Từ
ngôi làng Phước Lâm tới Viện hàn lâm NAE Hoa Kỳ
Nguyễn Thục Quyên
published 28/06/2023
00:10, cập nhật lần cuối 28/06/2023 17:53
https://www.diendan.org/viet-nam/tu-ngoi-lang-phuoc-lam-toi-vien-han-lam-nae
Tôi xin chào các quý ông
bà, và các bạn ! Tôi rất vui được có mặt ở đây hôm nay để chia sẻ câu chuyện của
mình với các bạn. Trước khi bắt đầu, tôi muốn cảm ơn cô Phượng Bùi đã tổ chức
buổi hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và kết nối ” tuyệt vời này để nêu bật
những câu chuyện của phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng muốn cảm ơn sự hỗ trợ từ viện
Collège de France.
Lớn lên ở Việt Nam
(1970-1991)
Gia đình Tôi có 5 anh chị
em tại một thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tôi sinh ra và lớn lên trong những
năm cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam. Tôi nhớ những viên đạn thắp sáng bầu trời
vào ban đêm và chạy đến hầm tránh bom mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động. Sau
năm 1975, ngôi nhà của gia đình tôi đã bị cháy trong chiến tranh và gia đình
tôi mất tất cả mọi thứ. Cha tôi đi cải tạo, anh chị em tôi theo mẹ đi vùng kinh
tế mới ở một ngôi làng hẻo lánh (Phước Lâm). Tôi và các anh chị em của tôi lớn
lên trong cảnh nghèo đói và thiếu những nhu cầu cơ bản như điện, thực phẩm, quần
áo, nước uống, v.v.
Trước năm 1975, Mẹ tôi là
một giáo viên dạy toán nhưng thời gian ở Phước Lâm, Mẹ chưa xin đi dạy được.
Tôi nhớ Mẹ bán cái nhẫn cưới và cái đồng hồ Bố tặng. Mẹ chỉ đủ tiền mua chục tấm
tôn cũ và mấy miếng cói để xây một căn nhà nhỏ gần bờ sông. Mẹ không đủ tiền
mua xi măng để tráng nền nhà nên nền nhà bàng cát. Con nít chúng tôi thì rất
thích chơi với cát ở trong nhà không cần ra biển.
Hình : https://www.diendan.org/viet-nam/tu-ngoi-lang-phuoc-lam-toi-vien-han-lam-nae/tq1.png
Buôn Mệ Thuột, Phước
Lâm...
Mẹ tôi bươn chải kiếm sống
và nuôi 5 người con ăn học. Anh trai tôi 7 tuổi và em út tôi 9 tháng. Tôi nhớ
đã thấy mẹ tôi hay khóc. Mẹ tôi học cách làm bánh đa và bà đi bộ đến chợ Phước
Tỉnh để bán rồi dùng tiền để mua thức ăn cho chúng tôi. Một hôm có một người đi
xe máy say rượu ngã vào sọt và làm vỡ bánh đa. Đó là một trong những ngày hạnh
phúc nhất trong cuộc đời tôi vì tôi được ăn những chiếc bánh đa dòn tan thơm
mùi mè đen. Tôi ăn nhưng không thấy Mẹ ăn, tôi đưa Mẹ một miếng lúc đó tôi nhận
ra là Mẹ tôi đang khóc. Tôi hỏi mẹ “ Sao mẹ lại khóc ? Mẹ có bị đau không ? ”.
Mẹ lau nước mắt và nói : “ Mẹ không sao. Con cứ ăn bánh đi và để lại cho anh chị
em một ít.” Mãi mấy năm sau tôi lớn lên mới hiểu vì sao ngày hôm đó mẹ tôi lại
khóc “ bánh đa bể, mẹ không bán được, có nghĩa là không có tiền mua thức ăn cho
anh chị em tôi ngày hôm đó ”.
