chỉ điểm, sòng phẳng lương tâm trên trang web cá nhân thì công an làm việc. Và bây giờ, là một giác đấu cô đơn!
Đã tự nguyện xuống đấu trường thì thương tích hay thậm chí bỏ mạng là điều phải thấy trước. Khi chiếc mão, dù chỉ kết bằng năm bảy chiếc lá đơn sơ, được đội lên đầu thì hào quang lớn lắm! Đào Hiếu đã hân hạnh đón vinh quang đó một lần. Hôm nay, nghĩ đã “lạc đường”, nên cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn. Ai dám bảo chiếc vương miệng đó lại không đến lần nữa?

Còn chị bán xôi, anh chạy xe ôm, bác nông dân, em bé bán vé số, dân oan nằm ngoài đường… thì chính họ đã hàng ngày vừa kiếm sống, vừa làm nhân chứng trên đường phố. Nhân chứng với thế giới về bất công và đểu cáng chính trị.

Một điều an ủi là khi nào Đào Hiếu hết cô đơn, có nghĩa là đang được một Mặt trận Giải phóng Việt Nam chẳng hạn (so với Mặt trận Giải phóng miền Nam trước kia) tung hô thì chắc chắn ngày đó ông phải ngồi giết từng con rệp, lấy máu kẻ từng vạch lên vách đá lạnh lùng, để đếm thời gian. Cho đến một ngày, có dòng người nào đó tràn vào đập nát cửa ngục tù thì vinh quang sẽ phụt sáng!

Nhà nước Việt Nam không bao giờ sợ tiếng nói của một cá nhân, vì luật pháp tròn méo đều nằm trong tay họ, nên trong mọi tình huống, họ giải quyết thật dễ dàng. Nhưng nhà nước Việt Nam rất sợ các tổ chức, hội đoàn, đảng phái, tôn giáo. Cho nên nếu có tên trong một nhóm, tổ chức nào đó, đồng nghĩa là hết cô đơn, thì chắc chắn Đào Hiếu phải ở trong nhà đá như những người khác, không có ngoại lệ.

Một nhà văn Việt Nam từng nói: “Tôi tồn tại là nhờ tôi biết sợ”, bây giờ đến lượt nhà văn Đào Hiếu có nên nói tiếp hay không: “Tôi tồn tại là nhờ tôi biết cô đơn”?
Xin hãy cám ơn nỗi cô đơn mà anh đang được hưởng!

22-9-09
2009 © Hồ Phú Bông
2009 © talawas blog

-------------------------------------

ĐÀO HIẾU (Việt Nam) trả lời TÔN VÂN ANH (Ba Lan)

Sự đơn độc đáng sợ (BBC)



No comments: