Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Những người
đang đại diện xứ này trên trường quốc tế đã bao lần bỏ phiếu trắng, hầu như ai
cũng biết cả rồi, không cần nhắc lại.
Nhà kia có
hai đứa con trai. Ông bố là người cẩn thận nên làm gì đều hỏi ý kiến con. Việc
nào cũng vậy, hỏi thằng lớn, nó ậm ừ rồi bảo tùy bố, bố muốn làm thế nào cũng
được, con chả ý kiến ý cò. Hỏi thằng bé, nó luôn nghĩ ngợi đôi chút rồi đề nghị
bố phải làm thế này thế này, có lúc còn cãi lại chê bố sai. Ông bố ban đầu hơi
phật ý, thậm chí còn mắng nó mày chỉ giỏi lý sự, dám cãi bố, chả như anh mày
ngoan, tao làm gì cũng gật. Khi sắp về với ông bà, ông gọi cả hai đứa lại, nói
rành rọt của cải tài sản nhà này bố trao hết cho thằng bé, đâu ra đấy, rõ ràng
đúng sai, chứ vào tay cu nhớn ba phải thì đội nón đi hết.
Nhớ chuyện
xưa bởi ngẫm chuyện nay. Liên Hợp Quốc quá rành chuyện Việt Nam bỏ phiếu trắng,
chả biết vừa rồi ông tổng thư ký qua chơi có nhắc nhở gì không. Mà nhắc cũng chả
xi nhê gì. Những anh chống và trắng hầu
hết đều dị ứng với giá trị chung của nhân loại.
Thường với
mỗi điều gì đó trong đời sống, chỉ xảy ra hai trường hợp: đồng ý hoặc không đồng
ý, nhất trí hoặc phản đối, tán đồng hoặc bác bỏ. Có rõ ràng như vậy mới tỏ được
cái trí lự, tính cách, bản lĩnh, uy tín, sự độc lập của mình. Không có cái kiểu ỡm ờ như gái lầu xanh
chài mồi khách.
Ngày trước,
tôi để ý, VN ta trên trường quốc tế cứ mỗi lần gặp vấn đề gì hơi phức tạp một
tí, hoặc chạm “nọc” xứ mình là bỏ phiếu trắng. Giới cầm quyền tự khen nhau khôn
ngoan không dại khờ như đám bộc tuệch ruột ngựa, chả để mất lòng ai. Họ bảo đó
là trí tuệ của người cộng sản, là thắng lợi vẻ vang trên trường quốc tế, được
đúc rút bằng hình ảnh cây tre. Tre kiểu 10B chứ không phải tre Thép Mới.
Nói gì thì
nói, phải chỉ thẳng ra rằng phiếu trắng chỉ có ở những anh ba phải, nửa vời, mười
rằm cũng ư mười tư cũng gật, không hề có chút chủ kiến gì. Nếu bảo rằng khôn
thì đó là thứ khôn lỏi, trẻ ranh, vặt vãnh, trí trá, tạm bợ. Phiếu trắng thể hiện
lối sống dựa dẫm, chỉ thích nhờ cậy, quen lợi dụng người khác. Kẻ thích dùng
phiếu trắng có thể ví như cây tầm gửi, không rễ bám xuống đất hút nước, không
vươn được cành xanh tự đón nắng trời, khi chủ vườn phát hiện ra chặt một nhát
dao ngắt đường ăn bám thì toi đời.
Thực ra,
phiếu trắng có thể lúc nào đó cũng phát huy tác dụng, chẳng hạn lấy được lòng kẻ
này người khác, che giấu nhất thời được bản thân, tránh sự chú ý quá đáng đến
mình nhất là khi mình dở xấu. Nhưng xét cho cùng, thứ chi cũng có mặt trái của
nó, huống hồ thói ba phải, láu cá, khôn lỏi.
Cứ tránh
mãi, không dám thể hiện, không dám nhìn thẳng vào thực tế, cứ lôi thôi lửng lơ
giữa đôi dòng nước, bơi chả dám bơi, vượt chả dám vượt, thế nào cũng chết chìm.
Điều tai hại đầu tiên là lúc mình có chuyện, mình lâm sự, có kêu gào mấy, hô
hoán làng nước, bớ làng nước ơi cứu tôi với… cũng chả ai quan tâm. Mình đã dửng
dưng với mọi sự thì mình cũng đừng đòi hỏi người khác phải coi trọng, tôn trọng
mình. Mình đã không tin cậy ai thì sẽ không được ai tin cậy. Phiếu trắng là bằng chứng hiển nhiên để ghi
vào lý lịch nhân loại về mấy anh láu cá, vô trách nhiệm.
Phiếu trắng
thường đồng nghĩa với trắng tay. Chả biết họ có tỉnh thức mà tu lại cho đúng đường
chính quả.
Thông cào
.
.
" Khôn ngoan không dám làm người"(Lê Đạt) là
như thế.
No comments:
Post a Comment