Sau một thời gian, Mẹ về
Ban Mê Thuật xin lại giấy chứng nhận để về tỉnh Đồng Nai xin dạy học lại. Gia
đình chuyển từ làng này sang làng khác tùy theo nơi nào cần giáo viên dạy toán
nhưng lương giáo viên không đủ nuôi gia đình. Chúng tôi thiếu ăn mỗi ngày nên
thường vô các lớp học lục những ngăn bàn kiếm đồ ăn mà người ta bỏ đi để ăn. Có
những mẩu bánh mì khô queo, kiến bu đầy, chúng tôi cứ vỗ bánh mì lên mặt bàn
cho đến khi kiến bỏ đi hết rồi chúng tôi mới ăn. Đến giữa năm 1980, Bố tôi được
về nhà. Có Bố về, Bố dạy nhạc cho ca đoàn, rồi làm ruộng, vẽ bảng hiệu. Mẹ thì
nhận thêu quần áo. Ngoài giờ học, anh chị em tôi làm công việc nhà, nấu ăn, tôi
và anh trai phụ Bố vẽ bảng hiệu, bán bia hơi. Tôi giúp Mẹ thêu áo cho khách
hàng. Bố tôi rất nghiêm khắc. Bố dạy chị em tôi là một người con ngoan và chuẩn
bị cho chúng tôi là một người vợ và một người mẹ tốt trong tương lai. Bố thường
nói “ Bố Mẹ đặt đâu con ngồi đó, Bố Mẹ nói đúng hay nói sai gì cũng phải nghe
không được nói lại.” Khi tôi 15 tuổi, một vài người trong làng có con trai tới
nhà tôi chơi để coi tôi cho con trai họ. Có một lần, họ tới nhà nhưng Bố Mẹ tôi
không có nhà. Tôi ngồi trên ghế ở phòng khách, họ nhìn tôi chằm chằm và bình phẩm
“ da đen quá, mũi hơi tẹt, gầy quá…” Tôi nhớ rất rõ cảm giác bị xúc phạm vì bị
coi như là một món đồ chứ không phải là con người.
Học ở trường làng không đủ
giáo viên nên không có môn ngoại ngữ. Đến năm lớp 11, gia đình tôi dọn qua Vũng
tàu. Bố có một người chị chủ tiệm phở Thiện Lợi ở Vũng Tàu. Bác tôi là người
gia đình tôi mang ơn rất nhiều. Khi Bố tôi ở trong tù cải tạo, mỗi tháng Bác
gánh đồ ăn, thuốc men vô nuôi Bố tôi. Không chỉ tiếp tế cho Bố trong tù, mỗi tháng
Bác cho Mẹ gạo, thịt, nước mắm, và tiền để nuôi chúng tôi. Bác cho gia đình tôi
mượn vốn để mở tiệm phở và chỉ cho Bố tôi nấu phở. Cực lắm nhưng đỡ hơn ở trong
làng. 4 giờ sáng chúng tôi phải dậy chuẩn bị rồi. 6g30 sáng, tôi đi học nhưng
nhà nghèo, không có xe đạp để đi tới trường, tôi thường đứng trước nhà để đi
quá giang các bạn học chung trường. Hôm nào ra trễ, họ đi hết thì tôi phải nghỉ
ở nhà. Học trung học, tôi chỉ khá môn văn học và lịch sử. Tôi cũng thích môn
hoá học nhưng không khá vì bận phụ giúp gia đình tôi không có đủ giờ học
bài.
Đến năm 1990, Bố nghe từ
những người bạn về chương trình HO của chính phủ Mỹ đưa những người sĩ quan chế
độ trước và gia đình họ qua Mỹ định cư. Bố mới nộp đơn. Trong vòng một năm gia
đình tôi được gọi đi phỏng vấn và đến giữa tháng 6 năm 1991, gia đình tôi rời
Việt Nam.
Định cư ở Mỹ (1991
– Hiện nay)
Khi tới Mỹ, tôi 21 tuổi.
Mỗi chúng tôi có vài bộ quần áo, và cả gia đình có vài trăm đô la và biết vài
chữ tiếng Anh. Thời gian đầu ở Mỹ, gia đình tôi rất cực. Tôi từng nhiều lần
khóc đòi về Việt Nam vì không nói được tiếng Anh cũng như không quen thuộc
phong tục tập quán Mỹ. Khó khăn nhất là ngôn ngữ, đi đâu cũng phải nhờ người
thông dịch. Nhiều lúc tôi bị coi thường vì không biết tiếng Anh và nghèo có những
người chế nhạo tôi vì tôi phát âm tiếng Anh sai.
Tôi quyết tâm học tiếng
Anh thật nhanh bằng cách đi học tại ba trường ở ba thành phố mỗi ngày. Cứ sáng,
chiều, tối, mỗi buổi học ở một trường. Mỗi ngày tôi xem tin tức trên đài truyền
hình Mỹ để tập nghe. Tháng 9.1993, tôi xin vô học Santa Monica College. Tôi
tham gia bốn lớp tiếng Anh dành cho người nước ngoài. Tôi học ngày đêm, rồi tới
những trung tâm dạy kèm sinh viên miễn phí trong trường để học thêm. Sau một
năm thì tôi được vô học chính thức như những sinh viên khác... Thấy bố mẹ làm
việc vất vả trong nhà hàng và ở hãng may, tôi không cho phép bản thân thất bại.
Để có tiền đi học, tôi cũng làm thêm trong nhà hàng, tiệm nail, thư viện của
trường và tôi mượn tiền của chính phủ để đi học. Thời gian đó tôi chỉ nghĩ càng
khó khăn thì càng phải cố gắng. Chính vì những khó khăn trong cuộc đời là động
lực lớn nhất thúc đẩy tôi cố gắng nhiều hơn. Triết lý của tôi là tôi không nổi
giận hay nói nhiều mà tôi muốn cho mọi người thấy những gì tôi có thể làm.
Học hành (1993 –
2001)
Con đường đến với khoa học
của tôi rất khác so với những nhà khoa học khác. Tôi vốn yêu thích lịch sử thế
giới và văn học, thích địa lý nhưng ngặt nỗi khi sang Mỹ để theo các môn đó phải
đọc sách rất nhiều mất rất nhiều thời gian tra từ điển. Vậy là tôi chuyển sang
lớp toán, rồi hoá học rồi sinh học. Sau đó, tôi dần trở nên hứng thú với hóa học
và bắt đầu theo đuổi con đường này.
Hình : https://www.diendan.org/viet-nam/tu-ngoi-lang-phuoc-lam-toi-vien-han-lam-nae/tq2.png
Tháng 9/1995, tôi xin
chuyển lên Đại học California, Los Angeles (UCLA) và làm thêm trong phòng thí
nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Tôi đứng rửa dụng cụ nhưng mắt theo dõi những
người làm thí nghiệm. Mùa hè năm 1996, tôi xin người quản lý phòng thí nghiệm
cho tôi làm nghiên cứu nhưng bà trưởng phòng không cho tôi làm. Thích thú với
công việc nghiên cứu, nhưng tôi không được nhận vì tiếng Anh tôi không giỏi. Họ
bảo với tôi rằng nghiên cứu không phải chuyện ai cũng làm được, rồi khuyên tôi
nên tập trung vào việc học tiếng Anh trước. Rất buồn vì bị coi thường nhưng tôi
không nản chí, thậm chí nhờ vậy mà tôi cố gắng nhiều hơn. Qua đây tôi muốn nhắn
nhủ cho những bạn trẻ rằng : “ không ai có thể ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của
mình. Cố gắng và đừng từ bỏ cuộc dễ dàng ”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học
vào năm 1997, tôi nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sĩ
ngành Lý-Hóa. Tôi quyết định học tiếp lên tiến sĩ và trong năm cuối của chương
trình, trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia,
Los Angeles, được trao học bổng cho Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất.
Tháng 6/2001, tôi nhận bằng
tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm nơi tôi từng phải rửa
dụng cụ thí nghiệm cho họ. Tháng 9 năm 2001, Tôi làm nghiên cứu ở Trường Đại học
Columbia ở New York. Trong thời gian này tôi cũng làm hợp tác với những khoa học
gia ở IBM ở Yorktown Heighs, Tiểu bang New York. Tôi chính thức giảng dạy và
nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ hè năm 2004.
Kể nhiều như thế không phải
để chứng minh tôi giỏi hơn người. Thế giới rộng lớn, ngoài kia chắc chắn có người
giỏi hơn tôi, mà để tôi muốn nói rằng, tôi vừa học tiếng Anh vừa hoàn thành
chương trình đại học, thạc sĩ và thậm chí tiến sĩ trong thời gian ngắn là vì
tôi có rất nhiều động lực so với những sinh viên khác. Động lực của tôi là muốn
có một cuộc sống tốt đẹp hơn ngoài niềm đam mê khoa học.
Sự nghiệp nghiên cứu
(2004 – Hiện nay)
Khi trở thành giáo sư ở Mỹ,
việc tự xây dựng một phòng thí nghiệm từ căn phòng trống đến gây quỹ để làm
nghiên cứu, thành lập đội ngũ, hay điều hành phòng thí nghiệm của riêng mình là
thách thức với một giáo sư trẻ. Đó không phải là con đường dễ dàng, đã có lần
tôi khóc vì bị đồng nghiệp cấp cao bắt nạt tôi, tôi cũng từng nghĩ đến việc bỏ
cuộc và chỉ đi dạy học. Thường tôi khóc một hai ngày rồi tôi tự nhủ, tôi đã cố
gắng rất nhiều, tôi sẽ không bỏ cuộc chỉ vì một đàn anh hoặc cấp trên nào đó.
Bên cạnh việc giảng dạy và nghiên cứu, tôi còn giúp đỡ nhiều nữ sinh viên trẻ,
các nữ khoa học và các nữ giáo sư trên khắp thế giới trong sự nghiệp của họ.
Cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn đi theo con đường khoa học.
Tôi cho rằng, làm khoa học là một vinh dự và là đặc quyền vì tôi luôn học
hỏi những kiến thức mới. Các nhà khoa học có quyền tự do làm nghiên cứu bất cứ
điều gì họ muốn miễn là họ có gan làm.
Tôi gặp rất nhiều khó
khăn trong của sự nghiệp. Là một người trẻ, lại là phụ nữ đến từ Việt Nam, việc
nhận được lời mời thuyết giảng ở các hội nghị quốc tế rất hiếm. Để được công nhận,
tôi phải chứng minh bằng sự đóng góp nỗ lực của mình trong lĩnh vực bán dẫn hữu
cơ và điện tử hữu cơ. Các nghiên cứu của tôi xoay quanh tính chất quang học và
điện của chất nhựa liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo
và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng
pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước
nano của pin mặt trời hữu cơ, vật lý thiết bị của pin mặt trời hữu cơ, bóng bán
dẫn, bộ tách sóng quang, và điện tử sinh học.
Lý do tôi chọn hướng
nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ là vì suốt 16 năm thời
thơ ấu lớn lên trong cảnh không có điện ở quê nhà nên mối quan tâm đặc biệt đến
năng lượng mặt trời luôn ở trong tiềm thức của tôi.
Làm khoa học đã khó nhưng
nữ giới làm khoa học lại càng khó hơn. Nữ giới làm khoa học rất vất vả vì
về nhà họ còn phải chăm lo cho gia đình, làm nội trợ, lo cho chồng… ngoài việc
làm nghiên cứu, giảng dạy. Họ thường bị thiếu ngủ, thường xuyên vội vã, không
có thời gian cho bạn bè, không có thời giờ lo cho bản thân, không được gặp bố,
mẹ, anh, chị, em… Phụ nữ làm khoa học phải làm việc chăm chỉ và tốt hơn rất là
nhiều để mà có được sự công nhận giống như là các đồng nghiệp nam ; ở nhiều nước,
tiền lương của nữ khoa học lại thấp hơn so với nam giới làm chung trong các cấp
bậc, trong các nghề nghiệp giống nhau…
Đến nay tôi đã có 7 phòng
thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Tôi đã hướng dẫn 167 sinh viên, khoa học
gia và giáo sư làm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu của Tôi được đánh giá cao trong
cộng đồng OPV (organic photovoltaics / quang điện hữu cơ) và điện tử hữu
cơ và được minh chứng qua số lượng trích dẫn lớn : 3 chương sách, 293 bài báo
được giới thiệu nhận được hơn 36.000 lượt trích dẫn và hệ số H của Google
Scholar là 97. Mỗi năm, Tôi nhận được rất nhiều thư mời đi thuyết trình ở các hội
nghị, trường đại học và công ty trên thế giới (trên 300 bài thuyết trình).
Sự gia tăng tiêu thụ năng
lượng toàn cầu và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng
đã dẫn đến biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế
là nhu cầu cấp thiết. Ánh sáng mặt trời cho đến nay là nguồn năng lượng dồi dào
nhất trên Trái đất và nếu được thu hoạch, có thể giải quyết nhu cầu năng lượng
trong tương lai. OPV có thể cung cấp các nguồn năng lượng thay thế chi phí thấp,
diện tích lớn, linh hoạt, nhẹ, sạch và yên tĩnh cho các ứng dụng trong nhà và
ngoài trời. Hiện tại, các tòa nhà tiêu thụ khoảng 40% năng lượng toàn cầu, do
đó, có một nhu cầu cấp thiết là thiết kế các tòa nhà tiết kiệm năng lượng hoặc
thậm chí tốt hơn là các tòa nhà tự sản xuất ra năng lượng. OPV có trọng lượng
nhẹ (mỏng hơn 1.000 lần so với PV silicon) và bán trong suốt, đồng thời có thể
được thiết kế thành nhiều kích cỡ, hình dạng và màu sắc khác nhau, đồng thời
ngăn chặn tia UV trong khi truyền ánh sáng khả kiến. Các OPV linh hoạt có thể
được bọc xung quanh bên ngoài tòa nhà hoặc phủ lên cửa sổ kính để tạo ra điện
cho bộ điều khiển nhiệt độ và chiếu sáng trong nhà, điều không thể thực hiện được
với các tấm silicon (Si) mờ đục thông thường. Hơn nữa, chúng thân thiện với môi
trường hơn rất nhiều khi được sản xuất thông qua các phương pháp xử lý dung dịch
ở nhiệt độ phòng như in, sơn cuộn, phun, v.v. và cài đặt nhanh chóng và đơn giản.
OPV cũng có thể được lắp đặt trong các tòa nhà, cấu trúc, mái nhà hiện có không
thể hỗ trợ các mô-đun Si nặng. Do đó, OPV là giải pháp lý tưởng cho các tòa nhà
chọc trời và cao ốc sử dụng năng lượng bằng không để giảm lượng khí thải
carbon.
Một ứng dụng quan trọng
khác của OPV là tạo ra điện cho nhà kính. Canh tác trong nhà kính cung cấp trái
cây và rau quả quanh năm và có thể giúp tăng nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.
Nó có một số lợi thế bao gồm năng suất cây trồng cao hơn, kiểm soát sâu bệnh và
cỏ dại, bảo vệ khỏi hạn hán và thời tiết xấu ; tuy nhiên, nó có chi phí vận
hành cao do cần chạy bộ điều khiển nhiệt độ. OPV bán trong suốt có thể được thiết
kế để hấp thụ tia cực tím hoặc tia hồng ngoại gần và truyền ánh sáng nhìn thấy
được để thực vật quang hợp.
Giải thưởng
Hình : https://www.diendan.org/viet-nam/tu-ngoi-lang-phuoc-lam-toi-vien-han-lam-nae/tq3.png
Trong sự nghiệp khoa học,
Tôi đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá. Tôi là một trong số ít nhà khoa học
nữ 5 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu
vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR).
2005 - Giải thưởng Nhà
Nghiên Cứu Trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (Office of Naval Research
Young Investigator Award)
2006 - Giải thưởng Quỹ
Khoa học Quốc gia CAREER
2007 - Giải thưởng Harold
Plous
2008 - Giải thưởng Học giả
– Giáo viên Camille Dreyfus
2009 - Giải Nghiên cứu
viên Alfred Sloan năm
2010 - Nghiên cứu viên Đổi
mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia
2015 - Giải thưởng Nghiên
cứu khoa học Alexander von Humboldt Foundation của Đức
2016 - Giải Nghiên cứu
viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh
2015, 2016, 2017, 2018,
và 2019 - Trí tuệ Khoa học có Ảnh hưởng nhất Thế giới năm
Top 1% Nhà nghiên cứu
Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và
Clarivate Analytics.
2019 - Thành viên của Hiệp
hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ (AAAS)
2019 - Được chọn vô “
Hall of Fame ”của tạp chí Advanced Materials
2019 - Thành viên của Trường
St John’s, Đại học Cambridge
2020 - Giải thưởng Xuất sắc
của UCSB về hướng dẫn cho Sinh viên làm nghiên cứu
2021 - Được chọn bởi tạp
chí Advanced Materials một trong những nữ khoa học xuất sắc trong ngành khoa học
Vật Liệu
2023 - Huân chương
của Wilhelm Exner, tôi là người Việt Nam đầu tiên được đề cử và nhận giải thưởng
cao quý có hơn 100 tuổi đời của Hiệp hội Thương mại Áo.
2023 - Thành
viên của Viện Hàn Lâm Quốc Gia Kỹ thuật học Hoa Kỳ (NAE)
Tháng 2 năm 2023, Tôi rất
vinh dự là một trong 124 thành viên được Viện Hàn Lâm Quốc Kỹ thuật Hoa Kỳ
(NAE, US National Academy of Engineering) kết nạp làm viện sĩ. NAE có 2420
thành viên người Mỹ và 319 người nước ngoài. NAE được thành lập vào năm sứ mệnh
thúc đẩy sự thịnh vượng của đất nước, thông qua việc thúc đẩy các nhóm ngành kỹ
thuật, đưa ra tư vấn chuyên môn cho chính phủ trong những vấn đề kỹ thuật và
công nghệ. 1964, với
Theo quy định của Viện
Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ, một đề cử ứng cử viên cho thành viên phải được
thực hiện bởi một thành viên của Học viện, với các tài liệu tham khảo hỗ trợ từ
ba thành viên khác. Sau đó, hồ sơ của một ứng viên mới sẽ do chính các viện sĩ
hiện tại đánh giá và bỏ phiếu. Để được kết nạp, ứng viên cần chứng tỏ khả năng
lãnh đạo, không chỉ nghiên cứu và dạy học trong phạm vi tổ chức của mình mà còn
phải đóng góp cho xã hội, cộng đồng khoa học trong và ngoài nước.
Thú thật là tôi cũng chưa
từng mơ ước hay tưởng tượng được rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành viện sỹ
của Viện Hàn Lâm Quốc Gia Kỹ thuật học Hoa Kỳ.
Tôi vô cùng vinh dự bởi
vì đó là một trong những sự công nhận cao nhất từ đồng nghiệp và đây cũng là sự
ghi nhận cho nhiều năm lao động sáng tạo và cống hiến của mình và nhóm nghiên cứu
của mình trong lĩnh vực khoa học. Nói chung là tôi không thể làm việc này một
mình được mà có cả một nhóm nghiên cứu của tôi, những sinh viên, tiến sĩ và cộng
tác viên đã làm việc chung với tôi. Ở cấp độ cá nhân thì không có từ ngữ nào có
diễn tả được cảm giác của tôi trước sự công nhận này bởi vì tôi đã vượt qua nhiều
thử thách và khó khăn trong cuộc sống và việc làm để có thể có ngày hôm nay.
Tôi không chỉ hoàn thành
ước mơ của riêng bản thân mình mà còn là cho cả mẹ tôi nữa, cho cả những người
phụ nữ Việt Nam và phụ nữ trên thế giới vì những giấc mơ của họ bị tan vỡ vì những
thử thách trong cuộc sống và lo toan cho gia đình họ. Như mẹ tôi từng ước mơ được
học đại học và được trở thành nữ bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của thành phố Buôn
Ma Thuột, nhưng rồi mẹ tôi kết hôn năm 18 tuổi rồi sau đó có năm đứa con nên
thành thử ước mơ của mẹ tan thành mây khói. Đằng sau sự thành công này có rất
nhiều nước mắt nhưng “có công mài sắt có ngày nên kim”.
Hoạt động nghiệp vụ
:
Từ năm 2018, tôi là Giám
đốc Trung tâm Polyme và Chất rắn Hữu cơ (CPOS) tại UCSB. CPOS được thành lập
vào năm 1982 bởi người đoạt giải Nobel Alan Heeger. Mục tiêu của trung tâm là
thúc đẩy các hoạt động giáo dục và nghiên cứu trên toàn cầu, tạo điều kiện hợp
tác quốc tế, đào tạo thế hệ các nhà khoa học và kỹ sư tiếp theo có kỹ năng lãnh
đạo quốc tế trong nghiên cứu Vật liệu.
Năm 2020, tôi giúp thành
lập Quỹ VinFuture được trao hàng năm cho những nhà khoa học và nhà sáng chế
trên toàn cầu, có những thành tựu đột phá. Ngoài công việc giảng dạy và nghiên
cứu, Tôi nỗ lực đóng góp cho cộng đồng khoa học toàn cầu. Tôi từng là thành
viên của nhiều ủy ban khác nhau : biên tâp viên khoa học của Materials Horizons
10 năm (Hiệp hội Hóa học Hoàng gia, RSC), thành viên ban cố vấn cho nhiều tạp
chí khoa học, giúp tổ chức 29 hội nghị và hội thảo quốc tế.
Lời khuyên cho các
bạn trẻ, nhất là phụ nữ
Tôi có một số lời khuyên
cho bạn trẻ, là hãy có niềm tin vào bản thân. Khi bạn có ước mơ, hãy biến nó
thành sự thật, đừng để mọi người làm bạn thay đổi ý kiến và từ bỏ ước mơ của
mình. Khi bạn vấp ngã trong cuộc đời, có thể khóc một vài ngày nhưng sau đó suy
nghĩ nguyên do mình vấp ngã để biến sự vấp ngã thành một kinh nghiệm sống. Bạn
cần phải có trách nhiệm với chính bản thân, hành động và cuộc đời mình. Điều
quan trọng là phải rèn luyện trí óc của bạn để trở nên mạnh mẽ hơn. Đừng ngại
nhờ mọi người giúp đỡ khi bạn cần sự giúp đỡ. Không có quy tắc nào viết rằng bạn
phải hành động một mình. Không phải tất cả những người bạn hỏi sẽ giúp bạn
nhưng luôn có một số người sẽ làm giúp bạn. Luôn học hỏi từ những người khác.
Ông Bà mình có câu “người khôn là người biết nghe”!...
https://www.diendan.org/viet-nam/tu-ngoi-lang-phuoc-lam-toi-vien-han-lam-nae/khtq.jpg
Nguyễn Thục Quyên (phải) và Vũ Kim Hạnh (trái), 8.6.2023
Phương châm sống của tôi
là mình chỉ có một cuộc đời để sống nên hãy sống thật tốt và thật ý nghĩa, mình
có thể làm gì để giúp đỡ người khác và có ích cho xã hội, hãy làm những gì bạn
yêu thích, trân trọng những gì bạn có và đừng quên tận hưởng vẻ đẹp xung quanh
bạn, tử tế và tôn trọng những người xung quanh, đối xử với mọi người theo cách
bạn muốn được đối xử, yêu mến, quý trọng và dành thời gian cho gia đình của bạn.
Tôi xin cảm ơn quý khán
giả đã bỏ thời giờ để nghe lời chia sẻ của tôi hôm nay.
Nguyễn Thục Quyên
NGUỒN : Bài
phát biểu tại Hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân ”
tại Collège de France ngày 8.6.2023, tác giả cho phép Diễn Đàn công bố
(23.6.2023).
No comments:
Post a Comment